Saturday, December 12, 2015

Thiết Giáp QLVNCH Tại Hạ Lào: CD. LAM SƠN 719.


Tác giả giữ bản quyền. Các cơ quan truyền thông muốn xử dụng, vui lòng liên lạc với tác giả qua Email: docam11@yahoo.com) – Cám ơn.)

Bối Cảnh Lịch Sử
Vào đầu năm 1971, Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) cùng Bộ Tư Lệnh (BTL) Quân Sự Hoa Kỳ tại Việt Nam quyết định tiến quân sang Hạ Lào để cắt đứt nguồn tiếp vận của Cộng Quân qua ngả đường mòn Hồ Chí Minh. Theo quan niệm hành quân, chiến dịch Hạ Lào năm 1971 được chia thành 4 giai đoạn chính. Trong giai đoạn 1, lực lượng Hoa Kỳ sẽ khai thông và giữ an ninh đường số 9 từ Ðông Hà tới Khe Sanh để mở đường và chuẩn bị cho lực lượng VNCH tiến sang Lào vào giai đoạn 2. Sau khi chiếm giữ những vị trí chiến lược trong phần đất Lào, trong giai đoạn 3, lực lượng tấn công sẽ càn quét và phá hủy các kho tiếp vận của Cộng quân tại khu Hậu cần 604 quanh Tchépone. Giai đoạn 4 rút quân sẽ chọn một trong hai đường: một là rút thẳng về Việt Nam sau khi hoàn tất công tác phá hủy Hậu Cần 604; giải pháp 2 do Hoa Kỳ đề nghị, sẽ lui quân về hướng Ðông Nam, vừa đi vừa phá hủy thêm khu Hậu Cần 611 gần biên giới Việt Nam đối diện với thung lũng A Shau. 


Về kế hoạch điều quân, nỗ lực chính sẽ là một lực lượng Thiết Giáp có bộ binh tùng thiết tiến theo đường số 9 hướng về mục tiêu chính Tchépone trong khi các lực lượng yểm trợ chiếm đóng một số những Căn Cứ Yểm Trợ Hỏa Lực (CCHL) dọc theo sườn Bắc và Nam đường số 9 để bảo vệ cho nỗ lực chính. Các trực trực thăng Hoa Kỳ sẽ được xử dụng để gia tăng tối đa di động tính trong lúc hành quân. Giai đoạn 1 khởi sự trong phần đất Việt Nam do Hoa Kỳ chịu trách nhiệm được đặt tên là Dewey Canyon II. Các giai đoạn còn diễn ra bên Lào do QLVNCH đảm trách mang tên Lam Sơn 719 do Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư Lệnh Quân Ðoàn I (QÐI) chỉ huy. Theo qui ước, Lam Sơn là tên chung của các cuộc hành quân quan trọng của QLVNCH tại vùng I, tương tự như Cửu Long tại Quân Ðoàn IV, Toàn Thắng tại Quân Ðoàn III v.v… Số 71 là năm khai diễn và số 9 là khu vực hành quân, tức là đường số 9 nối liền Ðông Hà với Savanakhet bên Lào.
Vì đường số 9 là trục tiến quân chính của QLVNCH và những trận đánh quan trọng đều xảy ra trong vùng lân cận nên cần biết qua về trục lộ quan trọng này.


Sơ Lược Về Đường Số 9
Đường số 9 chạy theo hướng Đông – Tây, cắt ngang lãnh thổ miền Trung song song với khu phi quân sự trong phần đất Việt Nam và xuyên qua vùng Hạ Lào. Tại đầu cực Đông, con đường khởi đi từ Quốc Lộ 1 tại Ðông Hà, một thị trấn quan trọng thuộc tỉnh Quảng Trị, cách vùng phi quân sự chừng 20 cây số về phía Nam và thông ra Biển Ðông bằng sông Cửa Việt. Từ Ðông Hà, đường số 9 chạy về hướng Tây, xuyên qua vùng đất tương đối bằng phẳng khoảng mươi cây số tới Cam Lộ, sau đó bắt đầu lên dốc đi vào vùng cận sơn quanh co qua một số căn cứ quân sự quan trọng như Rockpile, Vandergrift (Cà Lu) v.v… cho tới đèo Ai Lao tại cây số 63. Từ đây tới biên giới, con đường đổ dốc qua Khe Sanh tại cây số 65 rồi xuyên qua Làng Vei, Lao Bảo sát biên giới Lào – Việt tại cây số 83. Rời Việt Nam, đường số 9 vào nội địa Lào dọc theo thung lũng sông Sepone theo bờ Bắc, hai bên có rặng núi đá cao và một số bản làng của người Thượng. Bản Ðông tại cây số 103 là vị trí nổi bật vì là giao điểm với đường 92 chạy theo hướng Bắc – Nam. Xa hơn nữa chừng 20 cây số về hướng Tây là thị trấn Tchépone thuộc tỉnh Savanakhet, giao tuyến của các trục lộ chính thuộc vùng thung lũng các sông Sepone và Cửu Long. Sau Tchépone, đường số 9 đi qua một vùng đồng bằng chừng 100 cây số cho tới Muong Phine, nơi khởi đầu đường 23 đi Saravane, sau đó tới Phalane cách Tchépone chừng 100 cây số. Qua Phalane, đường số 9 chạy vào vùng nhiều ruộng lúa dân cư đông đúc, qua Dong Hen, rồi Seno nơi có đường 13 nối liền các thị trấn quan trọng bên bờ Ðông sông Cửu Long như thủ đô Luang Prabang, Vientiane, Thakkhet, Pakse thuộc Lào và Stung Streng và Kratié bên Cam Bốt. Khi tới điểm chót cực Tây là Savanakhet nằm trên bờ sông Cửu Long, tổng cộng đường số 9 chạy dài 328 cây số kể từ Ðông Hà.


Ðường số 9 được xây cất từ thời Pháp thuộc và không được xử dụng nhiều kể từ Ðệ Nhị Thế Chiến. Vào năm 1946, một đoàn quân xa Pháp xử dụng đường này từ Việt Nam tiến sang Lào để tái lập nền thuộc địa. Thời Tổng Thống Ngô Ðình Diệm bắt đầu tu bổ đường số 9 để nhằm cộng tác chặt chẽ với Vương Quốc Lào để ngăn chặn sự bành trướng của Cộng Sản, nhưng gặp sự cản trở đáng kể của Việt Cộng lúc đó cũng muốn kiểm soát trục lộ chiến lược này để phát triển đường mòn Hồ Chí Minh. Vì vậy, an ninh tại đường số 9 giảm dần khiến việc tu bổ phải đình hoãn. Cho tới năm 1964, đường số 9 chỉ còn là một con lộ đất nhỏ gồ ghề vừa một chiếc xe đi, chỉ có quân xa mới qua lại được.
Ðầu năm 1967, TQLC Hoa Kỳ quyết định mở lại đường số 9 để tiếp vận cho Khe Sanh. Ngoại trừ đoạn đầu từ Ðông Hà tới Vandergrift (Cà Lu), tức khoảng nửa đường tới Khe Sanh, được rải đá, tráng nhựa, phần còn lại vẫn còn là đường đất hẹp, xe cộ chỉ chạy được một chiều. An ninh cũng không được khả quan vì cầu cống thường bị địch phá hoại hay phục kích mặc dầu hai bên đường đã được khai quang sâu chừng 200 thước. Mùa hè năm 1967, một đoàn quân xa HK dự tính di chuyển đại bác hạng nặng 175 ly ra Khe Sanh gần biên giới, nhưng cũng chỉ đi được tới Cà Lu đã phải ngưng lại. Sau chuyến tiếp vận bằng đường bộ chót c ủa Hoa Kỳ ra Khe Sanh vào ngày 3 tháng 8 năm 1967, đường số 9 coi như bị bỏ ngỏ. Tới năm 1968 căn cứ Khe Sanh bị vây, Hoa Kỳ phải mở cuộc hành quân “Pegasus” để khai thông, đoạn đường từ Cà Lu tới Khe Sanh hầu như gần hoàn toàn làm lại. TÐ7/CB Hoa Kỳ phải san bằng nhiều nơi đất đá lở sụp hoặc lỗ hang bom đạn, bắc lại 10 cây cầu và sửa chữa 3 cầu khác. Một số tài xế quân xa cho biết” “Ðường số 9 khúc từ Cà Lu tới Khe Sanh thật ra chỉ là một đoạn đường đất hẹp, nhiều chỗ cành cây de ra đường, đụng cả vào mặt”. Sau khi Hoa Kỳ rút khỏi căn cứ Khe Sanh và LLÐB bỏ Làng Vei rút về Mai Lộc, đường số 9 lại bị bỏ ngỏ một lần nữa từ Cà Lu trở đi.
Lam Sơn 719: Kế Hoạch Điều Quân
(XemPhóng đồ hành quân Lam Sơn 719)
Để tiện việc theo dõi, chúng tôi mạn phép được giải thích một số qui ước dùng trong bài này. Về ngày tháng, nếu không đề năm, xin được hiểu là năm 1971 vì cuộc hành quân Lam Sơn 719 xảy ra nào năm này. Về giờ, chúng tôi dùng múi giờ Golf (GMT +7 ) là giờ miền Nam Việt Nam (miền Bắc dùng múi giờ Hotel (GMT +8) tức là nhanh hơn giờ G một tiếng đồng hồ). Chúng tôi cũng dùng những chữ viết tắt thông dụng như SĐ để chỉ Sư Đoàn, TĐ để chỉ Tiểu Đoàn, BB chỉ Bộ Binh, TQLC chỉ Thủy Quân Lục Chiến v.v…
Trong thời gian khai diễn cuộc hành quân Lam Sơn 719, BTL/QÐI đóng tại Ðà Nẵng, BTL Tiền Phương QÐI đóng tại Ðông Hà. Do hiệu lực của đạo luật Cooper – Church (tên hai Thương Nghị Sĩ Hoa Kỳ đồng tác giả của đạo luật), quân bộ chiến Hoa Kỳ không được tham chiến ngoài lãnh thổ VNCH nên Quân Ðoàn XXIV của Hoa Kỳ tại Vùng I Chiến Thuật do Thiếu Tướng Sutherland chỉ huy chỉ giữ vai trò yểm trợ, tiếp vận và hoạt động trong phần đất Việt Nam. Lực Lượng VNCH tham chiến gồm Sư Ðoàn I Bộ Binh (-) (SÐ1/BB), Sư Ðoàn Dù (SÐ Dù), Sư Ðoàn Thủy Quân Lục Chiến (SÐ/TQLC). Ngoài ra, còn có Liên Ðoàn I Biệt Ðộng Quân (LÐ1/BÐQ), Pháo Binh (PB) và Thiết Giáp (TG) cơ hữu thuộc QÐI.
Theo kế hoạch hành quân, QLVNCH tiến qua Lào bằng 3 mũi tấn công chính:
1. Lực lượng án ngữ sườn Bắc: do LÐ1/BÐQ dưới quyền chỉ huy của Ðại Tá Nguyễn Văn Hiệp, gồm các Tiểu Ðoàn 21, 37 và 39 đảm trách, có nhiệm vụ che chở sườn cực Bắc cho Lực Lượng Xung Kích. BCH/LÐ1/BÐQ đóng tại Phú Lộc (Tà Bạt) cùng với TÐ 37. Các TÐ 39 chiếm mục tiêu BÐQ Bắc và TÐ 21 chiếm Căn Cứ BÐQ Nam tại khu cực Bắc khu vực hành quân.
2. Lực Lượng Xung Kích: gồm toàn bộ SÐ/Dù cùng với Lữ Ðoàn 1 Thiết Kỵ (LÐ1/TK) tăng phái. Lực lượng này có nhiệm vụ tiến chiếm mục tiêu chính Tchépone, một thị trấn nằm trên đường số 9, cách biên giới Lào – Việt chừng 40 cây số. Trung Tướng Dư Quốc Ðống, TL/SÐ/Dù chia quân làm 3 thành phần chính:
– Thành phần yểm trợ mặt Bắc: do Lữ Đoàn (LĐ) 3 Dù gồm có các TĐ2, 3 và 6 dưới quyền chỉ huy của Ðại Tá Nguyễn Văn Thọ, có nhiệm vụ thiết lập một số CCHL sát mặt Bắc đường số 9 để yểm trợ cho nỗ lực chính. Sau các căn cứ của BÐQ xa hơn về phía Bắc, các CCHL/Dù là lớp khiên thứ 2 che chở sườn Bắc vì ước tính đa số lực lượng tăng viện địch sẽ được điều động tới từ vùng phi quân sự.
– Nỗ lực chính: do Chiến Ðoàn 1 Ðặc Nhiệm (CÐ1/ÐN) đảm trách, gồm LÐ1/Dù và LÐ1/TK tăng phái, có nhiệm vụ tiến dọc đường số 9 tiến về hướng Tây để chiếm mục tiêu chính Tchépone. LÐ1/Dù gồm các TÐ 1, 8 và 9 do Ðại Tá Lê Quang Lưỡng chỉ huy. LÐ1/TK gồm các Thiết Đoàn 7, 11 và 17 do Ðại Tá Nguyễn Trọng Luật chỉ huy. Tuy đây là một cánh quân của SÐ Dù vì LÐ1/TK chỉ là một đơn vị tăng phái, nhưng vì Ðại Tá Nguyễn Trọng Luật thâm niên (mang cấp bậc Ðại Tá trước) hơn Ðại Tá Lê Quang Lưỡng nên cánh quân hỗn hợp Dù và Thiết Giáp này được đặt dưới quyền chỉ huy của Ðại Tá Nguyễn Trọng Luật.
– Thành phần trừ bị: do LÐ2/Dù gồm các TÐ 5, 7 và 11 do Ðại tá Trần Quốc Lịch chỉ huy có nhiệm vụ nhảy trực thăng vào Tchépone khi CÐ1/ÐN khai thông được đường số 9 và tiến gần tới thị trấn mục tiêu này.
3. Lực lượng án ngữ sườn Nam: do Sư Ðoàn 1 Bộ Binh (-) (SÐ1/BB) dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tướng Phạn Văn Phú, Đại Tá Vũ Văn Giai làm Tư Lệnh Phó, gồm các Trung Ðoàn 1 và 3 đảm trách, có nhiệm vụ tảo thanh mặt Nam đường số 9 để bảo vệ sườn Nam cho thành phần Xung Kích.
4. Lực Lượng Trừ Bị: gồm SÐ/TQLC với các TÐ Pháo Binh cơ hữu đóng tại Khe Sanh trong giai đoạn đầu, sau này được tung vào trận địa thay thế quân SÐ1/BB tại sườn Nam để cánh quân Bộ Binh rảng tay đánh chiếm Tchépone
Vì mục tiêu của bài viết chỉ giới hạn vào các hoạt động của Thiết Giáp trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 nên chúng tôi không nói nhiều về các trận đánh của những cánh quân khác, mà chỉ ghi lại những diễn tiến hành quân của CÐ1/ÐN là đơn vị hỗn hợp quân Dù và Thiết Giáp, đặc biệt về LÐ1/TK. Chúng ta cũng biết Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư Lệnh Hành Quân từng là một sĩ quan Thiết Giáp xuất thân trường Kỵ Binh Saumur lừng danh, còn Tướng Abrams, TL lực lượng HK tại VN cũng là một chiến sĩ Mũ Ðen nổi tiếng trong binh đội Patton thời Ðệ Nhị Thế Chiến, vì vậy, việc lựa chọn Thiết Giáp làm lực lượng xung kích đánh chiếm mục tiêu chính Tchépone tại Hạ Lào chắc có nhiều điều lý thú! Ðể dễ bề theo dõi, chúng tôi sẽ lần lượt mô tả từng giai đoạn chuyển quân, tiến quân, các cuộc đụng độ và sau cùng là giai đoạn rút quân của LÐ1/TK.
Trước khi đi sâu vào chi tiết, tưởng cũng nên minh xác đôi điều để tránh những hiểu lầm đáng tiếc. Bài viết được căn cứ vào các tài liệu tác giả sưu tầm được, cùng một số lời thuật lại của các nhân chứng tham dự trận Hạ Lào. Tuy nhiên, vì thời gian xảy ra đã khá lâu, chúng tôi lại không được trực tiếp tham chiến nên chắc chắn có nhiều thiếu sót. Thành thật cáo lỗi cùng qúi độc giả, nhất là các chiến sĩ Mũ Ðen, về những sai lầm ngoài ý muốn. Mục tiêu của chúng tôi khi viết bài này là để ghi lại một dấu mốc lịch sử, đồng thời tỏ lòng mến phục và tôn vinh các kỵ binh Mũ Ðen. Ước mong bài viết sẽ được độc giả bổ khuyết cho thêm đầy đủ, hoặc nếu được chính các chiến sĩ Thiết Giáp từng tham dự trận Hạ Lào cho biết ý kiến cùng những phê bình, nhận xét v.v… sẽ càng qúi hơn.


Giai Đoạn Chuyển Quân
Tuy được chọn là thành phần xung kích chính, nhưng vì lý do bảo mật, Ðại Tá Luật không được mời tham dự những buổi thuyết trình trong giai đoạn chuẩn bị. Mãi đến ngày 5 tháng 2 năm 1971, ông mới được thông báo về cuộc hành quân bằng điện thoại tại BCH ở Ðà Nẵng. Như vậy, LÐ1/TK chỉ có vỏ vẹn 3 ngày để chuẩn bị và di chuyển tới điểm tập trung Khe Sanh. Ðại Tá Luật được lệnh cùng BCH/LÐ và Thiết Ðoàn 17 di chuyển bằng đường bộ tới Ðông Hà. Tại đây đã có các đơn vị Thiết Giáp khác chờ sẵn cùng nhập đoàn di chuyển tới Khe Sanh. Ðây là lần đầu tiên Ðại Tá Luật được trao phó một nhiệm vụ quan trọng trong một chiến dịch lớn, mặc dầu trước đây ông đã từng nổi tiếng trong trận Pleime vào năm 1965 và rất được các cố vấn thiết giáp Hoa Kỳ nể phục.
Với một lực lượng chiến xa, thiết giáp và các xe yểm trợ tổng cộng gần 200 chiếc, LÐ1/TK phần lớn gồm các Thiết Ðoàn 10, 11 và 17 vào trận Hạ Lào với một khí thế dũng mãnh. Từ cấp chỉ huy cho tới các binh sĩ, mọi người đều tin tưởng toán quân Mũ Ðen sẽ đạt đươc nhiều chiến tích, nhất là khi nghe tin tình báo Cộng quân không có Thiết Giáp tại Hạ Lào. Nhưng ngay từ lúc khởi đầu, ngoài trở ngại chính thiếu thì giờ chuẩn bị, còn có một số các trục trặc bất ngờ khác như những dấu hiệu tiên đoán tương lai không mấy sáng sủa của Lữ Ðoàn tại Hạ Lào.


Trở Ngại Về Tiếp Vận
Sáng sớm ngày 6 tháng 2, toán Thiết Giáp được lệnh di chuyển từ Ðông Hà theo đường số 9 đến căn cứ Hàm Nghi gần Khe Sanh. Phía Hoa Kỳ đảm trách việc tiếp vận yêu cầu đoàn xe dừng lại tại căn cứ Vandergrift (Cà Lu) là điểm tiếp vận lớn có nhiều xăng nhớt ở dọc đường để tiếp tế nhiên liệu. Lý do vì lúc đó đường bộ tới Khe Sanh chưa được hoàn toàn khai thông nên nhiên liệu tại Khe Sanh rất hiếm vì phải chở đến bằng trực thăng, do đó chỉ được xử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Nhưng không rõ vì lệnh lạc thiếu rõ ràng hay bất đồng ngôn ngữ hoặc lý do gì, LÐ1/TK đã không ngừng tại Vandergrift như đã phía HK yêu cầu mà lại đi thẳng tới Khe Sanh. Khi đến được điểm đồn quân Hàm Nghi, đoàn xe đã gần cạn nhiên liệu. Trước tình trạng đã rồi, phía HK không còn cách nào hơn phải cấp tốc dùng số nhiên liệu khẩn cấp tại Khe Sanh, đồng thời huy động trực thăng gấp rút chở nhiên liệu tiếp tế. Dĩ nhiên điều này đã gây trở ngại không ít cho cơ quan tiếp vận Hoa Kỳ nên chúng ta chẳng ngạc nhiên khi thấy Tướng Sutherland, TL/QÐ/XXIV Hoa Kỳ rất bất mãn. Ông cho rằng một sĩ quan kỵ binh có khả năng phải biết rõ việc tiếp tế nhiên liệu là vấn đề quan trọng sinh tử hàng đầu của lực lượng thiết giáp.


Theo tài liệu HK, Tướng Sutherland đã than phiền với Tướng Lãm và ngỏ ý muốn truất quyền chỉ huy của Ðại Tá Luật, nhưng Tướng Lãm cũng là một sĩ quan Thiết Giáp, đã ít nhiều biết khả năng của Ðại tá Luật nên không đồng ý. Chuyện Hoa Kỳ không được vừa ý tưởng cũng dễ hiểu vì quả thật, việc không cho đoàn xe gần 200 chiếc ngừng lại Vandergrift là một căn cứ tiếp vận lớn có đầy đủ nhiên liệu để nhận tiếp tế là một lỗi lầm cơ bản về mặt tiếp vận, nhưng chắc chắn một sĩ quan Thiết Giáp nhiều kinh nghiệm như Ðại Tá Luật phải có có lý do chính đáng, không phải chỉ là một sơ sót tình cờ. Rất có thể ông muốn đoàn xe được tiếp tế đầy nhiên liệu tại Khe Sanh, ngay trước khi thực sự hành quân sang Lào thay vì tiếp tế tại Vandergrift là một điểm giữa đường, khi tới Khe Sanh nhiên liệu đã hao hụt một phần. Nhưng dù sao cho tới ngày này, vẫn chưa thấy một tài liệu nào nói rõ lý do tại sao hoặc giải thích thỏa đáng về “biến cố nhiên liệu” này. Rất mong chúng ta sẽ sớm có câu trả lời thỏa đáng từ các chiến sĩ Thiết Giáp hay chính Ðại Tá Luật.


Máy Bay Hoa Kỳ Dội Bom Lầm
Buổi chiều cùng ngày, sau khi nhận tiếp tế đầy đủ tại Khe Sanh, khi qua khỏi Lang Vei, LÐI/TK cùng TÐ8/Dù thuộc LÐ3/Dù tùng thiết dừng chân tại một khu đồi thấp ngay cạnh đường số 9 sát biên giới Lào – Việt để đóng quân nghỉ qua đêm. Toán chiến xa dẫn đầu thuộc Thiết Ðoàn 11 do Trung Tá Bùi Thế Dung chỉ huy quây lại thành hình cánh cung để thiết lập vị trí phòng thủ. Trong khi binh sĩ đang chuẩn bị bữa cơm chiều, đột nhiên có tiếng rít của phản lực cơ nhào xuống cùng với hai tiếng nổ lớn tiếp theo là nhiều đốm lửa và tiếng nổ phụ nhỏ trên không giống như pháo bông. Cảnh hỗn loạn lập tức diễn ra tại nơi đóng quân. Nhiều người chết và bị thương nằm la liệt trên mặt đất. Sau khi tình hình tạm lắng dịu và trực thăng tải hết thương binh, mọi người mới tìm ra sự thật, đó là phi cơ HK thả bom lầm.


Nhật ký hành quân ghi lại biến cố đáng tiếc này như sau: vào buổi chiều ngày 6 tháng 2, hồi 19 giờ 20 phút, một phản lực cơ Hải Quân HK thuộc mẫu hạm Ranger ngoài biển Ðông trong một phi vụ “Skyspot” đã thả lầm hai quả bom CBU vào vị trí dừng quân của LÐI/TK. Tổng cộng thiệt hại có 5 quân nhân chết, 51 bị thương và một thiết vận xa bị thiêu hủy. TÐP/TÐ/8 Dù là Thiếu Tá Ðào Thiện Tuyển bị thương phải đưa về bệnh viện trước khi nhập trận Hạ Lào! Tưởng cũng nên nói rõ “Skyspot” là ám danh của những phi vụ thả bom do những giàn radar dưới đất hướng dẫn, phi công không cần nhìn rõ mục tiêu, thường được xử dụng khi thời tiết xấu. Bom CBU (Cluster Bomb Unit) thường được gọi nôm na là bom “bi” vì khi thả, vỏ bom tách ra làm hai, tung ra hàng trăm “bom nhỏ” (bomblet hay BLU – Bomb Live Unit) như trái tạc đạn. Các bom nhỏ này sau đó có thể điểu chỉnh nổ trên không hay trên mặt đất như một tràng pháo để sát hại người hay chiến xa.


Chiến Xa Vượt Biên Vào Hạ Lào
Ðúng 7 giờ 00 phút sáng ngày 8 tháng 2, các chiến xa cùng quân Dù tùng thiết thuộc CÐI/ÐN vượt biên giới Lào – Việt trên đường số 9 gần Lao Bảo dưới sự yểm trợ của các trực thăng võ trang thuộc SÐ Không Kỵ 101 HK (SÐ101/KK), chính thức mở đầu cuộc hành quân Lam Sơn 719. Khoảng 8 giờ sáng, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu xác nhận trên đài phát thanh Sài Gòn “… Ðây là một cuộc hành quân có giới hạn trong thời gian lẫn không gian, với mục tiêu duy nhất và rõ rệt là phá vỡ hệ thống tiếp vận và xâm nhập của Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) trên phần đất Lào mà chúng đã chiếm đóng và xử dụng từ nhiều năm nay để tấn công vào VNCH của chúng ta. Ngoài ra, VNCH không có một tham vọng đất đai nào tại Lào và không khi nào xen vào nội bộ chính trị của vương quốc Lào vì VNCH luôn luôn tôn trọng nền độc lập và sự vẹn toàn lãnh thổ của vương quốc Lào …”
Dưới thời tiết giá lạnh vào những ngày đầu năm của rừng núi Hạ Lào, đường số 9 lồi lõm quanh co uốn khúc như một con rắn lớn xuyên qua những bờ cây dầy đặc sương mù phủ kín. Các chiến sĩ Mũ Ðen co ro trong những tấm poncho, cổ quấn khăn choàng chăm chú nhìn về phía trước quan sát hai bên ven đường. Tuy trục tiến quân gian nan hiểm trở chẳng khác nào “sạn đạo” nơi đất Thục, nhưng các chiến sĩ Thiết Giáp cũng như quân Dù tùng thiết đều lạc quan và tin tưởng vào chiến thắng sau cùng. Càng vào sâu trong phần đất Lào, đường càng xấu; nhiều lúc toán Công Binh tháp tùng phải dùng xe ủi đất san bằng những mô đất, hố bom, hoặc bắc những cây cầu tạm thời, đoàn xe mới tiến được. Tuy gọi là “đường số 9” nhưng vì bị bỏ hoang từ lâu nên nhiều đoạn đã bị nước xoi lở hoặc cây cối mọc lan ra như rừng dầy đặc nên việc khai thông rất khó khăn.
Ðến chiều cùng ngày, dù gặp nhiều gian nan trắc trở, nhưng cánh quân LÐI/ÐN cũng đã tiến sâu vào phần đất Lào được khoảng 9 cây số, trung bình mỗi giờ đi được 1 cây số. Tuy đây là con số rất khiêm nhượng cho một toán cơ giới, nhưng lại là một tiến bộ rất đáng kể so với địa thế hiểm trở tại Hạ Lào. Trong lúc đó, tại những mặt trận khác dọc theo mặt Bắc và Nam đường số 9, các cánh quân bạn cũng đã thiết lập xong một số các Căn Cứ Hoả Lực (CCHL) để bảo vệ cạnh sườn như đã dự trù.
Qua ngày hôm sau 9 tháng 2, mặc dù thời tiết rất xấu gây trở ngại cho việc chuyển quân bằng trực thăng của các cánh quân khác, nhưng toán Thiết Giáp vẫn tiến đều trên đường số 9 nhắm vào mục tiêu ám danh “A Lưới” tức địa danh Bản Ðông nơi đường số 9 chạy theo hướng Ðông Tây gặp trục lộ 92 chạy theo hướng Bắc – Nam, khoảng nửa đường từ biên giới Lào – Việt tới Tchépone trên bản đồ hành quân. Tưởng cũng nên biết thật ra “A Lưới” là một địa danh thuộc thung lũng Ashau nằm trong phần đất Việt Nam, phía Tây Nam Huế, nhưng các nhà thiết kế cuộc hành quân Lam Sơn 719 đã cố tình dùng địa danh này để đặt tên cho một mục tiêu trên phần đất Lào nhằm đánh lạc hướng cũng như khiến địch quân hoang mang không biết cuộc tiến quân thực sự xảy ra tại đâu.
Trên một chiếc xe vận tải chở đầy đồ tiếp liệu, có anh phóng viên ngoại quốc gốc Nhật tên Akihiko Okamura làm việc cho tờ tuần báo Times lén đi theo đoàn quân. Vì các phóng viên ngoại quốc bị cấm không được đi theo sang Lào, anh Okamura là người duy nhất có dịp ghi lại trung thực những hoạt động của toán Thiết Giáp. Khi chiếc xe vận tải ngừng lại ở khúc đầu đoàn xe, họ đang ở sâu chừng 9 cây số trên đường số 9 trong phần đất Lào. Anh Okamura nhảy ra khỏi chiếc xe vận tải rồi leo lên chiếc Thiết Vận Xa ở vào vị trí số 3 trong hàng. Anh ta ghi lại nhận xét cho thấy tinh thần quân sĩ rất cao, trang bị đầy đủ; đoàn viên chiếc Thiết Vận Xa tỏ ra rất ân cần, thân mật. Toán quân Dù tùng thiết cũng rất tự tin và có kỷ luật. Tất cả đều di chuyển thận trọng nhưng vẫn chuyện trò vui vẻ. Có lúc đoàn xe đi vào một đoạn đường rất hẹp vì đã không có xe cộ qua lại lâu ngày nên cây cối mọc um tùm, hai bên đường tre gai và dây leo mọc đầy đặc như bức tường thành. Ðoàn xe thiết giáp có lúc phải ngừng lại để khai thông trước khi xuyên qua khu hành lang đầy cây cối. Mỗi khi di chuyển cắt ngang một nhánh đường mòn băng qua đường số 9, lính Dù tùng thiết trên xe lại nhảy xuống, chỉ trỏ và la lớn “Ðường mòn Hồ Chí Minh, đường mòn Hồ Chí Minh”.
Ðêm hôm đó, đoàn xe hạ trại ngay trên đường số 9, một số binh sĩ mời anh Okamura dùng bữa tối. Mọi người đếu nóng lòng mong sớm tới mục tiêu A Lưới. Anh Okimura nhận xét những người lính trẻ trong đoàn thiết giáp đều vui vẻ, cởi mở và coi bộ ưa thích bộ đồ nghề nhiếp ảnh anh mang theo và hỏi anh giá cả. Anh ta nói đùa: “Nếu tôi chẳng may bị chết, các anh có thể giữ những đồ nghế này, nhưng bây giờ tôi còn cần chúng để kiếm cơm”. Họ chuyện trò đến khuya rồi ngủ thiếp đi dưới gầm xe trong tiếng trọng pháo yểm trợ ì ầm của QLVNCH.


Chiếm Ðóng A Lưới
Sang ngày 10 tháng 2, TÐ9/Dù được trực thăng vận tới A Lưới, một địa điểm trên đường số 9 cách biên giới Lào – Việt chừng 20 cây số. Mặc dầu hỏa lực phòng không địch bắn lên khá mạnh, các trực thăng vẫn hoàn tất nhiệm vụ đưa các chiến sĩ Dù mau chóng nhảy vào mục tiêu và chiếm lĩnh trận địa trong vòng 20 phút. Hai tiếng đồng hồ sau, các chiến xa dẫn đầu của LÐ1/TK bắt tay được với TD9/Dù. Như vậy, CÐ1/ÐN đã chiếm được một đầu mối giao thông quan trọng trong hệ thống giao thông đường mòn Hồ Chí Minh chỉ sau hai ngày hành quân. Tin CÐ1/ÐN đã chiếm được A Lưới không mấy khó khăn đã khiến các cấp chỉ huy VNCH và Hoa Kỳ rất lạc quan.
Khi Ðại Tá Phan Hòa Hiệp và Ðại Tá Raymond R. Battreall, Cố Vấn Trưởng Thiết Giáp ra tới Khe Sanh thì CÐ1/ÐN gồm LÐ1/TK và LÐ1/Dù đã chiếm được A Lưới. Tuy đây là một thành quả rất khích lệ nhưng Ðại Tá Battreall vẫn không yên tâm về khái niệm xử dụng Thiết Giáp trong trận Hạ Lào. Là một sĩ quan Thiết Giáp kỳ cựu từng có mặt trong những trận xa chiến gay go thời đệ nhị thế chiến, Ðại tá Battreall rất thấu hiểu, mến phục và gần gũi các binh sĩ Việt Nam. Ông cũng nhận xét rằng vì đa số người Mỹ chỉ có dịp tiếp xúc với thành phần cặn bã, thiếu văn hóa của xã hội Việt Nam nên thường đánh giá sai lầm và nhất là không hiểu người Việt cũng như những sự thật về cuộc chiến. Tại Khe Sanh, sau khi duyệt xét tình hình, ông tỏ ra rất quan ngại đến lực lượng Thiết Giáp đang án binh bất động tại A Lưới. Lý do không phải vì khả năng tác chiến của các chiến sĩ Mũ Ðen, mà ngược lại, ông cho rằng họ đều là những binh sĩ thiện chiến hàng đầu và các cấp chỉ huy như Ðại Tá Hiệp, Ðại Tá Luật, Trung Tá Dung v.v… đều có đầy đủ khả năng. Nhưng Ðại Tá Battreal lo ngại vì kế hoạch hành quân không được chu đáo và nhất là lệnh không cho phép cố vấn Hoa Kỳ đi theo vào Hạ Lào, ngay cả việc dùng trực thăng bao vùng để theo dõi hoạt động hoặc quan sát địa thế hay vị trí đóng quân cũng bị nghiêm cấm. Ngoài ra, BCH/TG còn quan ngại về những vấn đế quan trọng sau đây:


1. Tăng Phái và Tiếp Vận: Theo quan niệm hành quân của Hoa Kỳ, “tăng phái” không chỉ có nghĩa là đặt dưới quyền điều động hành quân, mà còn bao gồm cả việc yểm trợ và tiếp vận. Như vậy, khi LÐ1/TK được “tăng phái” cho SÐ/Dù, lực lượng Dù có nhiệm vụ lo việc tiếp tế cho đoàn Thiết Giáp. Nhưng đối với QLVNCH, “tăng phái” không phải đương nhiên bao gồm luôn vấn đề tiếp vận, nên rất có thể SÐ/Dù không dự trù đảm trách việc tiếp tế cho LÐI/TK. Ðối với các xe Thiết Giáp, tiếp tế, nhất là nhiên liệu là tầm quan trọng hàng đầu vì thiếu xăng nhớt, ưu điểm lưu động sẽ bị mất đi, các chiến xa sẽ chỉ còn là những ụ cát cố định, làm mồi cho hỏa lực địch. SÐ/Dù còn phải lo cho các đơn vị cơ hữu, lại chưa có nhiều kinh nghiệm đối với các nhu cầu của Thiết Giáp, làm sao bảo đảm việc tiếp tế được chu đáo? Hơn nữa, đoạn đường từ CCHL Bravo tới A Lưới rất quanh co hiểm trở, chỉ có cơ giới chạy bằng giây xích mới có thể vượt qua, vì vậy các xe vận tải tiếp tế không thể nào đi tới A Lưới được. Việc tiếp tế cho A Lưới do đó phải hoàn toàn tùy thuộc vào trực thăng Hoa Kỳ, không phải chuyện dễ dàng.
2. An Ninh Lộ Trình: Một trong những nhiệm vụ của SÐ/Dù là bảo vệ an ninh lộ trình trên đường số 9 để toán Thiết Giáp dễ bề hoạt động. Ðối với HK, điều này có nghĩa là rải quân tuần tiễu để các chiến xa di chuyển an toàn, không bị địch quân đặt mìn, phục kích. Ngoài ra, còn phải sửa sang đường lộ để xe cộ có thể di chuyển được. Nhưng quân Dù, ngoài việc cung cấp một số quân tùng thiết, chỉ thiết lập các CCHL Bravo và Alpha giữa biên giới và A Lưới để yểm trợ bằng pháo binh khi cần, lại không có khả năng sửa chữa đường xá nên an ninh lộ trình sẽ không sao tránh khỏi thiếu sót.
3. Thiếu Chủ Ðộng: Nhiệm vụ chính của CÐ1/ÐN là tiến dọc theo đường số 9 đánh thẳng vào mục tiêu Tchépone. Lực lượng này đã đi được nửa đường, chiếm đóng A Lưới không mấy khó khăn chỉ sau hai ngày hành quân với lực lượng gần như được bảo toàn. Nhưng sau đó, mũi nhọn quan trọng này dường như án binh bất động, không tiến xa và nhanh hơn về hướng Tchépone. Ðã đành càng đi xa càng gặp nhiều khó khăn về tiếp vận, cũng như địch quân phản ứng mạnh hơn bằng những cuộc phục kích hay phá đường xá cầu cống để trì hoãn cuộc tiến quân, nhưng dường như thượng cấp cũng như các cấp chỉ huy tại chỗ không tìm ra biện pháp thích ứng để giải quyết tình thế, hoặc thờ ơ thụ động trong việc tận dụng yếu tố bất ngờ để nắm phần chủ động hoặc khai thác sở trường “đánh mạnh đánh mau” của Thiết Giáp.
4. Tin tình báo của Hoa Kỳ trước đây cho biết địch quân không có chiến xa tại Hạ Lào và chiến xa địch từ nơi khác không thể tới vùng hành quân mà không bị phát hiện. Nhưng thực tế đã có rất nhiều dấu hiệu cho thấy địch quân xử dụng thiết giáp tại chiến trường. Nguy hiểm hơn nữa, ngoài chiến xa lội nước hạng nhẹ PT-76, địch còn có cả các chiến xa hạng trung loại T-54 có thiết giáp dầy hơn và súng 100 ly bắn xa hơn các chiến xa M-41 của LÐ1/TK. Trên giấy tờ, chiến xa M-41 chỉ có ưu thế so với loại PT-76, nhưng sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi chạm trán chiến xa thật sự T-54.

Các cấp chỉ huy Thiết Giáp và Dù tại Hạ Lào. Người đi đầu đội nón sắt, tay cầm bản đồ là Đại Tá Nguyễn Trọng Luật. Người đi sau đội nón vải là Đại Tá Lê Quang Lưỡng
Nhìn chung, cuộc tiến quân của CÐI/Ðn coi như bị chận đứng tại A Lưới. Nỗ lực chính, một mũi tấn công quan trọng để đánh chiếm mục tiêu tối hậu Tchépone đột nhiên trở thành những ụ cát phòng thủ dưới áp lực mỗi ngày một gia tăng của địch quân mỗi ngày được tăng viện mạnh hơn. Ngoài ra, cường độ pháo kích vào mục tiêu cố định A Lưới càng về sau càng dữ dội. Pháo binh địch với các loại trọng pháo 130 ly và 122 ly rõ ràng chiếm lợi thế vì có tầm bắn xa hơn những đại bác 105 ly và ngay cả 155 ly của QLVNCH, lại được chôn dấu kỹ càng khó phát hiện và đạn dược được tiếp tế dư thừa. Ngoài ra, phòng không địch mỗi lúc một di chuyển đến nhiều hơn đan thành nhiều màng lưới lửa chung quanh căn cứ khiến những phi vụ tản thương, tiếp tế trở nên vô cùng nguy hiểm và khó khăn. Tuy Cộng quân không mở một cuộc tấn công qui mô nào vào A Lưới, nhưng tình trạng bị bao vây, cô lập và pháo kích hàng ngày khiến binh sĩ đồn trú bị hao hụt và xuống tinh thần. Theo phỏng đoán của anh phóng viên Okamura có mặt tại chỗ, dường như Cộng quân đã cố tình “nhử” QLVNCH, để cho dễ dàng tiến sâu vào Hạ Lào là vùng chúng kiểm soát rồi sau đó sẽ bao vây, chia cắt và đánh bọc hậu để tiêu diệt từng phần. Tài liệu của Việt Cộng sau này cho biết họ dùng chiến thuật “cầm chân” để vô hiệu hóa cánh quân có hỏa lực mạnh nhất của QLVNCH, thay vì đánh vào A Lưới, chắc chắn sẽ bị nhiều tổn thất.


Những Trận Xa Chiến
Ðịa hình hiểm trở nơi Hạ Lào với đồi núi chập chùng và rừng cây rậm rạp đúng ra không thích hợp với chiến thuật càn lướt căn bản trong việc xử dụng chiến xa. Tại các trường Kỵ Binh nổi tiếng trên thế giới như Saumur (Pháp), Saint Cyr (Pháp), Sandhurst (Anh), Fort Knox (Hoa Kỳ) v.v… các chiến lược gia thường giảng dạy phương pháp xử dụng chiến xa trên sa mạc, vùng đất rộng lớn hay trên địa hình bằng phẳng. Những trận xa chiến lớn và nổi tiếng trong quân sử thế giới cũng thường diễn ra trong sa mạc hay vùng bình nguyên, chẳng hạn như những trận đánh của con “cáo Sa mạc” Rommel thuộc đoàn Panzer của Ðức tại Phi Châu, hoặc tướng Patton Hoa Kỳ xử dụng chiến xa thần tốc trong trận “Battle of the Bulge” tại vùng đồng bằng sông Rhin trong lãnh thổ Ðức vào cuối Ðệ Nhị Thế Chiến. Gần đây hơn, những trận xa chiến lớn giữa Do Thái và khối Ả Rập cũng xảy ra tại vìng sa mạc Sinai trong trận chiến 1967 và trận đánh 7 ngày. Trong chiến dịch Desert Storm năm 1991, và trận chiến tại Iraq mới đây, quân đội Hoa Kỳ cũng dùng chiến xa tại sa mạc để càn lướt tốc chiến tiêu diệt lực lượng Iraq, tiến chiến thủ đô Bagdagh trong một thời gian kỷ lục. Những trận đụng độ chiến xa nổi tiếng này đề có các mẫu số chung: đó là địa hình bằng phẳng, tiếp vận dư thừa và hỏa lực yểm trợ đầy đủ.
Khi chuẩn bị kế hoạch hành quân Lam Sơn 719 nhằm đánh vào Hạ Lào để cắt đứt đường tiếp vận của Cộng quân, tin tình báo cho biết Cộng quân không có chiến xa tại vùng hành quân. Do đó, những chiến xa thuộc LÐ1/TK vào Hạ Lào coi như không có đối thủ. Nhưng khi nhập vùng hành quân, ngoài địa thế xa lạ, khó khăn, chỉ sau vài cuộc đụng độ, thực tế đã cho thấy trái ngược hẳn với dự đoán. Cộng quân chẳng những có cả một Trung Ðoàn Thiết Giáp mang bí số 202, mà còn có cả chiến xa hạng trung loại T-54 với thiết giáp dầy hơn và đại bác 100 ly có hỏa lực trội hơn chiến xa hạng nhẹ M-41 chỉ được trang bị đại bác 76 ly của QLVNCH. Theo tài liệu Cộng quân, bí số 202 bắt nguồn từ khi mới thành lập Trung Ðoàn thiết giáp đầu tiên này của Cộng quân gồm có 202 người được huấn luyện tại Nga Sô và Trung Cộng.
Chiến Xa T-54 tại Hạ Lào?
Việc Cộng quân có cả một Trung Ðoàn chiến xa tại Hạ Lào là một sự thật hiển nhiên ai cũng công nhận, nhất là sau các trận đánh tại CCHL 31 và CCHL 30 do quân LÐ3 Dù trấn giữ. Nhưng việc Cộng quân có chiến xa hạng trung loại T-54 hay không lại có nhiều người đặt thành nghi vấn. Trong tác phẩm “Trận Hạ Lào”, trang 122 khi nói về trận đánh tại CCHL 31, tác giả Phạm Huấn, một phóng viên chiến trường uy tín và nổi tiếng có mặt tại Khe Sanh khi cuộc hành quân Lam Sơn 719 đang khai diễn, đã viết: “Thật ra, trong Trận Hạ Lào, Cộng Sản Bắc Việt chỉ sử dụng loại chiến tăng PT-76, ngang bằng với chiến xa M-41 của ta”. Chúng tôi cũng xin phép trích đăng nguyên văn phần tác giả Phạm Huấn phỏng vấn Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư Lệnh Chiến Dịch Hạ Lào về chiến xa (trang 299 & 230) như sau:
Hỏi: Khả năng về chiến xa giữa Ta và Ðịch tại chiến trường Hạ Lào?
Ðáp: Lực lượng Thiết Giáp của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trên chiến trường Hạ Lào đa số là thiết vận xa M-113, và chiến xa cũ M-24, thua xa chiến xa của Bắc Việt. Loại chiến xa M-41 cũng vậy, chỉ có đại bác 75 ly. Vì vậy, sau Trận Hạ Lào, chúng tôi đã đề nghị Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa yêu cầu Mỹ viện trợ chiến xa M-48 để đương đầu với xe tăng T-54 của Cộng Sản bắc Việt do Nga cung cấp.
Hỏi: Chiến xa M-41 của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa có thể đương đầu với chiến xa Bắc Việt không? Vì PT-76 của địch cũng chỉ được võ trang đại bác 76 ly?
Ðáp: Nhưng vỏ bọc xe thiết giáp PT-76 của Cộng Sản Bắc Việt dầy hơn chiến xa M-41 của ta. Và lực lượng Thiết Giáp Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong Trận Hạ Lào cũng chỉ có một số ít chiến xa M-41 thôi.
Trong bài viết “Cơn Uất Hạ Lào” đăng trong báo KBC số 5 xuất bản ngày 5 tháng 5 năm 1988 xuất bản tại Hoa Kỳ, trang 30, Mũ Ðỏ Bùi Ðức Lạc cũng viết: “… Thiếu Tá Phú TÐP/TÐ8ND dẫn 2 đại đội tùng thiết 2 chi đoàn Thiết Giáp tiến về Căn Cứ Hỏa Lực 31 còn cách căn cứ khoảng 2km, đơn vị tiền quân gặp phục kích, quân số địch khoảng trung đoàn có chiến xa yểm trợ, nhưng vì thuyết trình viên của Phòng 2 BTL hành quân cho biết là địch có chiến xa T-54, nên thiết giáp ta tránh đụng độ với địch. Thực ra, địch chỉ có PT-76 trong trận này”. (Ghi chú của tác giả: Thiếu Tá Bùi Ðức Lạc lúc đó là CHT/TÐ1/PB Dù trấn đóng tại A Lưới cùng vớí CÐ1/ÐN. Ông là một pháo thủ mưu lược, quả cảm và có biệt tài bắn T.O.T. (Time On Traget) và cũng là một tiếng nói rất có thẩm quyền về cuộc hành quân Lam Sơn 719. Ông đã từng đội pháo địch ròng rã trên 40 ngày tại A Lưới để đích thân chỉ huy những pháo đội thuộc TÐ 1/PB Dù. Có lẽ ông cũng chính là thẩm quyền danh hiệu truyền tin 11 trên trực thăng đã chỉ thị cho Ðại Úy PB Trương Duy Hy, PÐT/PÐ C/44 PB tại CCHL 30 dùng đạn đại bác 155 ly, đầu nổ SQ, nạp 7 thay vì dùng đầu đạn delay để bắn cháy chiến xa địch.)
Tuy nhiên, phần lớn các tài liệu của Hoa Kỳ nói về trận Hạ Lào, kể cả tập tài liệu “Lam Son 719” của Chuẩn Tướng Nguyễn Duy Hinh viết tại Hoa Kỳ vào tháng 7 năm 1977 dành riêng cho phòng Nghiên Cứu Quân Sử Hoa Kỳ, đều xác nhận Công quân có chiến xa T-54 tại Hạ Lào. Riêng trong trận đánh tại CCHL 31, Công quân xử dụng cả hai loại chiến xa PT-76 và T-54. Ðại Úy Nhảy Dù Lê Châu, người có mặt tại chỗ khi CCHL 31 thất thủ và bị Cộng quân bắt cầm tù vào buổi tối ngày 25 tháng 2 năm 1971, có lẽ là nhân chứng đáng tin cậy nhất. Trong hối ký “Từ Hạ Lào Tới Thượng Du Bắc Việt” đăng trong Tập San KBC số 7 phát hành vào năm 1988, trang 35, Ðại Úy Châu viết: “Với lòng dũng cảm và kiên cường của những người lính Nhảy Dù quyết tâm tử thủ Căn Cứ 31, đã gây cho địch quân một tổn thất nặng nề gồm 7 tăng lội nước PT-76 và T-54 khổng lồ bị bắn cháy …”
Như vậy, có nhiều ý kiến trái ngược về nghi vấn “Cộng quân có xử dụng chiến xa T-54 tại Hạ Lào hay không?” Vì không phải là một kỵ binh, cũng không được mục kích tại chỗ nên chúng tôi không giám khẳng định tuyệt đối. Nhưng qua những tài liệu hiện có như quân sử Hoa Kỳ, không ảnh, nhân chứng v.v… chúng tôi có thể trả lới khác chắn chắn và gọn gàng “Có”. Chúng tôi đính kèm tài liệu kỹ thuật về các loại chiến xa M-41, T-54 và PT-76, đặc biệt về phần “vỏ bọc xe thiết giáp” để độc giả tìm hiểu và tự so sánh khả năng của từng loại chiến xa tham chiến tại Hạ Lào. Thông thường, loại “xe lội nước” như PT-76 vì phải đủ nhẹ để nổi trên mặt nước nên “thiết giáp” mỏng hơn các loại chiến xa trên bộ. Việc Tướng Lãm, Tư Lệnh Hành Quân Lam Sơn 719 và cũng là một sĩ quan thiết giáp, cho rằng chiến xa lội nước PT-76 của Cộng quân có thiết giáp dầy hơn chiến xa M-41 của QLVNCH cũng để tùy độc giả nhận xét.
Ðặc Tính Các Loại Chiến Xa Tham Chiến Tại Hạ Lào
1. M-41 “Walker Bulldog” (Chiến xa hạng nhẹ)
– Nặng: 23.5 tấn
– Dài: 8.212 m
– Cao: 2.726 m
– Vận tốc tối đa: 76km/giờ
– Bình nhiên liệu: 530 lít
– Vũ khí 1 đại bác 76 ly M32; 1 đại liên 30 đồng trục với đại bác; 1 đại liên 50 gắn trên pháo tháp
– Thiết giáp: Mũi xe: 25 mm – 31 mm; Sườn: 19 mm – 25 mm; Sau xe: 19 mm; Mặt trước pháo tháp: 38 mm; Sườn pháo tháp: 25 mm
– Xa đoàn: 4 người
2. PT-76 (PT = Plavayushtshiy Tank – Amphibious Tank)
– Nặng: 14.6 tấn
– Dài: 7.66 m
– Cao: 2.25 m
– Vận tốc tối đa: 50 km/giờ
– Tầm hoạt động: 394 km
– Bình nhiên liệu: 250 lít
– Vũ khí: 1 đại bác 76 ly; 1 đại liên 30 đồng trục với đại bác
– Thiết giáp: Sườn: 14 mm; Pháo tháp: 17 mm
– Xa đoàn: 3 người
3. T-54 (Chiến xa hạng trung)
– Nặng: 36 tấn
– Dài: 9 m
– Rộng: 3.27 m
– Cao: 2.4 m
– Vận tốc tối đa: 50 km/giờ
– Tầm hoạt động: 510 km
– Bình nhiên liệu: 812 lít
– Vũ khí: 1 đại bác 100 mm; 1 đại liên 30 đồng trục với đại bác; 1 đại liên 50 gắn trên pháo tháp
– Thiết giáp: Sườn: 170 mm; Pháo tháp: 203mm
– Xa đoàn: 4 người
Với các đặc tính như trên, chúng ta có thể so sánh khá rõ ràng sở trường, sở đoản cũng như khả năng tác chiến của mỗi loại chiến xa. Tưởng cũng nên nhắc lại Cộng quân xử dụng chiến xa tác chiến lần đầu tiên trong trận đánh tại trại Lực Lượng Ðặc Biệt Làng Vei gần Khe Sanh vào năm 1968. Trong trận này có 11 chiến xa PT-76 tham chiến; tuy phía QLVNCH không có chiến xa, nhưng chỉ với vũ khí cơ hữu, nhưng họ cũng đã bắn hạ 9 PT-76 tại chỗ. Nhiếu tài liệu cũng cho biết thiết giáp của loại xe lội nước này tương đối mỏng, đạn đại liên 50 có thể xuyên thủng được nếu bắn đúng góc cạnh vào nhược điểm.


Toán Thiết Giáp Tăng Viện CCHL 31
Vào sáng ngày 25 tháng 2, tình hình tại CCHL 31 nơi đặt BCH/LÐ3 Dù của Ðại Tá Nguyễn Văn Thọ, do TÐ 3/Dù trấn đóng trở nên nguy kịch vì bị Cộng quân có chiến xa tăng cường bao vây và tấn công dữ dội trong mấy ngày qua. Trung Tướng Dư Quốc Ðống ra lệnh cho một phân đoàn Thiết Giáp và quân Dù lúc đó đang hoạt động tại vùng Bắc A Lưới phải lập tức kéo tới tăng viện CCHL 31. Lực lượng tiếp cứu này gồm hai Chi Ðoàn thuộc các Thiết Ðoàn 11 và 17 cùng với hai Ðại Ðội thuộc TÐ 8 Dù do Thiếu Tá Phú, TÐP/TÐ8/Dù chỉ huy. TÐ8/Dù do Trung Tá Văn Bá Ninh chỉ huy là đơn vị thuộc LÐ1/Dù, một trong hai TÐ Dù tùng thiết. Mấy tuần lễ trước trong lúc dừng quân tại Lao Bảo, một phi cơ HQ Hoa Kỳ trong phi vụ Skyspot đã thả bom CBU lầm đúng vào lúc đoàn Thiết Giáp và quân Dù tập trung chuẩn bị xuất quân. TÐP/TÐ 8 Dù là Thiếu Tá Ðào Thiện Tuyển bị thương nên Thiếu Tá Phú lên thay thế.
Ngay khi nhận được lệnh, cánh quân tiếp cứu này lập tức rời vùng bắc A Lưới trực chỉ CCHL 31 chỉ cách khoảng hơn 6 cây số đường rừng về hướng Bắc. Ðịa hình xa lạ, thêm rừng núi hiểm trở với cây cối chằng chịt đã gây trở ngại không nhỏ cho toán quân này. Ngoài ra, vấn đề phối hợp giữa các đơn vị Thiết Giáp và Dù dường như không được suông sẻ như ý nuốn. Trên đường di chuyển, một số chiến xa và thiết vận xa bị hư hại vì trúng mìn và lọt vào các ổ phục kích của địch quân ẩn nấp trong rừng rậm. Trước viễn ảnh của những cuộc phục kích liên miên trên một địa thế hoàn toàn bất lợi cho sự di chuyển của chiến xa, toán Thiết Giáp yêu cầu quân Dù tùng thiết mở đường trước để đoàn chiến xa di chuyển theo sau. Nhưng quân Dù lúc đó chỉ có hai Ðại Ðội, lại cũng đang gặp trở ngại tương đương nên không trợ giúp được nhiều. Vì vậy, lực lượng tiếp viện bị trì hoãn, đã không đến kịp thời để giải vây cho CCHL 31. Hậu quả là Căn Cứ quan trọng này bị địch quân tràn ngập vào hồi 6 giờ chiều cùng ngày. Lúc đó, cánh quân Thiết Giáp và Dù tăng viện chỉ còn cách CCHL 31 chừng vài cây số!
Việc CCHL 31 bị mất đã gây ra khá nhiều bất đồng ý kiến giữa lực lượng Thiết Giáp và Dù. Quân Dù cho rằng toán kỵ binh vì ngại phải chạm trán với chiến xa T-54 của Cộng quân có hỏa lực mạnh nên nên chần chờ. Phía Thiết Giáp lại bảo vì nhận được những lệnh mâu thuẫn từ Tướng Ðống và Tướng Lãm nên không biết đường nào mà thi hành. Riêng Ðại Tá Battreall lại nhận định trong lúc trận đánh tại đồi 31 diễn ra quyết liệt, BTL/SÐ/Dù vì thiếu kinh nghiệm phối hợp nên đã quên bẵng yếu tố Thiết Giáp, không ban hành những mệnh lệnh kịp thời cần thiết. Sau này, Tướng Lãm cho biết một vài chi tiết về vấn đề này như sau: “Khi lực lượng Thiết Giáp tiến đến gần đồi 31 thì trời đã sắp tối, lúc đó, Tướng Ðống bên SÐ/Dù báo cáo đồi 31 đã mất. Máy bay quan sát Mỹ cũng xác nhận Cộng quân đã tràn ngập đồi 31. Do đó, Ðại Tá Luật cho lệnh dừng quân cách đồi 31 chừng hơn một cây số.”
Nhưng dù với lý do gì đi nữa, chắc hẳn đã có những “bất đồng ý kiến”, cộng thêm hệ thống chỉ huy không được thuần nhất khiến việc điều động kém hiệu quả. Nếu toán Thiết Giáp cứu viện đến được đồi 31 kịp thời, chưa hẳn đã thay đổi được tình thế, nhưng chắc hắn với hỏa lực được tăng cường, quân trú phòng lại lên tinh thần, ít ra địch quân cũng không dễ dàng mặc tình thao túng.
Những Trận Xa Chiến
Sáng ngày 26 tháng 2, sau khi CCHL 31 rơi vào tay địch, Tướng Ðống ra lệnh cho toán tăng viện hợp cùng thành phần còn lại của TÐ/3 Dù phản công chiếm lại vị trí này. Ðôi bên đụng độ ác liệt với hàng trăm Cộng quân bị bắn hạ. Tuy nhiên có 5 chiến xa M-41 bị hư hại vì đạn B-40 và B-41 của Cộng quân. Riêng các chiến xa của LÐ1/TK lần đầu tiên cũng đã có dịp chạm trán với các chiến xa của Cộng quân. Sau trận xa chiến, Thiết Ðoàn 17 báo cáo bắn hạ 22 chiến xa địch, gồm 6 chiến xa T-54 và 16 PT-76 trong khi không bị mất một chiến xa M-41 nào. Ðặc biệt trong trận này, Trung Sĩ trưởng xa Nguyễn Xuân Mai thuộc Chi Ðoàn 1, Thiết Ðoàn 17 đã trực tiếp bắn hạ một chiến xa T-54 của địch quân. Chiến công này được xác nhận bằng hình ảnh chụp được. Ðại Tá Battreall và Ðại Tá Hiệp rất vui mừng về thành quả rực rỡ của toán Thiết Giáp trong trận xa chiến đầu tiên. Nhưng một lần nữa, báo cáo của LÐ1/TK tại Hạ Lào lại bị nghi ngờ. Tướng Sutherland, người đã không có thiện cảm với Ðại Tá Luật ngay từ vụ “Vandergrift” lúc ban đầu cho rằng đây chỉ là điều bịa đặt. Ông lý luận rằng trong một trận xa chiến ác liệt đến độ 22 chiến xa địch bị bắn hạ, chắc chắn bên ta cũng phải có vài thiệt hại. Một số quân Dù cho rằng sồ chiến xa địch bị tiêu hủy trên đồi 31, một phần do TÐ3/Dù và PÐ/C3 Dù do Ðại Úy Nguyễn Văn Ðương chỉ huy bắn hạ, phần khác do phi cơ Hoa Kỳ tiêu diệt trong ngày hôm trước. Theo chỗ chúng tôi ước đoán, có thể Thiết Giáp đã không bắn hạ tất cả 22 chiến xa địch kể trên, nhưng ít nhất họ cũng đã can đảm đối đầu chiến xa địch có hỏa lực mạnh hơn và đã bắn hạ được nhiều chiếc tại khu vực CCHL 31.
Sau trận đụng độ với chiến xa địch tại đồi 31, toán Thiết Giáp tăng viện, cộng thêm thành thần còn lại của TÐ3 Dù hiện gặp nguy cơ bị địch quân chặn mất đường về A Lưới. Họ bị bao vây, cô lập trong một vùng đồi núi cây cối rậm rạp, trong lúc bộ binh địch vì quen thuộc hơn với địa hình nên có thể len lỏi tới gần để bắn tỉa từng chiến xa. Vào trưa ngày 27 tháng 2, Cộng quân dùng bộ binh và chiến xa tấn công toan tràn ngập lực lượng này. Tuy nhiên, các chiến xa và quân Dù phản ứng mãnh liệt với sự yểm trợ hữu hiệu của phản lực cơ và trực thăng võ trang Hoa Kỳ. Sau cùng, địch phải rút lui vì bị thiệt hại quá nặng, bỏ lại chiến địa nhiều chiến xa và vũ khí.
Trong những ngày kế tiếp, sau khi bị thiệt hại nặng, tuy không còn đủ sức tấn công nhưng địch quân vẫn bám sát, bao vây và quấy rối. Cho tới ngày 1 tháng 3, sau khi được tăng viện và chỉnh đốn lực lượng sau những lần thất bại trước, họ lại mở một cuộc tấn công quyết liệt mong thanh toán đoàn chiến xa tăng viện này. Nhưng cũng như lần trước, các chiến sĩ Mũ Ðen và quân Dù chiến đấu anh dũng và hữu hiệu khiến địch quân lại thảm bại. Tuy nhiên, trước tình hình nguy hiểm một mất một còn, Ðại Tá Harrison, người vừa thay thế Ðại Tá Pence làm quyền Cố Vấn Trưởng SÐ/Dù khuyến cáo Tướng Ðống hãy mau chóng quyết định dứt khoát, hoặc tăng viện thêm cho toán Thiết Giáp, hay ban lệnh cho họ rút về A Lưới. Nhưng SÐ/Dù vẫn chưa có quyết định rõ rệt.
Sang ngày 3 tháng 3, địch lại mở cuộc tấn công qui mô lần thứ ba. Lần này, chúng huy động cả một Trung Ðoàn Bộ Binh với chiến xa yểm trợ vây gọn toán Thiết Giáp vào giữa rồi bắn xối xả bằng đủ loại súng. Tuy bị vậy hãm trong nhiều ngày không được tiếp tế đầy đủ, lực lượng càng lúc càng yếu với hàng trăm người chết và bị thương không được di tản, các chiến sĩ VNCH vẫn anh dũng chiến đấu. Có thêm 10 thiết vận xa bị phá hủy. Hai phi vụ tiếp tế và tản thương phải hủy bỏ vì hỏa lực phòng không quá dữ dội của địch quân. Trận đánh tiếp diễn, tình thế nguy kịch, nhưng thượng cấp vẫn không có lệnh nào rõ rệt. Tướng Lãm lúc đó lại đang họp với Tướng Sutherland tại BTL/QÐ XXIV Hoa Kỳ nên không có ai quyết định. May mắn, các Cố Vấn Thiết Giáp tại Khe Sanh liên lạc được với Trung Tá Vallejo là cố vấn trưởng không quân tại QÐI. Chỉ 5 phút sau đó, 6 pháo đài bay B-52 được điều động tới để yểm trợ cho toán Thiết Giáp đang bị vây hãm nguy ngập. Vì trong tình trạng khẩn cấp, phi vụ Arc Light này đặc biệt được dùng như những phi vụ chiến thuật yểm trợ cận phòng. Từng thảm bom rơi chính xác quanh vị trí phòng thủ của toán Thiết Giáp, chỉ cách vài trăm thước, chận đứng được những cuộc tấn công. Ðồi núi và cây rừng tan rã như trong một cơn địa chấn khủng khiếp, sát hại hàng trăm Cộng quân buộc họ phải rút lui. Sau khi cuộc tấn công thứ ba của Cộng quân bị bẻ gẫy, toán Thiết Giáp và quân Dù củng cố lại lực lượng, vượt vòng vây tới được một địa điểm thuận lợi hơn để trực thăng có thể tiếp tế và tản thương. Về phía Cộng quân, sau những thảm bại liên tiếp, cũng không còn đủ sức mạnh để tiếp tục tấn công. Toán Thiết Giáp sau đó di chuyển an toàn về A Lưới.
Tổng kết, trong khi thi hành nhiệm vụ khó khăn tiếp cứu CCHL 31 từ ngày 25 tháng 2 cho tới ngày 3 tháng 3, lức lượng tăng viện gồm 2 Chi Ðoàn Thiết Giáp, 2 Ðại Ðội thuộc TÐ 8 Dù và thành phần còn lại của TÐ 3 Dù đã chạm địch nhiếu lần. Tổng cộng tổn thất, theo báo cáo chính thức, gồm 30 xe thiết giáp đủ loại bị phá hủy, 27 tử thương, khoảng 200 bị thương và một số mất tích. Phía Cộng quân ghi nhận 6 chiến xa T-54, 16 PT-76, 2 xe vận tải Molotova bị phá hủy, trên 1,000 địch quân chết, 2 bị bắt sống và 300 vũ khí đủ loại bị tịch thâu. Cung từ của tù binh cho biết lực lượng Cộng quân thuộc Trung Ðoàn 24B và 36 thuộc SÐ 308 cùng với chiến xa của Trung Ðoàn 202d đã tham dự các trận đánh. Trung Ðoàn 24B là đơn vị đã tham dự các trận đánh tại đồi 31 trước đây và Trung Ðoàn 36 là đơn vị án ngữ mặt Nam. Như vậy, ngoài một số lớn chiến xa đủ loại bị phá hủy, Cộng quân còn tổn thất chừng phân nửa quân số trong các trận đụng độ với Thiết Giáp VNCH tại vùng đồi 31.
Sau đó, Ðại Tá Phan Hòa Hiệp trở về Sài Gòn để yết kiến Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu để trình bày ý kiến về việc xử dụng Thiết Giáp tại Hạ Lào. Ông đề nghị nên có lệnh rõ ràng và trao phó cho LÐ1/TK những nhiệm vụ có thể thi hành được; nếu không, cần phải rút lực lượng Thiết Giáp khỏi A Lưới càng sớm càng tốt, trước khi Cộng quân hoàn toàn cắt đứt đường số 9, chận mất đường về duy nhất của LÐ1/TK.


Cuộc Rút Quân Khỏi A Lưới
Sau khi các căn cứ che chở sườn Bắc đường số 9 gồm BĐQ Bắc, BĐQ Nam, CCHL 31 và CCHL 30 bị Cộng quân tràn ngập hay bức rút, tình hình trở thành bất lợi cho QLVNCH. Tướng Lãm bắt buộc phải thay đổi chiến thuật, tung SĐ/TQLC vào trận địa thay thế SĐ1/BB trấn đóng những vị trí thuộc sườn Nam đường số 9 để SĐ1/BB nhận nhiệm vụ tiến chiếm mục tiêu chính Tchépone. Toàn Bộ 5 Tiểu Đoàn thuộc Trung Đoàn 2/SĐ1/BB cũng bắt đầu tham chiến. Các đơn vị thuộc Trung Đoàn 1 và 3 sau khi bàn giao vùng trách nhiệm cho SĐ/TQLC liền được trực thăng vận tới gần Tchépone để thiết lập một số CCHL như Lolo, Liz, Sophia v.v… để yểm trợ cho quân Trung Đoàn 2 đánh thẳng vào Tchépone. Ngày 6 tháng 3, các TÐ2/Tr.Ð2 do Thiếu Tá Trần Ngọc Huế chỉ huy và TÐ3/Tr.Ð2 do Thiếu Tá Nguyễn Ni Tấn chỉ huy, được trực thăng vận tới Bãi Đáp Hope rồi theo đường bộ chiếm mục tiêu không mấy khó khăn.
Sau khi chiếm được Tchépone, quân Trung Đoàn 2 chỉ ở đó vài ngày rồi lập tức rút về hướng Nam để nhập với quân bạn tại các căn cứ Sophia và Lolo. Phần Cộng quân cũng gia tăng áp lực bằng cách mở các cuộc tấn công với chiến xa, pháo binh và bộ binh phối hợp để cố chận đường về của QLVNCH. Lực lượng SĐ1/BB đụng nặng tại Lolo và Sophia, bị thiệt hại khá nặng trong lúc lui quân. Rõ ràng địch quân tuy bị thiệt hại, nhưng đã được tăng viện mau chóng và đang mở cuộc phản công. Do đó, vào tối ngày 18 tháng 3, Tướng Lãm triệu tập một buổi họp cấp Sư Đoàn tại Khe Sanh để lượng xét tình thế cũng như tìm kế hoạch đối phó. Tất cả các đại đơn vị trưởng có mặt trong buổi họp đều đồng ý cần phải rút quân càng sớm càng tốt. Riêng Tướng Phú, TL/SĐ1/BB tỏ ra rất lo ngại cho các cánh quân của đơn vị hiện nằm sâu nhất trong phần đất Hạ Lào. Chúng tôi sẽ viết thêm chi tiết về cuộc triệt thoái của SĐ1/BB, SĐ/Dù và SĐ/TQLC vào dịp khác vì bài này được giới hạn, chỉ nói về Thiết Giáp.
Ngay sau buổi họp các đại đơn vị trưởng rất quan trọng tại Khe Sanh, sáng ngày 19 tháng 3, Tướng Lãm ra lệnh cho CĐ1/ĐN triệt thoái khỏi A Lưới, lui về Việt Nam bằng đường số 9. Theo kế hoạch, các chiến xa và quân Dù tùng thiết sẽ di chuyển bằng đường bộ về CCHL Alpha nằm giữa A Lưới và biên giới. TĐ2/Dù lúc đó đang hoạt động tại vùng Bắc A Lưới sẽ được trực thăng vận về trấn giữ CCHL này. Sau khi đoạn đường số 9 từ A Lưới đến CCHL Alpha được giữ an ninh, thành phần còn lại của SĐ1/BB gồm các đơn vị thuộc Tr. Đ2/BB và TĐ3/1 đang trấn đóng tại CCHL Brown và Delta1 để giữ an ninh sường Nam đường số 9 sẽ được trực thăng bốc về Việt Nam.
Trong lúc các cánh quân khác dùng cả đường bộ lẫn trực thăng để lui quân, những chiến xa và xe cộ của LĐ1/TK chỉ có một đường duy nhất để trở về Việt Nam: đó là đường số 9. Dĩ nhiên Cộng quân biết rất rõ điều đó nên họ đã phục kích chờ sẵn. Cuộc lui quân của LĐ1/TK, vì nhiều lý do, được mô tả là không được suông sẻ như ý muốn. Theo lời Đại Tá Battreal, hoạt động của cánh quân chủ lực này kém hiệu quả vì Đại Tá Luật nhận được nhiều chỉ thị khác nhau, đôi khi còn trái ngược từ SÐ/Dù cũng như từ BTL Hành Quân. Đại Tá Battreal viết trong phúc trình hâụ hành quân như sau: “Lúc thì có lệnh phải tiến sâu hơn về phía Tchépone, khi thì lại bảo hãy cố thủ tại A Lưới. Có khi nhận được lệnh phải bung ra khỏi A Lưới càng xa càng tốt, trong khi lệnh khác lại không cho phép vượt qua tọa độ XYZ nào đó. Kết quả là hoang mang, ngộ nhận vì mọi nguyên tắc hành quân cũng như thống nhất quyền chỉ huy đều bị vi phạm”. Ngoài ra còn có tin đồn rằng sau khi thấy quân VNCH bị thiệt hại khá nặng, chính Tổng Thống Thiệu đã ra lệnh thâu hẹp vùng hành quân, chỉ vào sâu trong Hạ Lào tới Bản Đông thay vì Tchépone xa hơn chừng 20 cây số về hướng Tây.
Trên đường rút quân, một số trực thăng được biệt phái cho SĐ/Dù để bao vùng và phát hiện những ổ phục kích. Tướng Sutherland, TL/QĐ/XXIV của Hoa Kỳ muốn xử dụng thêm một Đại Đội chiến xa M-578 để kéo những xe thiết giáp bất khiển dụng hiện nằm tại A Lưới về. Đại Tá Battreall trả lời rằng trong tình thế hiện tại, việc kéo theo những chiến xa bị hư hại này rất nguy hiểm, vì đoạn đường từ A Lưới về tới biên giới rất khó di chuyển, lại đầy những ổ phục kích cùa địch quân “hầu như không thể nào vượt qua nổi”. Các nhân chứng cho biết Tướng Sutherland rất lấy làm ngạc nhiên vì đây là lần đầu tiên ông được báo cáo về những khó khăn này.
Cuối cùng, mặc dầu có nhiều ý kiến khác biệt, khi rời A Lưới, Đại Tá Luật cũng đã quyết định kéo theo những chiến xa bị hư hỏng. Khi vừa lên đường, các trực thăng tăng phái để bao vùng và thám sát lại được điều động rời vùng để yểm trợ cho các toán quân Dù lúc đó cũng đang rút về biên giới. Vì vậy, các chiến xa phải di chuyển đơn độc trên đoạn đường quanh co, chật hẹp mà không được yểm trợ cạnh sườn hay trực thăng tiền sát để phát hiện những ổ phục kích.
Vào khoảng 8 giờ sáng khi mới rời A Lưới được chừng 4 cây số, toán thiết giáp bị sa vào một ổ phục kích khi băng qua môt con suối nhỏ. Cộng quân từ triền núi cao bắn xuống dữ dội khiến chiến xa đi đầu bị bắn cháy, trong lúc 4 chiếc khác và 18 quân xa chở đồ tiếp liệu còn chưa qua được giòng suối. Vì đây là con đường độc đạo nên các xe khác theo sau không thể lách qua những chiếc xe bị hư hại để đi qua được. Một số quân Dù tùng thiết nhảy xuống khỏi chiến xa để nghênh địch. Trận phục kích kéo dài chừng 3 tiếng đồng hồ. Khi địch quân bị đẩy lui, tổng kết cho biết có 4 chiến xa M-41, 3 Thiết vận xa và toàn thể 18 xe chở đồ tiếp liệu bị hư hại bắt buộc phải bỏ lại. LĐ1/TK sau đó tiếp tục di chuyển về biên giới, nhưng vì địa thế quá hiểm trở rất khó di chuyển, gần 20 xe thiết giáp trước đây được kéo theo từ A Lưới đều bị bỏ lại để các chiến xa khiển dụng có thể di chuyển nhanh và chiến đấu hữu hiệu hơn. Sau đó, không thám cho biết một số chiến xa PT-76 và bộ binh địch tràn vào địa điểm phục kích. Cộng quân leo lên các chiến xa bị hư hại của QLVNCH dùng súng trên xe bắn lên máy bay. Cuối cùng, phi cơ được gọi đến để dội bom phá hủy hết các chiến xa bị hư hại này.
Tuy vượt qua được tuyến phục kích đầu tiên, nhưng toán Thiết Giáp vẫn còn gặp rất nhiều trở ngại, đặc biệt những “lủng củng nội bộ” giữa toán quân Dù tùng thiết và Thiết Giáp đã có trước đây nay càng thêm trầm trọng. Có dư luận cho biềt bên Thiết Giáp than phiền quân Dù không chịu đi sâu vào hai bên lộ trình để mở đường và phát hiện những ổ phục kích phía trước. Theo cuốn sách ‘Trận Hạ Lào” của tác giả Phạm Huấn Đại Tá Lê Quang Lưỡng, người chỉ huy LĐ 1/Dù sau này cho biết: “LĐ1/Dù được đặt dưới quyền chỉ huy của vị TL/CĐ1/ĐN. Tôi luôn luôn muốn được thi hành những nhiệm vụ được giao phó. Nhưng rất tiếc Đại Tá Luật đã không ra lệnh, không có những quyết định và xử dụng quyền hạn một vị Tư Lệnh khi chỉ huy một lực lượng quan trọng gồm những đơn vị Thiết Giáp và Nhảy Dù dưới quyền”. Thiết tưởng, nếu những nhận xét này là chính xác, đã ít nhiều nói lên được một số những khó khăn của Đại Tá Luật trong lúc chỉ huy.
Vì những khó khăn về địa thế, yểm trợ cũng như chỉ huy, phải mất tới 2 ngày những chiến xa và các TĐ/7 và 8 Dù tùng thiết mới từ A Lưới về được đến CCHL Alpha, một đoạn đường dài chừng 12 cây số vào ngày 20 tháng 3. Trong lúc đoàn thiết giáp lui về biên giới, các pháo đội đại bác cơ giới của Hoa Kỳ cũng triệt thoái khỏi Lao Bảo và Khe Sanh về Đông Hà nên phần lớn hỏa lực của không quân Hoa Kỳ được dùng để bảo vệ cho lực lượng riêng của họ, do đó LĐ1/TK lại gặp thêm trở ngại vì thiếu pháo và không yểm khi về gần tới biên giới.
Tuy nhiên, đoạn đường ngắn từ CCHL Alpha đến CCHL Bravo không xảy ra biến cố quan trọng nào. Nhưng khoảng 5 cây số còn lại là một quãng đường dài như vô tận đối với các chiến xa của LĐ 1/TK. Khi về gần đến biên giới, đoàn thiết giáp lại bị phục kích lần nữa. Đại Tá Luật lập tức yêu cầu không trợ.
Lúc đó, đại úy phi công Ferrell thuộc ĐĐ C/7/17 Không Kỵ Hoa Kỳ đang nghỉ mệt trong lều tạm trú tại phi trường Khe Sanh. Ông vội leo lên chiếc trực thăng võ trang Cobra cùng với một viên phi công khác. Chiếc Cobra thứ nhì do hai viên phi công Lancaster và Jim Manthel điều khiển. Hai chiếc trực thăng võ trang liền cất cánh lao vào vùng rừng núi Hạ Lào. Vừa qua khỏi biên giới không xa, họ đã nhìn thấy đoàn thiết giáp đang vị chận đứng tại một khúc đường cong về hướng Nam nhìn trên không giống hình móng ngựa. Bên trong khúc quanh là một khu rừng rậm rạp trông giống một chiếc túi. Đoạn đầu của đoàn thiết giáp đang bị chận đánh dữ dội ở khúc cong phía đông, phía sau gồm các chiến xa chỉ huy còn đang ở khúc cong phía tây bị rừng cây che khuất. Trong khi các chiến xa đi đầu còn đang lúng túng chưa khai hỏa được vì sợ bắn trúng chiến xa bạn ở khúc quanh bên kia, may mắn có một sĩ quan thiết giáp dùng Anh ngữ hướng dẫn các trực thăng võ trang vào trận.
Từ trên không, Đại Úy Ferrell nhìn thấy rõ một toán Cộng quân ẩn nấp tại sườn đồi phía bắc đang dùng súng B-40 và B-41 nã đạn xối xả vào đoàn xe. Những làn khói trắng từ đuôi đạn tuôn ra trúng vào một chiến xa và một thiết vận xa khác. Xăng và đạn trong hai chiếc thiết giáp này bốc cháy dữ dội, pháo tháp của chiến xa không còn kiểm soát được quay qua quay lại như đầu lân trong đám lửa. Đại Úy Farrell thầm nhủ: “Trời! Cảnh tượng hệt như trong phim chiến tranh!”.
Chiếc Cobra của phi công Lancaster nhào xuống trước. Đại Úy Farrell bay sát phía sau để yểm trợ theo đúng chiến thuật, bắn đại liên và hỏa tiễn vào khu đồi dọc theo theo hướng từ nam lên bắc. Đột nhiên, ba vị trí phòng không 12. ly 7 của Cộng quân đồng loạt khai hỏa từ khu rừng cây phía dưới. Những lằn đạn chỉ đường bay sát hai chiếc trực thăng, gần đến nỗi Đại Úy Farrell tưởng chừng chỉ với tay ra là có thể nắm được! Ông vội liên lạc vô tuyến báo cho phi công Lancaster về ba họng súng phòng phông nguy hiểm đang khạc lửa từ khu rừng cây phía dưới. Hai chiếc Cobra vội bay tạt ra xa rồi dùng tất cả hỏa lực bắn vào các ổ phòng không. Sau ba vòng oanh kích, chỉ còn một ổ phòng không hoạt động. Trực thăng của Đại Úy Farrell cũng đã bắn hết các hỏa tiễn mang theo nên thông báo cho chiếc Cobra dẫn đầu biết cần về Khe Sanh để tái tiếp tế. Phi công Lancaster cho biết mình cũng chỉ còn vài trái hỏa tiễn và sẽ nhào xuống lần nữa để tiêu diệt nốt ổ phòng không cuối cùng. Đại Úy Farrell cố thuyết phục Lancaster đừng làm như vậy vì oanh kích không có đồng đội bắn yểm trợ sẽ rất nguy hiểm, nhưng chiếc trực thăng kia vẫn lao xuống mục tiêu.
Gần như cùng một lúc với những trái hỏa tiễn nổ tung tại vị trí địch, một loạt đạn phòng không bắn trúng vào chiếc Cobra. Lancaster thông báo bị trúng đạn vào cánh quạt sau đuôi rồi yêu cầu ĐạI Úy Farrell yểm trợ cho anh đáp khẩn cấp. Farrell vội hướng dẫn chiếc trực thăng bạn bay xa hơn về hướng Nam, nơi có một bãi cỏ tranh khá rậm. Phi công Lancaster vừa ráng bay theo vừa cố giữ cho phi cơ thăng bằng. Nhưng chiếc trực thăng vì cánh quạt đuôi đã bị hư hại nên mât thăng bằng rung chuyển dữ dội, bắt đầu đảo lộn rồi rơi xuống đất. Khi phi cơ tản thương tới được nơi chiếc Cobra lâm nạn, họ tìm thấy xác hai viên phi công đã chết vì bị gẫy cổ khi trực thăng rơi xuống đất.
Trong khi đó, toan thiết giáp của LĐI/TK đã củng cố được đội hình và đang bắn trả dữ dội. Phi cơ phản lực được gọi tới để dội bom vào các vị trí phục kích của Cộng quân, nhưng không may một trái bom Napalm lại đánh lầm vào quân bạn khiến 12 người chết và gần 100 người khác bị thương! Cuối cùng, địch quân cũng bị đẩy lui, nhưng có thêm 6 xe thiết giáp bị cháy. Đại Tá Luật phải tập trung các xe còn lại để củng cố đội hình di chuyển. Cung từ của tù binh bị bắt trong trận phục kích cho biết còn có khoảng 2 Trung Đoàn địch đang phục kích sẵn ở phía trước chờ tiêu diệt đoàn xe. Đại Tá Luật vội thông báo tin này về BCH/SĐ Dù và yêu cầu cho quân mở đường. Tướng Đống lập tức đáp ứng bằng cách điều động một đơn vị quân Dù khai thông đoạn đường còn lại để giữ an ninh lộ trình cho đoàn thiết giáp. Nhưng theo tài liệu Hoa Kỳ, không rõ vì sơ sót hay vì lý do nào khác, SĐ/Dù không thông báo cho biết lộ trình đã được giữ an ninh. Vì vậy, Đại Tá Luật đã ra lệnh cho toán thiết giáp rời đường số 9, băng rừng về hướng Tây Nam để tránh các ổ phục kích. Thật sự, nếu Đại Tá Luật cứ xử dụng đường số 9 như dự trù, có lẽ các chiến xa còn lại sẽ về tới phần đất Việt Nam an toàn hơn.
Quyết định “băng rừng” quan trọng này của Đại Tá Luật không biết đúng hay sai, hoặc lỗi phải vế ai, nhưng đã gây nhiều khó khăn và tổn thất cho đoàn thiết giáp. Di chuyển trên đường số 9 đã khó, khi xử dụng đường rừng lại càng gian nan hơn. Cây cối rậm rạp, đất đai ẩm thấp lại nhiều khe suối nên dễ bị lún. Hơn nữa, vì phải tự mở đường đi trong rừng xe cộ chẳng còn giữ được đội hình nên di chuyển rất hỗn loạn, nhiếu khi bị địch quân bắn cũng không phản pháo tiếp cứu được nhau. Trong khi đó, các đơn vị Dù tùng thiết vẫn tiếp tục rút theo trục lộ đường số 9. Trước cảnh hỗn độn như vậy, việc phối hợp yểm trợ với không quân và pháo binh hầu như không thể nào thực hiện được.
Ngày 22 tháng 3, trực thăng đã phải chuyển nhiều phuy xăng qua biên giới để tiếp thế cho đoàn thiết giáp. Một chiếc xe ủi đất nhỏ cũng được trực thăng Chinook thả xuống để dọn đường tại khu bờ sông Sépone nơi đoàn chiến xa dự trù băng qua.
Ngày 23 tháng 3, chiếc chiến xa đầu tiên của LĐ1/TK vượt qua một khúc sông Sépone cạn gần biên giới, về tới phần đất Việt Nam. Nhiều quân Dù ngồi trên chiến xa vẫy tay chào các chiến binh Hoa Kỳ đang giữ an ninh trục lộ số 9 gần Lao Bảo. Vào khoảng nửa đêm, pháo binh và phi công Hoa Kỳ được gọi tới để bắn chận một đoàn thiết giáp địch đang đuổi theo phía sau.
Rạng sáng hôm sau, Đại Tá Luật và đoàn thiết giáp LĐ1/TK vượt qua sông về tới Việt Nam. Đại Tá Battreall lúc đó đang bay trực thăng chỉ huy theo dõi cuộc lui quân đã cảm thấy rất hãnh diện và khâm phục trước cảnh tượng đoàn xe và các chiến sĩ Mũ Đen dạn dày sương gió vừa trở về từ Hạ Lào. Ông nhận xét nếu các chiến binh VNCH hèn nhát hay hoảng sợ khi đối diện địch quân như báo chí Hoa Kỳ đăng tải, chắc chắn đoàn xe đã bị bỏ lại khi hết nhiên liệu giữa đường. Đằng này, các chiến xa đã trật tự xếp hàng chờ tới phiên được tiếp tế. Khi đoàn xe vượt sông, Đại Tá Battreall còn trông thấy rõ ràng chiếc xe ủi đất nhỏ đang kiên nhẫn san bằng bờ sông phía Đông trong khi những chiến xa và thiết vận xa cuối cùng bắt đầu sang sông từ bờ Tây. Xa xa, khoảng 8 cây số phía sau đoàn xe, hai chiếc phản lực cơ Phamtom đang gầm thét nhào xuống thả bom vào toán chiến xa của Cộng quân truy kích. Nhiều xác chiến xa T-54 bị phi cơ oanh kích cháy nám đen nằm rải rác trên đường số 9 gần biên giới trong phần đất Lào.
Sau cùng, Đại Tá Battreall và BCH/TG cũng hội ngộ được với các chiến sĩ Mũ Đen vừa về từ Hạ Lào ngay tại bãi đất trống gần nhà tù Lao Bảo cũ, nơi đặt pháo binh cơ giới Hoa Kỳ trước đây. Lúc đó các quân nhân Dù tùng thiết đang xuống xe, còn Đại Tá Luật đứng cạnh lùm cây ven đường điều động các chiến xa lên đường từ Lao Bảo về CCHK Kilo giữa Khe Sanh và Cam Lộ. Tuy chỉ cách biên giới Lào không đầy một tầm súng nhỏ, nhưng các chiến sĩ Mũ Đen dường như coi thường nguy hiểm. Những cố vấn thiết giáp Hoa Kỳ vội vã tìm gặp các đơn vị trưởng liên hệ. Đại Tá Battreall cũng tìm gặp Đại Tá Luật và sau này kể lại: “Mọi người tỏ ra vui vẻ và nhẹ nhõm thấy rõ khi đã trở vế “nhà”. Tôi nhìn thấy quân nhân Dù và Thiết Giáp siết tay, gọi tên, vỗ vai và ôm chầm lấy nhau. Tôi rất cảm động khi thấy họ vẫy tay từ giã. Tuyệt đối không hề có dấu hiệu thù oán nào. Dường như mọi người đều nghĩ tới việc sẽ được tiếp đón như những vị anh hùng khi về tới Khe Sanh”.
Riêng Đại Tá Luật, có lẽ cũng nghĩ như vậy. Bình thản và hân hoan trong bộ chiến phục đầy bụi đỏ, ông dường như rất hãnh diện về những thành quả, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong thời gian tại Hạ Lào. Tổng cộng, đoàn xe trở về gồm 22 chiến xa M-41, 54 thiết vận xa và 22 quân xa đủ loại khác. Số xe thiết giáp hư hại bị bỏ lại bên Lào gồm 21 chiến xa M-41, 26 thiết vận xa, 2 xe làm đường và 51 quân xa đủ loại. Như vậy, coi như LĐ 1/TK bị thiệt hại chừng phân nửa số xe tham chiến.
Trên đường di chuyển về Khe Sanh, toán thiết giáp gặp một trung đội chiến xa Hoa Kỳ thuộc LĐ1/77 Thiết Giáp. Một Đại Úy Hoa Kỳ còn rất trẻ đứng trên chiến xa dẫn đầu chỉ trỏ vào toán thiết giáp Việt Nam, miệng la lối: ‘Ê, bọn cà chớn, tránh đường cho tụi này đi”. Đại Tá Battreall lúc đó đang di chuyển cùng với các chiến xa Việt Nam, liền nhảy xuống xe rồi leo lên chiếc chiến xa Hoa Kỳ dẫn đầu. Ông nhìn thẳng vào mặt viên Đại Úy, gằn giọng: “Này Đại Úy, anh đang la lối trước mặt vị CHT/LĐ1/TK. Ông ta đã ở Hạ Lào trong 6 tuần lễ, còn anh chưa từng ở đó lấy một ngày. Anh hãy im miệng lại”! Viên Đại Úy Hoa Kỳ ngẩn ngơ trong giây lát. Chỉ trong vòng vài phút, đoàn chiến xa Việt Nam lại lên đường, trong khi các chiến xa Hoa Kỳ dạt qua hai bên tránh đường.
Nhưng chỉ di chuyển được một đoạn ngắn, đoàn thiết giáp lại bị đạn bắn ra từ hai bên đường. Những chiến xa Việt Nam bình tĩnh khai triển đội hình và chiến thuật chống phục kích bằng cách tăng tốc độ, đồng thời dùng đại liên và đại bác 76 ly bắn trả lại. Khi đoàn xe vượt qua đoạn đường bị bắn an toàn, Đại Tá Luật ra lệnh ngưng bắn rồi ngừng chiếc xe chỉ huy lại bên đường để có thể nhìn rõ đoàn xe đang di chuyển. Ông vừa vẫy tay chào những chiến xa đi qua, miệng vừa la lớn: ‘Tốt lắm, các anh khiến tôi rất hãnh diện”! Còn chiếc xe ủi đất nhỏ đã xẻ đường cho các chiến xa sang sông hôm trước vẫn lẽo đẽo đi theo; viên Trung Sĩ tài xế vẫy tay lại. Đại Tá Battreall chứng kiến cảnh tượng này lấy làm ngạc nhiên: ông tưởng sau khi hoàn tất công tác nguy hiểm giúp đoàn xe sang sông, người tài xế đã bỏ chiếc xe ủi đất để leo lên một chiến xa cho an toàn hơn. Đại Tá Luật cũng rất khâm phục, ông ra lệnh cho một sĩ quan trong bộ tham mưu lấy họ tên, quân số của tài xế xe ủi đất để đề nghị ân thưởng huy chương.
Đoàn xe về tới CCHL Kilo an toàn. Sau này, Đại Tá Battreall tìm ra cuộc chạm súng ngắn ngủi trong cuộc di chuyển vừa qua là “bắn lầm” với một đơn vị thiết giáp Hoa Kỳ. Trong một cuộc hành quân qui mô với nhiều đơn vị tham chiến, ngôn ngữ lại bất đồng, việc phối hợp chắc chắn không được chu đáo và có nhiều ngộ nhận.
Sau khi LĐ1/TK vế tới phần đất Việt Nam, Đại Tá Luật tham dự một buổi thuyết trình hành quân tại bản doanh của Tướng Lãm. Nghe nói trong buổi thuyết trình này, các sĩ quan tham mưu QĐ I và Quân Đoàn XXIV Hoa Kỳ có ý chỉ trích Đại Tá Luật, cho rằng ông là nguyên nhân chính đã khiến lực lượng thiết giáp không đạt được thành quả mong muốn tức là đánh vào Tchépone tại Hạ Lào. Có người còn đi xa hơn, kết tội Đại Tá Luật thiếu khả năng chỉ huy và thiếu tích cực. Những lời chỉ trích này đã khiến Đại Tá Battreall rất bất bình. Theo ý kiến của ông, Đại Tá Luật đã bị trở thành một con dê tế thần, những sai lầm nếu có là những sơ sót của SĐ/Dù là đại đơn vị toàn quyền điều động thiết giáp, còn Đại Tá Luật là một cấp chỉ huy quả cảm và trầm tĩnh. Có lẽ chính SĐ/Dù đã không tạo được sự phối hợp nhịp nhàng giữa thiếp giáp và quân Dù khiến LĐ/1/TK bị thiệt hại đáng kể vì không được yểm trợ và điều động đúng lúc và đúng mức. Trong trường hợp CCHL 31 bị thất thủ, Đại Tá Battreall cũng cho rằng không phải lỗi của Thiết Giáp đã không tăng viện kịp thời, nhưng vì Đại Tá Luật nhận được những mệnh lệnh trái ngược từ Tướng Đống và Tướng Lãm.


Tổng Kết
Nhìn chung, dù gặp nhiều khó khăn trong một cuộc hành quân qui mô, LĐ1/TK đã chiến đấu khá hữu hiệu trong hơn 40 ngày tại Hạ Lào. Sở dĩ Đại Tá Luật bị mất nhiều chiến xa vì trong giai đoạn rút quân từ A Lưới, đường xá không được sửa chữa, tu bổ, lộ trình lại không được giữ an ninh, và không có phi cơ bao vùng để tiền sát và thông báo kịp thời những đột biến của chiến trường. Có lẽ vì được Đại Tá Battreall nhiệt liệt bênh vực, nên dù bị nhiều chỉ trích, Đại Tá Luật đã không bị mất quyền chỉ huy, nhưng cũng không được đeo sao như một số các sĩ quan cao cấp khác sau chiến dịch Hạ lào. Có tin đồn cho rằng Ðại Tá Luật không được lên tướng vì sau trận Hạ Lào, báo chí thường mệnh danh Đại Tá Luật như một “Patton Việt Nam”, điều này khiến các “xếp” không hài lòng nên Đại Tá Luật bị trù ém.
Tưởng cũng cần nói thêm, ngoài việc gây thiệt hại khá nặng nề cho lực lượng Thiết Giáp và bộ binh địch, căn cứ A Lưới do LĐ1/TK và LĐ1/Dù trấn giữ là một trong số vài vị trí của QLVNCH tại Hạ Lào bị Việt Cộng bao vây và tấn công dữ dội nhưng không bị thất thủ. Điều này cho thấy dù trong hoàn cảnh bất lợi, các chiến sĩ Mũ Đen đã chiến đấu anh dũng dưới quyền chỉ huy của “Patton Việt Nam” Nguyễn Trọng Luật.
Điều trùng hợp ngẫu nhiên là sau này khi làm Tỉnh Trưởng Ban Mê Thuột vào năm 75, Ðại Tá Luật lại một lần nữa bị chiến xa địch làm khó dễ vì chiếc thiết vận xa của ông trên đó có khẩu 106 ly không giật bị trở ngại tác xạ vào phút chót. Ông kể lại như sau biến cố này như sau:
“Tôi lại nhảy lên pháo tháp quan sát và thấy những chiếc xe đang chuyển bánh. Tôi nhảy vội xuống và la lớn:”Sẵn sàng ứng chiến!”. Tôi đứng cạnh trưởng xa và căn dặn chỉ được bắn khi chúng tới gần 100 m nhé. Các anh em đều răm rắp tuân lệnh theo và chờ đợi khúc phim nghẹt thở bắt đầu.
Chiến xa địch đầu chầm chậm tiến thẳng vào chiết vận xa M113. May mà ngụy trang khéo léo nên chúng không thấy. Tôi mừng quá và nói thầm trong bụng:”Mày sẽ chết con ạ”… Khói đen từ ống thoát phun ra mù mịt, chiến xa T54 địch, chiếc đầu chầm chậm tiến vào. Chúng vẫn chưa biết có chiếc M113 đang chờ đón nó vào cửa tử, vì được ngụy trang kỹ càng như đã nói trên. Tiếng máy kêu ầm và các chiến xa đâm thẳng vào cổng Bộ Tư lệnh. Những con cua sắt ì ạch tiến gần cổng 250m, rồi 200m, rồi 100m. Thần kinh tôi như giãn ra. Tất cả anh em chúng tôi hồi hộp, giờ sinh tử bắt đầu. Tôi hét lớn “Bắn!”. Thay vì chúng tôi phải nghe tiếng nổ thật lớn của viên đạn vút ra khỏi nòng súng, thì trái lại cây súng chỉ cho chúng tôi một tiếng khô khan, lãng xẹc:”Cóc!”. Trong khi mắt mọi người và tôi dán chặt vào những con cua sắt. Tôi gào lên:
– Gì thế! Gì thế!
Xạ thủ trả lời:
– Trở ngại tác xạ, Đại tá!
– Mở “culasse” ra xem?
– Trình Đại tá, “Perculateur” bị gẫy!
– Có “Perculateur” thay thế không?
– Thưa… không!
Tiếng “thưa không” làm tôi toát mồ hôi, vì đây là hy vọng cuối cùng cho sự cầm cự với Cộng quân để chờ viện binh tới. Cây súng đại bác 106 ly không giựt này là phương tiện duy nhất chống trả với T54 của địch mà thôi. Các loại súng khác chỉ là trò đùa với những con cua sắt này.”
________________________________________
Trần Đỗ Cẩm
Austin Texas 4/2004

No comments:

Post a Comment