Saturday, November 28, 2015

Tô Phạm Liệu: Người Trở Lại Charlie.



Lật qua tờ nhật báo Người Việt ngày 5 Tháng Mười 1997, một tin cáo phó làm tôi giật mình chú ý đọc ngay: “...Tô Phạm Liệu (1941-1997), Y Sĩ Tiểu Ðoàn 11 Nhảy Dù... đã không còn với chúng ta kể từ ngày 29 Tháng Chín 1997...”
Vậy là anh Liệu đã từ giã cõi đời này!
Hình ảnh của Tô Phạm Liệu trở về từ dĩ vãng xa xưa.
Lần đầu tiên tôi gặp Tô Phạm Liệu đã lâu lắm rồi, đã hơn 27 gần 28 năm trước đây.
Ngày đó, vừa học xong lớp Y Khoa Năm Thứ Nhất ở trường Ðại Học Y Khoa Sài Gòn, tôi đã có một số khá đông bạn bè cùng lớp rủ nhau nộp đơn, đi thi và đỗ vào trường Quân y.
Một ngày Tháng Giêng 1970, ngày nhập ngũ, chúng tôi rủ nhau nao nức đi trình diện ở trường Quân Y. Một đám sinh viên Y Dược Nha đến và được tập trung ở cổng trường chỗ gần trạm kiểm soát ra vào. Chúng tôi là những tân sinh viên Quân Y. Người đầu tiên ra gặp chúng tôi là một sinh viên sĩ quan Quân Y. Anh mặc quân phục xanh bộ binh, đeo lon trung úy có hai bông mai vàng trên một nền nhung đỏ thẫm ở trên vai với dấu hiện con rắn vàng, của ngành quân y, và dấu hiệu một cánh dù màu xám, bằng nhảy dù, trên ngực áo. Thoáng gặp anh, chúng tôi cũng phải để ý ngay, vì anh là một người to lớn, vừa to vừa cao trông như là một “ông hộ pháp.”
Không cười đón niềm nở chút nào cả, với giọng nói to, vang vang trong buổi chiều nắng gió, anh tự giới thiệu. Tôi nhớ đại khái rất ngắn và gọn. Anh cho biết tên là Tô Phạm Liệu, sinh viên sĩ quan Quân Y năm thứ sáu và anh được cấp trên đề cử làm Sinh Viên Sĩ Quan Ðại Ðội Trưởng Ðại Ðội Tân Sinh Viên.
Anh Liệu dẫn khoảng bốn năm chục người chúng tôi vào một sân rộng lớn của trường Quân Y, nơi có một cột cờ với lá cờ vàng ba sọc đỏ khá cao. Ðó là Vũ Ðình Trường của trường Quân Y và ở đó đã có thêm sẵn hai sinh viên sĩ quan quân y khác đứng chờ sẵn từ lâu. Chúng tôi được lệnh xếp hàng và ba ông đàn anh dẫn chúng tôi chạy vòng quanh sân cờ cho đến khi tất cả hết sức lực và có một người phải ngất xỉu.
Ðó là kinh nghiệm đầu tiên của đa số chúng tôi đối với quân đội. Ðó là lần đầu tiên hành xác để mở đầu cho Tám Tuần Lễ Huấn Nhục của Ðại Ðội Tân Sinh Viên Sĩ Quan Quân Y. Ðối với những “thư sinh trói gà không chặt” mà còn “dài lưng tốn vải ăn no lại nằm,” chỉ biết việc sách đèn, đây quả là một thử thách khá lớn lao.
Và đó cũng là lần đầu tiên tôi gặp Tô Phạm Liệu. Trong tám tuần lễ của “mồ hôi, nước mắt” chúng tôi đã được các đàn anh của các khóa trước “chỉ dạy”một cách rất tận tình bằng mọi cách. Chúng tôi được học qua căn bản quân sự, căn bản thao diễn. Và mọi người được thay nhau tập hít đất, tập thở, tập chạy, tập cười... theo lệnh các huynh trưởng!
Các đàn anh chia ra từng toán ba người. Anh Tô Phạm Liệu đích thân làm trưởng một toán. Mỗi toán có nhiệm vụ hướng dẫn các tân sinh viên một ngày. Riêng anh Liệu hình như ngày nào cũng có mặt để quan sát các hoạt động, tiến triển trong việc huấn luyện các tân sinh viên Quân Y. Anh Tô Phạm Liệu rất tận tâm bỏ khá nhiều thì giờ vào việc dẫn dắt đàn em mới nhập ngũ. Những người nào mà có vẻ lười biếng công việc tập tành là khó qua khỏi mắt của đàn anh. Ai đau thật hay chỉ ốm giả anh cũng biết. Hình như anh biết rõ về bản chất, tính tình của từng người một. Anh là người gần gũi với chúng tôi nhất trong những ngày đầu tiên khi mới gia nhập quân ngũ.
Sinh hoạt với anh một thời gian ngắn, chúng tôi nhận thấy ngay ngoài “cái vỏ” lạnh lùng nghiêm nghị của anh còn có một bề trong khác hẳn với một tâm hồn đầy tình cảm và hiểu biết. Anh Liệu thường thấu hiểu gần như mọi chuyện xẩy ra trong đại đội tân sinh viên quân y và thường giải thích hay giải quyết, thường là bằng tình cảm, những vấn đề khó khăn hay khó nói nhất. Nhiệm vụ chỉ huy hướng dẫn đôi khi làm anh có vẻ khó khăn và khô khan nhưng những lúc nói chuyện với anh Liệu trong khi rảnh rang đã làm chúng tôi thấy anh là một người rất nhiều tình cảm, rộng lượng và rất thương mến những anh em trong gia đình Y Dược Nha trong ngành Quân Y. Một điều đặc biệt nhất là Tô Phạm Liệu nói chuyện rất hay, rất lôi cuốn người nghe, nhất là khi anh đứng trước hàng quân. Tôi được biết anh đã còn là một huynh trưởng trong ngành Hướng Ðạo Việt Nam. Sự việc anh giỏi về diễn thuyết hay chỉ huy là đã có kinh nghiệm từ lâu.
Nhiệm vụ khó khăn của anh là cho chúng tôi được có những khái niệm ban đầu về Quân Ðội rồi cũng thành công. Tất cả đám tân sinh viên Y Nha Dược đều qua khỏi tám tuần lễ huấn nhục gian lao. Chúng tôi được tổ chức lễ gắn alpha và trở thành những sinh viên Quân y hiện dịch thực thụ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ðêm hôm gắn alpha, anh có nói chuyện riêng khá cảm động với một vài người chúng tôi. Anh cho biết rất hài lòng với kết quả và nhắn nhủ công chuyện tương lai. Tô Phạm Liệu có nói ngày nào đó chúng tôi sẽ hiểu rõ đàn anh hơn khi đứng ra hướng dẫn những đàn em sau này. Riêng tôi về sau này rất thông cảm anh vì chính bản thân tôi lại “được” cử ra làm nhiệm vụ của anh, dẫn dắt các tân sinh viên Quân Y, khi khóa sinh viên sĩ quan của chúng tôi trở thành khóa đàn anh lớn nhất trong trường Quân Y.
Năm chúng tôi vào Quân Y cũng là năm khóa 16 Sinh Viên Sĩ Quan Hiện Dịch Quân Y ra trường. Anh Tô Phạm Liệu chọn binh chủng Nhảy Dù và nhiệm sở đầu tiên là một tiểu đoàn Nhảy Dù. Tô Phạm Liệu đã chính thức trở thành y sĩ của một tiểu đoàn tác chiến của binh chủng nhảy dù.
Những ngày sau đó tôi rất ít gặp anh Liệu. Chúng tôi ở lại hậu phương hoàn tất công chuyện học hành ở những trường Y Nha Dược. Anh Liệu và các anh khác tản mác trong những đơn vị của quân đội khắp bốn vùng chiến thuật. Và tôi chỉ gặp lại anh Liệu một hai lần gì đó trong một khoảng thời gian gần hai năm trời khi anh về ghé thăm trường quân y trong những dịp nghỉ phép giữa những ngày ở mặt trận. Những ngày đó anh vẫn cao lớn và mặc quần áo rằn ri nhẩy dù trông rất oai hùng. Chúng tôi cũng chỉ có dịp nói chuyện chào hỏi chút ít và tôi chỉ biết là anh đã trải qua khá nhiều thử thách ngoài mặt trận nhưng không có nhiều chi tiết.
Và đến một ngày tháng, ở một nơi... của định mệnh.
Thời điểm là năm 1972, vào mùa Hè nắng cháy.
Ðịa điểm là Charlie, Cao Nguyên Nam Việt Nam.
Tôi được nghe đến, được biết đến, được hiểu... Tô Phạm Liệu nhiều hơn.
Bốn năm trước đó, năm 1968, năm bầu cử tổng thống Mỹ là khi Bắc Việt cho tổng tấn công và thất bại trên các chiến địa Tết Mậu Thân nhưng phải nói họ đã có ảnh hưởng trong việc tuyên truyền chính trị. Hình ảnh chiến tranh Việt Nam tràn ngập trên đất Mỹ theo vào từng nhà riêng của dân Mỹ bằng máy vô tuyến truyền hình. Dân chúng Hoa Kỳ đã bắt đầu chán sợ cuộc sống chiến tranh đẫm máu và dai dẳng cách xa một nửa trái đất. Ðầu óc thực tế của họ đã đếm nhiều đến số tiền trang trải cho cuộc chiến. Hình ảnh quan tài những người Mỹ chết ở Việt Nam đem về Mỹ được chiếu rõ trên truyền hình làm nao núng cả quốc gia. Các phong trào phản chiến Mỹ hoạt động mạnh hơn. Ứng cử viên Tổng thống Mỹ đều biết rõ tầm quan trọng của việc cần phải chấm dứt chiến tranh Việt Nam.
Năm 1972, một lần nữa là năm bầu cử tổng thống Mỹ. Do đó, một lần nữa, cũng là lúc Bắc Việt cần có tiếng vang vọng với bất cứ giá nào. Ðại Tướng Bắc Việt Võ Nguyễn Giáp còn nghĩ là có thể chiếm đoạt miền Nam vào lúc này.
Cũng như Trận Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân năm 1968, Tướng Giáp đã lại “thí quân” và lần này quyết định tấn công với ba mặt trận lớn được bùng nổ vào mùa Hè 1972.
Thứ nhất: Mặt Trận Giới Tuyến tại vùng Phi Quân Sự. Việt Cộng đã bất chấp tất cả mọi ký kết của chính họ ở Hiệp Ðịnh Genève 1954. Họ đã cho hai sư đoàn 304 và 308 tăng phái bởi bốn Trung Ðoàn Ðặc Công với hơn 200 chiến xa của Trung đoàn 203 và 204 và thêm ba Trung đoàn Pháo Binh vượt khu Phi Quân Sự đánh chiếm Quảng Trị.
Thứ hai: Mặt Trận Biên Giới chiếm đánh Lộc Ninh, An Lộc do các sư đoàn Cộng Sản 5, 7 và 9 cùng với hơn 200 xe thiết giáp. Trong khi Sư Ðoàn 1 Bắc Việt quấy rối vùng Ðồng Bằng Cửu Long để cầm bớt quân đội Việt Nam lại vùng IV chiến thuật.
Thứ ba: Mặt trận Cao Nguyên thì có hai Sư đoàn 2 và 320v ới cùng một trung đoàn chiến xa đánh chiếm vùng Kontum, Pleiku. Trong khi Sư đoàn 3 Cộng Sản đánh vùng Bình Ðịnh.Tại Cao Nguyên, Tướng Võ Nguyên Giáp mưu định cắt Miền Nam thành hai mảnh.
Thời điểm là Mùa Hè Ðỏ Lửa 1972.
Ðịa điểm là Charlie của chiến trường Cao Nguyên.
Trong quyển sách viết về chiến tranh Việt Nam “Mùa Hè Ðỏ Lửa,” Phan Nhật Nam đã viết trong đoạn đầu tiên “Charlie, tên nghe lạ quá”:
“Quả tình nếu không có trận chiến mùa Hè 1972, thì cũng chẳng ai biết đến Charlie, vì đây chỉ là tên quân sự dùng để gọi một cao độ nằm trong chuỗi cao độ chập chùng vùng Tân Cảnh, Kontum. Charlie hay Cải Cách hay ‘C’ đỉnh núi cao không quá 900 thước trông xuống thung lũng sông Poko và đường 14, Ðông Bắc là Tân Cảnh, với 12 cây số đường chim bay, Ðông Nam là Kontum thị trấn cực Bắc của Tây Nguyên... Charlie lọt giữa bị bao vây bởi căn cứ 5, căn cứ 6, ở phía Bắc, những mục tiêu quân sự nổi tiếng, những vị trí then chốt giữ cửa ngõ vào Tân Cảnh mà bao nhiêu năm qua, bao nhiêu mùa Hè, mùa ‘mưa rào,’ báo chí hằng ngày trong và ngoài nước phải nhắc tới khi những hạt mưa đầu mùa rơi xuống miền núi non xương sườn cực Tây của quê hương Việt Nam...”
“Năm nay, sau bao nhiêu lần thử thách từ mùa mưa của năm 1971 qua đầu xuân của 1972, Bắc Quân vẫn không vượt qua hai cửa ngỏ. Căn cứ 5, Căn cứ 6... Cộng quân đổi hướng tiến lòn sâu xuống phía nam của hai căn cứ trên để tiếp tục sự nghiệp ‘giải phóng’ với mục tiêu cố định: Tân Cảnh, cắt đường 14...”
Lữ đoàn 2 Nhảy Dù được cử đến lập một vòng đai để giữ những yếu điểm trong vùng quanh Quốc Lộ 14 và Tiểu Ðoàn 11 Nhảy Dù có nhiệm vụ đóng giữ Charlie. Tô Phạm Liệu, người y sĩ trưởng của Tiểu đoàn, một người sĩ quan Nhảy Dù, đã được thả đến Charlie cùng với Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù, Tiểu đoàn Nhảy Dù mới nhất của Sư đoàn Nhảy Dù Việt Nam, vào ngày 2 Tháng Tư.
Sau đó, tại Charlie, một trận đánh oai hùng và bi thương của người lính Nhảy Dù đã xẩy ra. Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 11 Nhảy Dù là Trung Tá Nguyễn Ðình Bảo tốt nghiệp khóa 14 Trường Sinh Viên Sĩ Quan Hiện Dịch Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt. Trung Tá Bảo có tính tình giản dị và là người chỉ huy rất giỏi, nhiều kinh nghiệm chiến trường. Ông gia nhập Nhảy Dù ngay sau khi ra trường võ bị, dự nhiều trận chiến khốc liệt chiến thắng nhiều và đã bị thương hai lần ở mặt trận.
Tuy vậy, lần này Tiểu Ðoàn 11 Nhảy Dù bị bao vây bởi cả một sư đoàn Bắc Việt, Sư Ðoàn 320 có mang danh là Sư Ðoàn Ðiện Biên và cũng được gọi là Sư Ðoàn Thép tăng phái thêm Trung Ðoàn 64 của Sư đoàn Sao Vàng Cộng Sản. Không phải đoán cũng thấy ngay là một chiến thuật thí quân lấy thịt đè người. Tiểu Ðoàn 11 Nhảy Dù và Trung Tá Nguyễn Ðình Bảo bây giờ có lẽ giống như một con hổ trong lồng.
Ngày 11 Tháng Tư là lúc Cộng Sản sửa soạn tấn công. Hàng trăm quả pháo rót vào Charlie kể cả đại pháo 130mm với đạn xuyên phá “delay.” Ðây là loại đạn đặc biệt nguy hiểm, không nổ ngay khi chạm đất mà sẽ nổ sau khi đã xuống dưới mặt đất khoảng hơn một thước để tàn phá những hầm trú ẩn.
Ngày 12 Tháng Tư, Cộng Quân tiến đánh. Tiểu Ðoàn 11 Nhảy Dù kể cả Bác Sĩ Quân Y Tô Phạm Liệu đã quần thảo với lính Cộng của Sư Ðoàn Ðiện Biên tranh thủ từng thước đất. Trung Tá Nguyễn Ðình Bảo, nhiều sĩ quan và binh sĩ nhảy dù đã hy sinh tại mặt trận.
Ngày 15 Tháng Tư 1972, Tiểu Ðoàn 11 Nhảy Dù tan rã. Chính bản thân Tô Phạm Liệu cũng bị thương ở chân. Tô Phạm Liệu và thiếu tá tiểu đoàn phó đã dẫn một nhóm nhỏ còn lại và các thương binh rút khỏi Charlie. Và nhóm này cuối cùng được trực thăng “bốc” đi thoát. Một số khác chạy bộ băng rừng về. Xác chết của nhiều quân nhân và của Trung Tá Nguyễn Ðình Bảo đã không đem được về và đã để lại ở Charlie.
Nhiều chiến sĩ nhảy dù đã anh dũng “ở lại” Charlie.
Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sau này đã cảm hứng vì sự hy sinh của Trung Tá Nguyễn Ðình Bảo và những chiến sĩ nhảy dù khác tại mặt trận Charlie mà đã sáng tác “Người - Lại Charlie,” một bản nhạc khá hay và cảm động:
“Anh! Anh! Hỡi anh ở lại Charlie.
Anh!
Anh! Hỡi anh giã từ vũ khí.
Vâng chính anh là ngôi sao mới, một lần này chợt sáng trưng, là cánh dù đan bằng tiếc thương vô cùng.
Này anh!
Anh! Hỡi anh ở lại Charlie.
Anh!
Vâng, chính anh là loài chim quí.
Ôi, cánh chim trùng khơi vạn lý, một lần dậy cánh bay, người để cho người nước mắt trên tay...”

Sự kiện Tiểu Ðoàn 11 Nhảy Dù tan rã ở Charlie khi bị hơn một sư đoàn bộ đội Bắc Việt tấn công với đại pháo và chiến xa là chuyện dĩ nhiên phải xảy ra. Nhưng điều quan trọng hơn là sự hy sinh dũng cảm của những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã gây tổn thất nặng cho đối phương và ảnh hưởng đến tinh thần của cán binh Bắc Việt.
Tuy là ngay sau đó, Lữ Ðoàn 2 Nhảy Dù phải bỏ cả Tân Cảnh về Kontum. Tuy là các sư đoàn Bắc Việt kiểm soát được Quốc lộ 14. Tuy là họ đã bao vây thành phố cao nguyên Kontum. Tuy là họ dốc toàn lực đánh Kontum hai lần ngày 14 và 25 Tháng Năm. Nhưng họ vẫn thất bại. Cuối cùng Cộng Sản Việt Nam vẫn không đạt được mục tiêu vào năm 1972 và phải rút lui tại mặt trận miền cao nguyên.
Mặt trận biên giới nổ lớn tại An Lộc-Bình Long. Bộ đội Cộng Sản hàng hàng lớp lớp biển người được yểm trợ bởi hàng trăm chiến xa tối tân và đại bác hỏa tiễn hùng hậu đã tràn ngập mặt trận. Nhưng họ đã phải đứng khựng lại ở quận An Lộc, cứ điểm quan trọng ngăn cản đường tiến của Bắc Quân đến Quốc lộ 13 để về “giải phóng” Sài Gòn. Trong khoảng 100 ngày gần 60 ngàn quả đại bác đã bắn vào độ một cây số vuông của quận lỵ nhỏ bé An Lộc. Năm lần Việt Cộng đã mở những cuộc tấn công. Cả năm lần Bắc Quân phải chùn bước. Người hùng Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng và các lực lượng phòng thủ với sự phụ lực của Ðại Tá Lê Quang Lưỡng và Lữ đoàn 1 Nhảy Dù cùng với sự yểm trợ với sự phụ lực của Ðại Tá Lê Quang Lưỡng và Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù cùng với sự yểm trợ hữu hiệu của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa và Không Quân Hoa Kỳ đã cho Bắc Việt một bài học cay đắng, họ cho tướng Võ nguyên Giáp biết thế nào là “tử thủ.” Ngày 8 Tháng Sáu 1972, Tiểu Ðoàn 8 Nhảy Dù tiến vào thành phố, đã “bắt tay” được với tiểu đoàn Nhảy Dù “bạn,” Tiểu Ðoàn 6 Nhảy Dù là đơn vị đã được trực thăng vận đến An Lộc mấy ngày trước.
An Lộc hoang tàn. Nhưng An Lộc vẫn đứng vững.
An Lộc đẫm máu. An Lộc đầy lửa khói. Nhưng An Lộc vẫn còn.
Cuối cùng Bắc Quân phải rút lui.
Mặt trận Vùng Hỏa Tuyến. Ngay những ngày đầu tiên Việt Cộng đã tràn ngập Quảng Trị và Sư Ðoàn 3 Bộ Binh Việt Nam sau đó phải tan rã chạy về phía Nam. Dân chúng Quảng Trị ghét sợ cộng sản chạy theo quân. Hỗn loạn! Kinh hoàng! Máu đổ nhiều! Quân dân chạy giặc dưới làn đạn làm hàng ngàn người chết ở Ðại Lộ Kinh Hoàng. Bắc Quân tràn lan đánh chiếm khắp nơi.
Nhưng họ đã bị chận đứng ở sông Mỹ Chánh. Nơi đây ngày 2 Tháng Năm, Lữ Ðoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến đã bắn hạ 17 chiến xa Bắc Việt. Cùng một lúc Thiếu Tướng Ngô Quang Trưởng được cử ra giữ chức tư lệnh Quân Ðoàn I. Thế cờ được lật ngược.
Tiểu Ðoàn 11 Nhảy Dù tan rã ở Tân Cảnh nhưng không biến mất mà đã phối trí lại. Và chỉ độ một tháng sau ngày tan rã ở Charlie, Tô Phạm Liệu và Tiểu Ðoàn 11 Nhảy Dù đã có mặt ở miền Hỏa Tuyến. Tháng Sáu 1972, sư đoàn Nhảy Dù, sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến và Sư Ðoàn 1 Bộ Binh cùng với sự yểm trợ của Không Quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và Không Quân Hoa Kỳ đã mở chiến dịch tổng phản công.
Cuộc chiến đẫm máu kéo dài đến Tháng Chín 1972 khi lá cờ vàng ba sọc đỏ được những người lính Thủy Quân Lục Chiến dựng lại tại Cổ Thành Quảng Trị và khi tàn quân Bắc Việt chạy ngược trở về bên phía Bắc dòng sông Thạch Hãn.
Giấc mơ chiếm đoạt miền Nam vào mùa Hè 1972 của Tướng Võ nguyên Giáp đúng là “chỉ là một giấc mơ thôi.” Có lẽ nhiều ngàn hay có thể đến hàng chục ngàn người đã “sinh Bắc” và được “tử Nam” trong mùa Hè này.
Y Sĩ Ðại Úy Tô Phạm Liệu đã được sư đoàn Nhảy Dù trao tặng danh hiệu “Quân Nhân Xuất Sắc Nhất Của Sư Ðoàn Nhẩy Dù.”
Tô Phạm Liệu, tên tuổi hào hùng của ngành Quân Y “con rắn” chúng tôi, cũng lừng danh trong những đơn vị Nhảy Dù “mũ đỏ” của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thời đó.
Chiến dịch mùa Hè 1972 đã làm Bắc Việt tổn thất nặng. Phải một thời gian khá lâu họ mới hồi phục lại được sức mạnh. Những ngày tháng ngay sau đó họ đã không tạo thêm được tiếng vang gì đáng kể. Ngoại trừ một cố gắng khác, nhưng vẫn thất bại, ở Sa Huỳnh ở vùng Quảng Ngãi-Bình Ðịnh đầu năm 1973.
Nhưng năm 1973 cũng là năm của Hiệp Ðịnh Paris ký kết bởi Henry Kissinger và Lê Ðức Thọ. Năm của Việt Nam Hóa Chiến Tranh Việt Nam. Hiệp Ðịnh Paris đã đẩy Việt Nam Cộng Hòa vào con đường cùng. Hoa Kỳ dần dần rút khỏi Việt Nam. Viện trợ quân sự Mỹ cho Quân đội Việt Nam cũng giảm dần theo. Ðạn dược, súng ống của quân đội Việt Nam trở thành thiếu thốn. Xe tăng lỗi thời. Máy bay cũng ít dần và cũ kỹ dần. Bắc Quân ngày càng nhiều khí giới tối tân. Nga Xô và Trung Cộng cùng các nước Cộng Sản trên thế giới vẫn tiếp tục ủng hộ tiếp tế Hà Nội một cách tích cực. Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu hầu như một mình với Cộng Sản Bắc Việt và cả một thế giới Cộng Sản đứng đằng sau. Ðó là kết quả của Việt Nam Hóa Chiến Tranh Việt Nam, chính sách của Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon.
Hiệp Ðịnh Hòa Bình Paris 1973 và giải Nobel được trao tặng cho Lê Ðức Thọ và Henry Kissinger chỉ là những trò hề. Bắc Quân tiếp tục xâm phạm những gì họ ký kết. Ðường mòn Hồ Chí Minh “đông người như đi chợ”chuyển quân và vũ khí thiết giáp vào miền Nam.
Tô Phạm Liệu tốt nghiệp Khóa 16 Sĩ Quan Quân Y Hiện Dịch gia nhập Nhảy Dù năm 1970. Khóa 21 Sĩ Quan Hiện Dịch Quân Y, khóa cuối cùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, khóa của chúng tôi ra đơn vị năm 1975.
Năm năm sau tình hình đã đổi khác hoàn toàn. Những tân trung úy Y Nha Dược ra đơn vị đúng lúc ngày tàn của cuộc chiến. Tỉnh Phước Long đã rơi vào tay Cộng Sản Tháng Hai 1975.
Chuyện gì đã xẩy ra đã xẩy ra. Chuyện mất miền Nam vào tay Cộng Sản ngày 30 Tháng Tư 1975 đã đến. Có điều chuyện xẩy ra hơi sớm, một cách rất ngạc nhiên, ngoài sự dự liệu của tất cả mọi người trong và ngoài cuộc. Lịch sử sẽ cho dần những câu trả lời. Nhưng làm sao có ai, có những lý do nào... mà có cho đủ được những câu trả lời cho chuyện bỏ chạy một cách nhanh chóng như vậy?
Ða số chúng tôi Khóa 21 Quân Y chỉ đến đơn vị được một, hai tháng thì cuộc đời nhà binh cũng chấm dứt.
Ðể sửa soạn dư luận cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 1976, Tướng Việt Cộng Văn Tiến Dũng đã bắt đầu Chiến Dịch Mùa Xuân năm 1975. Nhưng chính những người cầm đầu Ðảng Cộng Sản Việt Nam cũng không thể biết có kết quả nhanh và bất ngờ ngoài dự liệu như vậy.
Miền Nam Việt Nam sụp đổ dần như một căn nhà không có nền móng trong khoảng 55 ngày.
Ngày 10 Tháng Ba 1975, Bắc Quân bắt đầu tiến đánh Ban Mê Thuột.
Ban Mê Thuột mất ngày 17 Tháng Ba 1975.
Theo đó là Quảng Trị mất 20 Tháng Ba.
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh bỏ Huế 23 Tháng Ba.
Rồi Ðà Nẵng di tản ngày 29 Tháng Ba...
Bắc Việt tiến chiếm dễ dàng dần dần từ Bắc xuống Nam. Bắc Quân vào nhiều thành phố bỏ trống như chỗ không người. Tình hình thật là hỗn loạn. Những câu chuyện cười ra nước mắt được kể lại. Như là một thành phố ở miền Trung được di tản đến cả ba, bốn ngày sau một đơn vị quân đội nhỏ của Việt Nam Cộng Hòa quay lại cũng vẫn còn y nguyên vì Cộng Sản cũng không đến kịp vào để tiếp thu! Hoặc là có những thành phố được phát ngôn viên chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cho biết đã di tản nhưng sự thật dân quân vẫn còn nguyên tại chỗ! Hầu như tất cả mọi người đều không làm được gì cả.
Chúng tôi bất lực. Chúng tôi không làm được gì ngoài việc chỉ cố tránh né để mái nhà hay bức tường vỡ khỏi rơi vào người.
Ngày 20 Tháng Tư 1975, tiền đồn cuối cùng ở Xuân Lộc bị phá vỡ. Chuẩn Tướng Lê Minh Ðảo và Sư Ðoàn 18 phải rút quân. Sài Gòn hầu như rối loạn hoàn toàn. Nhìn trước ngó sau chỉ thấy nhiều người tìm cách đi khỏi nước Việt Nam hơn là tìm cách chống trả giữ Sài Gòn.
Sài Gòn coi như đã mất. Thành phố như là một thành phố đang chết! Chỉ còn vấn đề thời gian. Một thời gian ngắn thôi.
Những ngày cuối của tôi ở thành phố Sài Gòn là như vậy. Ngày ngày nghe được những tin tức những người nào đã đi, những người nào sắp đi.
Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu từ chức. Trong diễn văn gửi đến các nước ông Thiệu đã không hết lời trách móc “đồng minh” Hoa Kỳ. Trung Tướng Thiệu tuyên bố “...sẽ trở lại quân đội khoác áo nhà binh cùng các anh em chiến đấu...” Vài ngày sau thì được tin “người” đang ở Ðài Loan!
Thiếu Tướng Không Quân Nguyễn Cao Kỳ tuyên bố đại khái là: “...nhất định ở lại Việt Nam ăn cà, tương, mắm...vì qua Mỹ ăn phó mát và uống sữa tươi sẽ đau bụng!” Vài ngày sau “người” cũng bay mất!
Tân Tổng Tư Lệnh Quân Ðội Trung Tướng Vĩnh Lộc cho phát thanh một nhật lệnh đến toàn thể Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa hùng dũng kêu gọi “...mọi người hãy bỏ ý định chạy trốn như những đàn chuột nhắt...” Nhưng khi bài nói chuyện được phát thanh trên đài thì “người”đã ngồi ở trên một chiến hạm ngoài khơi trên đường ra ngoại quốc!
Mỗi ông “tuyên bố một câu xanh rờn.”
Toàn là những lời câu nói “để đời”!
Ðông phương đã dạy làm tướng thì phải biết cách tự xử khi mất thành. Tây phương cũng có viết làm thuyền trưởng khi tầu chim thì phải ở lại chìm theo tầu. Tôi không hy vọng những “người trên đây làm được như những Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Chuẩn Tướng Trần Văn Hai, Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ... là những vị tướng đáng kính phục tự xử khi mất nước. Nhưng phải chi những “người đó” cứ im lặng mà “đi” thì cũng chả có mấy ai cay đắng mỗi khi nghĩ đến chuyện những người ở lại hy sinh mạng sống hay nằm trong những trại cải tạo của Cộng Sản Việt Nam hằng bao năm trời.
Ngày 30 Tháng Tư năm 1975, Tân Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng.
Tôi may mắn thoát được lên chiến hạm Hải Quân Việt Nam HQ 1. Chỉ độ mười phút sau đó tầu rời bến Bạch Ðằng cùng cả những chiến hạm còn lại ở bến của Hạm đội Hải Quân Việt Nam sau khi binh sĩ Hải Quân chặt cầu vì không đủ chỗ cho hàng người đang đứng đợi lên tầu.
Thế là hết! Vĩnh biệt Sài Gòn! Vĩnh biệt Việt Nam!
Tầu Việt Nam đến Subic Bay ở Phi Luật Tân thì chúng tôi được chuyển ngay sang một tầu Hoa Kỳ rộng lớn hơn để đi đến đảo Guam.
Bước lên chiếc tầu Hoa Kỳ đầy người. Ðủ loại người. Dân sự có, quân sự có. Người nằm, kẻ đứng ngồi. Hỗn loạn. Tôi tìm đến một góc nhỏ để tránh né phiền phức - đây tôi thấy một người khá to lớn nằm trên một chiếc võng mắc vào những cái cột của tầu. Lại gần nhận ra đó là huynh trưởng Tô Phạm Liệu. Tôi không ngờ gặp nhau trong hoàn cảnh này.
Tôi buồn nhớ lại những ngày xưa người anh từ chiến trường về thăm trường Quân Y với binh phục nhảy dù oai hùng. Bây giờ Tô Phạm Liệu vẫn mặc binh phục nhảy dù Việt Nam, nhưng bẩn và nhầu nát. Anh Liệu không giống anh Liệu những ngày trước khi anh trở về từ những chiến thắng nữa. Tô Phạm Liệu nằm trên võng, anh vẫn tỉnh giấc nhưng mắt nhắm như để quên đi những hình ảnh nào đó. Anh Liệu hình như muốn ngủ triền miên. Nhưng làm sao mà ngủ được? Rồi sau đó Tô Phạm Liệu cũng mở mắt ra. Anh kể lại những lúc cuối cùng.
Tô Phạm Liệu nói rất ít. Tôi cũng chả nói nhiều. Ðau khổ đã làm tê liệt con người.
Nhưng thật ra còn có gì khác để đáng nói đến nữa đâu?
Anh em nhìn nhau thẫn thờ! Bàng hoàng! Sững sờ! Giọt lệ nào đó hình như vòng quanh khóe mắt làm mờ mắt của cả hai chúng tôi!
Ngày hôm sau tôi trở lại chỗ cũ không thấy anh đâu cả.Chiếc võng cũng biến mất. Tôi để ý tìm mà không gặp.Tô Phạm Liệu chắc cũng chả muốn gặp lại ai nữa. Tôi cũng không muốn tìm thấy người quen nào nữa.
Những ngày đầu tiên đến đất Mỹ là những lúc vật lộn với cuộc đời mới cũng như các bạn bè khác trong giới Y khoa để tìm đường trở về nghề cũ. Và cũng như đa số bạn bè y khoa tôi cuối cùng cũng trở lại nghiệp Y.
Thỉnh thoảng tôi cũng được nghe đến anh Tô Phạm Liệu. Tôi được biết anh đã quay lại hành nghề ở một nhà thương điên (state hospital) nào đó ở Kansas. Tôi được biết anh uống rượu nhiều, rất nhiều. Tôi muốn nhưng chả bao giờ có dịp liên lạc.
Năm 1989, tôi đi dự cuộc họp Hội Y Sĩ Quốc Tế Việt Nam Tự Do ở một khách sạn lớn ở Little Saigon, California. Ðang đi vớ vẩn trong khách sạn thì có tiếng gọi tên. Tôi nhìn ra thấy huynh trưởng Tô Phạm Liệu. Anh em gặp nhau mừng ứa nước mắt.
Anh dẫn tôi vào ngồi ở một quầy rượu. Anh uống rượu mạnh liên miên. Tô Phạm Liệu lần này nói chuyện nhiều hơn, nói khá nhiều. Có khi là người nói, có khi là “rượu nói.” Anh nhìn tôi và nói, và nhắc nhở đến Ðoàn Trung Bửu (Biệt Ðộng Quân, chết trên đường ra đơn vị 1975), Vũ Ðức Giang (Thủy Quân Lục Chiến, tự tử chết trong trại học tập 1976)... Ðó là những bạn cùng lớp Khóa 21 Quân Y của tôi, những đàn em của Ðại Ðội Tân Sinh Viên Quân Y 19 năm trước của anh, đã hy sinh trong những ngày vừa qua.
Anh Tô Phạm Liệu bây giờ ốm hơn trước. Anh Liệu cho biết là anh đang bị bệnh đái đường (diabetes mellitus). Nhưng anh vẫn uống rượu liên miên. Anh cho biết “có lẽ” đã bị chứng đau thần kinh vì đái đường (diabeticneuropathy). Tô Phạm Liệu bảo những cơn đau rất gần nhau và khá nặng. Nhưng anh vẫn không uống thuốc giảm đau. Tôi hiểu anh muốn có đau thể xác đó để cho mất cái đau tinh thần.
Tô Phạm Liệu nói là cảm thấy lẻ loi ở cái Ðại Hội Y Sĩ có nhiều những người “mặc quần mới áo đẹp” và”ăn to nói lớn,” thích “nhảy đầm” và “xếp hàng để lên hát”... Trong cơn say anh nói là phải chi trước kia mười mấy năm trước anh được “ở lại Charlie” với Trung Tá Nguyễn Ðình Bảo, với các bạn nhảy dù thì “sướng hơn nhiều.”
Tô Phạm Liệu chỉ thích uống rượu và “không muốn làm gì nữa cả.”
Tôi không uống được nhiều rượu nhưng cũng uống hai ba ly rượu để làm vừa lòng anh. Tôi chú ý nghe anh nói. Anh nói chuyện vẫn hay và hấp dẫn. Mười chín năm trước đó, khi anh đang huấn luyện tân sinh viên Quân Y, mỗi lần nghe anh nói chuyện tôi hầu như thấy anh nói đều có lý cả. Lúc này thì khác. Có nhiều chỗ tôi thấy anh nói đúng. Có nhiều lúc tôi nghĩ là anh nghĩ sai. Nhiều lúc là “rượu nói” chứ không phải anh nói nữa. Nhưng tôi hiểu Tô Phạm Liệu nhiều.
Giữa tiệc rượu của hai anh em, sau 15 năm mới gặp gỡ, Tô Phạm Liệu làm tôi ngạc nhiên khi nói là muốn đọc thơ cho tôi nghe. Anh nói là anh chả có thích thơ và cũng chả nhớ bài thơ nào nhưng chỉ thích và nhớ một đoạn trong bài thơ “Nhớ Rừng” của Thế Lữ:
“...Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ
Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa
Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn thét núi
Với khi thét khúc trường ca dữ dội
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng
Vờn bóng âm thầm lá gai cỏ sắc
Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc
Là khiến cho mọi vật đều im hơi
Ta biết ta chúa tể cả muôn loài
Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi
Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi dứng uống ánh trăng tan
Ðâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới...”

Tôi hiểu Tô Phạm Liệu nhiều hơn. Tôi vẫn kính trọng anh. Tôi vẫn thương mến anh như những ngày xưa, và cót hễ là hơn những ngày xưa nữa.
Nhưng vẫn có những điểm tôi không đồng ý với anh Liệu.
Lần gặp gỡ đó là lần sau cùng tôi gặp người anh lớn của khóa tân sinh viên sĩ quan Quân Y ngày nào của chúng tôi.
Sau này tôi được biết anh đã dọn về ở tiểu bang Lousiana và làm việc ở một nhà thương nào đó.
Và đến bây giờ huynh trưởng Tô Phạm Liệu đã vĩnh viễn ra đi.
Tờ cáo phó của tờ báo Người Việt trên tay tôi trở thành mờ nhạt:
“Vô cùng thương tiếc bạn chúng ta, Tô Phạm Liệu (1947-1997) Y Sĩ Tiểu Ðoàn 11 Nhảy Dù... đã không còn với chúng ta kể từ ngày 29 Tháng Chín năm 1997... Cầu Anh Linh bạn quên phiền hà, coi như trở lại Charlie...”
Tôi nhìn qua khung cửa sổ.
Xa xa trên bầu trời trong xanh, gần những đám mây trắng ở trên thật cao, hình như mờ ảo có một cánh dù nhỏ bé...
Anh trở lại tìm Nguyễn Ðình Bảo và những anh em nhảy dù khác, những đồng đội đã “ở lại Charlie.”
Tô Phạm Liệu: Người Trở Lại Charlie.
(Tháng Mười 1997, Santa Maria, California)

No comments:

Post a Comment