Wednesday, March 16, 2016

ANH KHÔNG CHẾT ĐÂU ANH (TRẦN THIỆN THANH) Nguyễn Văn Đương, Nguyễn Thanh Giang


Trong những ca khúc viết về các vị sĩ quan của Quân lực VNCH đã tử trận một cách hào hùng như Rừng Lá Thấp (Đại Úy TQLC Vũ Mạnh Hùng), Bắc Đẩu (Đại Úy Thiết Giáp Nguyễn Ngọc Bích), Người Ở Lại Charlie (Trung tá Dù Nguyễn Đình Bảo), Người Chết Trở Về (Thiếu Úy Biệt Động Quân Phạm Thái) ..v.v. có lẽ “Anh không chết đâu anh” là bài hát nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã viết về thể loại này. Bài hát đã ca ngợi cái chết của “người anh hùng mũ đỏ tên Đương”, tức cố Đại Úy Nguyễn Văn Đương của tiểu đoàn 3 Nhảy Dù đã hy sinh trên chiến trường Hạ Lào vào đầu năm 1971 và được Nhật Trường trình bày lần đầu tiên trên các phương tiện truyền thông thời đó.
Năm 1972, bài hát này lại được ca nhạc sĩ Nhật Trường-Trần Thiện Thanh soạn thành một vở “phim kịch” ca nhạc để dàn dựng trên sân khấu và quay phim ngoại cảnh rất công phu. Nhạc sĩ đã viết thêm các tình tiết có đối thoại và mời nhiều nghệ sĩ khác cùng góp mặt. Chuyện phim kịch này dài chừng 45 phút đã được trình chiếu rất nhiều lần trên đài truyền hình (đen trắng) khắp các tỉnh miền Nam VN trước năm 1975. Hai vai chánh và cũng là hai giọng hát trong đoạn phim kịch này là ca sĩ Nhật Trường và Thanh Lan đã làm cho không biết bao nhiêu người phải rơi nước mắt, xót thương cho một thảm cảnh gia đình nát tan trong thời chinh chiến. Bài hát này được viết theo nhịp điệu chiến tranh, thương tiếc bằng dòng nhạc dạo đầu, trước khi ca sĩ Nhật Trường cất tiếng ca:
“Anh không chết đâu anh, người anh hùng mũ đỏ tên Đương
Tôi vẫn thấy đêm đêm, một bông dù sáng trên đồi máu
Nghe trong đêm kêu gào, từng tiếng súng pháo đếm mau
Và tiếng súng, tiếng súng hay nhạc chiêu hồn đưa anh đi, anh đi
Anh không chết đâu anh ….”

Sau mười tám năm dài kẹt lại ở Việt Nam dưới chế độ cộng sản, năm 1993 ca nhạc sĩ Nhật Trường đã đến định cư tại Hoa Kỳ. Ngoài việc sáng tác, thu thanh các bài hát vào dĩa CD, thu hình vào DVD và trình diễn ở sân khấu đại nhạc hội khắp nơi; người nhạc sĩ tài hoa này đã nhanh chóng thực hiện lại những chương trình phim kịch của ông soạn ra trước kia, trong đó có phim kịch “Trên Đỉnh Mùa Đông”. Đoạn phim kịch này đã được thực hiện lại rất công phu ở Mỹ và được Nhật-Trường Productions phát hành thành video và DVD vào năm 1997. Trong phim kịch này Nhật Trường đóng vai Đại Úy Dù Nguyễn Văn Đương, Thanh Lan đóng vai người vợ là Nguyễn Thị Lệ, Trần Thiện Anh Chương đóng vai Trung Sĩ Toàn, Nguyễn Ngọc Nhơn đóng vai Thiếu úy Nhơn. Qua phim kịch này, với những bài hát “Trả lại em yêu, Nửa hồn thương đau, Anh không chết đâu anh, Trên đỉnh mùa Đông”, đoạn phim đã đưa khán giả trở về đất nước Việt Nam trong thời chiến tranh khói lửa cách đây đúng 35 năm. Nhật Trường đã hát những lời thương tiếc:
”Anh không chết đâu anh, anh chỉ về với mẹ mong con
Anh vẫn sống thênh thang, trong lòng muôn người biết thương đời lính
Trong tim cô sinh viên hay buồn, thường nhắc nhở những chiến công.
Chuyện nước mắt ướt sân trường đại học, chuyện anh, riêng anh, riêng anh …”

Đó là ngày mùng ba Tết năm Tân Hợi (29-01-1971) ở miền nam Việt Nam. Trong lúc mọi người dân ở hậu phương đang vui hưởng những ngày Xuân đầm ấm, thì toàn bộ Sư Đoàn Nhảy Dù (trong đó có Trung Úy Nguyễn Văn Đương) đã âm thầm di chuyển bằng không vận từ các căn cứ gần Sài Gòn ra Đông Hà, Quảng Trị. Lần lượt các đơn vị Dù đã được không tải đến những địa điểm ấn định từ trước, phối hợp với các đơn vị bạn như Sư Đoàn 1 Bộ Binh, Thiết Giáp, Biệt Động Quân, Thủy Quân Lục Chiến, Không Quân và quân đội đồng minh Hoa-Kỳ… để chuẩn bị tham dự cuộc hành quân lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử hai mươi năm chiến tranh VN (1955-1975). Cuộc hành quân này được mang tên là “Hành Quân Lam Sơn 719” nhằm tiến quân đánh thẳng vào các căn cứ tiếp vận quan trọng của cộng sản ở đường mòn Hồ Chí Minh, vùng Hạ Lào ( tức là vượt biên 25 km qua lãnh thổ của nước Lào). Lam Sơn là quê hương của anh hùng Lê Lợi, người đã đánh đuổi giặc Minh ngày xưa (năm 1427). Con số 719 là gồm 71 là năm 1971 và số 9 là quốc lộ 9 là con đường huyết mạch để chuyển quân trong chiến dịch này (nên gọi là “Hành Quân Lam Sơn 719”).
Kế hoạch hành quân Hạ Lào gồm có 4 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Bắt đầu từ ngày 29.01.1971, Quân đội Việt-Mỹ sẽ hành quân phối hợp để giải tỏa các khu vực gần biên giới Lào và tái chiếm căn cứ Khe Sanh (đã bị bỏ hoang từ năm 1969). Căn cứ này được đặt tên là Hàm Nghi và sẽ là nơi đặt bộ chỉ huy và cũng là nơi tiếp liệu cho cuộc hành quân này.
- Giai đoạn 2: Lực lượng hành quân VNCH gồm 3 cánh quân (Sư Đoàn Dù, Sư Đoàn 1 Bộ Binh, Liên Đoàn 1 Biệt Động Quân) tiến theo quốc lộ 9 đến thị trấn Tchépone của Lào, để đặt bản doanh Bộ Chỉ Huy Tiền Phương.
- Giai đoạn 3: Sau khi chiếm được Tchépone, các lực lượng hành quân sẽ tảo thanh căn cứ địa 604 của Cộng Sản Bắc Việt, nằm ngay trên đoạn đường mòn Hồ Chí Minh này.
- Giai đoạn 4: Các lực lượng của QLVNCH sẽ từ mật khu 604 di chuyển về phía Tây Nam càn quét căn cứ địa 611 và sau cùng là rút quân toàn bộ cùng với các chiến lợi phẩm trở lại Việt Nam.
Giai đoạn 2 bắt đầu từ lúc tám giờ sáng ngày 8-2-1971, khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố trên các hệ thống truyền thanh và truyền hình toàn quốc như sau: “Cuộc hành quân có giới hạn trong thời gian và không gian với mục tiêu duy nhứt là phá vở hệ thống tiếp liệu và xâm nhập của CSBV trên phần đất Ai-Lao mà chúng chiếm đóng và sử dụng trong nhiều năm nay để tấn công vào VNCH. Ngoài ra VNCH không có tham vọng đất đai nào tại Ai-Lao vì VNCH luôn luôn tôn trọng nền độc lập và sự vẹn toàn lãnh thổ của vương quốc Ai-Lao”.
Lực lượng hành quân phía VNCH do Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư Lệnh Quân Đoàn I, chỉ huy với tổng cộng hơn 17,000 quân nhân. Sư Đoàn Dù là lực lượng nồng cốt của cuộc hành quân này và được phân nhiệm như sau:
- Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn và các đơn vị yểm trợ đóng tại Khe Sanh (Hàm Nghi)
- Lữ Đoàn 1 Dù gồm các Tiểu Đoàn 1,8,9 cùng Thiết Đoàn I Kỵ Binh theo quốc lộ 9 thiết lập căn cứ hỏa lực A-Lưới. Đây là căn cứ lớn nhứt của cuộc hành quân Lam Sơn 719.
- Lữ Đoàn 3 Dù với Bộ chỉ huy Lữ Đoàn và Tiểu Đoàn 3 Dù đóng tại căn cứ hỏa lực 31 (cao điểm 456), với pháo đội trưởng của Pháo Binh Dù là Thiếu Úy Nguyễn Văn Đương.
Tiểu Đoàn 2 Dù đóng quân tại căn cứ 31 (cao điểm 727)
Tiểu Đoàn 6 Dù được trực thăng vận xuống phía bắc của căn cứ 31 vài ngày sau đó.
- Lữ Đoàn 2 Dù gồm các Tiểu Đoàn 5,7,11 là lực lượng trừ bị và đóng tại Tà-Bạt (Lao Bảo).

Sau khi ổn định và củng cố lực lượng, các đơn vị tung quân ra phía ngoài chu vi phòng thủ để thiết lập tiền đồn và tảo thanh, càn quét vùng trách nhiệm. Các tiểu đoàn Dù, Bộ binh và Biệt động quân đã khám phá và tịch thu được nhiều kho vũ khí, thực phẩm, nhiên liệu. Cộng sản liền huy động toàn lực cấp quân đoàn gồm 4 sư đoàn và các trung đoàn xe tăng và pháo binh.
Kể từ ngày 18-2-1971 cho đến ngày 25-2-1971, cộng sản Bắc Việt đã tấn công và chiếm được 2 căn cứ hỏa lực Ranger North và Ranger South do Biệt Động Quân trấn đóng. Cả hai bên đều bị thiệt hại nặng nề về nhân mạng, như lời kể lại của một Chuẩn Úy BĐQ như sau: “Hàng mấy trăm xác VC nằm la liệt khắp nơi, chồng chất lên nhau. Những mảnh rocket, những mảnh đạn súng cối văng tứ tung. Mùi khét lẹt, ghê rợn của thuốc súng, của da thịt những người đã chết. Tiếng kêu gào thảm thiết, đau đớn của những người ngắc ngoải …”
Ngày 23-2-1971 quân CS bắt đầu tấn công căn cứ hỏa lực 31, nhưng bị đẩy lui. Ngày hôm sau CS tăng cường cuộc tấn công với sự yểm trợ của 20 thủy-xa PT-76, nhưng vẫn bị thất bại. Sang ngày 25, CS dùng pháo binh chận đứng sự tiếp viện của 2 căn cứ A-Lưới và 30, và đồng thời tung toàn lực tràn ngập căn cứ hỏa lực 31. Cộng sản đã thiệt mất 1,000 quân và 11 thủy xa và chiến xa T-54 để chiếm được căn cứ này. Một sỹ quan Dù đã ghi lại những giây phút sau cùng của căn cứ hoả lực 31 hay đồi tử thần này như sau: “Lần tấn công thứ 3, VC đã trả đũa bằng một trận mưa pháo tàn khốc, dài suốt nửa tiếng đồng hồ, làm rung chuyển căn cứ như một trận động đất. Lần tấn công này, chúng đã huy động toàn lực còn lại của Sư Đoàn do tên Đại Tá Chơn trực tiếp điều động, tiến lên bằng bốn hướng với đội hình nhảy cóc. Chủ lực của quân ta đương đầu với địch đợt này là các chiến sỹ tham mưu. Người anh cả của Lữ Đoàn là Đại tá Nguyễn Văn Thọ và Trung Tá Châu, Tiểu Đoàn Trưởng Pháo Binh đã đứng sẳn bên chiếc máy truyền tin để truyền lịnh cuối cùng. Các Sĩ quan Tham Mưu của chúng tôi còn lại, chia nhau mỗi người một thùng mìn claymore đặt ngay trên tuyến cuối cùng của trận tuyến. Sau khi đã chuẩn bị xong, quân Cộng tràn lên như kiến cỏ, ai cũng đều thốt ra câu ‘hàng sống chống chết’. Đúng như kế hoạch, Đại Tá Thọ ra lệnh: ‘Bắn trên đầu chúng tôi ngay lập tức’. Lệnh vừa chấm dứt, một trận mưa pháo khủng khiếp từ khắp các vị trí yểm trợ phóng tới bằng đạn “đầu chụp” họp cùng với những mảnh mìn claymore xuyên ngang. Địch quân không còn cách nào cứu chửa, máu chảy lai láng trên mặt đồi, có chổ đọng lại như vũng nước. Những tên còn sống sót cắm đầu chạy hoảng xuống hầm. một toán lao mình xuống trước, bị ngay một trái lựu đạn của thiếu tá Hiền tung ra chết không còn một đứa. Thiếu Tá Hiền cũng đã hy sinh dũng cảm. Ở phía dưới đầu hầm bên kia, tiếng nổ chát chúa của một băng đạn súng ngắn như vội vàng tiêu diệt kẻ thù, rồi Đương, người Pháo Đội Trưởng, đã dành lại cho mình viên đạn cuối cùng.” (theo Phạm Huấn, “Trận Hạ Lào”, 1990).
Đó là những giây phút sau cùng của người anh hùng Trung Úy Pháo Thủ Dù Nguyễn Văn Đương. (Sau khi hy sinh, ông được vinh thăng lên Đại Úy). Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã viết như sau:
“Ôi đất mát trên đồi xanh tình yêu khóc ngất bên cỏ tranh
Đâu cánh dù ôm gió, đây cánh dù ôm kín đời anh
Trong những tiếng reo hò kia lẻ loi tiếng súng anh nhiệm mầu
Ôi tiếng súng sau cùng đó, anh còn nghe tầm đạn đi không anh ?

Không! anh không, anh không chết đâu anh, anh mới vừa bỏ cuộc đêm qua ….”
Đúng 6 giờ 30 phút ngày 25 tháng 2 năm 1971, căn cứ 31 Hạ Lào đã hoàn toàn lọt vào trong tay Bắc Quân và Trung Úy Nguyễn Văn Đương cũng đã vĩnh viễn nằm lại ngọn đồi máu đó với viên đạn sau cùng tự tay ông bắn vào đầu mình. Trong cuốn hồi ký “Một cánh hoa dù” Thiếu tá Dù Trương Dưỡng đã kể lại như sau:
“Ngay chiều hôm đó đồi 31 bị tràn ngập, tôi nghe tiếng Nguyễn Quốc Trụ, bạn cùng khóa, gọi Kiệt bên căn cứ A-Lưới là:” Xe tăng Việt Cộng đang trên hầm chỉ huy, mầy nói pháo binh bắn lên đầu tao, chờ tụi nó xuống tao sẽ tự tử, vĩnh biệt mầy, Kiệt ơi.” Căn cứ hỏa lực 31 thất thủ, bên trong gồm Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù, BCH Trung Đoàn 3 Pháo Binh, Pháo đội 33 của Nguyễn Văn Đương. Thấy tên người nhiều như vậy, nhưng lúc đó quân số đã hao hụt, chỉ còn trên dưới 400 người. Đại Tá Thọ, Trung Tá Châu ... bị bắt. Đại Úy Đương tuẫn tiết.”

Đến ngày 25-3-1971, hầu hết các đơn vị QLVNCH đã rời khỏi Lào và chấm dứt chiến dịch hành quân Lam Sơn 719. Kết quả của cuộc hành quân này được ghi nhận như sau:
- Mỹ: 176 chết, 1942 bị thương, 42 mất tích. Thiệt hại: 108 trực thăng và 7 phi cơ bị phá hủy.
- VNCH: 1483 chết, 5420 bị thương, 691 mất tích. Thiệt hại: 75 chiến xa, 405 xe vận tải, mất 198 vũ khí cộng đồng & 3000 vũ khí cá nhân.
- CSBV: 13535 chết, 69 tù binh. Thiệt hại: 76 đại bác, 106 chiến xa, 405 xe vận tải bị tịch thu & phá hủy, 1934 vũ khí cộng đồng và 5066 vũ khí cá nhân bị tịch thu.

Những hình ảnh của trận chiến Hạ Lào này đã được ghi lại ở cuồn DVD “Những vì sao thời lửa đạn” (The shining stars in battle) do Vietnamese Broadcasting Company ở Mỹ phát hành vào năm 2005. Đây là một trong những trận chiến đẩm máu nhứt của lịch sử chiến tranh Việt Nam. Với quân số của CSBV đông gấp 3 hoặc 4 lần quân đội VNCH và họ được nghỉ ngơi tại chổ với nguồn tiếp liệu dồi dào. Trong lúc phía quân đội VNCH bị mệt mõi, thiếu thốn đủ thứ vì phải di chuyển từ xa. Kết quả là sau cuộc hành quân này, phía VNCH đã bị thiệt hại hàng trăm sỹ quan tinh nhuệ và hàng ngàn chiến sỹ, không cách gì đào tạo lại kịp cho đến năm 1975 là lúc tan hàng. Đây cũng là lần thứ nhì quân lực VNCH đã hành quân ra khỏi lãnh thổ VNCH. Trước đó, năm 1970 cuộc hành quân Toàn Thắng tiến sâu vào mật khu VC (Trung ương Cục R) ở bên đất Cam-Bốt đã thành công rực rỡ. Nhưng lần này thì coi như cả hai phe Nam Bắc đều bị thiệt hại nặng nề. (Nhưng phía Mỹ thì tuyên bố là VNCH đã thành công trong chương trình “Việt Nam hóa chiến tranh” và Mỹ chuẩn bị rút hết quân đội về nước, để cho VNCH gồng mình đương đầu với Bắc quân cộng sản)
Trở lại với phim kịch “Trên Đỉnh Mùa Đông” là cảnh Thanh Lan ngồi gục đầu bên ngọn đèn cầy leo lét trên bàn, giữa đêm mưa gió bão bùng ngoài trời. Đưá con trai nhỏ thì đang say ngủ trong giường bên cạnh. Bổng dưng Nhật Trường xuất hiện kế bên với khuôn mặt đầy máu và cất tiếng ca:
“Anh không chết đâu em, anh mới vừa bỏ cuộc đêm qua …”
Thanh Lan giựt mình đứng dậy:
- Đương, anh đã trở về rồi đấy ư ?
- Phải, anh đã trở về với em, với con ..Dào dạt tình thương như những giọt mưa ngoài trời !
- Nhưng …sao mặt anh đầy máu như thế này ? Anh hãy ngồi xuống đây để em băng bó vết thương cho anh .
- Vô ích! Viên đạn sau cùng là của anh, em nghe chưa ? Của chính anh đã bắn vào đầu anh, vì anh không muốn rơi vào tay quân giặc.
- Như vậy là anh đã chết thật rồi sao ? Anh Đương ơi !
- Không! Chiến sĩ VNCH không bao giờ chết …

“Anh chưa chết đâu em, anh chỉ vừa bỏ cuộc đêm qua …
Sao cứ khóc anh bên ngọn nến vàng hắt hiu niềm nhớ…
Trên khăn tang cô phụ còn lóng lánh dấu ái ân
Giọt nước mắt nóng bây giờ và còn hằng đêm cho anh, cho anh …
Không, anh không chết đâu em !
Chưa, anh chưa chết đâu em !"

Trong đại nhạc hội thu hình của Trung Tâm Asia vinh danh nhạc sĩ Trần Thiện Thanh vào ngày 18-2-2006, chỉ còn lại một mình Thanh Lan cô đơn đứng trên sân khấu mà nức nở nghẹn ngào với bài hát này. Ta hãy đọc tâm sự của nhà văn sỹ quan Dù Phan Nhật Nam đã kể lại sau khi xem đại nhạc hội này như sau:
“Mở đầu, Trung Tâm Asia thực hiện lòng trân quý hoài niệm đối với Nhật Trường Trần Thiện Thanh qua màn trình diễn vô cùng sinh động, thắm thiết với nhạc phẩm “Anh Không Chết Đâu Anh” do Thanh Lan trình bày cùng với đồng diễn của ban vũ Lạc Hồng. Với kỹ thuật dàn cảnh hiện đại cao nhất của nghệ thuật sân khấu Hoa Kỳ, tập thể Asia đã dựng lại hoạt cảnh bi tráng trên Đồi 31 ở mặt trận Hạ Lào, tháng Hai, 1975. Đồi 31 bị tràn ngập, Đại Tá Nguyễn Văn Thọ và toàn ban tham mưu lữ đoàn đồng bị bắt, căn cứ chỉ còn khẩu pháo cuối cùng, Đại Úy Đương hạ ngang nòng bắn thẳng vào toán quân cộng sản theo xe tăng T54 ào lên đồi chiếm mục tiêu, và ông gục ngã với khẩu pháo cuối cùng bị phá hủy. Trần Thiện Thanh dựng nên chân dung bi tráng hùng vĩ của Người Lính. Ngôn ngữ, cấu nhạc bi hùng của khúc hát đã thăng hoa về lần quyết tử lẫm liệt của Đại Úy Nguyễn Văn Đương, và những chiến binh, pháo thủ của Tiểu Đoàn 3 Dù. Không có tinh thần hiệp sĩ hiến thân của Người Lính không thể viết nên tiếng lời cực độ cảm khích nầy. Không có tấm lòng từ nhân xót đau của Người Nghệ Sĩ không thể cấu tạo nên dòng nhạc bi tráng thắm thiết như trên...
Và nếu không có rung động cảm thông với nỗi đau của Người Lính (trong mối đau chung uất hận của Miền Nam), Thanh Lan không thể hát hay hơn, hàm xúc thắm thiết hơn.. Để cuối cùng, Trung Tâm Asia đã phối hợp hiện thực tất cả nên thành màn trình diễn đặc sắc đậm nét bi tráng thể hiện cuộc chiến đấu bi hùng của toàn Quân-Dân Miền Nam.”(trích từ Nhật Báo Calitoday Online)
Để kết thúc bài viết này, xin đọc những lời nhận xét của nhà văn Lê Tam Anh về việc Trung Tâm Asia thực hiện chương trình Asia-50 như sau:
“Trần Thiện Thanh rất xứng đáng được mọi người nhớ đến. Khi anh chết đi, tôi có viết một bài nói về anh như một ngôi sao bắc đẩu vừa vụt tắt. Cuộc đời của anh hình như vẫn gắn liền với người lính cho tới hơi thở cuối cùng! Do đó tôi nghĩ một việc vô cùng ý nghĩa như khi Trung Tâm Asia tổ chức show hát nhạc của anh, vinh danh anh với số khán giả kỷ lục. Người ta đã nhớ đến anh qua những sáng tác của anh cho ngàn đời sau, cho lịch sử âm nhạc. Theo tôi, nhạc và lời ca của anh đã gắn liền với lịch sử dân tộc. Sau này 50 năm nữa hay 100 năm nữa, những thế hệ hậu bối muốn tìm hiểu chuyện quá khứ, nhất là về giai đoạn chiến tranh tồi tệ nhất lịch sử Việt Nam có sự hiện diện phá hoại của người CSVN, người ta có thể sẽ xem lại DVD này của Asia để biết thêm về cuộc chiến cũng như về Nhật Trường - Trần Thiện Thanh. Cuộc chiến tranh Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, chính anh, Trần Thiện Thanh đã ghi đậm nét người lính Việt Nam Cộng Hòa, anh đã thi vị hóa những mối tình giữa người lính và em gái hậu phương được thăng hoa thật đẹp đẽ.” Hy vọng ngày sau: Lịch Sử sẽ sang trang và sẽ được viết lại theo đúng nghĩa, từ LỊCH SỬ.
Anh không chết đâu anh, người anh hùng mủ đỏ tên Đương
Tôi vẫn thấy đêm đêm một bóng dù sáng trên đồi máu
Nghe trong đêm kêu gào từng tiếng súng pháo đếm mau
Và tiếng súng tiếng súng hay nhạc chiêu hồn đưa anh đi anh đi

Anh, anh không chết đâu em, anh chỉ về với mẹ mong con
Anh vẫn sống thênh thang trong lòng muôn người biết thương đời lính
Trong tim cô sinh viên hay buồn thường nhắc nhở những chiến công
Chuyện nước mắt ướt sân trường đại học chuyện anh riêng anh riêng anh

Ôi đất mát trên đồi xanh tình yêu khóc ngất bên cỏ tranh
Đâu cánh dù ôm gió, đây cánh dù ôm kín đời anh
Trong những tiếng reo hò kia lẻ loi tiếng súng anh nhiệm màu
Ôi tiếng súng sau cùng đó, anh còn nghe tầm đạn đi không anh

Không, anh không, anh không chết đâu em anh chỉ vừa bỏ cuộc đêm qua
Tôi thấy mắt anh bên ngọn nến vàng hắt hiu niềm nhớ
Trên khăn tang cô phụ còn lóng lánh dấu ái ân
Giọt nước mắt nóng bây giờ và còn hằng đêm cho anh cho anh ...

No comments:

Post a Comment