Bà
Trần Thị Mai, quả phụ cố Thiếu Tá Nguyễn Văn Ðương, và người con trai,
anh Nguyễn Viết Xa, đã đi thăm nơi cố thiếu tá tử trận ở Hạ Lào. Bà bốc
nắm đất trên ngọn đồi ở nước Lào, bỏ vào cái khăn vải đỏ, gói lại để
mang về nước. Bà coi nắm đất như di cốt của người chồng tử sĩ, đưa tới
ban thờ trong chùa, rồi mai mốt bình đựng tro hỏa táng của bà, khi bà
qua đời sẽ đặt bên cạnh, vợ chồng bên nhau mãi mãi.
Câu chuyện phóng viên Việt Hùng kể làm nhiều người rơi lệ. Sau 45
năm, bà Mai và con trai mới thực hiện được điều mong ước, đi thăm ngọn
Ðồi 31, nơi Thiếu Tá Nguyễn Văn Ðương đã nằm xuống. Tất cả là nhờ quý vị
độc giả nhật báo Người Việt hết lòng ủng hộ, góp chi phí cho chuyến đi
“thăm mộ” người chiến sĩ đã thành bất tử qua bài hát “Anh Không Chết Ðâu
Anh” của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Tấm lòng của người Việt khắp nơi
hướng về một gia đình tử sĩ, thể hiện vào trước ngày 30 Tháng Tư, ngày
đau thương trong lòng người Việt Nam, cho thấy sau 41 năm chúng ta vẫn
hãnh diện về các chiến sĩ đã đem xương máu bảo vệ phần đất nước được
sống tự do, trước khi bị bạo quyền cướp đoạt.
Ðồng bào miền Bắc cũng nên nghe những lời bà Trần Thị Mai khấn khứa
khi thắp những nén hương cắm rải rác trên ngọn Ðồi 31. Bà khóc chồng,
nhưng bà cũng thương xót bao nhiêu tử sĩ cả hai bên.
Bà Mai nói: “Tôi là vợ của người lính Việt Nam Cộng Hòa, nhưng tôi
cũng cầu nguyện cho vong linh của các người lính Bắc Việt. Chiến tranh
đã đi qua, mong các anh hãy tha thứ cho nhau.” Bà Mai nói lên tâm sự của
hầu hết người Việt Nam bây giờ. Tất cả chúng ta để tang cho những người
lính miền Nam và miền Bắc, tất cả đều là người Việt Nam. Lịch sử sẽ
phán xét những kẻ có tội gây ra cuộc chiến tranh tàn sát hàng triệu
người cùng một dân tộc. Ngày 30 Tháng Tư là dịp chúng ta suy nghĩ về
trách nhiệm đó.
Cuộc cuộc hành quân Lam Sơn 719 là một thất bại quân sự lớn của miền
Nam. Trong trận này, 31,000 quân nhân Việt Nam Cộng Hòa đã được gửi qua
vùng núi non ở Nam Lào. Có khoảng 10 ngàn quân đội Mỹ yểm trợ bằng không
quân và pháo binh, nhưng không được phép tham gia, nên họ vẫn đóng bên
trong biên giới Việt Nam. Quân Bắc Việt có 50,000 người. Trong các tài
liệu của miền Bắc vẫn nói là có quân của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam
tham dự trận chiến, nhưng đó là một ngụy tạo, ngay trong Wikipedia cũng
phạm sai lầm này. Mặt Trận Giải Phóng chỉ là cái bình phong chính trị,
hoàn toàn không có quân ở Hạ Lào.
Cuộc hành quân Lam Sơn-719 bắt đầu vào ngày 8 Tháng Hai năm 1972;
nhưng theo tài liệu của miền Bắc, ngay từ ngày 26 Tháng Giêng quân Bắc
Việt đã chuẩn bị chờ đợi một cuộc tấn công. Vào Tháng Ba, trên chiến
trường quân Bắc Việt đông gấp rưỡi quân miền Nam. Máy bay và trực thăng
mất lợi thế vì mây mù thấp và hỏa lực phòng không của quân miền Bắc được
bố trí rất mạnh trên các ngọn đồi.
Nhiều người đã thuật lại, đã phân tích về cuộc chiến, nhiều kinh
nghiệm đã được người trong cuộc kể lại. Tôi cũng được nghe một câu
chuyện do một sĩ quan trong quân đội miền Bắc kể lại. Vì người kể vẫn
đang sống ở Hà Nội vào lúc này, Tháng Tư năm 2016, cho nên tôi xin không
tiết lộ tên họ, chỉ gọi tắt là anh Tư.
Anh Tư là một sĩ quan pháo binh miền Bắc, đã giải ngũ sau năm 1975 và
đi du học ở Nga (lúc đó còn là Liên Xô), rồi về nước làm công việc kỹ
thuật, hoàn toàn dân sự. Tôi gặp anh tình cờ, khi tham dự một cuộc hội
thảo ở Ðại Học Utah trước đây 15 hay 20 năm, về một đề tài nào đó thuộc
phạm vi văn hóa, hay ngôn ngữ, bây giờ tôi cũng quên rồi; chỉ nhớ cuộc
hội thảo không nói gì tới chiến tranh Việt Nam. Sau vài lần gặp gỡ,
chúng tôi ngồi uống la de với nhau sau bữa cơm tối, những người cùng lứa
tuổi dễ dàng đưa tới câu hỏi: Thời chiến tranh anh làm gì mà vẫn còn
sống tới bây giờ?
Anh Tư kể đáng lẽ anh không phải đi lính, vì anh là con một. Nhưng
thân phụ anh lại là cấp tướng, cho nên anh vẫn nhập ngũ, một phần cũng
để giữ sĩ diện cho gia đình. Một ngày đầu năm 1972, đơn vị pháo binh của
anh được lệnh di chuyển vào miền Trung. Anh kể, cấp trên giải thích
rằng có tin “quân Mỹ sắp đổ bộ đánh Quảng Bình.” Nhưng khi vào đến Quảng
Bình thì tất cả được lệnh di chuyển sang Lào. Tất cả cuộc hành quân này
thực hiện ban đêm, đi trong vùng rừng núi, không ai được tiếp xúc với
dân chúng bên ngoài.
Khi qua đến đất Lào, đơn vị pháo binh của anh Tư được lệnh bố trí
súng và tính toán phương hướng để nhắm vào một ngọn đồi trong vùng. Anh
không biết tại sao họ lại chọn ngọn đồi đó, làm lính chỉ biết tuân lệnh.
Anh còn nhớ đã có đủ thời giờ để đo đạc cả hướng gió và tốc độ gió,
điều chỉnh các khẩu súng. Nhưng đến ngày trận chiến bắt đầu thì ngọn đồi
đó là nơi quân nhảy dù miền Nam chọn để đáp xuống lập phòng tuyến.
Từ lần gặp gỡ tình cờ bên chai bia đó, tôi không bao giờ gặp lại anh
Tư. Nếu tôi có kể sai, xin anh tha lỗi. Nhưng một điều ám ảnh tôi từ đó
tới giờ là tại sao quân miền Bắc lại “biết trước” địa điểm mà quân miền
Nam đã chọn? Có thể nào kế hoạch hành quân, đến bản đồ hành quân đã bị
tiết lộ hay sao? Có những điệp viên Việt Cộng trong dinh tổng thống ở
Sài Gòn, hay ở Bộ Tổng Tham Mưu, hoặc trong bộ tham mưu MACV của quân
đội Mỹ?
Nhưng có thể họ không cần có những bản đồ hành quân của quân miền
Nam. Họ chỉ cần biết tin có cuộc hành quân và địa điểm là vùng tỉnh Xê
Pôn bên Lào. Khi quan sát địa thế vùng này, những quân nhân chuyên
nghiệp có thể đoán trước phe tấn công sẽ chọn địa điểm nào để đổ quân.
Họ cũng có thể đoán hai, ba địa điểm và đặt súng lớn nhắm vào tất cả các
ngọn đồi đó, đơn vị của anh Tư được chỉ định nhắm vào một trong các mục
tiêu đó. Anh Tư kể rằng khi tiến tới ngọn đồi mới chiếm, anh còn được
nghe một sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa còn sống khen rằng “các anh đánh pháo
giỏi!” (Ðánh pháo là một thuật ngữ quân sự miền Bắc, chắc người sĩ quan
miền Nam nói “pháo kích.”)
Thiếu Tá Nguyễn Văn Ðương đã tử trận trên Ðồi 31, cùng với bao nhiêu
quân nhân Tiểu Ðoàn 3 Nhảy Dù sau khi cầm cự dưới các trận pháo kích
ngày đêm của quân địch. Không biết những họng súng đơn vị pháo binh của
anh Tư có nhắm vào ngọn Ðồi 31 hay không? Bài tường thuật của Việt Hùng
trên Người Việt kể lời một người tại chỗ cho biết số quân miền Bắc chết
trên ngọn Ðồi 31 đông hơn quân miền Nam nhiều. Họ đã hy sinh để đưa đến
kết quả nào?
Anh Tư bây giờ nghĩ gì về cả cuộc chiến tranh Việt Nam? Tại sao người
Việt Nam phải giết nhau, như ông Lê Duẩn nói, “Ðánh miền Nam là đánh
cho Liên Xô, cho Trung Quốc!” Khẩu hiệu “Chống Mỹ Cứu Nước” có nghĩa gì
không trong khi cả đảng Cộng Sản Việt Nam hiện nay đang tìm đường làm
thân với nước Mỹ? Trong khi kẻ thù nguy hiểm nhất, độc ác nhất của dân
tộc là Cộng Sản Trung Quốc đang lấn chiếm biển, đảo, và đánh, giết các
ngư dân Việt Nam? Cuộc chiến tranh đã đưa “Bên Thắng Cuộc” lên ngôi cai
trị toàn thể nước Việt Nam, nhưng họ đã làm gì cho đất nước này? Hay là
chính họ cũng “sắp chết” như bài báo Người Việt hôm qua viết “Ðã 20 ngày
kể từ khi cá chết trắng đoạn bờ biển chạy dọc bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng
Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế nhưng hệ thống công quyền ở Việt Nam
lúng túng như... sắp chết.”
Nhưng đồng bào miền Bắc có thể yên tâm, những người miền Nam như bà
quả phụ Thiếu Tá Nguyễn Văn Ðương cũng không nuôi thù hận. Lời bà khấn
vái các tử sĩ cả hai miền nói rõ: “Tuy khác chiến tuyến, nhưng các anh
đều đã hy sinh ở cùng một nơi này. Âu cũng là số phận. Ở thế giới bên
kia, mong các anh hãy là những người bạn tốt của nhau, chứ đừng cầm súng
mà chĩa vào nhau nữa. Tất cả chúng ta đều là người Việt Nam cơ mà.”
“Tất cả chúng ta đều là người Việt Nam cơ mà.” Lời khấn chân thành
của bà Trần Thị Mai là một tiếng nói của hy vọng, của tương lai, cho tất
cả mọi người Việt Nam. Anh Nguyễn Văn Ðương, hương linh anh chứng giám
cho tấm lòng bao dung, độ lượng của người vợ chung thủy, 45 năm sau đã
lặn lội qua Ðồi 31 tìm anh, đưa anh về quê cha đất tổ. Anh Không Chết
Ðâu Anh. Trần Thiện Thanh đã nói một sự thật. Anh Không Chết Ðâu Anh!
Ngô Nhân Dụng
No comments:
Post a Comment