Tuesday, December 26, 2023

Phi vụ Gunship sau cùng trên đồi 31 Hạ Lào - Hành quân Lam Sơn (đoạn cuối).

 

Sau này tôi mới nghĩ thêm một lý do khác để giải thích tại sao VC đã không có ý bắn chiếc gunship của anh Thục và Tôi trên vùng Đồi 31 ngày ấy? Rất tiếc anh Thục đã mất nên anh em không có dịp cùng nhau mổ xẻ lại chuyện xưa.
Tôi còn nhớ rất rõ, hôm ấy anh Thục mặc bộ đồ bay Nomex màu cứt ngựa hơi vàng vàng của US Marine Pilot, với cái áo Jacket da mầu nâu của US Navy Pilot mà anh hay mặc, và mang đôi giầy “boot” da màu đỏ lờn lợt. Anh cũng đội thêm chiếc nón rừng “rằn ri” của binh chủng Biệt Kích hay Nhảy Dù. Với vóc dáng kếch xù đồ sộ của anh cùng với nước da ngăm đen, râu ria rậm rạp, nếu Việt Cộng có dùng telescope mà quan sát, thì chúng cũng sẽ lầm tưởng anh là một phi công Mỹ, lai Đen hoặc gốc Mễ. Có lẽ vì thế mà chúng đã buông tha không dám bắn, vì không muốn cho Mỹ (US Air Force) có lý do để can thiệp làm hư hỏng kế hoạch sắp tấn công của chúng.
Chúng tôi đã bay lòng vòng “low level” trên mục tiêu suốt cả nửa giờ, ngay trong tầm súng AK nhưng chúng vẫn không hề bắn lên một viên, mà chỉ muốn triệt hạ 2 chiếc H-34 của anh Giang và anh Bửu. Thực sự phải có một lý do đặc biệt nào đó? Hay là lúc ấy chúng đã thắt chặt vòng vây quanh đồi [31] nên không muốn bị lộ tẩy làm hư kế hoạch tấn công? Và nếu sức hút của khoảng “vacuum”, do tiếng nổ mà chúng tôi gặp phải, cũng chính là họng súng pháo kích lên chiếc H-34 thứ nhì, thì điều ấy chứng tỏ quân BV đã tiến rất sát chân đồi mà Bộ Chỉ Huy vẫn chưa hay biết gì; cũng như chúng tôi đang bay ngay trên miệng súng mà may mắn được chúng buông tha.
Sau cuộc hành quân 719, Tôi không còn mấy tin tưởng vào hỏa lực của gunships và những trái rockets. Sức công phá của rocket trên vùng rừng núi Hạ Lào chỉ tạo được một cụm khói tí hon, như nhúm bếp vừa le lói khỏi tầm ngọn cây đã hòa tan theo làn gió. Sau khi ra hoa tiêu chánh [HTC], tôi xin trở về với nghiệp bay slicks. Với tôi, đời “Slicks” nguy hiểm nhưng thú vị hơn! Trực thăng khó nhứt là đáp chứ không phải bay, nhứt là phải đáp sao cho an toàn trong những điều kiện éo le của chiến trường, của địa thế hiểm trở và thời tiết khó khăn. Sự thử thách càng cao thì thú vị càng nhiều, đó là cái thú bay “Slicks”. Mỗi phi vụ hoàn tất an toàn trở về, tự nó đã mang lại một chút cảm giác chiến thắng!
Tại vùng I chiến thuật, núi rừng dầy đặc, khó khăn hiểm trở. Mọi hoạt động hành quân đều nằm trong vùng núi. Trực thăng UH-1 là phương tiện duy nhất, bên cạnh các hoạt động quân sự của các đơn vị Bộ Binh. Trong đời bay trực thăng năm xưa, có thể do cơ may, nhưng cũng có thể vô tình, mà tôi đã tìm được thế bay nào đó, khả dĩ có thể tránh né hữu hiệu, nên rất ít khi bị bắn; làm tôi không tin, chiến trường VN, kể cả Hạ Lào và Kampuchea, lại có nhiều phòng không như các bạn pilots khác, thường diễn tả lại.
Thực tế tôi luôn đề phòng, lo sợ bãi đáp bị pháo kích nhiều hơn là sợ phòng không bắn rớt. Vũ khí phòng không là loại vũ khí cộng đồng, xoay sở chậm chạp và đòi hỏi phải có những xạ thủ chuyên môn, cần thiết cho chiến trường miền Bắc nhiều hơn ở miền Nam. Chắc chắn không thể được phân phát bừa bãi cho bọn du kích, ngoại trừ các mặt trận lớn với quân số cấp sư đoàn như trận Quảng Trị hay Bình Long – An Lộc nhưng cũng chỉ giói hạn trong một phạm vi nhỏ bé nào thôi.
Điều quan trọng là phải luôn nắm vững tình hình trước khi thi hành phi vụ, nghiên cứu kỹ càng các vị trí bạn và địch chung quanh bãi đáp. Do đó những phi hành đoàn chịu bay thường xuyên sẽ ít gặp nguy hiểm hơn những người lâu lâu mới đi bay. Tóm lại , không phải mọi nơi mọi lúc, chỗ nào cũng có phòng không dầy đặc như lưới lửa! Nào là 12ly7, nào là SA-7, 37 ly, 57 ly trực xạ… Tất cả có lẽ chỉ là những huyền thoại, được tô điểm thêm cho đậm màu sắc chiến tranh và chiến trường được hào hùng hơn mà thôi!
Chỉ có một lần, tôi được tận mắt chứng kiến những luồng tia lửa màu cam của SA-7 từ một ngọn núi ở phía Đông Bắc quận Ba -Tơ bắn theo chiếc trực thăng của Tr/tá Cao Q. Khôi, PĐT 213, vị niên trưởng khả ái của chúng tôi . Hôm ấy, anh Khôi từ hướng quận Mộ Đức bay vào để quan sát cuộc đổ quân vào Ba-Tơ/Quảng Ngãi. Vì là cuộc đổ quân quan trọng và nguy hiểm do hai phi đoàn 213 & 239 đưa một đơn vị thuộc Tr/đoàn 4, Sư đoàn 2/BB từ sân bay Đức Phổ vào giải tỏa cho quận lỵ Bato đang bị bao vây cả tuần lễ chưa chiếm lại được.
Có lẽ anh lo lắng cho các đàn em, vì trước đó mấy ngày, Phi Đoàn 239 đã phải hy sinh một phi hành đoàn của T/úy Hoàng Vũ & Toản. May mắn hôm ấy, anh Khôi bay cao và lẹ, phi cơ cũng đã được trang bị loại ống khói mới với kiểu cong lên trời, nên đạn chỉ bay xẹt qua đuôi, trước con mắt kinh hoàng của chúng tôi. Còn lúc ấy, có lẽ chính anh Khôi cũng không hề hay biết mình đang bị SA-7 dí theo!
Quận lỵ Ba Tơ nằm trong vùng thung lũng giữa 3 quận Minh Long – Ba Tơ – Gia Vực, bao bọc bởi ba mặt núi. Chỉ có hướng từ Gia Vực bay ra là vùng thung lũng khá rộng, đủ cho 2 hợp đoàn xoay sở trường hợp có bất trắc. Do đó, tôi mới chọn lấy hướng vô Gia Vực rồi bay ngược trở ra, dù đường bay có xa hơn mấy phút. Từ phi trường Đức Phổ, tôi lead 10 chiếc slicks, với 4 gunships hộ tống, bay xuống khu rừng rậm ở phía Nam, ngang qua tiền đồn Biệt Động Quân của Th/tá Dư, một LZ rất quen thuộc đối với các phi hành đoàn 213 trước đây. Từ đó, chúng tôi bắt đầu low level, băng rừng vào hướng West, tất cả bay theo hàng dọc cho dễ tránh né và khi đáp cũng đáp từng chiếc một. Bốn gunships theo sau, hộ tống hai bên.
Hai hợp đoàn vào tới sát chân núi mới quẹo phải, rồi ôm sát sườn núi phía Bắc, men theo đường thung lũng bay ngược trở ra Ba Tơ, vẫn với cao độ rất thấp. Không ngờ nhờ sự thay đổi ấy, vô tình [hay may mắn], đã vô hiệu hóa được các dàn hỏa tiễn SA-7, nếu có nhắm sẵn, từ dãy núi phía trước [East], chặn ngang Đức Phổ và Ba Tơ, mà chúng [VC] đã bắn lên phi cơ của Tr/tá Khôi, bây giờ sẽ không có tác dụng gì đối với chúng tôi; bởi vì SA-7 là loại vũ khí chỉ bắn theo đuôi chứ không có hiệu quả gì với thế trực xạ “diện đối diện”. Có lẽ nhờ vậy mà hai hợp đoàn, 10 slicks và 4 gunships, đã an toàn hoàn tất phi vụ, trở ra, không chiếc nào bị bắn! Phi vụ hôm ấy tôi còn nhớ có Đ/úy Nguyễn Như Huyền, Đ/úy Trần Văn Hòa bay các slicks số 2, số 3 theo sau, tàu của Tr/úy Trần Tâm Sơn báo cáo bị “chip detector” nên cho ở lại sân bay Đức Phổ standby!
Thường thường, phi trình “hành quân” của trực thăng, trong mỗi phi vụ, được coi là nguy hiểm, nhưng trên thực tế rất ngắn! Cái khoảng không gian mà anh em hay ám chỉ là “vào vùng”, chỉ nằm trong khoảng 1-2 miles cuối cùng gần bãi đáp, tức là trong vòng cận tiến mà thôi. Nếu chiến trường nào cũng đầy rẫy phòng không, thì trực thăng mới cất cánh lên đã bị bắn rớt hết! Mức độ nguy hiểm để bay từ tỉnh này đến tỉnh kia hầu như không có, nếu từ cấp tỉnh đến cấp quận, vùng nào nguy hiểm lắm có lẽ cũng không quá 1%. Tương tự các phi vụ bay từ cấp sư đoàn đến các trung đoàn thường là phi vụ liên lạc với mức nguy hiểm 0%.
Từ BCH trung đoàn đến BCH tiểu đoàn cũng tương đương như từ Tỉnh đến Quận. Vậy thì còn lại sự nguy hiểm chỉ ở những mục tiêu [Lz] cấp Đại đội hay Tiểu đội mà tầm hoạt động của họ thường không quá BCH /Tiểu Đoàn chừng 3 -5 miles là cùng. Nhiều bãi đáp vừa từ BCH cất cánh lên đã thấy Lz, khoảng cách ấy chính là phi trình thực sự của mỗi phi vụ trực thăng khi “vào vùng” hành quân mà mỗi phi công tùy theo kinh nghiệm chiến trường có thể tính toán cách – vô, đáp, cất cánh – sao cho an toàn. Trong bốn hướng vô ra, nhất định phải có một lối “safety” hơn! Khúc nguy hiểm nhất chính là lúc phi cơ chậm lại để vào “short final”, tức là trong vòng bán kính 1 mile cuối cùng quanh bãi đáp, hoặc lỡ bãi đáp bị pháo kích bất ngờ.
Các phi công Mỹ thường quá chú trọng đến yếu tố an toàn kỹ thuật, phải theo hướng gió, phải có trái khói đánh dấu bãi đáp v.v… Ngày xưa các phi vụ trực thăng vận còn thả pathfinders xuống trước, để ném trái khói và hướng dẫn phi cơ đáp tại chiến trường, nên trực thăng Mỹ bị rớt cũng nhiều. Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, trong vùng núi phía Tây tuyến phòng thủ Mỹ Chánh gần quận Phong Điền tỉnh Thừa Thiên, trực thăng Mỹ rớt ngổn ngang dưới các thung lũng, bên những dòng suối khô cạn, ngay cạnh chân đồn, các phi cơ vẫn còn nguyên vẹn hình hài. Nhưng có lẽ các pilots Mỹ lúc nào cũng coi trọng nguyên tắc “safety first!” nên bỏ chạy sớm?
Các phi công trực thăng Vietnam ở vùng núi, như Vùng I, không xa lạ gì với những thế đáp núi táo bạo, tùy theo điều kiện chiến trường đòi hỏi, bất chấp cả hướng gió ngược xuôi. Đáp núi không phải lúc nào cũng từ trên xuống mà nếu cần, có thể múc lên từ thế low level, bất ngờ đánh lừa địch, trong trường hợp bãi đáp đã được cảnh cáo đề phòng pháo kích… Muốn xuống mau, đáp lẹ và gọn, phải xoáy xuống [spiral approach] như cái phễu, với ít đường zig zag ngoạn mục, cho khỏi bị “overshoot” bãi đáp.
Đáp núi cần chính xác, không để bị “overshoot” nhưng cũng không thể “undershoot” và khi cất cánh cũng phải đề phòng bị “over torque” vì địa thế cao, thiếu sức nâng [up lift]. Gió núi càng lớn, nếu xuống càng lẹ sẽ bớt được ảnh hưởng của turbulance. Đâm đầu cắm mũi xuống bằng “cyclick”, phi cơ sẽ rớt mau lẹ hơn là chỉ với “collective down” như thế đáp thường lệ. Các bạn từ vùng trong khi mới đổi ra vùng núi, quen thế “normal approach”, tà tà vừa “flare” lại, vừa đẩy “collective down”; phi cơ đã không xuống còn tạo điều kiện cho gió càng bốc lên, không tài nào xuống núi nổi. Phi cơ cứ như diều gặp gió, lơ lửng mãi trên không trung.
Gặp bãi đáp lưng chừng 2/3 núi, chỉ có thể đáp và cất cánh cùng một hướng. Khi vào thì như nhắm núi mà đâm vô, nhưng lúc cất cánh ra, bắt buộc phải “hovering” lùi rồi lẹ làng cắm mũi xuống thung lũng mà “gain speed” [giả] cho mau kẻo bị “stalled “… Đó là những chiến thuật bay của pilot VN nằm ngoài sách vở huấn luyện ở trường bay. Tại chiến trường Iraq [2003], sau khi hàng loạt trực thăng bị bắn rớt, mãi tới năm 2007, mới nghe tin các phi công trực thăng Mỹ phải thay đổi chiến thuật bay để tránh né. Ngày xưa, tôi rất khâm phục tài năng của các phi công tải thương đêm/phi đoàn Cứu Tinh 257/SĐ IKQ. Càng hãnh diện hơn vì các anh đều xuất thân từ PĐ 213 qua như: Dương Tấn Long, Vũ Ô, Trần Long, Vũ Văn Hiền, Đỗ Quốc Hùng, Đặng Vũ Đăng … Đáp núi ban ngày đã khó thì ban đêm còn khó khăn gấp bội!
Đa số các phi vụ ở vùng núi chỉ có một bãi đáp, nên leader lúc nào cũng phải hy sinh một mình tìm cách lọt vô trước, nếu an toàn , sau đó mới đến lượt các wingman. Vai trò của leader trong mỗi phi vụ HQ rất quan trọng trong việc dẫn dắt hợp đoàn vào bãi đáp cho an toàn, nhất là đối với những bãi “Hot”. Nó đòi hỏi sự thông suốt về địa hình địa thế cũng như tình hình an ninh chung quanh bãi đáp và những phán đoán chính xác của leader. Sự tương quan giữa các vị trí bạn và địch cũng như một ván cờ, trong bốn hướng nhất định sẽ tìm được một lối ra vô “safety” hơn. Rất tiếc ngày xưa các phi hành đoàn thường bay theo sự hướng dẫn của “C&C” mà đa số là những sĩ quan tham mưu phi đoàn, lâu lâu mới có dịp ra vùng hành quân một lần, đâu có am hiểu tình hình chiến sự thay đổi mỗi ngày.
Niên trưởng Đ.V.A.H , một đàn anh hoa tiêu trực thăng ở Biên Hòa, diễn tả lại hình ảnh một phi vụ hành quân có “C&C” trong “Đêm chờ ngưng bắn, nhớ An Lộc” như sau:
…”Đạn bắn như mưa. Bắn cùng mọi phía. Bắn bằng đủ loại phòng không dữ tợn, hỏa tiễn tầm nhiệt, đại bác phòng không, súng cá nhân, 12 ly 7 phòng không chụp lại, trực xạ, đại bác nổ chụp, súng cối rót vào bãi đáp…”
…”Hợp đoàn 4 chiếc nối đuôi nhau bay hối hả vòng qua Minh Thạnh, vào bãi đáp B-15 từ hướng Tây Nam An Lộc, năm phút sau trận mưa bom B-52 cuối cùng vừa dứt…”
…”Đoàn trực thăng bay thấp lướt trên ngọn cây rừng theo lệnh “C&C” hướng dẫn : Hợp đoàn quẹo phải 10 độ . Đi thẳng! Chiếc số 3 bay nhanh một chút! OK đi thẳng… Bãi đáp 12 giờ, còn 3 trăm thước… Giảm airspeed!… Coi chừng! Coi chừng nó bắn phòng không bên trái!…”.
“Tôi nín thở. Hợp đoàn đã đến gần bãi đáp nhưng trước cả tiếng la coi chừng hốt hoảng của chiếc phi cơ chỉ huy. Tôi thấy điểm sáng dưới lòng một hố bom bay loáng lóe lên cao như chớp kính… Ô quẹo phải! Hợp đoàn quẹo phải!… Chiếc số 2 rớt rồi!… Số 3 nhanh lên! Lead quẹo phải 90 độ!… Bay ra! Bay ra đừng đáp! …”.
Sau Hạ Lào, tháng 11/71, phi đoàn 213 lại biệt phái vào Biên Hòa, tăng cường cho SĐ3/KQ đang đương đầu với hai chiến trường Bình Long/An-Lộc và Kampuchea cùng một lúc. Vùng đất lạ nhưng không có núi nên chúng tôi đa số có vẻ không mấy đề phòng. Một lần, nhận phi vụ một mình, một slick, chẳng cho gunship hộ tống, cũng không có phi cơ khác bay theo, tôi đáp xuống phi trường Lộc Ninh ở phía Tây Bắc tỉnh Bình Long để bốc đồ tiếp tế và lấy thêm tin tức an ninh cho phi vụ bay vào Bu Đốp tiếp tế cho đơn vị Biệt Kích. Chấm xong tọa độ trên bản đồ, ghi chú những check points cần thiết cho khỏi bị lạc đường bay.
Tôi cất cánh lên, xác định hướng bay xong, cắm mũi lấy tốc độ. Qua khỏi khu rừng gỗ rậm rạp bên cạnh vòng đai phi trường Lộc Ninh, ở bên trái quốc lộ, rồi bắt đầu xuống “low level” bay theo Quốc Lộ 13 lên hướng Bắc. Con đường như đã bị hoang phế lâu năm, không xe, không người, cây cối phủ kín mặt đường y như Quốc Lộ 9 bên Hạ Lào. Tiền đồn Bu Đốp nằm sâu trong vùng biên giới Việt – Miên, ở hướng Tây Bắc, lẻ loi một mình giữa bốn mặt rừng già, cây cối lưa thưa bao quanh. Các binh sĩ vui mừng tiếp nhận chuyến hàng tiếp tế, họ “unload” rất mau, chỉ mấy phút sau là xong. Tôi cất cánh lên trở về, cúi nhìn lớp hàng rào kẽm gai thô sơ bao bọc quanh đồn và bốn chòi canh thô sơ, không biết có ngăn cản nổi thú rừng ban đêm? Làm sao có thể chống đỡ được sự tấn công của VC?
Lòng bùi ngùi thương cho thân phận mỏng manh của những người lính Biệt Kích còn ở lại nơi tiền đồn quạnh hiu. Dù không chết, họ cũng xứng đáng được tuyên dương là những chiến sĩ anh hùng cảm tử của QLVNCH!… Vẫn thế low level, phi cơ uốn lượn sát trên tầm ngọn cây để tránh né, nhẹ nhàng băng qua khu rừng già lởm chởm những cây khô không có lá, rồi lại theo quốc lộ 13 bay trở ra, đáp xuống phi trường Quảng Lợi trực “standby” tiếp… Địa thế vùng III tương đối bằng phẳng dễ đáp, nhưng rất nguy hiểm, khó xác định hướng nào an ninh hơn. Tôi nghĩ, thế bay hữu hiệu nhứt để tránh né vẫn là “low level”, càng thấp càng an toàn hơn. Chỉ ở độ thấp, trực thăng , dù gunship hay slicks, mới có thể biểu dương hết tất cả sức mạnh hùng hồn của nó.
Phi vụ cuối cùng [3/75] tôi và Lê Tấn Đại bay vào Núi Tròn, trước ngày mất Quảng Ngãi, để tiếp tế tải thương cho một đơn vị của SĐ2BB. Nhờ low level, mấy thằng du kích cầm AK-47 ở xóm nhà lá dưới chân núi, thấy trực thăng cứ hùng hổ đâm tới, cũng phải hốt hoảng chạy trốn vô nhà. Chúng tôi không bắn nên chúng [VC] cũng không bắn lại!
Sau chuyến biệt phái Biên Hòa, khoảng cuối tháng Giêng 72, phi đoàn 213 trở về Đà Nẵng, sau đó lại lao đầu vào những trận chiến mới của Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 và mặt trận Quảng Trị. Anh Trần Lê Tiến tử trận, Anh Phạm Vương Thục rời PĐ 213, thuyên chuyển qua Phi Đoàn 239 tân lập, đảm nhận chức vụ TPHQ .
Anh Tiến & Anh Thục không còn nữa, nhưng hình bóng các anh có lẽ sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí những người bạn đã quen biết, nhứt là những cánh chim Song Chùy 213 đã một thời cùng các anh vùng vẫy ngang dọc trên khắp chiến trường của Vùng Trời Hỏa Tuyến! Vĩnh Biệt Anh Tiến, Vĩnh Biệt Anh Thục!!!
Song Chùy T/hoang
[Chút kỷ niệm với hai Niên Trưởng: Trần Lê Tiến & Phạm Vương Thục]

No comments:

Post a Comment