Nơi đây cách thị xã Quảng Trị 10 cây số. Bên trái
con đường là bãi cát trắng lẫn với màu đất đen. Những cụm nhà mái
tôn rải rác bên đường dưới ánh nắng gần trưa. Không một bóng người.
Bên phải con đường là bãi cát vàng khô khốc, thỉnh thoảng gió thổi
thốc từng cơn, những cụm cát tung lên xòa ra trong nắng. Một căn nhà
xập xệ chắp lại bằng những miếng tôn cũ trên đó có dòng chữ bằng sơn
trắng “Sửa xe, vá ép”. Nơi cửa, một ông già ở trần ngồi trên bậc
thềm, tay cầm quạt lá, tay kia chống cằm nhìn bâng quơ ra con đường
nhựa vắng người.
Ngày 1 tháng 5 năm 1972, hàng vạn đồng bào từ Quảng Trị tản cư vào
Huế. Cuộc tản cư và rút lui hỗn loạn đã biến đoạn Quốc Lộ 1 ở quận
Hải Lăng thành con đường xương máu khi quân Bắc Việt phục kích và nã
pháo vào đoàn người di tản.
Bao nhiêu xác người đã nằm xuống và con đường hôm nay đìu hiu thưa
thớt. Ai đã khiêng cất xác họ. Ai đã rửa chùi những đống máu, lau đi
những óc não tung bay. Ai sắp lại những gan ruột phơi ra trầy trụa.
Ai đã đạp lên xác họ trên đường chạy loạn rồi gục xuống ở bước chân
kế tiếp, chồng lên người đã chết.
Bây giờ, Đại Lộ Kinh Hoàng mang tên Lê Duẩn. Tôi đang đi trên nó một
buổi sáng vắng lặng yên bình, nhưng chợt ớn lạnh từng cơn như vô hạn
oan hồn chồm lên quấn lấy hỏi han. Cơn gió đồng lướt thướt thổi qua.
Tôi trèo lên xe, nói chạy nhanh vào thị xã.
Tới một ngã ba, người tài xế rẽ phải vào đường Trần Hưng Đạo. Đó là
một con đường nhỏ hơn, có một chứng tích duy nhất còn sót lại của
thị xã Quảng Trị trong mùa hè đỏ lửa, trường Bồ Đề. Người ta nói số
bom đạn đổ xuống thị xã trong 81 ngày đêm, kể từ ngày 30 tháng Ba
năm 1972, có sức công phá mạnh gấp bảy lần trái bom nguyên tử thả
xuống Nhật trong thế chiến thứ hai. “Một viên gạch cũng bể làm tư,”
người Quảng Trị nói rứa. Chỉ riêng ngôi trường Bồ Đề còn đứng vững
với bốn bức tường lỗ chỗ vết đạn bom.
Đến một ngã tư, lại rẽ phải. Cổ Thành Quảng Trị nằm phía tay trái,
cách quốc lộ chừng hai cây số. Ở góc tường đầu tiên, rêu và cây dại
mọc dày nhưng các vết đạn xoáy sâu vào lớp gạch tường đo đỏ vẫn còn
hằn dấu rõ.




Chúng tôi lên xe chạy ngược về con đường bụi đỏ.
Bên trái, những quả đồi nằm chịu trận dưới mặt trời bốc lửa. Đến
Làng Vei, nằm nửa đường từ đoạn Lao Bảo – Khe Sanh, chúng tôi ngừng
xe để ngắm dòng sông chảy dịu dàng bên dưới.
Rạng sáng ngày 7 tháng 2 năm 1968, bộ đội Bắc Việt có chiến xa yểm
trợ tấn công và tràn ngập trại Lực Lượng Đặc Biệt ở Làng Vei.
Đoạn từ Làng Vei về lại Khe Sanh bằng phẳng, bên trái có vài nương
rẫy của đồng bào thiểu số. Chúng tôi băng qua trung tâm Khe Sanh đã
quá trưa, ngôi chợ lồng vắng vẻ như cả thị trấn đều ngưng hoạt động,
đến ngã ba thì rẽ trái vào căn cứ Khe Sanh.
Ngày 23 tháng 2 năm 1968, quân Bắc Việt pháo 1,300 quả đại bác vào Khe Sanh trong 8 tiếng đồng hồ. Mười lính Mỹ chết. Đường đi phi trường Tà Cơn, một phi trường quân sự của Mỹ thời chiến, hẹp hơn đường 9, cũng đã tráng nhựa bằng phẳng. Phi trường nằm cách đường cái chừng cây số, có cổng rào và trạm gác thu lệ phí tham quan. Trên bãi sân ngổn ngang cỏ mọc người ta trưng bày một trực thăng UH và hai trực thăng chuồn chuồn. Ngày 11 tháng 2 năm 1968, hai vận tải cơ C-130 đáp xuống Khe Sanh. Một chiếc nổ tung vì trúng đạn pháo kích.
Gần đây, Bộ Quốc Phòng Mỹ nói họ đã xác định được danh tánh bốn quân nhân Mỹ chết trên đồi 665 vào đầu tháng 5/1967, và hài cốt của bốn người lính này đã được đưa về Mỹ. Sau 37 năm nằm yên trong vùng đất Khe Sanh, bốn quân nhân chết trong độ tuổi 20 đã trở về quê hương, được vinh danh ở Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington. Còn những ngọn đồi 471, 552, 665, 689? thì vẫn xanh cỏ mọc. Còn bao nhiêu xương cốt của Mỹ, của VNCH, của Bắc Việt Nam vùi sâu nơi ấy. Con đường rời Khe Sanh từ hướng Tây, băng qua đèo Ai Lao để về lại Cam Lộ trông hùng vĩ hơn. Nhiều đoạn đèo đang được thi công nâng cấp, đất cát lổn nhổn trộn với bụi đỏ bay mịt trời. Mấy cái cần cẩu đang nâng lên hạ xuống ở một cây cầu đang xây mới cạnh chiếc cầu cũ bắt ngang một vực sâu, ngay một khúc quanh gắt như cùi chỏ. Đoạn đường này hẹp, nếu có một chiếc xe đi ngược chiều thì không biết tài xế sẽ xoay sở ra sao. Lấp lánh dưới sâu là dòng nước đã gần cạn trong mùa khô. Trời trong và xanh. Ngang một đoạn đèo gặp một đoàn người đang im lặng đi giữa đường, dẫn đầu là một người đàn ông mặc áo dài màu xanh đậm. Ông này xách một cái phèng la cũ, vừa đi chậm rãi vừa thỉnh thoảng gõ một tiếng “pheeng?”. Kế đến là bốn người đàn ông gánh một cái quan tài. Một đám tang giữa trưa. Trên quan tài có tấm hình của người chết, ảnh một cô gái trẻ. Những người đưa đám đều để đầu trần, có người đi chân không trên mặt đường nóng chảy nhựa. Bóng chiếc quan tài in xuống nền đường che nắng cho một vài người đi khép nép ven hông quan tài. Đoàn người đi chầm chậm trên đèo Khe Sanh – Cam Lộ. Tiếng phèng la điểm nhịp vang lên rồi tan dần vào vách núi. Một người trẻ hôm nay sắp được chôn. Trong một vùng đất còn nhiều người mất xác.
Lý Lô
Ngày 23 tháng 2 năm 1968, quân Bắc Việt pháo 1,300 quả đại bác vào Khe Sanh trong 8 tiếng đồng hồ. Mười lính Mỹ chết. Đường đi phi trường Tà Cơn, một phi trường quân sự của Mỹ thời chiến, hẹp hơn đường 9, cũng đã tráng nhựa bằng phẳng. Phi trường nằm cách đường cái chừng cây số, có cổng rào và trạm gác thu lệ phí tham quan. Trên bãi sân ngổn ngang cỏ mọc người ta trưng bày một trực thăng UH và hai trực thăng chuồn chuồn. Ngày 11 tháng 2 năm 1968, hai vận tải cơ C-130 đáp xuống Khe Sanh. Một chiếc nổ tung vì trúng đạn pháo kích.
Gần đây, Bộ Quốc Phòng Mỹ nói họ đã xác định được danh tánh bốn quân nhân Mỹ chết trên đồi 665 vào đầu tháng 5/1967, và hài cốt của bốn người lính này đã được đưa về Mỹ. Sau 37 năm nằm yên trong vùng đất Khe Sanh, bốn quân nhân chết trong độ tuổi 20 đã trở về quê hương, được vinh danh ở Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington. Còn những ngọn đồi 471, 552, 665, 689? thì vẫn xanh cỏ mọc. Còn bao nhiêu xương cốt của Mỹ, của VNCH, của Bắc Việt Nam vùi sâu nơi ấy. Con đường rời Khe Sanh từ hướng Tây, băng qua đèo Ai Lao để về lại Cam Lộ trông hùng vĩ hơn. Nhiều đoạn đèo đang được thi công nâng cấp, đất cát lổn nhổn trộn với bụi đỏ bay mịt trời. Mấy cái cần cẩu đang nâng lên hạ xuống ở một cây cầu đang xây mới cạnh chiếc cầu cũ bắt ngang một vực sâu, ngay một khúc quanh gắt như cùi chỏ. Đoạn đường này hẹp, nếu có một chiếc xe đi ngược chiều thì không biết tài xế sẽ xoay sở ra sao. Lấp lánh dưới sâu là dòng nước đã gần cạn trong mùa khô. Trời trong và xanh. Ngang một đoạn đèo gặp một đoàn người đang im lặng đi giữa đường, dẫn đầu là một người đàn ông mặc áo dài màu xanh đậm. Ông này xách một cái phèng la cũ, vừa đi chậm rãi vừa thỉnh thoảng gõ một tiếng “pheeng?”. Kế đến là bốn người đàn ông gánh một cái quan tài. Một đám tang giữa trưa. Trên quan tài có tấm hình của người chết, ảnh một cô gái trẻ. Những người đưa đám đều để đầu trần, có người đi chân không trên mặt đường nóng chảy nhựa. Bóng chiếc quan tài in xuống nền đường che nắng cho một vài người đi khép nép ven hông quan tài. Đoàn người đi chầm chậm trên đèo Khe Sanh – Cam Lộ. Tiếng phèng la điểm nhịp vang lên rồi tan dần vào vách núi. Một người trẻ hôm nay sắp được chôn. Trong một vùng đất còn nhiều người mất xác.
Lý Lô
No comments:
Post a Comment