Phan Hội Yên
Chưa
tới một tháng, Trung đội chỉ còn lại mười tám ngoe, kể cả tôi. Đã thêm
hai cái chết đau đớn của Binh nhất Mão và tân binh Xuất cứ dai dẳng ám
ảnh tôi.
Trên đồi 31
Trở về với Trung đội, dưới quyền chỉ huy
của một vị Đại úy Đại đội trưởng khác, chúng tôi vẫn còn thấy như quanh
quẩn đâu đây, bóng dáng người chỉ huy cũ, quanh quẩn đâu đây hương hồn
đồng đội quấn quýt bên những bữa cơm đạm bạc của chiến trường. Ngay cả
việc phải thay đổi danh hiệu trên tần số liên lạc cũng xốn xang bứt rứt,
làm sao quên được trong chốc lát cả một thời gian dài gắn bó, chia xẽ
nhau những buồn vui chinh chiến, làm sao tưởng tượng được nỗi đớn đau
của người thân bên áo quan phủ Quốc kỳ “Vị Quốc Vong Thân”. Chiến tranh
rồi sẽ qua đi, những ngọn đồi loang lỗ sẽ xanh tươi màu lá, người sống
sẽ lần hồi quên lãng dù nỗi đau hiện tại có ngất trời tuyệt vọng, chỉ có
những người đã chết, mà chết trẻ, là mãi mãi mất mát, là mãi mãi thua
thiệt mọi bề.
Tôi chợt nhớ đến chị, người họa sĩ duyên
dáng bên Đại úy của chúng tôi, trong những lần triển lãm tranh, và anh
vẫn thỉnh thoảng rủ chúng tôi về nhà ngồi nhâm nhi nhìn chị vẽ; những
bức tranh của chị sao quá nhiều bóng tối, bóng tôi ngay cả giữa mặt trời
và ngay cả giữa một rừng hướng dương hàm tiếu… Căn nhà nhỏ vùng Bạch
Đằng, Gia Định chưa cạn rượu tân hôn đã vỡ òa nước mắt cô phụ. Không
biết bao nhiêu vành khăn tang đã cuốn lên tóc xanh vội vã trong cơn lốc
oan nghiệt của chiến binh. Tôi tự hỏi, không biết mình có lỗi gì trên
những giọt máu đồng đội đã khô tím trên chiến địa, những giấc ngủ hằn
vết đớn đau trên khuôn mặt phận người, của bao nhiêu ước vọng thanh xuân
đã tan hoang theo binh lửa, theo những điều không thể lý giải được giữa
can qua, của Kiều, của Chí, của Sỹ…của Đại úy. Và còn bao nhiêu người
nữa hay sẽ tới phiên mình, tôi chợt cười khan, cũng khỏe thôi, Ba tôi đã
có lần dẫn Thu, em gái tôi lặn lội từ Quy Nhơn vào tận vùng hành quân
của đơn vị khi một nguồn tin tai ác nào đó báo rằng, tôi đã chết.
***
Em tôi khóc trên những bông lúa dẫn vào
điểm đóng quân, vết chân non nớt của em bên vết bước già nua của Ba tôi
trên sình lầy mùa mưa ven đô như lưỡi dao cắt vào hồn tôi xé thịt…
“Anh là chiếc đũa
so le, anh không thể mãi khập khễnh bước bên sự ấm êm của gia đình, đôi
lúc anh nghĩ, sự vắng mặt của anh là cần thiết, để cho Ba, em và các em
chẳng còn phân vân trên bến bờ hạnh phúc…”
Trước khi lên đường, tôi đã cay đắng với
em và Ba như thế, dù người tôi muốn nói không hề là Ba và em, nhưng tôi
biết, chỉ có em chia sẻ được với tôi những căm phần thơ dại, như ngày
nào em rón rén đến bên tôi, trên chiếc mộ chí cỏn con tôi đã đắp bằng
những đầu ngón tay rướm máu, tôi chôn…những đồng bạc đã xé rách theo
nước mắt u uất; em ngây thơ trao hết phần tiền Ba cho em đầu kỳ lương
hàng tháng, mà không biết tại sao khi nào cũng nhiều hơn phần tôi có.
Tôi là cái ly, hằng ngày hứng những giọt bất công nhỏ xuống đời quạnh
quẽ, mỗi tháng cái ly đầy lên một lần theo món quà nhỏ mà nhiều thiên vị
của Ba. Tôi lai phải đổ đi bằng cách xé vụn những đồng tiền buồn tủi
đó; khu vườn nhỏ sau nhà chôn chặt những nấm mộ… tiền, chôn chặt với tôi
có nỗi muộn phiền của Mẹ. Không phải Ba ghét bỏ gì tôi, nhưng hình như
Ba muốn chứng tỏ với người đó, người đã thay thế Mẹ tôi trong mái ấm của
Ba…rằng Ba hạnh phúc…rằng Ba yêu thương những đứa con của hai người…
Còn tôi, chín mười tuổi có biết chi lòng dung thứ, có biết chi sự độ
lượng, trong tôi chỉ có một tôi bị bỏ rơi, bị hắt hủi, chỉ có một tôi bị
quên lãng khôn nguôi. Thằng nhóc con âm thầm và cô đơn kháng cự, tàn
nhẫn khước từ sự chia xẻ của cô em khác Mẹ.
Tôi hất tay Thu ra:
Tôi hất tay Thu ra:
– Tao không cần.
– Anh cứ lấy đi, em không biết xài tiền.– Rồi mày lại mét Thím (Tôi vẫn gọi người ấy bằng Thím)
– Em hứa.
– Thôi, tao chẳng dại.
Thu nhét mấy đồng bạc vào túi tôi rồi vụt chạy vào nhà, mặc kệ tôi ngồi thút thít; tôi ngồi một hồi nước mắt ráo hoảnh để nghĩ đến mấy tấm hình Tạc Zăng treo ngoài chợ, đến mấy viên bi lóng lánh thủy tinh, tính tính toán toán với số tiền Thu để lại…
Chiều hôm đó, em quanh quẩn trong vị trí đóng quân chúng tôi, những giọt nước mắt em và Ba đã khóc cho tôi; tôi chẳng còn cơ hội để khóc tiễn Ba và em về nơi yên nghỉ. Trong cơn lốc vận nước, nắm xương Ba đã vùi nơi đèo heo hút gió (Vợ tôi chẳng dám báo tin khi lên thăm nuôi ở Long Giao). Chỉ còn nỗi ân hận muộn màng khi trở về cải táng Ba xuôi miền quê Nội, trong phút giây đầu tiên gặp lại, tôi tưởng như Ba đang nằm ngủ, buổi trưa nào oi bức nắng vườn cau, tôi nghịch ngợm cắm những sợi tóc bạc vừa nhổ trên vành tai Ba, rồi cười rung lên thích thú nhìn những cọng tóc chui vào tai Ba nhột nhạt, để Ba trở mình…nạp vành tai còn lại cho tôi…Chỉ một giây thôi, tôi lặng người theo vầng trán Ba cao vời vợi khi nắp áo quan vừa mở, có lẽ Ba đã chờ tôi về để tôi được nhìn Ba lần cuối, rồi thôi, bóng dáng Ba mãi mãi tan vào hư ảo.
Còn em tôi, chẳng biết trôi dạt nơi nào trong một chiều giông bão. Khi tôi đã và biết có thể chia xớt dùm em những oan nghiệt của định mệnh thì em đã không còn nữa. Con tàu nào đưa em đi tìm hay đưa em chạy trốn? Đáy biển nào tan rữa xác thân em?
***
Luồn theo giao thông hào, tôi đến hầm
của Trung sĩ Yến. Khẩu M60 được bố trí một xạ trường thật rộng, nhìn
xuống bãi đáp trực thăng ẩn khuất kín đáo giữa hai ngọn đồi, bên kia,
còn có toán tiền đồn của Hạ sĩ nhất Chính án ngữ, trở lại đồi 31 chúng
tôi vẫn trú đóng trên vị trí cũ, bảo vệ Bộ chỉ huy Tiểu đoàn, Lữ đoàn và
Pháo đội B3.
Đến đây, tôi xin được vượt thời gian và
không gian để trình bày thật chi tiết về lực lượng phòng thủ căn cứ hỏa
lực 31, mà suốt thời gian chiến trận, cũng như mãi cho đến ngày hôm nay,
phía địch đã đành mà ngay cả phía chúng ta, những người không thật sự
có mặt trong trận chiến, thông qua tin tức của các “Phóng viên chiến
trường” trong nước cũng như ngoại quốc, ngồi nhâm nhi cà phê ở Givral,
La Pagode, hay có gan dạ lắm cũng chỉ quanh quẩn ở Bộ Tư Lệnh tiền
phương Quân đoàn I, Đông Hà, Khe Sanh, thêu dệt lên những bản tin thật
giật gân, bi thảm hóa một trận thua vốn là lẽ thường của chiến tranh để
cho rằng, chúng ta thất thủ đồi 31 tức là Lữ đoàn 3 Nhảy Dù đã bị tiêu
diệt. Thông tin kiểu đó, đã vô tình ám ảnh những đơn vị chưa được tung
vào mặt trận, mà hiệu quả tâm lý đã chi phối phần lớn khả năng chiến
đấu.
Họ không hề biết rằng, ngay sau cuộc
hành quân Lam Sơn 719, từ Huế, khi màn diễn binh tại Phú Vân Lâu kết
thúc, thay vì được không vận về Sài gòn để dưỡng quân như thường lệ, thì
sân bay mà chúng tôi đáp xuống là phi trường Pleiku đất đỏ, với quân số
chưa được bổ sung. Lữ đoàn đã lao ngay vào một mặt trận căng thẳng
khác: Giải tỏa căn cứ Dakto Tân cảnh do một đơn vị thuộc Sư đoàn 22 Bộ
Binh trú đóng, đang bị Sư đoàn 320 Cộng quân vây hãm. Nếu thực sự Lữ
đoàn 3 Nhảy Dù đã bị xóa sổ ở đồi 31, tại sao chúng tôi còn đủ khả năng
và tinh thần chiến đấu, đánh bật vòng vây của quân địch, một đơn vị tổng
trừ bị của Bộ tổng tư lệnh Bắc quân, giải tỏa căn cứ Dakto trong thời
gian ngắn nhất? Xin có dịp đến mặt trận này trong một mục khác, để trở
lại căn cứ hỏa lực 31.
Như đã trình bày trong phần trước, bản
thân căn cứ 31 chỉ là một “căn cứ hỏa lực dã chiến”, có giá trị chiến
thuật trong một giai đoạn ngắn. Thường thường trong mỗi một cuộc hành
quân, đôi khi chúng tôi lập hai hoặc ba căn cứ như thế, cứ bỏ căn cứ này
lập căn cứ khác tùy theo nhu cầu chiến thuật của đơn vị. Do đó về phần
công sự, là những vật liệu tại chỗ, không có lấy một cuộn kẽm gai, không
có bãi mìn ngoài những trái claymore, như những vị trí đóng quân đêm
bình thường, lực lượng phòng thủ không bao giờ vượt qua một Đại đội
(không kể Đại đội chỉ huy công vụ của Tiểu đoàn có một phần quân số
trong căn cứ, nhưng không có trách nhiệm phòng thủ).
Đại đội 33, Tiểu đoàn 3 Nhảy dù lui về
đảm trách phòng thủ căn cứ sau khi đã bị tiêu hao trong trận đánh chiếm
Thái Thanh. Với chừng sáu mươi tay súng, phòng thủ một tuyến rộng lớn
của Đại đội nguyên vẹn, bao bọc vị trí của Pháo đội B Tiểu đoàn 3 Pháo
binh Nhảy dù, (Pháo đội trưởng là Đại Úy Nguyễn Văn Đương), gồm 6 vị trí
Pháo. Dĩ nhiên chúng tôi đồng thời phải bảo vệ Bộ chỉ huy Tiểu đoàn và
Bộ chỉ huy lữ đoàn đang trú đóng trong căn cứ. Đó là tất cả lực lượng cố
thủ đồi 31. Các đại đội 31, 32 và 34 đang hành quân lục soát bên ngoài,
cách xa chừng hai đến ba cây số. Tôi không có cơ hội để tiếp xúc với
đại đội 3 trinh sát tại vị trí, nên không thể xác quyết đơn vị nầy đang
hiện diện.
Riêng Trung đội chúng tôi, ngoài tuyến
phòng thủ, được giao ở mặt Bắc nhìn xuống một triền đồi thoai thoải, còn
có nhiệm vụ bảo vệ thường xuyên bãi trực thăng bên ngoài cứ điểm.
Chúng tôi tự tin ở khả năng chiến đấu
của đơn vị, và sẽ đủ sức cố thủ cứ điểm trong thời gian cần thiết (cần
thiết chứ không phải lâu dài) trước các cuộc tấn công cổ điển tiền pháo
kết hợp với đặc công đột kích, nếu được yểm trợ đầy đủ, hữu hiệu và kịp
thời. Không bao giờ chúng tôi có ảo tưởng, mình là một đơn vị bách chiến
bách thắng, không bao giờ chúng tôi quên rằng, mọi chiến quả thu được
trên chiến trường, là nhờ phần lớn sự đóng góp tích cực, vô điều kiện
của các hỏa lực yểm trợ. Và chúng tôi từng được yểm trợ như thế.
Ở căn cứ hỏa lực 31, chúng tôi có gì?
Ngoài khả năng cơ hữu của Sư đoàn là các
Pháo đội 105 ly ở các căn cứ hỏa lực lân cận, mà hình như cũng phải
chật vật đối phó với Pháo binh tầm xa của địch, gồm những đơn bị 122ly,
130ly cơ động, thay đổi vị trí nhanh chóng và hầu hết, đều nằm ngoài tầm
tác xạ tối đa của 105ly cũng như 155ly, nghĩa là Pháo binh ta với không
tới tầm pháo kích của đại bác địch. Chưa kể mức độ tập trung chưa từng
có của một số lượng lớn Bích kích pháo 82ly chung quanh căn cứ. Ưu thế
số 1 đã bị đảo ngược.
Để vô hiệu hóa pháo binh địch, chỉ còn
trông cậy vào hoạt động của không quân, thế nhưng, lực lượng này lại
không thuộc quyền điều động của Bộ tư lệnh cuộc hành quân. Chúng tôi
phải “xin” khi cần, còn “cho” hay không lại là chuyện khác.
Với người lính chiến, chẳng có ai quan tâm đến độ dày mỏng của công sự, chẳng mảy may lo nghĩ đến sự vững chắc của căn hầm chiến đấu, họ đã từng chứng kiến sức công phá của pháo binh ta trên những hầm hố vững chắc của địch với những trái delay rơi chính xác nên họ hiểu rằng…lãnh nguyên một trái 122 hoặc 130 ly trên nóc hầm thì chẳng còn gì để phân vân.
Với người lính chiến, chẳng có ai quan tâm đến độ dày mỏng của công sự, chẳng mảy may lo nghĩ đến sự vững chắc của căn hầm chiến đấu, họ đã từng chứng kiến sức công phá của pháo binh ta trên những hầm hố vững chắc của địch với những trái delay rơi chính xác nên họ hiểu rằng…lãnh nguyên một trái 122 hoặc 130 ly trên nóc hầm thì chẳng còn gì để phân vân.
Và mức độ pháo kích của địch càng ngày
càng dồn dập. Không kể những khẩu đội 82 ly thay phiên nhau suốt ngày
thì thụt, pháo binh địch bắn như trống múa lân, sáng trưa, chiều tối,
không kể giờ giấc, bắn không e dè sự phát hiện vị trí như trước. Pháo
đội B3 đã phải quần thảo với địch gần như hai mươi bốn giờ trên hai mươi
bốn giờ không nghỉ, suốt trong thời gian địch bắt đầu tạo áp lực lên
căn cứ, cho đến khi kết thúc trận chiến.
Hình ảnh những chiến sĩ Pháo binh tả
xung hữu đột giữa trận đối pháo mang khí phách của một chàng dũng sĩ
giữa trùng vây quân địch, nòng súng vừa thoắt bên Đông đã hiệu chỉnh về
Tây, vươn cao mạn Bắc rồi nhanh chóng ghìm xuống phương Nam, quành quả
tới lui tất bật giữa mưa pháo quân thù,như một mãnh sư giữa cơ man chồn
cáo, lực bất tòng tâm, trần thân trong nắng lửa vẫn kiên cường trong
trận xa luân chiến không cân sức, dù trên mình đã mang nhiều thương
tích. Không một ngôn từ nào diễn đạt được hết nét kiêu hùng bất khuất đó
của các pháo thủ Pháo đội B3. Nón sắt trên đầu, áo giáp che thân, những
khuôn mặt căm đanh uất hận vươn theo nòng pháo, mà tiếng đạn rời nòng
nào có khác tiếng gầm nộ hãi.
Thế nhưng, những vị trí pháo binh cố
định của ta vẫn lần lượt bị pháo binh địch tập kích trúng đích; với khả
năng hạn chế tại mặt trận, các pháo thủ vẫn cố gắng sửa chữa, thay thế
các cơ phận bị hư hỏng để duy trì sức chiến đấu của đơn vị.
Nhờ thế, những vị trí 82ly quanh quẩn
lần lượt bị vô hiệu hóa, có khi vắng tiếng cả hai ngày không bắn được
một trái.Thay vào đó, mức độ bắn phá của 122 và 130 lại tăng lên.
Trận chiến đấu trên đồi 31, trước hết,
là trận chiến của các chiến sĩ Pháo binh nhảy dù thuộc pháo đội B Tiểu
đoàn 3 Pháo. Phòng tuyến của chúng tôi rất gần những vị trí pháo, và
cũng rất gần với Bộ chỉ huy Pháo đội, chỉ cách nhau một con đường nhỏ
bao quanh vị trí, con đường gập gềnh cát bụi nối với bãi tiếp tế bằng
những chuyến xe GMC tới lui chở đạn và thực phẩm. Chiếc xe đó giờ đã nằm
im bên sườn đồi, mình lỗ chỗ vết đạn.
Thỉnh thoảng tôi vẫn chào anh khi tình
cờ ngang qua hầm chỉ huy Pháo đội, Đại úy Nguyễn Văn Đương, Pháo đội
trưởng, dáng người đương bệ, rám nắng phảng phất phong trần kiêu bạc.
– Cà phê mậy!
– Cảm ơn đại úy!Tôi ngồi xuống bên chiếc thùng gỗ.
– Mất ông Bôn, tao cũng rầu thúi ruột, tụi bây đánh trận đó đẹp quá!
– Cũng nhờ Đại úy bắn quá “ác liệt”
Anh tự tay pha cho tôi ly cà phê bốc khói.
– Cà phê cứt chồn Khe Sanh đó!
– Sao Đại Úy có?
– Hốt, không biết cứt chồn hay cứt cọp, hồi còn ở ngoài khe Sanh thiếu gì thứ này!
Chúng tôi nghe hương cà phê thấm dần
từng giọt, từng giọt mênh mông trải dài theo mù sương đồi núi. Anh không
nói, nhưng trên những điều thuốc đốt rồi để đó, đã cháy dần những lo
toan chiến sự, khi mà trên đồ bản, những vị trí quân ta mà Pháo đội phải
trực tiếp yểm trợ liên tục lùi dần về căn cứ, và khả năng tác xạ của
đơn vị ngày một tiêu hao không thay thế kịp, mới hôm qua đây, một khẩu
đội lại trúng đạn, nâng khả năng bất khiển dụng lên ba, vậy là chỉ còn
ba khẩu còn khả năng chiến đấu, trong khi nhu cầu yểm trợ cũng như trực
xạ cận phòng ngày một cấp thiết.
Không kịp nhấp chút cà phê thơm ngọt đã
phải băng vọt về vị trí khi tiếng pháo địch ầm ỳ bên vách núi, tôi lao
vội xuống hầm chiến đấu nghe tiếng đạn xé gió rít lên dồn dập. Ở đây,
hầm càng lớn, khả năng trúng đạn càng cao nên chúng tôi phân tán tối đa
những vị trí chiến đấu, mỗi hầm chỉ vừa đủ cho một người, cách xa nhau
chừng năm bảy mét, trong khả năng quan sát và yểm trợ hỗ tương; riêng
hầm của tôi còn có Quá, binh nhất vừa thay thế Phi mang máy truyền tin,
các vị trí đại liên có thêm một phụ xạ thủ. Suốt ngày gần như quanh quẩn
bên hố chiến đấu, chia nhau thức, ngủ và chờ đợi, thấp thỏm đứng ngồi.
Sau hai ngày đột ngột ngưng pháo kích,
địch đã di chuyển vị trí pháo của họ chếch về phương Nam, với khoảng
đường trên dưới hai mươi cây số nếu ước lượng từ tâm điểm vị trí chúng
tôi. Bạn hãy tưởng tượng một vòng cung có bán kính ít nhất cũng mười sáu
cây số, là khoảng cách an toàn tối thiểu, để cho các vị trí pháo 130ly
và 122ly nằm ngoài tầm tác xạ của 105ly và 155ly của chúng ta, là đã ước
tính được khoảng cách mà họ phải di chuyển từ Tây Bắc luồn về Tây Nam
căn cứ 31. Và điều này, có lẽ các bạn Pháo binh hiểu hơn chúng tôi về
các nỗi khó khăn khi kéo các khẩu trọng pháo qua địa hình đồi núi, dù
chỉ trên các trục đường đã được chuẩn bị sẵn. Thế nhưng địch đã làm được
điều đó một cách nhanh chóng, chắc chắn không phải chỉ bằng nhân lực
đơn giản của thời kỳ Điện Biên Phủ; và cũng không hiểu tại sao hệ thống
không thám tối tân của đồng minh đã từng cao rao là không có một sinh
vật nào có thể lọt qua tầm quan sát nếu họ muốn, lại không thể phát hiện
và cung cấp cho Bộ Tư Lệnh cuộc hành quân những tin tức về sự xuất hiện
xe bánh xích kéo pháo của địch quân? Cả ngọn đồi ngập trong âm thanh
hỗn độn, chát chúa, đất đá oằn mình vỡ tung lên cuồn cuộn, họ thật hào
phóng với chúng tôi khi bắn không cần hiệu chỉnh, từ vị trí mới, những
khẩu trọng pháo đã tỏ ra khá hữu hiệu với tầm tác xạ không vượt qua
những đỉnh núi chắn ngang mục tiêu.
Tiếng đạn rít dồn dập, biết rồi khổ lắm
ông đại đội ơi, cho con cái ngóc đầu lên quan sát kỹ phía trước, ngóc
lên hay ngóc xuống cũng chỉ trong phần không gian nhỏ nhoi của sự sống;
nó bắn dài trải như thế này thì không biết cái khoảng sống mong manh đó
của căn hầm dài một mét tám, ngang một mét rưỡi, sâu một mét rưỡi sẽ vỡ
tung ra lúc nào; mà vỡ thật rồi, tôi lao ra khỏi hầm khi tiếng “bụp” khô
khan của một trái delay hất tung căn hầm của Nam bên trái; moi lên, moi
lên, nó bắn kệ cha nó, hai tay bươi móc như thằng điên, tôi mò được cái
nón sắt của thằng Nam bầy nhầy, ươn ướt, chết mẹ! Hết cứu rồi, ông Sâm
ơi, lôi nhẹ lên thôi, có khi nó chưa chết. Quả đạn công phá rơi ngay sau
căn hầm, cách chừng ba mét, sức nổ xô dạt mọi thứ dồn cục vào nhau, vỡ
vụn.
Thấy tổ Khinh Binh nhốn nháo, muốn bu lại cứu đồng đội, tôi la lớn:
– Dạt ra, về vị trí hết, chừng này đủ rồi!
Mặc kệ tôi nói gì thì nói, Muôn vẫn nhào lại.
– Để tôi phụ một tay. Ừ, thì phụ đi, nó đang bắn đó, coi chừng hết chùm.
Chúng tôi vừa nằm xuống tránh đạn, vừa
nhỏm dậy tháo dỡ đất đá. Muôn lôi mấy bao cát để lộ một lưng áo lấm lem
bụi đất, cẩn thận gỡ từng mảng công sự, và thấy Nam đang ngồi im bât
động, mặt hướng ra phía trước, đầu gục xuống gối lên báng súng.
– Còn sống không?
– Hình như nó còn thở!– Kêu y tá mau lên!
Chúng tôi đưa được Nam ra khỏi căn hầm
đổ nát, và quả thật Nam vẫn còn thở thoi thóp, không một vết trầy trụa
nào trên người ngoài vệt máu nhẹ ứa ra trên mép. Nam bị bất tỉnh do sức
ép trái đạn nổ quá gần. Muôn xổ nho “Hắn thiệt phước như Đông Hải”,
tôi giật mình nhìn lại bàn tay, không biết đã mò được cái gì bầy nhầy,
ươn ướt trong nón sắt của Nam, không dám đưa lên ngửi, tôi lầm bầm, “đm cái thằng!” Hèn chi không thấy nón nhựa đâu hết, tôi thật chậm tiêu.
Đợt pháo kích chỉ chấm dứt khi hai phi
tuần F4C xuất hiện trên bầu trời, và nhanh chóng tấn công vào vị trí đã
được OV10 chỉ điểm bằng đạn khói. Lửa Napal bốc lên cuồn cuộn, và trên
vòng loop của chiến đấu cơ, những vết đạn phòng không cũng đuổi theo bén
gót, không biết tọa độ bị oanh kích có chính xác là vị trí pháo hay
không, nhưng hình như địch cũng biết e dè khi có không quân lâm trận,
nhờ thế chúng tôi được rảnh rang đôi chút để lo tải thương, tiếp tế.
Việc tải thương, tiếp tế cũng là một vấn
đề nam giải, thực sự thì tuyến phòng thủ đã quá mỏng, và càng mỏng hơn
nữa, khi phải tung quân bảo vệ bãi tiếp tế bên ngoài căn cứ. Không lần
nào không có thương vong vì súng cối địch, và ít nhất cũng đã có hai
chiếc trực thăng vĩnh viễn nằm lại bãi đáp vì trúng đạn phòng không khi
gần đến vị trí, và một phi hành đoàn đang còn kẹt lại. Rất tiếc tôi
không nhớ rõ phiên hiệu của đơn vị Không Quân (VNAF) trực tiếp yểm trợ
chúng tôi bằng các phi vụ trực thăng gan dạ, khi mà lưới lửa phòng không
đã phục sẵn trên các đường tiếp cận nhằm mục đích khóa chặt nẻo vào từ
mọi hướng, thì đường bay của các bạn quả thật là “một đi không trở lại”,
đã bao nhiêu lần chúng tôi nhìn thấy những chiếc trực thăng đột ngột
cất lên từ một lũng núi mù mù sương sớm, hoặc lướt nhanh trên ngọn cây
qua một đỉnh rừng, hay bay nghi binh thật xa để rồi luồn theo khe núi,
mang đến cho chúng tôi tất cả nhu cầu không thể thiếu của mặt trận… Đạn
dược, thuốc men, quân trang quân dụng, thực phẩm, nước uống, thư từ, báo
chí, và chút hơi hướm yên bình nơi hậu phương đất mẹ.
Chiều nay lại ra bãi, cũng kể nhủ một
lần đi ủi, chúng tôi đã nhìn thấy địch quân điều quân lui tới, qua lại
thấp thoáng dưới bóng cây bên những triền núi xa xa, và biết đâu chừng
đã mon men gần căn cứ, tuy các Đại đội bạn ở bên ngoài vẫn chưa có phát
hiện nào về sự xuất hiện của địch. Mọi việc vẫn phải làm thật nhanh và
thận trọng, xuất phát, lục soát, rải quân… Công việc quá bình thường của
một Trung đội tác chiến mà sao giờ này lại quá nặng nề. Mà không nặng
nề làm sao được khi quân số tiêu hao ngày một trông thấy. Rời Sài Gòn
tôi dẫn theo hai mươi sáu thanh niên, mặt mày tươi như trên đường đi
học, rồi lại còn được bổ sung thêm hai chàng lục tỉnh mới cáu cạnh, và
Nghĩa, một Chuẩn úy mới ra trường, vị chi là hai mươi chín mống. Tôi nói
với Nghĩa khi anh chàng đến Trung đội trình diện theo đúng quân cách:
– Thôi bỏ đi ông! Ra trường dịp này kể như trúng lớn, lại còn đi theo tôi!
Nghĩa láu lỉnh:
– Trung úy truyền cho ít ngón, để sau cuộc hành quân này tôi đỡ lọng cọng.
Nghĩa, người Sài Gòn, nhà ở đâu miệt
Khánh Hội, Hàm Tử, cũng có mẹ già và em gái, cũng mang cái hồn nhiên của
tuổi trẻ vào mặt trận như ngày tôi mới ra trường. Hồi đó, tôi còn được
may mắn học nghề với Trung úy Dũng tại ven đô, hành quân an nhàn quanh
hãng bột ngọt An Phú Đông, Tân Thới Hiệp, Nhị Bình; sáng lai rai cà phê
và pháo, chiều về còn cóc với ổi đưa cay. Có đâu như Nghĩa, giày trận
còn bóng nếp quân trường đã được ném ngay vào cõi chiến trường dữ
dội.Tôi đã không còn dịp bàn giao Trung đội cho Nghĩa như ngày nào Trung
úy Dũng đã giao trách nhiệm cho tôi. Nghĩa đã hy sinh không lâu sau đó.
Chưa tới một tháng, Trung đội chỉ còn
lại mười tám ngoe, kể cả tôi. Đã thêm hai cái chết đau đớn của Binh nhất
Mão và tân binh Xuất cứ dai dẳng ám ảnh tôi.
Gom góp, nhặt nhạnh lại không đầy cái
nón sắt, đó là xác Mão sau khi căn hầm của anh hứng gọn một trái công
phá. Còn Xuất thì cứ trào ra những bụm cơm sấy trộn lẫn máu trong cơn
hấp hối, máu và cơm, cơm và máu lẫn với những bọt khí ào theo vết thương
vỡ banh lồng ngực, mảnh đạn như một lưỡi rìu phạt ngang người, khi anh
ngồi bên miệng hầm nhìn bâng quơ những đỉnh núi, tay bốc từng bụm gạo
sấy thẩy vào miệng.
Tôi cũng ngồi cách Xuất năm vị trí trong cùng một phiên gác chiều, và chỉ kịp la lên “Xuống hầm! Pháo kích!”
nhưng không còn kịp nữa, có lẽ tiếng gạo sấy khô khan vỡ rao rào trong
miệng đã làm Xuất không nghe được tiếng pháo địch rời nòng, viên đạn quá
tầm rơi ngoài sườn đồi lại tai quái gởi ngược về một mảnh lớn nhất. Khi
chúng tôi đến thì Xuất đã như thế, môi anh còn mấp máy điều gì, tôi đã
cố cúi sát người để chỉ nghe thều thào hình như tiếng “Mẹ ơi”…và Xuất đi
hẳn.
Số bị thương mỗi ngày gia tăng, Trung sĩ
Biên đã nhe răng vàng vẫy tay chào chúng tôi, chống gậy cà thọt lên
trực thăng tuần trước, có gì đâu. Đi vệ sinh, chạy về hầm không kịp, may
mắn lắm mới bể mông, anh ta còn cười hề hề khi tôi lên thăm ở bệnh xá
Tiểu đoàn… “Tui còn đem được đồ nghề về cho bà xã”…Giàn Hạ sĩ
quan chỉ còn lại thượng sĩ Đàng và trung sĩ Yến, tôi kể như giảm cấp số
làm Tiểu đội trưởng, chỉ huy một Tiểu đội Khinh binh và một tiểu đội hỏa
lực. Mà nào phải chỉ Trung đội chúng tôi? Hai trung đội kia cũng lâm
vào tình trạng tương tự, giật gấu vai cũng không đủ quân để trải kín
tuyến phòng thủ vốn dĩ được thiết lập cho một Đại đội mạnh, đầy đủ quân
số. Một tuyến dài như thế, lại phải duy trì ba vọng gác đêm, hai vọng
gác ngày, chia đều chi mỗi người cũng ôm hơn năm tiếng mỗi ngày trực
gác. Kể cả tôi cũng chia xẻ ba giờ đốc canh ca thứ nhứt, trong tình
trạng căng thẳng kéo dài, mặt mày ai nấy hốc hác thấy rõ.
Mở nắp bi-đông nhắp dè xẻn một ngụm
nước, nước, bây giờ cũng là thứ phải tiết kiệm tối đa khi phải tiếp tế
bằng máy bay, mỗi Trung đội được bốn ống đạn 155ly dùng cho bốn ngày
giữa hai kỳ tiếp tế bình thường, nhưng chu kỳ đó hiện đã giãn dài không
tính được khi các chuyến bay ngày một trở nên mạo hiểm. Không đủ lực
lượng để bảo vệ nguồn nước sâu dưới chân ngọn đồi bên kia, chúng tôi
đành phải rút bỏ, tuần trước, nhân khi một đại đội bạn di hành qua bờ
suối, chúng tôi đã trở lại lấy nước dự trữ cho gần một tháng (chứa trong
các ống đạn 155 và thùng đạn đại liên). Số nước đó tuyệt đối không dùng
đến.
Nhảy qua tần số đại đội để làm việc
thẳng với tiểu đoàn theo lệnh, báo cáo mọi vị trí bên hai sườn đồi đã
được rải xong quân bảo vệ, tôi dẫn Muôn và 4 chiến sĩ khác leo lên vị
trí của Hạ sĩ nhất Chính, tổ tiền đồn này ở đây mười ngày chờ thay thế,
mà hình như họ cũng không muốn thay thế khi cảm thấy ở chốn hẻo lánh này
có vẻ an toàn hơn cứ điểm chính, ít nhất là cho đến bây giờ vẫn chưa có
trái pháo nào lạc địa chỉ qua đây. Nay thì dù sao cũng phải hoán đổi,
chưa biết hơn thiệt thế nào, nhưng trước hết phải bình đẳng trong cuộc
chơi, tôi ngồi bên gốc cây chờ Chính dẫn Muôn bàn giao các vị trí phục
kích tự động, cũng từ các vị trí này tuần trước, cả căn cứ đã phải một
phen lên ruột tưởng như cuộc tấn công của địch đã thực sự bắt đầu…Khi
đồng loạt 4 trái claymore nổ bùng dữ dội, kèm theo mìn chiếu sáng tại
tuyến trước tổ tiền đồn. Chính thở hổn hển trên máy:
– Tụi nó chạy nghe rần rần, không biết bao nhiêu, xin tác xạ khẩn cấp tuyến tám.
– Có ngay cho anh! Phải giữ vũng vị trí! Nghe rõ thổi ba bùa!– Phù! Phù ! Phù!
Bắn chát ì xèo một hồi không thấy động tĩnh gì, Chính im tiếng súng, tôi gọi:
– Sao ông?
– Để tôi ra lục soát coi.
– Chuyện đó để mai tính! Ba thức hai ngủ, cẩn thận tại chỗ.
Báo hại cả đơn vị chống mắt thức báo động, sáng ra Chính báo cáo:
– Đích thân cho người khiêng heo về.
– Heo gì cha?
– Heo rừng, mười bốn con lớn nhỏ.
Thì ra, nguyên một bầy heo rừng lang
thang kiếm ăn, run rủi thế nào thì lọt ngay vào giữa hai ổ phục kích tự
động và tầm sát hại rộng của bốn trái claymore, đã không để sót một chú
nào.
Thượng sĩ Đàng không ăn thịt heo, anh ta rầu rầu:– Điệu này xui lắm Trung úy ơi!
– Sao vậy?
– Tôi đi trăm trận, khi nào có thịt rừng là có thịt người!
– Trước sau gì tụi nó cũng đánh, mấy bữa này không có thịt rừng vẫn có thịt người mỗi ngày đó sao?
– Mười bốn con lận, lành ít dữ nhiều.
Kể từ hôm đó, ông càng trở nên lầm lì ít nói và cáu gắt với đám trẻ bỡn cợt chung quanh.
Dặn dò Muôn đôi điều bình thường, tôi và
toán tiền đồn cũ quay xuống bãi tiếp tế khi tiếng trực thăng văng vẳng
xa xa; mọi bữa khi chúng tôi bắt đầu xuất phát là địch đã phát hiện và
khởi sự pháo kích vào bãi, nay trái gió trở trời thế nào mà có đến hai
phi tuần Cobra bao vùng, lại thêm mấy chiếc F4 đang quần thảo phía Tây
Nam căn cứ với pháo binh và phòng không địch, nên hai chiếc trực thăng
tiếp tế đáp yên lành xuống bãi nhanh chóng chuyển giao hàng tiếp tế, đón
nhận thương binh, tử sĩ và phi hành đoàn của chiếc lâm nạn mươi ngày
trước. Tôi vẫy tay làm người đưa tiễn, tiễn cả người sống và tiễn người
chết, đến mai này biết có ai tiễn biệt chúng tôi.
Giữ nguyên đội hình bảo vệ bãi cho đến
khi bộ phận trách nhiệm của tiểu đoàn chuyển xong mọi thứ vào căn cứ thì
được lịnh lui quân, và tôi lai nhận thư Phượng.
Buổi tối lan dần lên cứ điểm thoáng hơi
sương lành lạnh, tôi dựa lưng vào thành hầm xòe hai tay nhìn mông lung
bóng tối; những ngón tay thô nhám khi cầm súng chợt biết nhẹ nhàng với
phong thư thoang thoảng nắng sân trường; tôi thật vô duyên theo những
điều huyễn hoặc, hạnh phúc, yên vui, và cả một ngày mai thật dài, tràn
đầy sức sống, trong khi tất cả dự định có thể bọt bèo trong chốc lát; có
thể ngay bây giờ đây vỡ vụn ra trăm mảnh theo một trái pháo vô tình.
Không biết trong muôn một, sẽ có không? Hạt bụi nào khẽ bay về rơi nhẹ
xót mắt em.
Tôi soi ngọn đèn pin lò dò từng chữ và
chợt buồn rầu nhận ra, em vẫn không hiểu gì về tôi trong khi mỏi mòn một
nhịp cầu Ô Thước. Lá thư thật dài nhưng chẳng có gì để đọc; kể cho tôi
làm gì những ồn ào phố thị; kể cho tôi làm gì những khúc luân vũ đã làm
mắt em say. Sài Gòn của em vẫn thế và giảng đường của em vẫn thế. Em
không nói bên chiếc ghế tôi ngồi đã có ai quấn quýt? Nhưng tôi biết đó
không phải là thế giới của tôi, và chiến tranh dường như chưa bao giờ
lai vãng dưới những tàng cây bốn mùa dim mát. Không biết những tin tức
từ mặt trận có làm sân trường đại học bớt tươi màu áo, mà sao những vô
tình của em và bạn bè đối với cuộc chiến càng làm tôi xa cách vô cùng.
Tôi không định viết thư cho Phượng, biết có còn trở về để thêm chi nhiều
vương vấn. Những giọt nước mắt chính danh đã lan tràn trên đất nước,
còn khơi thêm làm gì chút sầu muộn người dưng?
Vòng hai tay ra sau ót, gối đầu lên
ba-lô mỏi mệt muốn vùi tất cả vào quên lãng, ngày tháng cứ qua theo tầm
bay lửa đạn, cả trăm trái pháo mỗi ngày băm nát ngọn đồi vô danh bỗng
chốc trở thành cõi chết; cái chết cứ lần hồi gậm nhấm từ Đông qua Tây,
từ Nam lên Bắc, từ những hầm hố kiên cố ở trung tâm cứ điểm đến dãy
chiến hào chỗ sâu chỗ cạn bao bọc ngoại vi, tất cả bỗng trở nên bình
đẳng trước sức công phá dữ dội của đạn pháo, mặt trận bỗng nhiên nghiêng
hẳn về một phía, chúng tôi ngồi đây, ngày và đêm thúc thủ trước tiếng
súng địch. Hàng ngũ cứ thưa dần, thà rằng cứ lao thẳng vào mũi súng, thà
rằng đối mặt với quân thù, thà rằng chết trong tiếng hò reo xung trận,
có đâu cứ len lỏi mãi dưới hầm hào mà cũng chỉ đợi chờ cái chết.
Tôi không dám nói thay những người lính,
nhưng tôi hiểu họ, tôi hiểu nỗi lo âu căng thẳng mà chúng tôi cùng chia
sẽ, như anh chàng Ngọt đó, giữa lúc đạn pháo ầm ỳ trải lên trận tuyến,
bỗng nhiên hắn ta nhảy vọt lên nóc hầm tuột phăng quần chỉa cu ra phía
trước, miệng la lớn một hơi dài như tiếng hú của một con thú bị thương…
“con c…” Yến phải liều mạng nhảy lên cặp cổ lôi xuống. Chúng tôi gần như
ai cũng đang “chạm giây” như thế và có lẽ sự nổ bùng của chiến trận là
liều thuốc cuối cùng để giải thoát, sự giải thoát tận cùng trên hai
nghĩa trắng đen trần trụi.
Chúng tôi đều biết được lực lượng của
địch không còn xa căn cứ, và có lẽ họ đang ở lại tuyến xuất phát để chờ
đợi giờ “G”, khi mà mọi tần số trên máy truyền tin của chúng tôi đều
tràn ngập ngôn ngữ xa lạ của quân thù, và thế là lại phải chửi nhau trên
máy để dành sóng liên lạc (việc bảo mật đã trở nên thừa thải).
– Đi chỗ khác chơi. Tụi tao ra Hà nội nhốt cổ mày bây giờ!
– Chúng mày chờ đó, ông vào Sài gòn đấy các con ạ.– Ê tụi mày hát hò điệu gì nghe giống tàu phù quá.
– Mời các bạn nghe văn công nhé.
Thằng hiệu thính viên bên kia lấy harmonica ra thổi ò e ò e; Quá không có đồ nghề tương xứng nổi quạu:
– Thổi như cục cứt, mày dám chửi Hồ Chí Minh không? Mày nghe tao dám đả đảo Nguyễn Văn Thiệu nè.
– Mày dám đéo mẹ Liên Xô Trung Quốc vĩ
đại của mày không? Mày nghe tao đm thằng Mỹ nè, Quá làm “Full auto” một
hơi, hiệu thính viên Bắc Việt (chắc chắn là cấp chỉ huy) nghe chừng phạm
húy im thin thít.
Mỗi lần chúng tôi liên lạc với nhau là tụi hắn lại chen vô phá đám… “mời các bạn Quân đội Sài Gòn tham gia chống Mỹ cứu nước”
…cái giọng tuyên truyền rẻ tiền cứ dẻo quẹo; không có thì giờ đôi co,
chúng tôi đồng loạt bẻ cổ gà qua chỗ khác nói được năm ba câu lại nghe
thằng khác xía vào mời nghe văn công.
Cứ thế, ngày nào cũng nói qua nói lại, nó còn hỏi chúng tôi ăn pháo có ngon không, nó hỏi cái này thì Quá đắng họng, tắt máy.
Trước mặt chúng tôi có một hẻm núi, từ
trên đồi nhìn xuống chỉ nhận biết con người nhờ sự di động, nếu anh ta
đứng yên thì không thể nhìn thấy; hẻm núi có một khoảng trống giữa hai
lùm cây rậm rạp, thế là địch chơi trò cân não. Ban đêm là lúc chúng tôi
không thể quan sát. Ban ngày có mặt trời lên là có người băng qua khoảng
trống đó; mặc kệ không biết bao nhiêu bom đạn được điều chỉnh chính xác
xuống mục tiêu, dứt tiếng súng là có người băng qua.
Dòng ngưới cứ tưởng như bất tận; rồi đêm
đêm, từng vệt đèn và tiếng động ầm ỳ của chiến xa dội lên căn cứ, dội
lên mỗi người lính nỗi lo âu thật sự về khả năng chống chiến xa của đơn
vị, khi mà những trái M72 chưa một lần chứng minh hiệu quả trước vỏ thép
xe tăng, và khi mà cả căn cứ đã trần trụi, ngon lành như một đùi thịt
nướng sau các trận pháo kích liên tục của đối phương.
Trong cuộc hành quân Lam Sơn 719, loại
M72 trang bị cho chúng tôi là loại cũ, nhiệt độ phát ra từ đầu nổ của
hỏa tiễn chỉ đủ sức để công phá hầm hố, công sự, không đủ sức xuyên phá
vỏ thép xe tăng. Loại này khi kéo ra ở vị thế kích hỏa, sẽ thấy sợi dây
lên cò nằm suốt theo nòng súng, khác với loại mới được trang bị từ sau
cuộc hành quân này, mà nhiệt độ công phá hình như đã được nâng lên hai
lần hơn.
Chúng tôi không có lấy một chướng ngại
vật, không có lấy một hàng rào kẽm gai, hay một trái mìn chống chiến xa
để an lòng phần nào lực lượng phòng thủ.
Và chúng tôi cũng chẳng phải chờ đợi lâu hơn nữa. Cuộc tấn công thật sự đã bùng lên trước khi ngày chưa đứng bóng.
(Còn tiếp p4)Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
http://dcvonline.net/2016/06/17/mot-mau-chuyen-ve-doi-31-p3/
No comments:
Post a Comment