Tuesday, December 26, 2023

Phi vụ Gunship sau cùng trên đồi 31 Hạ Lào - Hành quân Lam Sơn (đoạn cuối).

 

Sau này tôi mới nghĩ thêm một lý do khác để giải thích tại sao VC đã không có ý bắn chiếc gunship của anh Thục và Tôi trên vùng Đồi 31 ngày ấy? Rất tiếc anh Thục đã mất nên anh em không có dịp cùng nhau mổ xẻ lại chuyện xưa.
Tôi còn nhớ rất rõ, hôm ấy anh Thục mặc bộ đồ bay Nomex màu cứt ngựa hơi vàng vàng của US Marine Pilot, với cái áo Jacket da mầu nâu của US Navy Pilot mà anh hay mặc, và mang đôi giầy “boot” da màu đỏ lờn lợt. Anh cũng đội thêm chiếc nón rừng “rằn ri” của binh chủng Biệt Kích hay Nhảy Dù. Với vóc dáng kếch xù đồ sộ của anh cùng với nước da ngăm đen, râu ria rậm rạp, nếu Việt Cộng có dùng telescope mà quan sát, thì chúng cũng sẽ lầm tưởng anh là một phi công Mỹ, lai Đen hoặc gốc Mễ. Có lẽ vì thế mà chúng đã buông tha không dám bắn, vì không muốn cho Mỹ (US Air Force) có lý do để can thiệp làm hư hỏng kế hoạch sắp tấn công của chúng.
Chúng tôi đã bay lòng vòng “low level” trên mục tiêu suốt cả nửa giờ, ngay trong tầm súng AK nhưng chúng vẫn không hề bắn lên một viên, mà chỉ muốn triệt hạ 2 chiếc H-34 của anh Giang và anh Bửu. Thực sự phải có một lý do đặc biệt nào đó? Hay là lúc ấy chúng đã thắt chặt vòng vây quanh đồi [31] nên không muốn bị lộ tẩy làm hư kế hoạch tấn công? Và nếu sức hút của khoảng “vacuum”, do tiếng nổ mà chúng tôi gặp phải, cũng chính là họng súng pháo kích lên chiếc H-34 thứ nhì, thì điều ấy chứng tỏ quân BV đã tiến rất sát chân đồi mà Bộ Chỉ Huy vẫn chưa hay biết gì; cũng như chúng tôi đang bay ngay trên miệng súng mà may mắn được chúng buông tha.
Sau cuộc hành quân 719, Tôi không còn mấy tin tưởng vào hỏa lực của gunships và những trái rockets. Sức công phá của rocket trên vùng rừng núi Hạ Lào chỉ tạo được một cụm khói tí hon, như nhúm bếp vừa le lói khỏi tầm ngọn cây đã hòa tan theo làn gió. Sau khi ra hoa tiêu chánh [HTC], tôi xin trở về với nghiệp bay slicks. Với tôi, đời “Slicks” nguy hiểm nhưng thú vị hơn! Trực thăng khó nhứt là đáp chứ không phải bay, nhứt là phải đáp sao cho an toàn trong những điều kiện éo le của chiến trường, của địa thế hiểm trở và thời tiết khó khăn. Sự thử thách càng cao thì thú vị càng nhiều, đó là cái thú bay “Slicks”. Mỗi phi vụ hoàn tất an toàn trở về, tự nó đã mang lại một chút cảm giác chiến thắng!
Tại vùng I chiến thuật, núi rừng dầy đặc, khó khăn hiểm trở. Mọi hoạt động hành quân đều nằm trong vùng núi. Trực thăng UH-1 là phương tiện duy nhất, bên cạnh các hoạt động quân sự của các đơn vị Bộ Binh. Trong đời bay trực thăng năm xưa, có thể do cơ may, nhưng cũng có thể vô tình, mà tôi đã tìm được thế bay nào đó, khả dĩ có thể tránh né hữu hiệu, nên rất ít khi bị bắn; làm tôi không tin, chiến trường VN, kể cả Hạ Lào và Kampuchea, lại có nhiều phòng không như các bạn pilots khác, thường diễn tả lại.
Thực tế tôi luôn đề phòng, lo sợ bãi đáp bị pháo kích nhiều hơn là sợ phòng không bắn rớt. Vũ khí phòng không là loại vũ khí cộng đồng, xoay sở chậm chạp và đòi hỏi phải có những xạ thủ chuyên môn, cần thiết cho chiến trường miền Bắc nhiều hơn ở miền Nam. Chắc chắn không thể được phân phát bừa bãi cho bọn du kích, ngoại trừ các mặt trận lớn với quân số cấp sư đoàn như trận Quảng Trị hay Bình Long – An Lộc nhưng cũng chỉ giói hạn trong một phạm vi nhỏ bé nào thôi.
Điều quan trọng là phải luôn nắm vững tình hình trước khi thi hành phi vụ, nghiên cứu kỹ càng các vị trí bạn và địch chung quanh bãi đáp. Do đó những phi hành đoàn chịu bay thường xuyên sẽ ít gặp nguy hiểm hơn những người lâu lâu mới đi bay. Tóm lại , không phải mọi nơi mọi lúc, chỗ nào cũng có phòng không dầy đặc như lưới lửa! Nào là 12ly7, nào là SA-7, 37 ly, 57 ly trực xạ… Tất cả có lẽ chỉ là những huyền thoại, được tô điểm thêm cho đậm màu sắc chiến tranh và chiến trường được hào hùng hơn mà thôi!
Chỉ có một lần, tôi được tận mắt chứng kiến những luồng tia lửa màu cam của SA-7 từ một ngọn núi ở phía Đông Bắc quận Ba -Tơ bắn theo chiếc trực thăng của Tr/tá Cao Q. Khôi, PĐT 213, vị niên trưởng khả ái của chúng tôi . Hôm ấy, anh Khôi từ hướng quận Mộ Đức bay vào để quan sát cuộc đổ quân vào Ba-Tơ/Quảng Ngãi. Vì là cuộc đổ quân quan trọng và nguy hiểm do hai phi đoàn 213 & 239 đưa một đơn vị thuộc Tr/đoàn 4, Sư đoàn 2/BB từ sân bay Đức Phổ vào giải tỏa cho quận lỵ Bato đang bị bao vây cả tuần lễ chưa chiếm lại được.
Có lẽ anh lo lắng cho các đàn em, vì trước đó mấy ngày, Phi Đoàn 239 đã phải hy sinh một phi hành đoàn của T/úy Hoàng Vũ & Toản. May mắn hôm ấy, anh Khôi bay cao và lẹ, phi cơ cũng đã được trang bị loại ống khói mới với kiểu cong lên trời, nên đạn chỉ bay xẹt qua đuôi, trước con mắt kinh hoàng của chúng tôi. Còn lúc ấy, có lẽ chính anh Khôi cũng không hề hay biết mình đang bị SA-7 dí theo!
Quận lỵ Ba Tơ nằm trong vùng thung lũng giữa 3 quận Minh Long – Ba Tơ – Gia Vực, bao bọc bởi ba mặt núi. Chỉ có hướng từ Gia Vực bay ra là vùng thung lũng khá rộng, đủ cho 2 hợp đoàn xoay sở trường hợp có bất trắc. Do đó, tôi mới chọn lấy hướng vô Gia Vực rồi bay ngược trở ra, dù đường bay có xa hơn mấy phút. Từ phi trường Đức Phổ, tôi lead 10 chiếc slicks, với 4 gunships hộ tống, bay xuống khu rừng rậm ở phía Nam, ngang qua tiền đồn Biệt Động Quân của Th/tá Dư, một LZ rất quen thuộc đối với các phi hành đoàn 213 trước đây. Từ đó, chúng tôi bắt đầu low level, băng rừng vào hướng West, tất cả bay theo hàng dọc cho dễ tránh né và khi đáp cũng đáp từng chiếc một. Bốn gunships theo sau, hộ tống hai bên.
Hai hợp đoàn vào tới sát chân núi mới quẹo phải, rồi ôm sát sườn núi phía Bắc, men theo đường thung lũng bay ngược trở ra Ba Tơ, vẫn với cao độ rất thấp. Không ngờ nhờ sự thay đổi ấy, vô tình [hay may mắn], đã vô hiệu hóa được các dàn hỏa tiễn SA-7, nếu có nhắm sẵn, từ dãy núi phía trước [East], chặn ngang Đức Phổ và Ba Tơ, mà chúng [VC] đã bắn lên phi cơ của Tr/tá Khôi, bây giờ sẽ không có tác dụng gì đối với chúng tôi; bởi vì SA-7 là loại vũ khí chỉ bắn theo đuôi chứ không có hiệu quả gì với thế trực xạ “diện đối diện”. Có lẽ nhờ vậy mà hai hợp đoàn, 10 slicks và 4 gunships, đã an toàn hoàn tất phi vụ, trở ra, không chiếc nào bị bắn! Phi vụ hôm ấy tôi còn nhớ có Đ/úy Nguyễn Như Huyền, Đ/úy Trần Văn Hòa bay các slicks số 2, số 3 theo sau, tàu của Tr/úy Trần Tâm Sơn báo cáo bị “chip detector” nên cho ở lại sân bay Đức Phổ standby!
Thường thường, phi trình “hành quân” của trực thăng, trong mỗi phi vụ, được coi là nguy hiểm, nhưng trên thực tế rất ngắn! Cái khoảng không gian mà anh em hay ám chỉ là “vào vùng”, chỉ nằm trong khoảng 1-2 miles cuối cùng gần bãi đáp, tức là trong vòng cận tiến mà thôi. Nếu chiến trường nào cũng đầy rẫy phòng không, thì trực thăng mới cất cánh lên đã bị bắn rớt hết! Mức độ nguy hiểm để bay từ tỉnh này đến tỉnh kia hầu như không có, nếu từ cấp tỉnh đến cấp quận, vùng nào nguy hiểm lắm có lẽ cũng không quá 1%. Tương tự các phi vụ bay từ cấp sư đoàn đến các trung đoàn thường là phi vụ liên lạc với mức nguy hiểm 0%.
Từ BCH trung đoàn đến BCH tiểu đoàn cũng tương đương như từ Tỉnh đến Quận. Vậy thì còn lại sự nguy hiểm chỉ ở những mục tiêu [Lz] cấp Đại đội hay Tiểu đội mà tầm hoạt động của họ thường không quá BCH /Tiểu Đoàn chừng 3 -5 miles là cùng. Nhiều bãi đáp vừa từ BCH cất cánh lên đã thấy Lz, khoảng cách ấy chính là phi trình thực sự của mỗi phi vụ trực thăng khi “vào vùng” hành quân mà mỗi phi công tùy theo kinh nghiệm chiến trường có thể tính toán cách – vô, đáp, cất cánh – sao cho an toàn. Trong bốn hướng vô ra, nhất định phải có một lối “safety” hơn! Khúc nguy hiểm nhất chính là lúc phi cơ chậm lại để vào “short final”, tức là trong vòng bán kính 1 mile cuối cùng quanh bãi đáp, hoặc lỡ bãi đáp bị pháo kích bất ngờ.
Các phi công Mỹ thường quá chú trọng đến yếu tố an toàn kỹ thuật, phải theo hướng gió, phải có trái khói đánh dấu bãi đáp v.v… Ngày xưa các phi vụ trực thăng vận còn thả pathfinders xuống trước, để ném trái khói và hướng dẫn phi cơ đáp tại chiến trường, nên trực thăng Mỹ bị rớt cũng nhiều. Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, trong vùng núi phía Tây tuyến phòng thủ Mỹ Chánh gần quận Phong Điền tỉnh Thừa Thiên, trực thăng Mỹ rớt ngổn ngang dưới các thung lũng, bên những dòng suối khô cạn, ngay cạnh chân đồn, các phi cơ vẫn còn nguyên vẹn hình hài. Nhưng có lẽ các pilots Mỹ lúc nào cũng coi trọng nguyên tắc “safety first!” nên bỏ chạy sớm?
Các phi công trực thăng Vietnam ở vùng núi, như Vùng I, không xa lạ gì với những thế đáp núi táo bạo, tùy theo điều kiện chiến trường đòi hỏi, bất chấp cả hướng gió ngược xuôi. Đáp núi không phải lúc nào cũng từ trên xuống mà nếu cần, có thể múc lên từ thế low level, bất ngờ đánh lừa địch, trong trường hợp bãi đáp đã được cảnh cáo đề phòng pháo kích… Muốn xuống mau, đáp lẹ và gọn, phải xoáy xuống [spiral approach] như cái phễu, với ít đường zig zag ngoạn mục, cho khỏi bị “overshoot” bãi đáp.
Đáp núi cần chính xác, không để bị “overshoot” nhưng cũng không thể “undershoot” và khi cất cánh cũng phải đề phòng bị “over torque” vì địa thế cao, thiếu sức nâng [up lift]. Gió núi càng lớn, nếu xuống càng lẹ sẽ bớt được ảnh hưởng của turbulance. Đâm đầu cắm mũi xuống bằng “cyclick”, phi cơ sẽ rớt mau lẹ hơn là chỉ với “collective down” như thế đáp thường lệ. Các bạn từ vùng trong khi mới đổi ra vùng núi, quen thế “normal approach”, tà tà vừa “flare” lại, vừa đẩy “collective down”; phi cơ đã không xuống còn tạo điều kiện cho gió càng bốc lên, không tài nào xuống núi nổi. Phi cơ cứ như diều gặp gió, lơ lửng mãi trên không trung.
Gặp bãi đáp lưng chừng 2/3 núi, chỉ có thể đáp và cất cánh cùng một hướng. Khi vào thì như nhắm núi mà đâm vô, nhưng lúc cất cánh ra, bắt buộc phải “hovering” lùi rồi lẹ làng cắm mũi xuống thung lũng mà “gain speed” [giả] cho mau kẻo bị “stalled “… Đó là những chiến thuật bay của pilot VN nằm ngoài sách vở huấn luyện ở trường bay. Tại chiến trường Iraq [2003], sau khi hàng loạt trực thăng bị bắn rớt, mãi tới năm 2007, mới nghe tin các phi công trực thăng Mỹ phải thay đổi chiến thuật bay để tránh né. Ngày xưa, tôi rất khâm phục tài năng của các phi công tải thương đêm/phi đoàn Cứu Tinh 257/SĐ IKQ. Càng hãnh diện hơn vì các anh đều xuất thân từ PĐ 213 qua như: Dương Tấn Long, Vũ Ô, Trần Long, Vũ Văn Hiền, Đỗ Quốc Hùng, Đặng Vũ Đăng … Đáp núi ban ngày đã khó thì ban đêm còn khó khăn gấp bội!
Đa số các phi vụ ở vùng núi chỉ có một bãi đáp, nên leader lúc nào cũng phải hy sinh một mình tìm cách lọt vô trước, nếu an toàn , sau đó mới đến lượt các wingman. Vai trò của leader trong mỗi phi vụ HQ rất quan trọng trong việc dẫn dắt hợp đoàn vào bãi đáp cho an toàn, nhất là đối với những bãi “Hot”. Nó đòi hỏi sự thông suốt về địa hình địa thế cũng như tình hình an ninh chung quanh bãi đáp và những phán đoán chính xác của leader. Sự tương quan giữa các vị trí bạn và địch cũng như một ván cờ, trong bốn hướng nhất định sẽ tìm được một lối ra vô “safety” hơn. Rất tiếc ngày xưa các phi hành đoàn thường bay theo sự hướng dẫn của “C&C” mà đa số là những sĩ quan tham mưu phi đoàn, lâu lâu mới có dịp ra vùng hành quân một lần, đâu có am hiểu tình hình chiến sự thay đổi mỗi ngày.
Niên trưởng Đ.V.A.H , một đàn anh hoa tiêu trực thăng ở Biên Hòa, diễn tả lại hình ảnh một phi vụ hành quân có “C&C” trong “Đêm chờ ngưng bắn, nhớ An Lộc” như sau:
…”Đạn bắn như mưa. Bắn cùng mọi phía. Bắn bằng đủ loại phòng không dữ tợn, hỏa tiễn tầm nhiệt, đại bác phòng không, súng cá nhân, 12 ly 7 phòng không chụp lại, trực xạ, đại bác nổ chụp, súng cối rót vào bãi đáp…”
…”Hợp đoàn 4 chiếc nối đuôi nhau bay hối hả vòng qua Minh Thạnh, vào bãi đáp B-15 từ hướng Tây Nam An Lộc, năm phút sau trận mưa bom B-52 cuối cùng vừa dứt…”
…”Đoàn trực thăng bay thấp lướt trên ngọn cây rừng theo lệnh “C&C” hướng dẫn : Hợp đoàn quẹo phải 10 độ . Đi thẳng! Chiếc số 3 bay nhanh một chút! OK đi thẳng… Bãi đáp 12 giờ, còn 3 trăm thước… Giảm airspeed!… Coi chừng! Coi chừng nó bắn phòng không bên trái!…”.
“Tôi nín thở. Hợp đoàn đã đến gần bãi đáp nhưng trước cả tiếng la coi chừng hốt hoảng của chiếc phi cơ chỉ huy. Tôi thấy điểm sáng dưới lòng một hố bom bay loáng lóe lên cao như chớp kính… Ô quẹo phải! Hợp đoàn quẹo phải!… Chiếc số 2 rớt rồi!… Số 3 nhanh lên! Lead quẹo phải 90 độ!… Bay ra! Bay ra đừng đáp! …”.
Sau Hạ Lào, tháng 11/71, phi đoàn 213 lại biệt phái vào Biên Hòa, tăng cường cho SĐ3/KQ đang đương đầu với hai chiến trường Bình Long/An-Lộc và Kampuchea cùng một lúc. Vùng đất lạ nhưng không có núi nên chúng tôi đa số có vẻ không mấy đề phòng. Một lần, nhận phi vụ một mình, một slick, chẳng cho gunship hộ tống, cũng không có phi cơ khác bay theo, tôi đáp xuống phi trường Lộc Ninh ở phía Tây Bắc tỉnh Bình Long để bốc đồ tiếp tế và lấy thêm tin tức an ninh cho phi vụ bay vào Bu Đốp tiếp tế cho đơn vị Biệt Kích. Chấm xong tọa độ trên bản đồ, ghi chú những check points cần thiết cho khỏi bị lạc đường bay.
Tôi cất cánh lên, xác định hướng bay xong, cắm mũi lấy tốc độ. Qua khỏi khu rừng gỗ rậm rạp bên cạnh vòng đai phi trường Lộc Ninh, ở bên trái quốc lộ, rồi bắt đầu xuống “low level” bay theo Quốc Lộ 13 lên hướng Bắc. Con đường như đã bị hoang phế lâu năm, không xe, không người, cây cối phủ kín mặt đường y như Quốc Lộ 9 bên Hạ Lào. Tiền đồn Bu Đốp nằm sâu trong vùng biên giới Việt – Miên, ở hướng Tây Bắc, lẻ loi một mình giữa bốn mặt rừng già, cây cối lưa thưa bao quanh. Các binh sĩ vui mừng tiếp nhận chuyến hàng tiếp tế, họ “unload” rất mau, chỉ mấy phút sau là xong. Tôi cất cánh lên trở về, cúi nhìn lớp hàng rào kẽm gai thô sơ bao bọc quanh đồn và bốn chòi canh thô sơ, không biết có ngăn cản nổi thú rừng ban đêm? Làm sao có thể chống đỡ được sự tấn công của VC?
Lòng bùi ngùi thương cho thân phận mỏng manh của những người lính Biệt Kích còn ở lại nơi tiền đồn quạnh hiu. Dù không chết, họ cũng xứng đáng được tuyên dương là những chiến sĩ anh hùng cảm tử của QLVNCH!… Vẫn thế low level, phi cơ uốn lượn sát trên tầm ngọn cây để tránh né, nhẹ nhàng băng qua khu rừng già lởm chởm những cây khô không có lá, rồi lại theo quốc lộ 13 bay trở ra, đáp xuống phi trường Quảng Lợi trực “standby” tiếp… Địa thế vùng III tương đối bằng phẳng dễ đáp, nhưng rất nguy hiểm, khó xác định hướng nào an ninh hơn. Tôi nghĩ, thế bay hữu hiệu nhứt để tránh né vẫn là “low level”, càng thấp càng an toàn hơn. Chỉ ở độ thấp, trực thăng , dù gunship hay slicks, mới có thể biểu dương hết tất cả sức mạnh hùng hồn của nó.
Phi vụ cuối cùng [3/75] tôi và Lê Tấn Đại bay vào Núi Tròn, trước ngày mất Quảng Ngãi, để tiếp tế tải thương cho một đơn vị của SĐ2BB. Nhờ low level, mấy thằng du kích cầm AK-47 ở xóm nhà lá dưới chân núi, thấy trực thăng cứ hùng hổ đâm tới, cũng phải hốt hoảng chạy trốn vô nhà. Chúng tôi không bắn nên chúng [VC] cũng không bắn lại!
Sau chuyến biệt phái Biên Hòa, khoảng cuối tháng Giêng 72, phi đoàn 213 trở về Đà Nẵng, sau đó lại lao đầu vào những trận chiến mới của Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 và mặt trận Quảng Trị. Anh Trần Lê Tiến tử trận, Anh Phạm Vương Thục rời PĐ 213, thuyên chuyển qua Phi Đoàn 239 tân lập, đảm nhận chức vụ TPHQ .
Anh Tiến & Anh Thục không còn nữa, nhưng hình bóng các anh có lẽ sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí những người bạn đã quen biết, nhứt là những cánh chim Song Chùy 213 đã một thời cùng các anh vùng vẫy ngang dọc trên khắp chiến trường của Vùng Trời Hỏa Tuyến! Vĩnh Biệt Anh Tiến, Vĩnh Biệt Anh Thục!!!
Song Chùy T/hoang
[Chút kỷ niệm với hai Niên Trưởng: Trần Lê Tiến & Phạm Vương Thục]

Thursday, July 21, 2022

ĐÔNG-HÀ NHỮNG NGÀY TẠM-TRÚ - TỬ THỦ CĂN CỨ HỎA LỰC 30 HẠ LÀO (Trương Duy Hy)

ĐÔNG-HÀ
NHỮNG NGÀY TẠM-TRÚ

Sáng 26-3-1971, tôi thi hành bàn giao nhiệm vụ lại cho Pháo-đội 155 ly cho Đại-úy Khôi thuộc Tiểu-đoàn 48 Pháo-binh đến thay thế. Kế đấy, tôi hướng dẫn Pháo-đội C với đầy đủ 6 đại bác, di chuyển theo các đơn vị tiền trạm.

Khởi hành từ Khe Sanh lúc 14g15, chúng tôi theo sau một đơn vị Pháo-binh phòng không Hoa Kỳ. Đoàn xe rất dài, nối tiếp nhau có đến 10 cây số. Đường đi được Công Binh sửa chữa thêm trong suốt thời gian hành quân nên bây giờ trở nên rộng rãi như xa lộ, và tuy là đường đất không rải nhựa nhưng mặt đường ít lồi lõm. Có điều quanh co và hai bên cạnh đường vẫn còn những vách núi chằng chịt cây rừng, khuất lấp. Chính Cộng quân đã lợi dụng địa thế này, đặt những toán phục kích nhỏ, xử dụng B40 bắn vào đoàn xe của ta.

Sau một tiếng đồng hồ lăn bánh chậm chạp, chúng tôi phải dừng lại để các đơn vị tiền phong chiến đấu với một toán phục kích địch. Khi xe tiếp tục chạy, chúng tôi vượt qua chặng phục kích, nhìn thấy chiếc xe cần trục (wrecker) cháy dở nằm bên vệ đường, cùng một xe jeep với 4 chiến hữu tử thương tại chỗ!

Di chuyển trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, riêng Pháo-đội tôi liên tiếp thoát khỏi 3 lần phục kích tại 3 địa điểm khác nhau trên lộ trình. Lúc thì địch quân đánh vào đằng trước, giữa hoặc sau đoàn xe, nhưng may mắn, không có lần nào ngay trong đoàn xe của chúng tôi.

Để khích lệ tinh thần anh em, Thiếu-tá Tiểu-đoàn Trưởng dùng trực thăng vần vũ bay theo chúng tôi, liên lạc từng phút với lòng lo lắng cực độ.

Suy nghĩ lại, quả thật Pháo-đội tôi có số đỏ! Đã vinh dự tiền phong vượt biên giới Lào-Việt sau khi Tổng Thống hạ lệnh tấn công và cuối cùng rút về sau rốt đối với các Pháo-đội tác xạ trong Tiểu-đoàn 44 Pháo-binh này!

…18g00, thị trấn Đông Hà hiện ra trước mắt chúng tôi. Từ trên trực thăng, Thiếu-tá Tiểu-đoàn Trưởng ra lệnh cho tôi đưa Pháo-đội vào đóng quân chung trong doanh trại Pháo Hồng của Tiểu-đoàn 48 Pháo-binh. Nơi đây, các Pháo-đội A, B đang tạm chiếm từ hai hôm qua.

Bấy giờ chúng tôi mới cảm thấy nhẹ cả người, mặc dầu thỉnh thoảng địch vẫn pháo kích hỏa tiễn vào phi trường đối diện với chúng tôi không quá 1000 thước, không làm bận tâm cho ai cả!

Tuy nhiên, công việc nhà binh là thế. Hết nhiệm vụ này, lập tức có ngay nhiệm vụ khác. Thôi thì đủ việc để làm, không có lấy một giờ «thất nghiệp». Chúng tôi bắt tay ngay vào việc tu bổ đại bác, liên lạc Quân-cụ xin cơ phận thay thế, tu bổ quân xa, chuẩn bị «banderoles» duyệt binh, lập phúc trình tổn thất, lập bản đề nghị thăng thưởng cấp bậc, tưởng thưởng huy chương cho các anh em Hạ-sĩ Quan, Binh-sĩ… cơ hồ không còn đủ giờ để làm hết việc…

Chính lúc này, chúng tôi, những người hiện diện tại đơn vị, được nhận một ít tặng phẩm của Phu Nhân Tổng Thống Thiệu gởi đến. Món quà tuy nhỏ, mỗi người được 5 gói thuốc Ruby Quân tiếp vụ và 1 lọ dầu cù là, nhưng cử chỉ ưu ái này phần nào đã an ủi được lòng các chiến binh xông pha ngoài trận tuyến.

…Chẳng bao lâu, nhờ các Sĩ-quan giàu thiện chí và ham việc, Pháo-đội tôi hoàn tất các công tác của Tiểu-đoàn giao phó. Rồi theo lệnh mới, tôi tiếp nhận Trung-úy Vinh làm Sĩ-quan Tác-xạ Pháo-đội thay thế Trung-úy Lân. Vinh là người dong dỏng cao, nước da cháy nắng, là một Sĩ-quan gan dạ, đã đi đoạn hậu triệt thoái được 2 khẩu đại bác 155 ly từ A-Lưới về Khe Sanh bằng đường bộ, trong đoàn của Đại-úy Vẹn và Trung-úy Phương.

Suốt thời gian từ 27-3 đến 3-4-1971, chúng tôi chỉ quanh quẩn ở cổng trại Pháo Hồng chờ đợi những chỉ thị của Thượng-cấp… Anh em đi phép, nhân đấy lần lượt trở về đầy đủ. Chúng tôi tiếp tục cuộc sống bình thường như trước khi đi hành quân.

Vào một buổi tối, tôi tiếp nhận thư của một đồng bào Đại Lộc – lại là người đang kiêm Hiệu Trưởng Trung học Đệ I, Đệ II cấp sở tại – gởi đến. Lời lẽ trong thư đã an ủi cho tôi cùng toàn thể quân nhân Pháo-đội C/44 Pháo-binh rất nhiều.

Ông ấy viết:

Hội An, ngày 16 tháng 3 năm 1971

Anh Hy,

Trong những ngày bận rộn lo thủ tục xuất ngoại tại Sàigòn, tôi thật sự băn khoăn khi nghĩ đến anh và Pháo-đội C. Chiến trường Lào với những khó khăn lúc đầu làm tôi không yên tâm. Tôi cố gắng tìm những liên lạc về anh để trả lời câu hỏi hằng ngày của quý vị Giáo-sư trong trường tôi, của mấy em Nam-Nữ-Sinh thơ ngây và thành thật khi chúng hỏi về anh – Vị Sĩ-quan trẻ, hào hoa mà chúng mến đậm đà. Tin thất thủ từ Đồi 31 làm tôi thêm bối rối. Tôi thường không say mê tin chiến sự, bỗng dưng tôi thấy quan trọng lạ thường. Tôi tìm đọc tin tức về Lào, nhưng làm sao để biết bây giờ anh ở đâu? Tôi biết chắc là trong Lào Quốc đèo heo hút gió, có lúc anh nghĩ đến trường do anh đỡ đầu – thật là kỳ lạ, chỉ có thể hiểu mà không lý giải được có hàng ngàn người đang chiến đấu tại Lào – Tại sao, ở đây quận Đại Lộc này, từ cụ già đến em học sinh, từ người thứ giả đến thứ dân đều nghĩ đến anh, hỏi về anh, lo cho anh. Đây quả là trường hợp hi hữu. Vì như anh rõ, anh cùng Pháo-đội C chỉ ở đây mấy tháng – Thời gian không đủ để sự cảm mến, những khả tín nơi anh lan tỏa rộng rãi thế này.

Chúng tôi đi ngang qua Cà-phê Trâm, ngang nhà Huynh đều bị chận lại hỏi về anh. Trời tháng 2 mà trở lạnh. Chúng tôi ngồi trong văn phòng, nhìn vật kỷ niệm anh tặng, nhìn lên Đồi 37 rồi bất giác thở dài:

«Un seul être vous manque et tout est dépeuplé..» quả đúng như vậy. Sự ra đi của anh và Pháo-đội C để lại một khoảng trống quá lớn tại địa phương này, nhưng với tôi mới là điều quan trọng. Vài đêm ngủ trên đồi anh, tôi không quên được. Có cái gì đó khiến tôi tự nghĩ là «Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu» với anh, nó có thể là quan niệm sống về những «goût» giống nhau, những cảm nghĩ về cuộc chiến như nhau.

Tôi biết anh không có thì giờ để buồn khi chiến đấu ở Lào. Chính cái điều làm ta băn khoăn là ta ý thức quá rõ về thân phận của ta và tha nhân.

Xông pha trăm trận, chắc anh không quản ngại da ngựa bọc thây, nhưng lo là sau mình, không biết có ai tiếp tục sự nghiệp mà mình phải trả bằng mồ hôi và xương máu? Thú thật với anh, tôi không tin tưởng bao nhiêu ở thế hệ mai sau.

Dù vậy, cả tôi, cả anh, chúng ta sinh ra dưới vì sao lung linh, chúng ta không chịu an nhàn trong vô vi. Chúng ta đủ an tâm thủ phận, nhưng không yên lòng vì hoàn cảnh hiện tại của nước nhà. Tôi cố gắng tạo một triết lý trong tôi khi nghĩ đến nỗi gian lao của anh. Nhưng tôi tầm thường quá, nghĩa là thấy lo lắng ưu tư, vẫn thấy có cái gì chua xót khi nghĩ về anh đang chiến đấu trong cực kỳ thiếu thốn gian nan. Trong tiềm thức đó, từ Sàigòn – không chiến tranh, tôi theo dõi tin tức ở Lào, và thật là huyền diệu, ngày 14-3-1971 tôi tìm được tin anh trên mặt báo Tin Sống.

Anh Hy, tôi thật sự sung sướng khi đọc mẩu tin nhỏ này, tôi tin là đồng bào ở Đại Lộc cũng thế và chắc là Nam-Nữ Giáo-sư và học sinh trường tôi không còn sống trong lo sợ phập phồng, ít ra là lúc này – ngay khi đọc bài báo ngắn này.

Bây giờ thì có lẽ anh đã trở về bên này biên giới. Tôi hy vọng rất ít, lá thư này sẽ đến tay anh, dù vậy, không viết cho anh tôi không chịu được.

Tôi vừa từ Sàigòn về ngày qua, và ngày mai định đi Đà Nẵng ra thăm chị, lũ cháu để được biết ít nhiều về anh.

. . . . . . . . . . . .

Tôi đã trải qua một cuộc thi trắc nghiệm hào hứng và hy vọng nhiều về chuyến xuất ngoại sắp đến. Trước khi được đi, tôi sẽ ghé thăm chị và lũ cháu.

Nắng lên, trường ta bắt đầu những hoạt động rất ngoạn mục. Tôi đã tổ chức được một Chi Đoàn Thanh Niên Hồng Thập Tự và Toán Nghĩa Sinh để làm công tác cứu giúp đồng bào. Cả trường mong tái ngộ anh. Anh cho chúng tôi gởi lời thăm Trung-úy Lân, Thiếu-úy Thiện và tất cả anh em trong Pháo-đội C 44 Pháo-binh. Xin nói giùm với các chiến hữu trong Pháo-đội anh là thầy trò chúng tôi đang chờ các anh từng giờ từng khắc, cầu mong các anh được nhiều may mắn trong sa mạc tử thần.

Thân kính,
PHAN-THẾ-TẬP
Hiệu-trưởng Trung-học Đại Lộc.

Lá thư khá dài, cả 4 tờ pelure lớn viết bằng tay! Nội cái công ngồi viết cho xong bức thư, đã nói lên được những gì mà Pháo-đội tôi gặt hái được trong lòng dân Đại Lộc trước ngày xuất quân.

Những hoạt động tích cực của Pháo-thủ Pháo-đội C chúng tôi – khơi nguồn từ thiện tâm, thiện chí, tự nguyện của anh em, dầu sao cũng xoa dịu phần nào, dù là một phần rất bé nhỏ – đối với đồng bào sống trong thảm họa thiên tai bão lụt tại quận Đại Lộc trước đây.

Tôi vô cùng cảm động sau khi đọc xong bức thư trên, và không đợi đến sáng, tôi ra điếm canh, nhờ cái bàn nhỏ ở đấy viết phúc đáp ngay…

Trong thư, tôi thuật sơ lược những gian nan nguy hiểm cùng những chiến thắng vẻ vang thu đoạt được tại Căn-Cứ Hỏa-Lực 30 trong 7 ngày tử thủ, trước khi rời vị trí. Tôi nhờ ông hiệu trưởng chuyển lời thành kính biết ơn của tôi và Pháo-đội C đến đồng bào đã đặc biệt lưu tâm lo lắng cho chúng tôi. Tôi không quên xác nhận rằng, lòng thương mến của đồng bào ở Hậu-phương là niềm khích lệ lớn lao cho toàn thể quân nhân Pháo-đội C/44 Pháo-binh chúng tôi.

Qua ngày kế tiếp, tôi nhận được một gói báo do gia đình tôi gởi ra, gồm có các nhật trình Hòa Bình, Ngôn Luận, Tin Sáng, Xây Dựng… mà vợ tôi mua từ mấy tuần trước. Trong đó có đăng những tin tức Pháo-đội C chúng tôi liên quan đến cuộc hành quân tại Căn-Cứ Hỏa-Lực 30… Kèm theo với gói báo, có thư của Thiếu-úy Thiện gởi cho tôi, viết tại Tổng Y Viện Duy Tân:

Bệnh viện, ngày 23 tháng 3 năm 1971

Kính Đại-úy,

Lá thư này đến tay Đại-úy, trước kính thăm Đại-úy, các vị Sĩ-quan và anh em binh sĩ Pháo-đội C – cũng không gì hơn – kính chúc Đại-úy và tất cả được an lành, luôn luôn may mắn, dù có hành quân ở bất cứ nơi nào.

Kính Đại-úy, bây giờ tôi cũng khỏe hơn hồi Đại-úy cùng Cô đến thăm tôi nhiều. Tuy nhiên, cái chân bị cưa vẫn còn nhức nhối, khó chịu, nhất là vào buổi tối – một đôi khi cũng rất mệt lúc tiết trời thay đổi, mưa nắng bất thường.

Tôi bị cưa chân như thế này, tuy rất giận ông Bác-sĩ nhấp nhem ngoài bệnh viện Nguyễn Tri Phương, nhưng bây giờ tôi cũng đã an phận của tôi rồi – Phần Đại-úy tôi rất lo lắng. Thú thật là tôi rất thương và cảm phục Đại-úy – Đại-úy đã sống thực và tình cảm. Kể ra, tôi sống với Tiểu-đoàn trong thời gian gần hai năm, nhưng chỉ sống với 4 vị Đại-úy Pháo-đội Trưởng, mà Đại-úy là người tôi chịu sống và thích sống nhất. Còn nói về tình cảm mà Đại-úy dành cho tôi thì không thể nào kể cho xiết tôi mang ơn Đại-úy và Cô quá nhiều – Chúa nhật nào Cô cũng dẫn mấy cháu lên thăm tôi kèm theo món quà – Ơn này không biết khi nào tôi mới trả cho xong!

Kính Đại-úy, tôi kính tin Đại-úy rõ: hôm trước có Hạ-sĩ Phan Mai lên giúp đỡ cho tôi, còn trước đó một tuần có Hạ-sĩ Hường lên săn sóc tôi vào buổi sáng.

Đôi dòng kính thăm Đại-úy, các vị Sĩ-quan và anh em binh sĩ Pháo-đội C – Lạy Phật gia hộ cho Đại-úy và tất cả được an lành.

Thiếu-úy cụt giò
HUỲNH-CÔNG-THIỆN

Bây giờ Thiện chỉ còn một chân! Nhưng tôi tin tưởng là Thiện đã hãnh diện với chiến tích của đồng đội gặt hái ở Căn-Cứ Hỏa-Lực 30, những người bạn đã từng chia vui xẻ buồn trong đời quân ngũ của Thiện. Đổi một chân, cá nhân Thiện hẳn bị thiệt thòi, nhưng xác địch hàng ngàn tên quanh căn-cứ là một sự trả thù nhãn tiền và hiệu quả của tất cả chúng tôi, những chiến hữu thừa kế sự nghiệp Thiện – làm cho Thiện, ít ra cũng vơi được sự hận lòng khi Thiện nhìn xuống cái chân cụt của mình.

Trước và sau Thiện, còn biết bao chiến hữu mà lòng họ không bao giờ quên được hình ảnh một người bạn, một người anh, một người em trong tập thể gia đình Pháo-đội C, đã sống với nhau qua bao ngày tháng gian khổ, nguy nan… Tất cả điều đó phải là tia nắng sưởi ấm lòng Thiện trong những phút suy tư về kiếp sống tàn phế của mình.

Thiện! Tôi muốn nói, muốn hét to trong không gian bao la này: Thiện luôn luôn vẫn là mẫu người lý tưởng của Pháo-đội C, thể hiện nơi em tất cả những gì cao đẹp nhất, khơi nguồn từ tình đồng đội… sẽ mãi mãi in sâu vào lòng mọi người – trong đó có anh.

…Vào một buổi sáng, tôi nghe Đài Phát Thanh Quân Đội thuật lời phỏng vấn tôi tại Khe Sanh. Ít hôm sau, Đài Tự Do tái phát thanh chương trình ấy vào 4 buổi trưa liên tiếp.

Cùng lúc Đài Phát Thanh Hà Nội cũng lại nói về tôi! Nhưng lại xuyên tạc một cách trắng trợn rằng, Căn-Cứ Hỏa-Lực 30 bị bọn chúng tràn ngập và tôi đã thất lạc 6, 7 ngày trong rừng, nhịn đói, nhịn khát không tìm thấy đường về!… Quả đúng là lời tuyên truyền của Việt cộng! Trong lúc, chính chúng tôi, luôn luôn sát cánh chiến đấu với Tiểu-đoàn 2 Dù, thi hành viên mãn nhiệm vụ của Thượng-cấp giao phó. Vả lại, tôi hiện hữu, tưởng chỉ bấy nhiêu cũng đủ trả lời cho bọn chúng rồi vậy.

TIẾP XÚC ỦY-BAN YỂM-TRỢ CHIẾN-TRƯỜNG VÀ NÓI CHUYỆN TRÊN VÔ-TUYẾN TRUYỀN-HÌNH TẠI HUẾ. - TỬ THỦ CĂN CỨ HỎA LỰC 30 HẠ LÀO (Trương Duy Hy)


 TIẾP XÚC ỦY-BAN YỂM-TRỢ CHIẾN-TRƯỜNG

VÀ NÓI CHUYỆN
TRÊN VÔ-TUYẾN TRUYỀN-HÌNH TẠI HUẾ.

Ngày 2-4-1971, thi hành chỉ thị của Trung-tá Chỉ-huy Trưởng Pháo-binh Quân-đoàn I, tôi hướng dẫn một số chiến hữu Pháo-binh có công trong cuộc Hành-quân Lam Sơn 719, tháp tùng Phòng Tâm-Lý-Chiến thuộc Bộ Tư-lệnh Quân-đoàn I vào Huế – do lời mời của Ủy Ban Yểm Trợ Chiến Trường sở tại tổ chức, đồng thời cũng là dịp để trình bày cho đồng bào hậu phương, những sự kiện trung thực đã xảy ra tại mặt trận Hạ Lào, tại mỗi nơi mà chính mỗi chúng tôi đã chứng kiến trong lúc chiến đấu.

Hơn 9g00 chúng tôi rời Đông Hà. Đi với tôi có B1 Huy, Đại-úy Thìn đại diện cho các chiến hữu Tiểu-đoàn 62 Pháo-binh. Thiếu-úy Hiền đại diện cho Tiểu-đoàn 64 Pháo-binh cùng một vài Hạ-sĩ-quan, binh sĩ thuộc các tiểu đoàn liên hệ trực tiếp tham dự cuộc chiến Hạ Lào.

Đến Huế, chúng tôi nhận ngay sự tiếp đón nồng nhiệt của Đại-úy Tôn-Thất-Đàm, Đại-đội Trưởng Đại-đội Chiến-tranh Chính-trị. Mặc dầu Đại-úy đã đặc tâm lo lắng cho chúng tôi chỗ nghỉ ngơi khang trang với đầy đủ tiện nghi… nhưng đa số anh em chúng tôi lại chỉ muốn tự do trong thơ mộng của «Đêm tàn Bến Ngự», «Trăng nước sông Hương»!…

Ngày 3-4-1971 khoảng 8g00, Đại-úy Đàm hướng dẫn chúng tôi đến Đài Truyền Hình Huế. Tại đây, một số các bạn trong Ủy Ban Yểm Trợ Chiến Trường, cùng một số đồng bào và các em Nam-Nữ-sinh đang đợi chúng tôi. Trên khuôn mặt mọi người đều tỏ vẻ vui mừng, niềm nở…

Trong thời gian chờ đợi nhân viên Đài Truyền Hình chuẩn bị hệ thống thu hình, một nữ sinh trạc độ 17 tuổi, sau khi xem được những tấm hình do tôi chụp được tại Căn-Cứ Hỏa-Lực 30, nhằm lúc tác xạ yểm trợ, tịch thu vũ khí địch… đã hỏi tôi:

– Thưa Đại-úy, mình đánh thắng vậy, sao em nghe các anh Pháo-binh rút lui, bỏ súng lại bên Lào hết?

Câu hỏi thật ngắn, gọn, nhưng quả thật là một câu hỏi rất khéo mà chắc rằng đồng bào hậu phương – những người quan tâm đến cuộc chiến hẳn ít nhiều cũng thắc mắc như thế. Tôi không ngờ câu hỏi ấy lại được thốt trên đôi môi mọng đỏ, duyên dáng của một cô bé học sinh!

Tôi đã trả lời không suy nghĩ:

– Để giải đáp câu hỏi của em, hay đúng hơn, những thắc mắc mà em vừa nêu lên, anh sẽ giải đáp từng điểm một, những gì anh biết và nhìn thấy tận mắt trong những ngày các anh tử thủ Căn-Cứ Hỏa-Lực 30 – Nơi đó, chính anh và các chiến sĩ Dù trực tiếp chiến đấu từ đầu đến cuối.

Trước tiên, anh đề cập đến việc «rút lui». Các anh đã rút lui như thế nào? Lúc tất cả các đại bác của các anh bị tê liệt, các anh phải di chuyển theo Tiểu-đoàn 2 Dù chiến đấu. Sau đấy, các anh được trực thăng vận về Khe Sanh nhận súng mới, rồi trở lại chiến trường, tiếp tục tác xạ yểm trợ. Việc rời Căn-Cứ Hỏa-Lực 30 là nhiệm vụ các anh tuân hành thượng lệnh. Riêng Tiểu-đoàn 2 Dù, sau khi đưa các anh về, vẫn tiếp tục đánh bọc ra mặt Tây căn-cứ, tịch thu rất nhiều chiến lợi phẩm, phá hủy rất nhiều kho tàng trữ quân trang dụng, máy quay ronéo, máy truyền tin… mãi đến ngày 20-3-1971 – nghĩa là sau 17 ngày chiến đấu nữa, mới triệt thoái về Khe Sanh. Như thế là các anh đã chiến đấu, chứ có lui theo cái nghĩa địch tấn công, đẩy lực lượng ta ra khỏi căn-cứ đâu.

Thứ nữa, các anh có bỏ súng cho địch dùng không? – Đối với các anh là những Pháo-thủ chuyên nghiệp. Mỗi đại bác có hàng trăm cơ phận… các anh chỉ cần siết chặt một con ốc, đại bác tức khắc sẽ biến thành một khối sắt khổng lồ, cho dù có xử dụng đến xe cần trục hàng chục tấn cũng không thể lôi khỏi cơ bẩm để nạp đạn vô nòng! Lại nữa, các anh có thể rút bỏ vài cơ phận thật nhỏ nhưng rất quan trọng như kim châm hỏa, cần vận dụng… thiếu một trong hai món này, đại bác 155 ly của anh chỉ còn có mỗi một công dụng: triển lãm! Việc tháo gỡ những cơ phận đó, để chôn giấu hoặc vứt ra ngoài vị trí, rất dễ dàng, nhanh chóng.

Chắc các em đã đọc báo tường thuật trận đánh ở căn-cứ LoLo? Ở đấy cũng có Pháo-binh. Khi địch bám sát căn-cứ, lệnh triệt thoái ban hành thật khẩn cấp… Hàng chục trực thăng đáp xuống chớp nhoáng trong vòng 5-10 phút, di chuyển tất cả quân nhân rời căn-cứ. Địch không kịp trở tay: sau đó, chúng ào lên căn-cứ thu chiến lợi phẩm với dụng tâm lấy chiến cụ của ta làm phương tiện tuyên truyền, khuếch trương chiến quả… nhưng, đồng thời, B52 lao đến, lấy căn-cứ làm tâm điểm, dội bom phá tan căn-cứ!… Dẫu có khó tính bao nhiêu, ta cũng không thể phủ nhận cái giá mà địch phải trả về sinh mạng – giá đó – tính ra hàng ngàn tên chứ không thể ít hơn được!

Thế cho nên, khi để lại những khối sắt khổng lồ – sau khi đã tiêu hủy những cơ phận thiết yếu – đem đánh đổi hàng ngàn Cộng quân, là điều không chối cãi rằng chúng ta đã thắng. Phương chi, đối với Quân Lực ta, các vị Tướng Lãnh đều có đồng một quan niệm bảo vệ tối đa sinh mạng của binh sĩ, tiết kiệm tối đa xương máu của thuộc hạ – Để chứng minh điều này, có bao giờ các em nghe Quân Lực VNCH dùng chiến thuật biển người chống cộng không? Trong lúc đó thì Cộng quân thí mạng một cách điên cuồng.

Từ những sự kiện trình bày trên, hẳn các em đã có một ý niệm việc để lại các khối sắt khổng lồ hàng ngàn ký kia, đã nằm trong chiến thuật «đánh lừa địch» của Bộ Tư-lệnh Hành Quân chớ đâu phải bỏ súng bên Lào để Cộng quân tịch thu một cách dễ dàng!

Tại Căn-Cứ Hỏa-Lực 30 của anh cũng vậy. Với cao độ 727 thước, địch đã «ê răng, ê càng» thảm bại suốt 7 ngày tấn công liên tiếp đến nổi chúng không dám xung phong nữa! Mặc dầu các anh em đã rời căn-cứ hai ngày. Về sau, căn-cứ được phá hủy bằng bom do phản lực cơ và B52 thi hành, chắc chắn không còn sót một mảy may nào quân trang quân dụng dưới sức công phá khủng khiếp của những trận mưa bom này!

…Lúc vào phòng thu hình, chúng tôi trả lời đủ các câu hỏi của mọi người. Tuy nhiên, chúng tôi xác nhận rằng: Những câu trả lời của mỗi chúng tôi là những lời trình bày lại một sự thật, ở mỗi chỗ chúng tôi chiến đấu, thấy và nghe được những gì đã xảy ra, chứ không là đại diện cho cả binh chủng, cho tất cả các chiến hữu đã tham dự cuộc hành quân, kéo dài từ Khe Sanh đến Tchépone, từ ranh giới hoạt động phía cực Bắc của Liên-đoàn Biệt-Động-Quân đến phía cực Nam của Sư-đoàn I Bộ Binh…

Nhân dịp này, tôi không quên đề cập mẩu chuyện của Đại-úy Thìn thuật lại việc săn tin của các phóng viên ngoại quốc. Mẩu chuyện ấy điển hình – có lẽ thế – cho một vài phóng viên chiến trường say mê với thiên chức:

…Hôm ấy, Thìn cùng Pháo-đội anh được trực thăng vận vào Căn-Cứ Sophia, đó là căn-cứ có Pháo-binh chiếm đóng, sâu nhứt trong nội địa Lào để yểm trợ trực tiếp cho các tiểu đoàn thuộc Sư-đoàn I Bộ Binh hoạt động tại Tchépone.

Ngay khi đặt chân đến vị trí, Cộng quân liền chào Pháo-đội anh bằng những loạt pháo kích hỏa tiễn! Vì vậy, quân nhân trong Pháo-đội anh vừa phải bắt tay thiết lập các công sự, lại vừa phải phản pháo và tác xạ yểm trợ… thôi thì không còn một phút nào ngơi nghỉ. Tại đấy, có một phóng viên người Nhật (tôi quên tên) – kể ra anh cũng khá can đảm, và là một phóng viên chiến trường duy nhất, đi theo một đơn vị chiến đấu vào sâu nội địa Lào nhất – đã từng lao mình thu được những tấm hình cận chiến giữa lúc thiết giáp ta giao tranh với chiến xa địch, bằng viễn vọng kính cài trên máy ảnh.

Không biết bấy giờ anh định làm gì mà ôm đồ nghề vượt sườn đồi tiến lên vị trí Thìn. Cùng lúc đó, một Pháo-thủ đang vác trên vai một khúc cây khá dài, nặng, tiến song song và cách chàng phóng viên ngoại quốc nọ vài ba thước. Bỗng có tiếng hú ghê rợn của hỏa tiễn thấp dần… thấp dần… vượt qua đầu… anh bò lê bò càng, để tung tóe đồ nghề trên đất… trong lúc, Pháo-thủ của Thìn thả một đầu cây xuống đất, một đầu tựa vào vai đứng nhìn anh ta cười ha hả!… Anh có vẻ mắc cở – theo lời Thìn – lồm cồm đứng dậy đi lượm lại ống kính, máy ảnh…

Có lẽ anh ta đã khiếp đảm vì trải qua nhiều trận pháo kích nặng nề, hoặc có thể anh chưa kinh nghiệm với những tràn pháo kích «lai rai» của địch mà lệ thường, khi còn nghe được tiếng hú của hỏa tiễn, của đại bác địch, thì chắc chắn chỗ đứng của mình yên như bàn thạch. Vì như thế, điểm nổ đã cách xa, do đó, chàng Pháo-thủ nhà ta bình chân như vại!

Sau đấy, anh ta tiến lên gặp Thìn, xin được quay phim cảnh làm việc của Pháo-thủ, cảnh tác xạ của Pháo-đội… Đang khi nói chuyện, anh đăm đăm nhìn cái nón sắt bị thủng một lỗ lớn, do mảnh đạn pháo kích xé rách, trên đầu một Pháo-thủ đang bê càng súng…

Lân la đến cạnh chàng Pháo-thủ, anh tự tay cầm lấy cái nón sắt hai lớp mới toanh của anh, xin đổi lấy nón sắt của chàng Pháo-thủ. Nhưng đổi không được, vì đó là kỷ niệm hi hữu trong đời binh nghiệp của chàng ta. Anh bèn gạ gẫm xin bù thêm 10 đô-la cùng với bộ nón sắt mới ấy!… Cuối cùng, chàng Pháo-thủ vẫn khăng khăng không «thèm» đô-la! Dĩ nhiên, trong cuộc mặc cả này, anh phóng viên ngoại quốc kia xử dụng loại ngôn ngữ «quốc tế» bằng cử chỉ hơn là bằng tiếng nói. Vì anh là người Nhật.

Ngoài ra, Thìn còn kể cho tôi nghe việc các phóng viên ngoại quốc đi săn tin tại chiến trường: Họ không bao giờ dám rời trực thăng quá 5 phút! Đến nơi là họ nhào vội vào hầm tránh pháo kích. Còn hỏi thì được mấy ai biết rành sinh ngữ để trả lời?!… Bởi vậy, các bản tin chiến trường do các vị phóng viên này gởi đi, hầu hết thiếu hẳn sự trung thực, mặc dầu có vài trường hợp may mắn họ đã đến tận nơi… Đã không trung thực lại chắp nối những hình ảnh trận Điện-Biên-Phủ của năm 1954, thì quả thật là khôi hài!

Sự kiện trên, làm cho tôi tưởng tượng – mà không nhầm – rằng, nếu chàng Pháo-thủ của Thìn bằng lòng đổi bộ nón sắt kèm theo thêm 10 đô-la kia, thì sau này cái nón sắt lủng nọ, sẽ tạo biết bao huyền thoại oai hùng cho vị phóng viên Nhật!

Trong buổi nói chuyện hôm nay, riêng phần Pháo-binh, Đại-úy Thìn trình bày hoạt động do Pháo-đội Thìn chỉ huy, từ lúc trực thăng vận chiếm đóng Căn-Cứ Sophia, với tất cả những hiểm nguy, gian khổ, kéo dài cả tuần lễ. Nhưng cuối cùng, nhờ sự gan dạ và nhất là tình đồng đội gắn bó, Thìn đã cùng các Pháo-thủ của anh hoàn tất nhiệm vụ yểm trợ một cách hữu hiệu, nhất là diện đối diện trực xạ với Cộng quân mà cả đôi bên đều nhìn thấy nhau, thách thức nhau…

Thiếu-úy Hiền, bằng giọng nói «pur » Quảng Nam trung thực thuật lại những lúc vừa tác xạ hỗ tương cho căn-cứ chúng tôi lại vừa trực xạ với khoảng cách dưới 1000 thước chống các ổ súng 57, 75 ly bắn thẳng của địch tại Căn-Cứ Phú Lộc.

B1 Huy kể lại trận đánh tràn vào bãi đáp mà chính Huy đã chạy đến góp phần với các nhân viên Khẩu 4 của HS1 Cũ, trực xạ với khoảng cách ngắn nhất từ 50 đến 100 thước, chận đứng cuộc tấn công biển người bên ngoài tuyến thứ nhì.

Trung-úy Lân kể lại phút nghẹt thở nhất khi trực xạ chống thiết giáp địch…

Cuối cùng, chúng tôi được Ủy Ban Yểm Trợ Chiến Trường mời về dùng cơm tại Câu Lạc Bộ Huế, trước khi chia tay trở lại đơn vị.

Cùng buổi sáng này, toàn bộ Tiểu-đoàn 44 Pháo-binh di chuyển từ Đông Hà về Đà Nẵng. Trung-úy Vinh thay tôi lãnh trách nhiệm tháp tùng các Pháo-đội và Bộ Chỉ-huy theo quốc lộ I trở lại Hòa Cẩm.

…Sau khi rời Đại-úy Đàm, tôi đi thẳng về hậu cứ tiếp tục nhận lãnh công tác mới do Tiểu-đoàn chỉ định. Rạng ngày 5-4-1971, chúng tôi di chuyển đến thay thế nhiệm vụ của một Pháo-đội 155 ly, thuộc Tiểu-đoàn 20 Pháo-binh của Thiếu-tá Trần-Thanh-Hào, đồn trú tại đồi 55 Đất Sơn.

Trình diện Trung-tá Thục, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 51 xong, tôi bắt đầu làm việc với chức vụ Pháo-đội Trưởng Pháo-đội C kiêm Sĩ Quan Phối Hợp Hỏa Lực của Trung Đoàn này.

…Lân rời bệnh viện, liền được Bộ Chỉ-huy Tiểu-đoàn đề cử đi Sàigòn, theo lời mời của BCH/PB/QLVNCH… Rồi từ đấy, Lân không còn hợp tác với tôi nữa mà nhận một chức vụ mới tại BCH/TĐ.

Được tin Pháo-đội C/TĐ44 PB về Đà Nẵng, đồng bào Đại Lộc gởi quà cáp đến biếu, gởi thư hỏi han và đến tận nhà thăm viếng! Tôi không ngờ đồng bào đã dành cho Pháo-đội chúng tôi một niềm ưu ái lớn lao như thế! Thâm tâm của mỗi chúng tôi, thường vẫn nghĩ rằng: công tác xã hội thực hiện tại Đại Lộc vừa qua là bổn phận của mỗi quân nhân trong Đại Gia Đình Quân Đội. Nhưng dù sao, lòng cảm mến chân phác của đồng bào cũng đã an ủi chúng tôi, và hơn thế nữa, đã khích lệ chúng tôi rất nhiều trong nhiệm vụ chiến đấu, tạo cho chúng tôi một quan niệm sống phù hợp với lý tưởng mà Quân Đội đòi hỏi «Do dân mà ra – Vì dân mà chiến đấu» và cứu cánh là phải «Bảo vệ dân – Giúp đỡ dân» trong mọi trường hợp với khả năng cơ hữu.

Bây giờ, Pháo-đội tôi chỉ còn hai bàn tay trắng! Tất cả công trình kiến tạo nên những phương tiện thiết yếu tại Đài Tác-xạ, cho nếp sống tập thể của Pháo-đội do mồ hôi và sức lực của anh em, đều bị tan nát tại Căn-Cứ Hỏa-Lực 30. Duy chỉ còn tinh thần đồng đội, thiện chí làm việc, chịu đựng gian khổ nảy thêm lợi tức – Cái lợi tức ấy vốn dĩ đã tiềm ẩn trong buồng tim, khối óc của mỗi Pháo-thủ, trộn lẫn với hoàn cảnh vào sanh ra tử, chung lưng đấu cật, chịu đựng gian khổ trong một chiến trận vô cùng khốc liệt kéo dài cả tháng… Quả thật, anh em chúng tôi thương yêu nhau hơn bất cứ lúc nào.

Âm thầm xây dựng lại Pháo-đội, chúng tôi đã thách thức trở ngại, can đảm dấn thân trong nhiệm vụ mới với tất cả sự thiếu thốn về vật chất. Khởi điểm bằng con số «không», nhưng dồi dào nghị lực và kiên trì vào sự hình thành tốt đẹp bởi những thực hiện cụ thể, hữu hiệu hôm nay và ngày mai tại Pháo-đội C này

KHAO MỪNG CHIẾN THẮNG LAM SƠN 719 - TỬ THỦ CĂN CỨ HỎA LỰC 30 HẠ LÀO (Trương Duy Hy)

KHAO MỪNG CHIẾN THẮNG
LAM SƠN 719

Để thu thập những kinh nghiệm trong cuộc Hành-quân Lam Sơn 719, các Phái-đoàn thuộc Bộ Tổng Tham Mưu, thuộc trường Pháo-binh Dục Mỹ… lần lượt đến các đơn vị trực tiếp tham chiến trao đổi kinh nghiệm, đúc kết thành quả…

Từ vị trí hành quân, tôi nhận được công điện của Bộ Chỉ-huy Tiểu-đoàn triệu hồi, lãnh phần thuyết trình. Tôi đã chuẩn bị thật chu đáo những vấn đề thiết yếu và trước các Phái-đoàn , lời nói đầu tiên của tôi là một lời minh xác:

«…Với ý thức buổi thuyết trình hôm nay là để rút tỉa kinh nghiệm chiến trường – chứ không phải là buổi diễn thuyết về một đề tài văn chương. Vì vậy, những lời trình bày của tôi trước Phái-đoàn, trước quý vị sẽ không có những từ hoa mỹ, những sự kiện tiểu thuyết hóa… trái lại, chỉ có những nhận xét trung thực, và tôi chỉ biết nói lên những điều trung thực do chính tai tôi nghe, mắt tôi thấy… tại trận chiến, tại Căn-Cứ Hỏa-Lực 30, và cảm nghĩ của tôi đối với cuộc viễn chinh lịch sử này…»

Nhờ những buổi thuyết trình trên, các Phái-đoàn đã giúp cho chúng tôi khá nhiều kinh nghiệm quý báu, nhờ ở sự khách quan nhận xét trong nhiều cuộc thuyết trình trước đó của binh chủng bạn…

Trở lại hành quân, ngày 17-4-1971, tôi được biết là ngày Đại lễ «Khao Quân Mừng Chiến Thắng Lam Sơn 719» tổ chức trọng thể tại Cố Đô Huế, dưới sự chủ tọa của Tổng Thống Nguyễn-Văn-Thiệu.

Từ Bộ Chỉ-huy Tiểu-đoàn, Thiếu-tá Nguyễn-Văn-Tự – Tiểu-đoàn Trưởng, hướng dẫn Trung-úy Quang – Sĩ-quan Tiếp-liệu, Trung-sĩ nhất Mân – Hạ-sĩ-quan truyền tin trong các Ban Tham-mưu Tiểu-đoàn, đại diện cho toàn thể 3 Pháo-đội Tác-xạ A, B, C ra Huế tham dự… và cũng đại diện nhận lãnh những tưởng thưởng mang lại bởi các chiến tích của chính chúng tôi gặt hái được tại Căn-Cứ A-Lưới, 30, Lao Bảo!

…Lúc 8g00, từ đồi 55, tôi mở radio nghe trực tiếp truyền thanh tất cả những gì đang xảy ra trong buổi lễ… Tiếng nhạc quân hành đến những lời giới thiệu các Quân Binh Chủng, cùng những chiến quả vẻ vang… dồn dập… dồn dập… khơi lại trong lòng tôi bao cảm nghĩ miên man về những gì tôi đã thấy được, nghe được và ngửi được tại Căn-Cứ Hỏa-Lực 30: Chiến xa địch cháy, biển người Cộng quân tan xác quanh căn-cứ… trên bãi trực thăng, mùi hôi thúi nồng nặc phả vào vị trí… tất cả… tất cả… hiện dần trong tâm tư tôi như cuộn phim quay chậm, thật chậm… hình ảnh rất nổi, rất rõ!…

Nằm dài trên ghế bố với bộ quân phục tác chiến, tôi nhìn vơ vẩn lên nóc Đài Tác-xạ, tay không rời điếu thuốc… tôi hút như điên. Hết rít hơi này đã tiếp hơi khác, hết điếu này lại đến điếu khác. Tôi cố xua đuổi những hình ảnh chém giết, sát phạt mà hậu quả là xác người chồng chất lên nhau, kẻ mất đầu lòi ruột, kẻ nát thây, cháy đen!… Trong đó, chính tôi đã chỉ huy Pháo-đội C 155 ly góp phần với Tiểu-đoàn 2 Dù, Pháo-đội C3 Dù thu đạt được.

Tôi không tin số thương vong của Cộng quân là 16.244 mạng! Tôi không tin! Ít ra phải gấp đôi, gấp 3 lần số đó. Vì hơn ai hết, chúng tôi – những người đã tử thủ Căn-Cứ Hỏa-Lực 30 – nhìn được tận mắt không biết bao nhiêu xác giặc trên lộ trình di chuyển, lúc rời căn-cứ. Số xác ấy, Tiểu-đoàn 2 Dù đã không thể kiểm được, sau những trận đánh liên tục, kéo dài từ ngày 26-2-1971 đến ngày 3-3-1971! Và đó mới chỉ là số xác chúng tôi khám phá khi di chuyển về hướng Nam, trên một triền đồi do chúng tôi tự vạch lau cỏ mà đi, rộng không quá 20 thước, dài khoảng 1000 thước – huống hồ kiểm kê cả chu vi rộng lớn bao quanh vị trí, nhất là hướng Bắc, Đông Bắc và Đông, thì đếm sao cho xuể!

Bất giác tôi thở dài, tự làm một so sánh: tỷ lệ thiệt mạng giữa ta và địch – dưới mắt tôi, tại Căn-Cứ Hỏa-Lực 30 – ít ra cũng là 1/100. Thật là khó tin nếu không chứng kiến như chúng tôi.

…Dĩ vãng trở về với tôi nhanh quá! Mới ngày nào đây, trên đồi đầy sỏi ở Hạ Lào, tôi cùng các chiến hữu đã kiên cường chận địch, vui buồn chia xẻ cho nhau, nguy nan không rời bỏ nhau… khơi lại cho tôi cái điều làm cho tôi quyết tâm chiến đấu lúc bấy giờ… Điều đó là:

– Tôi muốn sống trong chế độ tự do của Miền Nam thân yêu này.

– Tôi không muốn tôi cùng các chiến hữu bị bắt làm tù binh.

– Tôi không muốn sống dưới chế độ độc tài đảng trị – mà hơn một lần tôi đã chứng kiến cảnh đấu tố dã man rùng rợn ở Quảng Nam.

– Tôi không muốn chết bỏ thây nơi xứ người.

Chỉ có bấy nhiêu điều đã thúc đẩy tôi chiến đấu một mất một còn với địch. Ấy vậy mà lúc thấy xác giặc la liệt trên bãi chiến, lòng tôi đâm se lại! Trong tình thương yêu bao la đối với các chiến hữu đã hy sinh đền nợ nước của ta, có một tí khoảng trống nào đó, để tôi nghĩ đến cái chết thê thảm của những người Bắc-Việt đã bị đầu độc bởi tà thuyết Cộng sản, Chủ nghĩa Mác-Lê!

Sông Gianh, một sỉ nhục của Quốc gia trong thời Trịnh-Nguyễn phân tranh ở thế kỷ trước, hậu quả là tạo nên cảnh tương tàn đằng đẳng nửa thế kỷ! Cuối cùng, ông cha chúng ta đã phải trả một giá rất đắt bằng chém giết vô cùng man rợ, mới thống nhất được giang sơn về một mối.

Ngày nay, giòng Bến Hải, «Giòng sông ô nhục» lại giẫm lên vết xe cũ, do tập đoàn lãnh đạo Cộng đảng, đang tâm chia cắt hai miền, rồi xảo trá tạo ra những «bình phong» che mắt dư luận nước ngoài bằng «Mặt trận» này, «Tổ chức» nọ… phát động cuộc trường kỳ chiến tranh gọi là «Chiến Tranh Nhân Dân» – đến ngót một phần tư thế kỷ – cố tình khuất phục hai miền Nam-Bắc hủy diệt bản ngã con người, bất chấp mọi hành động, mọi phương diện, miễn đạt được cứu cánh: Nhuộm Đỏ toàn vùng Đông-Nam-Á!…

Với dã tâm trên, giới lãnh đạo miền Bắc đã nhẫn tâm xua đám dân đen, đẩy vào lò lửa đỏ, dùng chiến thuật biển người đối với vũ khí, cơ giới, của thời đại tân tiến này! Tiếng hò hét xung phong điên cuồng của hàng ngàn hàng vạn Cộng quân, không át nổi tiếng nói thì thầm khơi lên từ lương tri của những ai có nhiệt tâm muốn vá lại «tấm dư đồ rách». Mọi công dân Việt Nam chúng ta, tự thấy công phẩn trong hành động của Cộng nô!…

Nếu đã chứng kiến và thật tâm đau xót trước cảnh con mất cha, vợ mất chồng, hoặc bùi ngùi cảm động khi nghĩ đến các chiến hữu gan dạ đã gởi một phần thân thể ở chiến địa, để bảo vệ chính đáng miền Nam tự do này – Tôi lại chua xót liên tưởng đến những tan nát của hàng vạn gia đình người Việt, vì áp lực của guồng máy cai trị miền Bắc, vì nghe lời đường mật, bịp bợm, với một hệ thống tuyên truyền xảo trá tinh vi của tập đoàn Cộng sản miền Bắc… giờ đây, phải sống thoi thóp trong cảnh bần cùng hóa, chịu tất cả những thiếu thốn cùng cực từ tinh thần đến thể xác của một kiếp người, sau khi cha, anh họ đã hóa ra những chiến sĩ vô danh, gởi xác chốn rừng thiêng nước độc, nơi đất lạ quê người, để nhận những lời ca tụng hão huyền của Đảng và Bác!…

Thật sự, tôi không hãnh diện khi nghĩ rằng chính mình đã góp công giết hàng ngàn hàng vạn «Việt» cộng. Trái lại, tôi hãnh diện vì đã góp một phần nhỏ, rất nhỏ, trong công cuộc phá tan hậu cần vĩ đại, gồm cả nhân vật tài lực của tập đoàn lãnh đạo Cộng sản miền Bắc. Chính nhờ vào nguồn nhân vật lực tồn trữ ở Hạ Lào này, chúng đã gây rối cho cả ba quốc gia ưa chuộng hòa bình nhất: Nam Việt-Nam, Cao-Miên, Ai-Lao, triền miên từ năm này qua năm khác!…

Giờ đây, xa cái phút háo hức sát phạt tại chiến trường để bảo vệ mạng sống cho chính mình và đồng đội, tôi có đủ bình tĩnh nhìn lại bước đường đã qua với sự thanh thản trong lòng, vì đã hoàn thành sứ mạng của một giai đoạn. Cái sứ mạng đó là chúng tôi đã thực hiện phần nào công cuộc chận đứng, hoặc ít ra đã làm giảm thiểu những sách nhiễu, giết chóc, khủng bố của cái gọi là «Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam» – một chiêu bài của chính quyền Cộng sản miền Bắc.

Các nhà độc tài, chủ trương Đảng trị miền Bắc phải biết rõ, thấy rõ, nghe rõ… và chịu trách nhiệm trước lịch sử dân tộc. Nhưng trí họ bị nhiễm độc «Duy Vật Biện Chứng», mắt họ đui, tai họ điếc… Hậu quả họ đã gây nên tang tóc cho cả một dân tộc, gây nên tai nạn khủng khiếp cho cả một thế hệ trẻ của thế kỷ 20 này!…

…Tiếng kèn khai quân hiệu, bế quân hiệu kéo tôi về thực tại. Tôi im lặng, lắng nghe những diễn tiến nối tiếp vang vọng từ chiếc radio bé nhỏ… hẳn giờ phút này không ít kẻ như tôi – những người từng đối diện với tử thần trong cuộc Hành Quân Lam Sơn 719 – không được may mắn tham dự Đại Lễ «Mừng Chiến Thắng», đang ngồi trước máy truyền thanh, tự mình ôn lại những kỷ niệm khủng khiếp vừa qua. Chắc chắn tâm hồn họ bàng bạc những suy tư về một nghĩa vụ cao cả mà họ đã hoàn thành.

Chiến tranh, tự nó đã tiềm ẩn những hành động dã man! Những kẻ tạo ra chiến tranh lại còn dã man hơn nữa! Kẻ đó lịch sử dân tộc sẽ không bao giờ tha thứ, cho dù nó có ngụy trang dưới hình thức này hoặc hình thức khác. Nhân dân miền Nam sẽ không bao giờ quên mối hận «Giòng sông ô nhục Bến Hải» mà kẻ đang tâm chia cắt, không ai khác hơn là chính quyền miền Bắc, bọn Cộng nô cho quan thầy Trung-Xô!

25 năm chinh chiến trôi qua! Bao nhiêu ruộng vườn tan nát! Bao nhiêu xương máu con dân Việt trải khắp nẻo đường quê hương! Chưa vừa ư? Đất mẹ đã bao lần rên rỉ dưới gông cùm xiềng xích của Tàu phù hằng mười thế kỷ, không đủ là kinh nghiệm cho bọn lãnh đạo miền Bắc ư? Bài học Đức Quốc ngày nay không đủ thức tỉnh cơn mê loạn háo sát của chính quyền miền Bắc ư? Từng ấy ý tưởng cứ quay cuồng trong tâm trí tôi như là một duyên cớ chính đáng, để tôi nghĩ rằng, tôi và các chiến hữu đã có lý khi tham dự cuộc chiến Hạ Lào.

Với ba năm mang cấp bậc Đại Úy, tôi đã liên tiếp nắm giữ Pháo-đội Chỉ-huy, rồi Pháo-đội Tác-xạ. Từ hai năm sau cùng, không rời cuộc sống tập thể trong giây phút nào, tôi đã thông cảm quá nhiều những ưu tư của Pháo-thủ thuộc hạ trong cuộc sống bình thường, cũng như lòng gan dạ phi thường lúc đối đầu với địch…

Thượng tuần tháng 10-1970, ngày tôi chính thức về sống với Pháo-đội C – Cuộc Hành Quân Lam Sơn 719 quả thật là cuộc hành quân vĩ đại! Hân hạnh Pháo-đội C được tham dự ngay từ phút đầu của cuộc vượt biên với một chiến quả đáng kể. Do chiến quả này, Pháo-đội tôi có 101 quân nhân được tưởng thưởng. Trong đó, 3 Hạ-sĩ-quan và 7 binh sĩ mang cấp bậc mới. Tất cả số còn lại – kể cả tôi, đều được huy chương!

Sau hai tháng «Mừng Chiến Thắng Lam Sơn 719», ngày 18-6-1971 tôi được gọi về Bộ Chỉ-huy Tiểu-đoàn, cùng một số Pháo-thủ đại diện Pháo-đội C dự lễ gắn huy chương.

10g00, Đại-tá Vũ-Đình-Chung đến chủ tọa buổi lễ…

Tôi được Đại-tá đại diện Đại-tướng Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH gắn một anh dũng bội tinh với nhành dương liễu ngay tại sân cỏ Tiểu-đoàn! Lân, một anh dũng bội tinh với ngôi sao vàng!

…Giờ đây, tất cả những gì đã qua, sẽ theo thời gian chìm vào dĩ vãng! Định luật của tạo hóa quay theo thời gian không bao giờ trở lại khởi diễn – nhưng dư âm của cuộc hành quân Lam Sơn 719 tại Hạ Lào – chắc chắn sẽ không bao giờ phai nhòa trong ký ức những ai đã tham dự trực tiếp, đối diện với Tử Thần.

Viết xong tại Đồi 55 Đất Sơn lúc 12g00 ngày 9 tháng 5-1971
(Phật lịch 2515, 15-4 Tân Hợi)
(Thêm chương cuối ngày 20 tháng 6 năm 1971)

Tác giả:
TRƯƠNG-DUY-HY