Việt Hùng/Người Việt
Sài Gòn (NV)
– “Tôi quá xúc động! Từ sau 1975, chưa bao giờ nhận được tình cảm của
mọi người nhiều như những ngày vừa qua.” - Bà Trần Thị Mai, tức bà quả
phụ cố Đại Úy Nguyễn Văn Đương, “người anh hùng Mũ Đỏ” trong ca khúc
“Anh Không Chết Đâu Anh” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, bày tỏ như vậy về
tình cảm mà độc giả báo Người Việt dành cho bà mấy ngày qua.
Bà Trần Thị Mai đang nghe điện thoại của độc giả Người Việt ở Mỹ gọi về. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)
Hôm 11 tháng 3 năm 2016, báo Người Việt có bài viết “Thăm bà quả phụ người anh hùng Mũ Đỏ tên Đương.” Sau
khi bài báo đăng tải, có rất nhiều người Việt ở hải ngoại cũng như
trong nước đã gọi điện thoại đến thăm hỏi bà quả phụ Nguyễn Văn Đương,
khiến bà rất xúc động.Chúng tôi trở lại thăm bà Trần Thị Mai vào một buổi trưa trời Sài Gòn nắng gắt. Vừa đến nơi đã thấy bà đang nghe điện thoại: “Dạ, tôi cảm ơn các cô chú. Mong trời phật sẽ phù hộ cho gia đình quí ân nhân.”
Buông điện thoại xuống, bà liền nở nụ cười với tôi: “Cảm ơn con nhiều nhé! Từ ngày báo Người Việt đăng bài viết đó lên, cô đã nhận rất nhiều cuộc điện thoại, hỏi thăm sức khỏe và lời đề nghị sẽ giúp đỡ cô, khiến cô rất xúc động.”
Bà Mai kể tiếp: “Tối qua khoảng 2 giờ khuya, vẫn còn có người gọi điện thoại. Có lẽ họ ở Mỹ nên quên mất là ở Việt Nam đang vào giấc khuya. Cô bắt điện thoại lên thì được một anh bên Mỹ cho biết sẽ gửi quà về. Họ hỏi thăm sức khỏe và cảm ơn cô đã hy sinh mấy chục năm qua.”
'Ngoài ra còn có mấy người ở Sài Gòn này cũng đến thăm hỏi và trao quà cho cô. Họ bảo là “chúng tôi không nghĩ được là một gia đình như đại úy Đương mà còn đang kẹt lại ở Việt Nam và có cuộc sống khổ sở như vậy?”
“Vì như họ nghĩ, với lý lịch như gia đình cô thì chắc chắn đã ở Mỹ. Hoặc đã có cuộc sống rất tốt đẹp rồi.” - Bà Mai cho biết.
Bút tích của bà Trần Thị Mai gửi lời cảm ơn đến độc giả báo Người Việt. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)
* Cảm ơn độc giả báo Người ViệtCầm
tờ giấy đã úa màu với nội dung “báo mất tích” của cố Đại Uy Nguyễn Văn
Đương từ năm 1971 trên tay. Bà Mai rưng rưng nước mắt: “Cuối cùng thì
ngày em được mong muốn đến nơi anh đã ‘mất tích’ cũng sắp thành hiện
thực rồi.”
“Cô đã giữ tờ giấy này biết bao nhiêu năm qua, tờ giấy ‘báo tử’ của
anh Đương thì cô đã xé và vứt bỏ. Vì với cô khi nào còn chưa tìm được
xác của anh Đương thì vẫn chỉ là ‘mất tích’ mà thôi!” - Từng giọt nước
mắt lăn dài trên má của cô Mai hòa quyện trong từng tiếng nấc nghẹn
ngào.
Với bà Mai, chỉ có giấy báo “mất tích” của chồng chứ không có tờ giấy “báo tử.” (Hình: Việt Hùng/Người Việt)
Rồi cô lấy tờ giấy trắng, đặt cây bút trên tay, nắn nót từng chữ “Xin
gửi lời cảm ơn đến độc giả Người Việt.” Bàn tay thô ráp, cứng cáp và
chai sạn vì thời gian, có vẻ như cô “sinh viên năm nào” giờ đã quá lâu
chưa cầm lại bút viết. “Cô còn muốn viết nhiều hơn nữa? Nhưng biết viết gì đây khi cô đang sống trong những ngày tháng hạnh phúc này. Thứ hạnh phúc mà không thể diễn tả bằng câu chữ được. Từ sau 1975 đến giờ, chưa bao giờ cô cảm nhận được tình cảm của mọi người, bạn bè thân thích còn nhớ tới anh Đương nhiều như vậy.” - Bà Mai nói.
Ước mong thầm kín bấy lâu nay của bà quả phụ Nguyễn Văn Đương đang dần trở thành hiện thực, khi cô Mai cho hay: “Sắp tới đây khi đã có chút ít tài chánh rồi. Chắc chắn cô sẽ thực hiện ước muốn của mình, là trở về vùng Hạ Lào, nơi anh Đương đã ‘mất tích’. Cô muốn chứng kiến nơi ấy và biết đâu sẽ còn tìm được xương cốt của anh ấy!”
No comments:
Post a Comment