(bạn
có thể thấy hình H-34 đáp 1 bánh xe trên 1 tảng
đá của đỉnh núi Đèo BanKarai, đường 559 ở trang 133, “The New Legion”,
Volume-I)
Những tia nắng cuối cùng
yếu ớt đang tỏa xuống từ bên kia biên-giới Lào-Việt, căng-thẳng thần kinh, mở
mắt to, Tôi đang ghì tay lái bay là sát trên ngọn cây, vừa phải giữ tốc độ, vừa
phải o-bế dưỡng bộ-phận máy đang nổ đều-đều dưới bốn cánh quạt uyển chuyển
nhưng cứng rắn, quay tít tạo nên âm-thanh dễ ru-ngủ người Phi-công Biệt-kích.
Nhưng làm sao ngủ được… phải dựng tóc gáy lên vì chút nữa đây sẽ có nhiều biến
chuyển bất trắc xảy ra!
Bay “Kạ-Càng” trên ngọn
cây như vậy đã tám phút trôi qua rồi, làm sao phi-cơ địch biết được giờ nầy có
chiếc Trực-thăng không cờ, không số, màu ngụy trang lá rừng đang tiến về hướng
đĩnh núi Coroc. Bay sát trên ngọn cây nhìn nó giống như cái chòi canh khổng-lồ
của Lào-quốc nhìn chòng-chọc sang Việt-Nam với những sườn đá vôi dốc đứng, trên
cao độ hơn ba ngàn bộ với đĩnh chiều dọc ba dặm trải dài chín mươi dặm đến tận
chân đèo Mụ-Già.
Tôi phải tính cách nào đây
khi thả Toán Strata nầy vào bãi đáp thì trong giây lát màn đêm phải hoàn-toàn
bao phủ, có như vậy mới bảo-đảm được cuộc thâm-nhập tuyệt đối bí-mật cho toán
Strata nầy có nhiệm vụ thám sát đường mòn Hồ-Chí-Minh, tuyệt đối tránh đụng độ
với địch, báo cáo mọi hoạt động trên đường mòn, Binh trạm, Trạm truyền tin,
Bệnh xá, Công xưởng, tuyến đưòng xe vận-tải Molotova, Bải-đậu, nều cần bắt sống
tù-binh đi lẻ-tẽ và gọi Trực-thăng bốc ngay. Toán làm việc ngắn ngày, thời hạn
từ mười ngày đến tối đa là hai mươi ngày là bốc về ngay.
Bỗng một cơn gió cuốn
giật mạnh con tàu rơi xuống sát ngọn cây, tôi vội-vàng kéo lên, thì cũng trong
tít-tắc Phi cơ thoát qua khỏi một cây khô cao lớn nằm chơi vơi giữa đám rừng
chồi, thật hú-hồn, hú-vía vì ánh nắng chiều chói mắt… Đã tới điểm chuẩn núi
Coroc, tôi bắt đầu bay sát phía cạnh sườn núi tiến về hướng Bắc đèo Ban-Karai,
mừng thầm dãy Trưòng-Sơn phía bên nầy trời nắng tốt, nhưng một nữa bên phía
Đông Trường-Sơn mây bao phủ dày-đặc, như vậy là bên kia đang bị mưa giông.
Mới vừa hôm qua đang
du hý ở Vũ-Trường Baccarat, thì được lệnh ngày mai phải có mặt ở Khe-Sanh trước
mặt trời lặn; Hí-hửng tưởng bở tôi gọi điện thoại cho Thiếu-tá Chỉ-huy-Trưởng:
“Thưa Thiếu-tá… trời đang
bão lớn, Phi-trường Nha-Trang ngập nước, tất cả Phi-cơ không được phép đáp,
điều kiện thời tiết QGO (về không-lưu ám hiệu cấm đáp, cấm bay).
“Ối ziời, trời thanh mây
tạnh gió mát trăng thanh thì còn con Mẹ gì gọi là yếu tố bất ngờ”.
“Moa muốn Toa có mặt ở
Khe-Sanh ngày mai càng sớm càng tốt, trước khi mặt trời lặn”.
Thế rồi phía bên kia một
tiếng cụp tắt máy khô-khan lạnh-lùng, đổi lại phía bên nầy một sự nực-nội khó
tả. Thôi tôi phải gác qua sự vui chơi đi, không thi hành mệnh-lệnh thì bỏ Mẹ
ngay.
Nhìn qua bên phải, phía
Bắc vùng phi-quân sự… trống trơn không có dấu vết gì về sự hoạt động của con
người, không đường-sá, không làng-mạc, không có dấu vết gì gọi là điểm chuẩn để
định hướng cho Phi-công nhờ, chỉ có những đồi Cỏ Voi nằm thoai thoải dính vào
nhau với cao-độ một ngàn năm trăm bộ như những trứng bể úp vào nhau quây quanh
bởi những con suối cạn chằng-chịt như ổ Nhện.
Tôi đang bay sát cạnh
sườn núi, trên một thung-lủng thật hẹp mà trước đây Toán Strata đã bắt sống
được một tù-binh Nguyễn-Tương-Lai-Lai là một Sĩ-quan đặc trách về đường mòn
559, anh cho biết đoạn đường dọc theo suối dưới nầy xuôi về Nam-Lào là con
đường thoai-thoải nhỏ vừa đủ để xe đạp Thồ mà thôi, nó cũng là một nhánh nhỏ
của hệ-thống đường mòn Hồ-Chí-Minh chạy dọc xuống Nam-Lào, đặc biệt nó là đường
mòn tương đối bí-mật nhất, Phi-cơ không thể nào phát hiện dưới lùm cây ba tầng,
vô cùng rậm-rạp nầy, không có ánh nắng nào có thễ chui đến mặt đất.
Một chiếc xe-đạp Thồ có
thể mang nổi trên hai trăm Kilô quân dụng đạn dược, thồ từ trạm nầy đến trạm
kia xong lại đem xe không về trạm cũ để tiếp-tục thồ lại chuyến khác, đôi khi
phải thồ luôn cả ban đêm. Tuyến đường xe thồ nầy hoàn toàn được giữ bí mật kể
cả quân đội Bắc-Việt cũng không thể biết chĩ trừ toán khuân vác xe thồ là thông
thạo.
Ánh nắng chiều bên trái
tôi, đang thoi-thóp yếu dần không đủ cho tôi thấy nỗi những cây cao trơ-trọi
không cành, lá đang bay ngược lại trước mặt tôi, hoảng-hốt kéo cần lái vút lên
không biết bao nhiêu lần; Là phi-công tình báo gián điệp, tôi rất thông-thạo
vùng biên-giới Lào-Việt nầy. Nếu bay cao, hiểm-họa bị bắn rớt sẽ không lường
được. Theo tin-tức của trạm tiền-phương Đoàn chuyên vận 559 nơi đây có hai Tiểu
đoàn phòng không bảo vệ cung che chở hổ tương bởi Trung đoàn 24B/Sư đoàn 304
BV.
Nỗi lo-lắng bồn-chồn khi
tôi nhìn thấy đồng-hồ xăng báo hiệu chỉ còn một bình xăng trước mà thôi, như
vậy là tôi còn bay được tối đa là một giờ mười lăm phút. Vì lý-do phải đáp trên
đĩnh núi với sức nặng tối đa, nên tôi đã tự quyết định, chỉ đổ hai bình xăng để
nhẹ-nhàng dễ xoay-xở vào lúc đáp trên cao-độ với áp xuất bất lợi vào một ngày
nắng oi-ã bên Lào.
Trước mắt tôi là đèo
Bankarai, tôi bắt đầu dùng sức máy đem Phi-cơ qua khỏi ngọn núi bên kia đèo để
khi đáp xuống thì quân Bắc-Việt sẽ không biết gì cả.
Vài sợi nắng vàng còn
động lại bên bờ Tây, tầm nhìn xa bắt đầu thâu ngắn lại, tôi bảo Chuẩn úy Huệ
tạm giữ tay lái, trong khi tôi đạp kéo cần thắng bánh đáp; Nhanh như cắt, chiếc
H-34 chúi đầu xoay tròn như một giọt nước khổng-lồ từ không-trung tuôn xuống…tôi
bất chợt giữ đứng khựng lại ‘quick-stop’như con chim gõ-kiến: Càng bánh xe bên
phải đang gác lên một tảng đá rong rêu trơn trợt, trong khi càng đáp bên trái
và bánh đuôi đang lủng-lẳng ngoài không gian, run-rinh theo cơn gió xoấy,
một…hai… rồi năm, sáu giây … Toán trưởng Strata Ðèo Văn Ðức nhãy sau chót đang
cùng năm toán viên khác ôm chầm lấy nhau cho khỏi rơi xuống vực thẳm.
“Thật là một sự thâm-nhập
ngoạn mục và bí-mật vô cùng!”
Tôi cất cánh chúi
mũi…chúi mũi lấy tốc lực, phải nhẹ-nhàng tay lái. Tiếc-kiệm xăng tối đa, tôi
rán giữ cao độ ba ngàn bộ không lên không xuống, với cao độ nầy tương-đối là
an-toàn lướt qua những dãy núi trước mặt và vùng phụ cận hai bên.
Bây giờ màn đêm hoàn-toàn
bao phủ, ở vùng núi màn đêm thường ập tối nhanh hơn ở vùng đồng bằng; Tôi vặn
đèn hồng nơi phòng lái điều chỉnh vừa đủ sáng để khỏi mau mỏi mắt theo như sách
nhà trường đã dạy. Bay phi-cụ là phải hoàn-toàn tin-tưởng vào.
Bây giờ nỗi băn-khoăn ám-ảnh
về số xăng có còn đủ về tới Khe-Sanh hay không, nếu không thì phải đáp ở đâu?
Dưới đây vẫn còn trên vĩ-tuyến 17, ánh đèn hồng và những nét chữ, số lăn-tinh
cứ quay cuồng theo ánh mắt liếc nhìn qua lại không dứt của tôi, khổ nỗi
liên-tục ám-ảnh số xăng còn lại cứ xoáy tròn trong óc
“Phải chi đổ đầy ba bình
thì bây giờ mình bớt lo…”
Cứ lẩm-bẩm mãi trong
miệng như người điên!
“Nhưng đổ xăng đầy thì
sức máy làm sao chịu nỗi khi phải đáp trên đĩnh núi cheo-leo kia”
Vừa nghĩ đến đây, trước
mắt tôi đen kịch, bỗng chớp sáng lóe trong giây lát rồi tắt lịm để lại một màu
đen rợn người. Có tiếng mưa rào-rạt trước mặt kiếng, coi chừng đám mây hình cái
đe, cumulonimbus mà mình vừa phát hiện đám mưa giông khi nãy, nếu máy
trục-trặc, dưới đây là dãy Trường-Sơn vẫn còn trên vùng địch, làm sao đáp được
an-toàn khi máy mất năng xuất, nhất là lúc đêm tối như mực thế nầy. Phía dưới
bên phải, Trường-Sơn Tây, theo không ảnh từ U2 chụp được Bắc-Việt đã mở một con
đường mòn dài chín trăm cậy số từ đèo Mụ-Già đến Benhet để xử dụng vào mùa gió
Bấc, vì Trường-Sơn Đông bất khả dụng, nước đỗ như thác, suốt ngày xoáy cuốn,
mọi sinh hoạt đều phải đình động không xoay-xở xê-dịch được.
Phi-cơ bắt đầu lắc mạnh
như sắp chui vào đám mây, làm sao biết được trước mắt mình có gì ngoài một màu
đen dễ sợ, dẫu sao, bất cứ giá nào mình cũng phải kềm giữ cao độ nầy, không thể
đổi hướng qua trái hay phải, vì phải tiết kiệm xăng tối đa. Xuống thì không
được rồi, vì sợ đụng vào núi, mà leo lên thì càng không được, vì dùng sức máy
tốn nhiều xăng, đỗi hướng qua lại nhiều lần càng bất lợi vì tăng thêm phút bay.
Xa-xa có ánh sáng chớp
lóe rồi vụt tắt, phản ảnh cùng lúc trong nón bay tôi nghe được cùng lúc với ánh
chớp, những âm thanh parasite “Chiez…iez” của điện từ.
Tiếng máy gầm thét nổ to
bất thường dội ngược vào buồn lái, phi-cơ như bị hút cuốn vào đám mây dày-đặc
giữ kín âm thanh không cho thoát ra ngoài, ngọn lửa nơi ống thoát màu xanh rồi
vàng đỏ, phun ra to rồi nhỏ lại theo vòng máy bị vùi dập trong cơn gió xoáy
nhắc tung bốc lên…kéo trì xuống, phi cơ rùn mình kêu răng-rắc, có lúc Phi-cơ
như muốn quay ngang, cánh quạt lớn dường như không muốn ở lại với chủ, cánh
quạt đuôi cứ dùng-dằng không biết ở hay đi.
Con người chớ thánh-thần
sao mà không hồi-hộp, lo-sợ, rồi một cái chớp sáng lóe cả phòng lái, tôi không
còn tâm-trí đâu nữa mà nghe tiếng sét, phản xạ trong nón bay, cánh quạt chặt
vào nước nặng-nề như muốn giảm bớt vòng quay, có phải khối nước đang vây chặt
vào thân tàu? Phi-cơ bị nhồi lên cao… cao nhẹ cả người… rồi giật mạnh xuống
quay phải… như muốn quay đầu lại, chịu thua khối nước độc-ác trước mặt; Những
cảm giác dính chặt vào ghế lái cũng như thót ruột không còn trong tâm-trí của
tôi nữa, áp lực máu đang dồn lên nơi đầu, trán quá nhiều đến độ tôi cảm thấy
khô môi, đắng miệng, khô cổ, mặc cho nước mưa thấm vào mặt, sức nóng rồi lạnh
vô chừng làm tôi càng thêm choáng-váng. Cố kềm giữ hướng 160 độ! Cao độ ba ngàn
bộ, có phải con tàu quá cũ, nên nước đã chui được vào phòng lái, áo bay ướt
đẩm, tôi cảm thấy lạnh ớn xương sống, cứ mỗi lần gió đập mạnh, thân phi-cơ
run-rẫy lại phải nhẹ-nhàng nương theo làn gió, không dám dùng những động tác
mạnh bạo sửa cưởng lại, vì sợ phi-cơ nỗi giận ho to thì nguy. Tôi đang chui vào
đám mây giông tăng trưởng với nhiều hiện tượng đổi hình dạng theo chiều đứng “Cumulonimbus”.
Tự nhủ “Hãy bình tỉnh”
dán mắt vào những phi-cụ chính, vì những đồng-hồ con quây gyro khác đã bị điện
từ đám mây giông phát ra làm sai lạc, quay tít như chân trời giả, con quay
phương hướng …rất nhiều đồng-hồ bất khả dụng, nếu tin vào chúng nó, thì chết
ngay, mắt tôi đảo lia về những đồng-hồ ít sai lạc để định hướng bay 160 độ,
đồng-hồ thăng-bằng và kim định hướng, nhưng phải liếc mắt vào đồng-hồ tốc độ,
coi chừng bị trượt nâng ở tốc độ nhanh thì không còn cứu vãn được. Với Phi-cơ
có cánh, tốc lực nhanh thì tốt, chậm quá thì sẽ bị ‘trượt-nâng’, còn với
Trực-thăng, nhanh cũng bị stall mà chậm cũng bị trượt nâng (blade-stall) Tôi
đang hối hặn, tại sao đang bay phi cơ có cánh ngon lành mà đổi chi qua cái phi
cơ cối xây nầy thật là nghiệp chướng, nhức đầu nhức óc quá! Hèn chi phi-công
USAF, Không Quân Anh, Pháp … muốn bay trực thăng điều kiện tiên quyết phải là
phi công có cánh trước đã, rồi mới được tuyển chọn chuyễn qua bay trực thăng;
Tuổi trẻ háo thắng nghe ‘ngầu quá’ nên bây giờ phải chịu hậu quả, ôi cũng số
ham chịu-chơi giờ nầy mới té đái.
“Tôi đang run vì lạnh hay
quá sợ hãi?”
Tiếng máy nổ gần như bình
thường, con tàu bắt đầu giảm độ lắc, hy vọng ra khỏi được đám mây! Nhưng làm
sao thấy được gì trong đêm tối, Tôi định-thần lang tai nhận định tiếng
“Chiez…iez…” nghe được trong nón bay, nhưng không thấy ánh sáng chớp lóe trước
mặt… “An-tâm đám mây giông đang ở sau lưng mình?”
Vừa hết lo sợ ở trong đám
mây thì lại ám-ảnh về vấn đề số xăng còn lại trong bình bao nhiêu; Có đủ về đến
nhà không! Phải quyết định ngay, không thể về Khe-Sanh vì vẫn còn ở trong đám
mây chưa thấy được gì ở dưới đất dù là một đóm lửa thật nhỏ, cũng làm cho sắc
mặt mình được tươi, hồng-hào ra.
Tôi quyết định về
phi-trường Ðồng-Hà đổ xăng, vẫn giữ ba ngàn bộ đổi hướng 145 độ, nếu chẳng may
có trục-trặc mình ở vùng đồng bằng cũng bớt đi sự nguy-hiểm, vặn đài Huế để
nghe cho bớt căng-thẳng thần-kinh và cũng định-hướng bằng ADF luôn. Sự thật,
đang lùng-bùng lỗ tai, tâm trí còn đâu nữa mà nghe đài, chỉ mong vào hướng phát
tuyến của đài mà định hướng thôi.
Bỗng Chuan-uy Huệ la lớn
lên trong nón bay, tôi giật nẩy người “Thấy lỗ rồi”
Ý của Huệ muốn tôi chui
xuống dưới đám mây đi.
Kinh nghiệm về thời tiết,
ban ngày mà chui xuống lỗ trống của đám mây cũng không phải là dễ, Tôi tự nhũ
thầm: Ngày mai có cơ-hội tôi sẽ dẫn giải cho Huệ về điểm nầy, Phi-Công
Biệt-Kích từ khi thành lập đến nay có đến hầu như 100% mất tích vì thời tiết
xấu, chưa có anh em nào bị bắn rơi, hoặc chết vì trúng đạn thù cã. Tối mai tôi
sẽ check out final test Trưởng phi cơ cho Huệ lần chót là autorotation ban đêm
với ánh sáng trăng 30% bắt buộc không được xữ dụng landing light để touch down.
Trực-thăng là phi-cơ không có cánh thăng-bằng, nhiều bộ phận quay tích dễ tạo
ra điều kiện ảo-giác “Vertigo” và nhất là xử dụng các động tác thô bạo không
thích hợp với cơ-học phi-hành chỉ gây thêm nguy-hiểm không thể cứu gở được như
phi cơ có cánh thăng bằng.
Hướng 145 độ, cao độ vẫn
ba ngàn bộ, quả thật không bao lâu phi-cơ ra khỏi đám mây trước mắt, bên trái
là Đông-Hà, Ái-Tử đèn-đóm chi-chít, chệch bên phải là Gió-Linh, Mai-Lộc
Tôi lại đổi ý về lại
Khe-Sanh ngủ cho yên giấc và cũng là hoàn tất công-tác .
Bay một vòng trên Quận
Hương-Hóa, tôi biết chắc một chiếc xe Jeep, một xe Dodge 4/4 đang rọi đèn cho
tôi dáp.
Ánh đèn rọi trên
Trực-thăng xuống chưa bao giờ sáng tỏ như hôm nay.
Tôi vội-vã chạy vào tăng
lều rửa mặt, nhìn vào kiếng đã thấy mình già đi hơn mười tuổi, cái trò chơi
dựng tóc gáy nầy… khỏi cần phải coi tướng số tôi cũng biết, có lẽ không bao lâu
mình sẽ không còn tóc mà chải đầu cho vui với người ta nữa.
Chúng tôi bát bộ đi ăn,
Quận Hương-Hóa là một quận lỵ rất nhỏ, dân cư rất thưa thớt chỉ có một con
đường duy nhất là Quốc-lộ 9 đi sang Lào, về sau vấn đề an-ninh nên Chính-phủ
Ngô-Đình-Diệm đã xóa sổ trong bản đồ và để lại cái tên là Khe-Sanh đồi núi.
Nhà cửa san-sát hai bên
đường Quốc-lộ 9, người dân ở đây phần đông làm nghề, gặt hái Café của một
đồn-điền người Pháp nhưng đã bỏ hoang từ lâu không còn khai-thác vì chiến
tranh. Một quán nhỏ duy-nhất mọc ở đây, lợp bằng Tôn vách ván; William Colby,
Thiếu-Tá Trần Khắc Kính, Đại-úy Phú (sau nầy trở nên Tư lệnh SÐ-1 và Quân
đoàn-2), Ðại-úy Thơm, và Đại-úy Bác-sĩ Trí đã có mặt ở đây tự hồi nào rồi.
Chúng tôi ăn cơm với món
Gà xào Xả-ớt rất cay cùng uống một loại rượu mạnh mà là khẩu vị của Thiếu-Tá
Kính: Scotland Black and White hình con Mèo trắng và đen.
Mọi người đều mặc một bộ
đồ bà ba đen bằng vải tốt nhưng may tại Okinawa xem chẳng giống anh nhà nông tý
nào. Riêng Ðại úy Phạm Văn Phú thì hơi giống nhà nông, vì giáng người roi roi
khắc khổ, con người óm nhom, với luôn luôn cầm điếu thuốc lá nặng độ trên tay
với vết hằng nhựa thuốc dính khăp noi đầu ngón.
Khi màn đêm buông xuống. Ánh đèn bao hiu
hắt. Tiếng hát ai bỗng ngừng lại… Như hàng cây kia vẫn... Ngóng đợi từng cơn
gió. Thoang thoảng qua đây. Khi màn đêm buông xuống. Tôi ngồi ôm thương nhớ dỏi
cánh chim về trong thắp thổm bồn chồn của người em gái hậu phương lại nối tiếp
“…Buồn vào hôn không tên tức giấc nữa đêm …nhớ chuyện xưa vào đời… QUEENBEE-1
No comments:
Post a Comment