Cuộc hành quân Lam Sơn 719 nhằm tấn công vào hệ thống tiếp liệu của
cộng quân Bắc Việt ngay trong lãnh thổ Ai-lao khởi sự vào một ngày đầu
tháng 2/1971. Bọn việt cộng tải quân vào miền Nam theo con đường bắt đầu
từ Hạ Lào, men theo đường mòn HCM và đến B, mật mã của Trung ương Cục
miền Nam.
Đến bây giờ ai cũng phải nhìn nhận rằng chiến dịch Lam Sơn vào đầu
năm 1971 là một thảm bại. Tổng thống Thiệu ra lệnh đưa 3 lữ đoàn bộ binh
nhằm triệt hạ đơn vị tiếp liệu và hậu cần của cộng quân với một kế
hoạch khá lộ liễu. Một chuẩn bị sơ sài nhằm phô trương thanh thế cho mục
đích Việt nam hóa chiến tranh và lợi ích cho cuộc tái tranh cử của Tổng
thống Nixon sắp diễn ra vào cuối năm 1971 đã đẩy hàng nghìn binh sĩ
VNCH vào chỗ chết.
Một trong những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh là Đại úy Nguyễn văn Đương.
Đúng ra, ông tự sát tại căn cứ 31 chứ không hề hàng địch. Ông dành
viên đạn cuối cùng để tự tử. Xác ông vĩnh viễn nằm tại ngọn đồi 31. Bây
giờ có lẽ ngọn đồi hoang vu ngập cỏ xanh, như một lần quân bắc việt tràn
ngập với chiến thuật biển người. Cuộc hành quân đã bị lộ tẩy vì tin tức
lọt ra ngoài từ cấp chỉ huy. Một thất bại từ nội bộ dẫn đến 1483 sinh
mạng chiến sĩ VNCH tử vong, và 691 xác thân chôn vùi trên ngọn đồi 31
khốc liệt.
Cái tin tuẫn tiết của Đại úy Nguyễn văn Đương đưa về hậu phương như
một nỗi buồn giống như bao nỗi buồn của mẹ già ngóng đợi con khi tiếng
đạn pháo kích nổ vang bầu trời bào mòn niềm hy vọng, như nỗi đau đớn của
người vợ trông vời bóng người chồng từng ngày khi tiếng súng đêm đêm
vọng về từ vùng ngoại ô là nỗi bất an, như sự mong chờ của đàn con thấy
bố oai hùng trong bộ quân phục hơn là chiếc hòm gỗ phủ cờ vàng. Bà, phải
gọi là chị thì đúng hơn vì lúc đó chị Nguyễn thị Mai mới ngoài 30, mơ
thấy chồng về bị thương ở chân, bảo em ráng nuôi con vì anh không về
được nữa. Chị giật mình tỉnh dậy và òa khóc. Ba ngày sau giấc mơ kỳ lạ,
chị nhận được giấy báo tử chính thức từ chính quyền VNCH, và lặng lẽ
khoác áo sô, chít mảnh khăn tang lên mái tóc mượt mà, và cả lên đầu 4
đứa con, nước mắt lại tuôn mà ngỡ như đã cạn kiệt sau 3 ngày khóc thương
chồng kể từ đêm anh Đương hiện về trong giấc mơ. Nhạc sĩ Trần Thiện
Thanh cảm động về mối tình, về cái chết bi hùng của Đại úy Nguyễn văn
Đương, đã viết thành ca khúc “Anh Không Chết Đâu Anh”, (https://www.youtube.com/watch?v=Juf048ZAR1c).
Mặc dù Đại úy Đương bỏ xác trên đồi 31 vào cuối tháng 2 năm 71 nhưng
mãi đến đầu năm 1972, ca khúc này mới được giới thiệu cùng đồng bào miền
Nam qua phim kịch Trên Đỉnh Mùa Đông. Tác giả của bản nhạc đóng vai Đại
úy Đương, Thanh Lan trong vai Lệ, người yêu và là vợ của Đại úy Đương.
Tôi còn nhớ một buổi tối, cơm nước xong, cả nhà ngồi chăm chú vào màn
truyền hình đen trắng, và truyện phim dài 45 phút bắt đầu xuất hiện trên
màn ảnh. Tôi, đúng hơn cả nhà, bị cuốn hút vào câu truyện. Đoạn phim
quay ngoại cảnh là một điều mới mẻ trên đài truyền hình vào đầu thập
niên 70 vì cảnh thật chứ không như những tuồng cải lương quay tại phim
trường. Chuyện bắt đầu cảnh 2 anh lính lái xe Honda vô tình đụng phải cô
sinh viên Văn khoa,
(https://www.youtube.com/watch?v=awSG7dmGHhw).
Thanh Lan ngã ngồi ở góc phố, nét mặt phụng phịu muốn khóc, lố nhố
những người bao quanh. Một trong 2 người lính nghỉ phép rong chơi trên
đường phố SG là Thiếu úy Đương. Quen nhau rồi yêu nhau như bao chuyện
tình khác xảy ra trong thời kỳ chiến tranh sôi động của miền Nam. Thanh
Lan năm đó đang độ xuân thì, đẹp thùy mị trong phim. Tuy màn hình đen
trắng, nhiều hạt mưa nếu thời tiết xấu, nhưng khán giả vẫn nhận ra một
Thanh Lan xinh xắn, một tiêu biểu của nữ sinh viên trường Luật, và Văn
khoa. Cuối cuộc tình là đám cưới rồi con cái. Thân phận của thiếu nữ
miền Nam thời đó hầu như đều làm vợ lính. Lấy chồng lính đồng nghĩa gánh
lấy nhọc nhằn, sống trong phập phồng lo sợ vì tin dữ đưa đến bất cứ lúc
nào.
Như những lần lên đường diệt giặc phương Bắc trước đây, Đại úy Đương
từ giã vợ tung cánh dù vào cuộc hành quân Lam Sơn 719. Có khác chăng là
lần này Đại úy Đương đi luôn không về nữa. Xả hết đạn vào đám giặc thù,
anh dành viên đạn cuối cùng để tuẫn tiết.
Tin dữ đưa về. Lệ ôm lấy con khóc ngất. Tôi còn nhớ buổi tối hôm đó,
Thanh Lan khóc nức nở trong phim, cả nhà ngồi lặng yên, không ai nói với
ai một lời nào. Lòng tôi xúc động khi thấy anh Đương trong phim khuôn
mặt đầy máu, ôm lấy vai vợ và nói, “anh không chết đâu em…” Em gái tôi
mới học lớp 7, ngồi im như tượng gỗ, đôi mắt đỏ hoe. Và tôi kịp nhận ra
cặp mắt tôi cũng đã ươn ướt.
Năm đó tôi sửa soạn thi Tú đôi. Tối hôm đó, xem phim xong, không hiểu
sao tôi nghĩ khi lấy xong mảnh bằng thế nào tôi cũng lên đường nhập
ngũ. Cái chết oan nghiệt của Đại úy Đương không hề làm tôi sờn lòng,
nhưng tôi thật sự cảm phục những cái chết hào hùng như thế và muốn noi
gương anh để cầm súng bảo vệ quê hương. Thi đậu xong, tôi nộp đơn vào
khóa Biên tập viên của Sĩ quan Cảnh sát. Thêm thằng bạn rủ tôi nộp đơn
vào khóa 29 của Sĩ quan Đàlạt. Chúng tôi gửi thư ra Nha trang để xin
Phiếu lý lịch số 3. Tôi còn nhớ tờ giấy màu xanh gửi về thông báo tôi
được quyền gia nhập quân đội. Đang phân vân không biết chọn ngành nào
thì ông cụ tôi khuyên nên tiếp tục học vì khả năng tài chánh của gia
đình còn cho phép. Thế là mộng khoác áo chiến y của tôi không thành.
Đồng bào miền Nam chỉ muốn đất nước thanh bình, yên ổn làm ăn, sống
cho xứng đáng với nhân phẩm con người. Bọn việt cộng xua quân đánh phá
với chiêu bài cứu đồng bào miền Nam khỏi ách thống trị của Mỹ Ngụy. Thật
ra chính quyền Bắc việt đang áp đặt cái ách độc tài lên đồng bào miền
Bắc từ năm 1954. Dân quân miền Nam cố bảo vệ mảnh đất hiền hòa, chẳng hề
muốn gây hấn một ai. Đại úy Đương sẽ không chết tức tưởi nếu bọn việt
cộng đừng tấn công miền Nam. Chị Trần thị Mai sẽ không trở thành góa phụ
nếu quân bắc việt đừng theo chủ thuyết cộng sản. Không một ai thích
chiến tranh cả vì chiến tranh tàn phá, nghiệt ngã, chết chóc, chia lìa,
và để lại nhiều đau thương. Như bạn tôi, rớt Tú tài I, đăng lính cấp bậc
trung sĩ. Mùa hè năm 72, khi tôi đang học lớp 12, thì xác bạn tôi phủ
cờ vàng đem về đến tận nhà. Bạn tôi đền nợ nước khi tuổi chưa tròn 18.
Chúng tôi còn đi chơi với nhau năm trước, nào cắm trại, nào du ngoạn,
nào cưỡi xe gắn máy rong ruổi đến tận làng quê. Thế mà chưa đầy một năm
sau, bạn tôi nằm và tôi đứng lặng lẽ trước hòm gỗ lung linh hương khói,
ngọn đèn bạch lạp cháy leo lét như nỗi cô quạnh của người mẹ với đôi mắt
sưng húp, vật vã kể lể bên quan tài buồn hiu hắt.
Đau đớn ở cái chết. Oan nghiệt ở tuổi còn xanh.
Nếu thân phận Kiều bấp bênh, trôi nổi, lưu lạc suốt 10 năm trời qua
câu, nửa chừng xuân, thoắt gãy cành thiên hương, nhưng cuối mảnh đời lưu
lạc Kiều cũng được sum họp với Kim Trọng. Còn thân phận của phụ nữ miền
Nam thời chiến, cuối mảnh đời bấp bênh là sự chia lìa, là đơn côi, là
lẻ loi, là cực nhọc một tay nuôi đàn con mất cha. Bà Trần thị Mai đã
chịu đựng một cuộc sống nghèo khổ cơ cực như thế đã hơn 40 năm nay.
Lẽ ra, thủ đô SG phải có con đường mang tên Nguyễn văn Đương để vinh
danh một cái chết hào hùng. Lịch sử giở sang trang khi sự dối trá thắng
sự ngay thẳng, tàn ác thắng thiện lương, độc tài thắng dân chủ, vô tâm
thắng nhân tâm, khỉ thắng người. Tên đường ở SG bây giờ mang tên một anh
thợ điện, được vinh danh vì gài mìn giật sập cầu Công lý. Nhà nước cộng
sản dạy trong sách giáo khoa rằng trước khi chết anh ta hô to ba lần
tên HCM. Thật ra những người lính hành quyết tối hôm đó bảo anh thợ điện
run rẩy đứng không vững trên đôi chân, miệng lắp bắp nài xin sự khoan
hồng. Lừa dối ở chỗ đó. Lại có đường mang tên Lê văn Tám, một em bé dám
tẩm xăng vào người làm nổ tung kho đạn. Một nhân vật huyền thoại, vì sau
này một người cộng sản thú nhận ông đã nặn ra nhân vật Tám để kích động
lòng “yêu nước” (sic). Lịch sử là viết lại sự thật nhưng lịch sử của
nước cộng sản lại có nhiều huyền thoại, đi ngược với sự thật. Đường SG
bây giờ mang rất nhiều tên lạ lẫm, và không thể nào có một con đường
mang tên Nguyễn văn Đương vì kẻ chiến thắng viết lại lịch sử, (history
is written by the victors) như lời của Thủ tướng W. Churchill.
Bà Mai chẳng hề muốn một con đường nào mang tên chồng cả, bà chỉ muốn
có chút tiền lộ phí, tìm đến ngọn đồi 31 năm nào, để tìm lại xác chồng.
Ngọn đồi nằm chơ vơ, lặng lẽ qua từng ấy năm. Đây là mồ chôn hàng nghìn
xác cộng quân, kể cả 691 chiến sĩ VNCH bị mất tích, trong đó có thân
xác của Đại úy Nguyễn văn Đương. Ngày tháng trôi, thân xác anh đã hòa
lẫn với thiên nhiên cây cỏ từ năm đó. Người vợ đến tận nơi có ngửi được
mùi chồng thoảng trong gió như trong đêm ân ái nồng nàn năm nào. Có lẽ
không. Nhưng bà Mai phải đến nơi, để thấy lại cảnh xưa và thấy hình ảnh
của người chồng trong đôi mắt nhắm, và để thắp lên một nén nhang cho
vong linh chồng phiêu du ở chốn vĩnh hằng. Đời sống cơ cực của bà không
cho phép bà thực hiện được ước mơ đó, dù chỉ một lần.
Ước mơ của bà bay tỏa không gian, vang đến tận hải ngoại. Đồng bào
động lòng quyên góp cho bà chút đỉnh. Trước là để bà thực hiện được ước
mơ, sau là giúp bà và anh con út (giờ đã 47 tuổi) có chút vốn sinh sống
thoát cảnh nghèo. May mắn có ông Thị trưởng Westminster Tạ Đức Trí,
người Việt đầu tiên được bầu vào chức Thị trưởng, đứng ra tổ chức một
cuộc gây quỹ trên mạng để giúp mẹ con bà Nguyễn thị Mai,
(http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=224698&zoneid=1).
Xin cám ơn ông Trí có tấm lòng với gia đình những người lính VNCH.
Rất mong bà Mai thực hiện được ước mơ gặp chồng trên đồi 31, Hạ Lào.
SƠN NGHỊ
No comments:
Post a Comment