Thursday, May 12, 2016

Thương Tiếc

Gác lại cuộc đời? Suy nghĩ về quá khứ
Của 1 thời chinh chiến đã đi qua
Ngày hôm ấy anh bay qua đồi 31
Rồi ra đi mãi mãi không về
Anh để lại Bạn Bè gia đình Thương Tiếc
Đã nằm yên nơi cõi Vĩnh Hằng
Nha kỹ Thuật vẫn còn lưu danh mãi
Người anh hùng 219 NGUYỄN THANH GIANG

Đức T715 Đ71 SCT NkT

Thursday, May 5, 2016

Cánh Hoa Dù / 30.4.2016 Lê Thân


Lê Thân (Le VL và Thao PT)
(Nhân mùa tưởng niệm 30 Tháng Tư)
“Anh Không Chết Ðâu Anh.”
Kính tưởng niệm những anh linh chiến sĩ quân lực VNCH.
Kính tưởng nhớ anh linh anh hùng mũ đỏ,
Nguyễn Văn Ðương.

Kính tưởng anh linh,
“Ai đã từng nghe bản nhạc hùng.
Anh hùng mũ đỏ Nguyễn Văn Ðương.
Một thời chinh chiến ghi quân sử.
Huyền thoại anh Ðương áo hoa rừng.

“Nếu có chết cũng chỉ dành cho tổ quốc.
Khí sinh tồn luôn quyết giữ cho quê hương.”
Chiến sĩ Cộng Hòa hiên ngang sống.
Trên khắp chiến trường “Anh Không Chết Ðâu Anh.”

Kính tưởng anh linh,
Anh đã hy sinh cho người còn sống.
Cảm ơn anh nghĩa cả ân tình.
Xin dành riêng một nén tâm hương
Tưởng nhớ anh những người hùng chiến sĩ.

Kính tưởng anh linh,
Gởi nén tâm hương nghĩa ân tình.
Hoa dù mũ đỏ giữ non sông.
Tang bồng hồ thỉ vay xong trả.
Tổ quốc - an dân - áo hoa rừng.

Này anh hỡi đồng đội anh ngã xuống.
Anh tiến lên ngăn bước giặc thù.
Và người hỡi lính hoa dù đang nở.
Trên chiến trường khắp bốn quân khu.

Thương kính chị Mai,
Năm tháng trôi qua chẳng phai mờ.
Cuộc đời quả phụ sống trong mơ.
Thương chồng chinh chiến không trở lại.
Một dạ nuôi con vẫn thờ chồng.

An nghỉ đi anh giữa chiến trường.
Một thời oanh liệt giữ quê hương.
“Ngàn năm khí tiết lưu danh mãi
Khép kín hoa dù Nguyễn Văn Ðương.”

Núi lở đồi nghiêng đứng lặng nhìn.
Hồn thiêng sông núi cây ngả nghiêng.
Thời gian khép kín xin dừng lại.
Những cánh hoa dù nở sương đêm.

Cây rừng tĩnh lặng “cơn mưa pháo.”
Trời gầm đất lở “mưa bom rơi.”
Chiến sĩ Cộng Hòa hiên ngang đánh.
Quyết chiến xông pha diệt Cộng thù.

Ngọn đồi 31 mãi tên anh.
Trời đất thương yêu giữ bóng hình.
Cho người thiếu phụ công, dung, hạnh.”
“Trọn nghĩa phu thê” mãi thờ chồng.


Kính tưởng nhớ anh, và kính thương tặng chị.
“Bà quả phụ Nguyễn Văn Ðương.”


Monday, May 2, 2016

Nguyễn Bảo Tuấn - Tại sao không giữ lời hứa với mẹ tôi

Thứ Năm, ngày 28 tháng 4 năm 2016

Trung Tá Nguyễn Ðình Bảo (phải) và Ðại Tá Trương Vĩnh Phước (trái)
trong chiến dịch Damber, Cambodia, Tháng Tám, 1971.
LTS - Sau loạt bài về gia cảnh bà quả phụ “Người Anh Hùng Mũ Ðỏ Tên Ðương,” đăng trên Người Việt, rất đông độc giả liên lạc tòa soạn, hỏi về gia cảnh cố Ðại Tá Nguyễn Ðình Bảo, người mà chúng ta đã quá quen thuộc qua nhạc phẩm “Người Ở Lại Charlie,” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết gia đình bà quả phụ Nguyễn Ðình Bảo hiện sinh sống tại Sài Gòn. Bà Nguyễn Ðình Bảo nay 76 tuổi, vẫn minh mẫn và khỏe mạnh. Hai ông bà có ba người con. Trưởng nam, Nguyễn Bảo Tường, là một bác sĩ Nhi Khoa. Thứ nữ, Nguyễn Bảo Tú, làm việc tại Tòa Lãnh Sự Anh Quốc tại Sài Gòn. Con trai út, Nguyễn Bảo Tuấn, kiến trúc sư và đang giảng dạy tại một đại học ở Sài Gòn. Dưới đây là bài viết hồi năm 2012 của anh Nguyễn Bảo Tuấn, về thân phụ mình. Tòa soạn tìm thấy bài viết này trên trang Facebook riêng của Nguyễn Bảo Tuấn, xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Trên FB tôi thấy đại đa số thường chọn hình mình hoặc hình con mình để làm avatar, ít hơn một chút thì lấy hình của người yêu, vợ hoặc chồng, hoặc một hình gì đó mà mình yêu thích. Riêng tôi thì tôi lại chọn một đối tượng khác mà hình như tôi thấy chưa một ai chọn giống như tôi: Một người mà đã không giữ lời hứa với mẹ tôi.
Tôi sinh ra và lớn lên trong một hoàn cảnh đầy phong ba bão táp. Cả nhà 6 người mà chỉ có một chiếc xe đạp thay phiên nhau đi, gạo thì chạy ăn từng bữa, anh trai tôi ngày ngày cứ 5 giờ sáng phải chạy lên Gò Vấp để lấy bánh đậu xanh về đi bỏ cho các tiệm bánh rồi mới về đi học trong suốt 7 năm trời, từ năm học lớp 11 đến hết năm thứ 6 Y Khoa. Khó khăn là vậy nhưng tôi vẫn trưởng thành một cách đầy kiêu hãnh. Ðôi khi nhìn lại tôi tự hỏi là điều gì đã giúp tôi mạnh mẽ mỗi khi đương đầu với những khó khăn? Và câu trả lời là do trong huyết quản tôi vẫn đang mang một dòng máu nóng trong mình và tôi đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ người đã cho tôi dòng máu ấy: Một người mà đã không giữ lời hứa với mẹ tôi.

Tôi cũng không biết tại sao tôi và người đó chỉ gặp gỡ và tiếp xúc trong có vài chục ngày, chính xác là từ ngày 6 tháng 1, 1972 đến ngày 25 tháng 3, 1972, mà tôi lại luôn luôn thương mến, cảm phục, tự hào và luôn lấy người làm tấm gương soi để tôi có đủ nghị lực vượt qua mọi khó khăn. Có lẽ là do cuộc sống của người quá vĩ đại và tôi đã được thừa hưởng một phần của nó. Mặc dù khi ra đi người đã không thực hiện được một lời hứa với mẹ tôi mà cho tới bây giờ tôi vẫn hỏi: “Tại sao?”

Charlie, tên nghe quá lạ!
“Toàn thể những địa danh nơi hốc núi, đầu rừng, cuối khe suối, tận con đường, tất cả đều bốc cháy, cháy hừng hực, cháy cực độ... Mùa Hè 1972, trên thôn xóm và thị trấn của ba miền đồng bốc cháy một thứ lửa nhân tạo, nóng hơn, mạnh hơn, tàn khốc gấp ngàn lần, vạn lần khối lửa mặt trời sát mặt...

Kinh khiếp hơn Ất Dậu, tàn khốc hơn Mậu Thân, cao hơn bão tố, phá nát hơn hồng thủy.

Mùa Hè năm 1972 - Mùa Hè máu. Mùa Hè của sự chết và tan vỡ toàn diện.

Nếu không có trận chiến mùa Hè năm 1972 thì cũng chẳng ai biết đến Charlie, vì đây chỉ là tên quân sự dùng để gọi một cao độ nằm trong chuỗi cao độ chập chùng vùng Tân Cảnh, Kontum.

Charlie, “Cải Cách,” hay “C,” đỉnh núi cao không quá 900 thước trông xuống thung lũng sông Pô-Kơ và Ðường 14, đông-bắc là Tân Cảnh với mười hai cây số đường chim bay, đông-nam là Kontum, thị trấn cực bắc vùng Tây Nguyên.”

(Trích trong “Mùa Hè Ðỏ Lửa” của Phan Nhật Nam)
"Charlie bỗng trở thành một địa danh được nhắc nhớ từ sau 4,000 quả đạn pháo tới trong một ngày, từ sau người mũ đỏ Nguyễn Ðình Bảo nằm lại với Charlie." 

(Trích lời giới thiệu trong CD Chiến Tranh và Hòa Bình của Nhật Trường Trần Thiện Thanh)
Cho đến bây giờ cũng ít người biết rằng tôi chính là “đứa bé thơ” với “tấm khăn sô bơ vơ “ trong bài hát “Người Ở Lại Charlie” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Và tôi lớn lên cùng với ký ức về một người Cha hào hùng như vậy.

Tôi không thần tượng Cha tôi từ một bài hát viết về người, cũng không thần tượng từ một hai trận đánh trong cuộc đời binh nghiệp của người, mà tôi thần tượng Cha mình từ chính cuộc đời của Người. Trải qua biết bao thăng trầm đời binh nghiệp và cuối cùng người đã được giao làm tiểu đoàn trưởng của tiểu đoàn “Song Kiếm Trấn Ải” (biệt danh của Tiểu Ðoàn 11 Nhảy Dù), một trong những tiểu đoàn được xem là thiện chiến nhất của quân lực Việt Nam Cộng Hòa thời bấy giờ. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc Cha tôi là một người khát máu hung tàn, mà ngược lại hoàn toàn, mọi người đều nhớ về hình ảnh Cha tôi như là một võ sĩ đạo đúng nghĩa: Giỏi võ, dũng cảm và cao thượng. Thời bấy giờ có mấy ai dám đánh một sĩ quan của Mỹ, vậy mà Cha tôi đã làm điều đó khi người sĩ quan đó dám làm nhục một người lính Việt Nam (chuyện này tôi được nghe bác ruột tôi kể lại). Có tiểu đoàn nào trong quân đội mà luôn gọi Tiểu Ðoàn Trưởng bằng tên thân mật “Anh Năm”?, nhất là trong binh chủng Nhảy Dù, việc phân chia cấp bậc luôn được tôn trọng và đặt lên hàng đầu. Vậy mà trong Tiểu Ðoàn 11 Nhảy Dù, tất cả mọi người, từ lính đến sĩ quan, chẳng ai gọi Cha tôi là Trung Tá cả, mà luôn gọi là Anh Năm, và “Anh Năm” thường hay nói với mọi người trong tiểu đoàn rằng: “Tụi mày thì chẳng biết mẹ gì, nhưng tất cả tụi mày tao đều coi là em tao hết.”
“Anh Năm,

“Ngoài đời anh sống hào sảng, phóng khoáng và thật ‘giang hồ’ với bằng hữu anh em, còn trong quân ngũ, anh như một cây tùng ngạo nghễ giữa bão táp phong ba, Anh không nịnh cấp trên đè cấp dưới, anh chia sẻ vinh quang buồn thảm với sĩ quan và binh sĩ thuộc cấp.

“Anh sống hùng và đẹp như thế mà sao lúc ra đi lại quá phũ phàng!?

“Tôi về lại vườn Tao Ðàn, vẫn những hoa nắng tròn tròn xuyên qua khe lá, lấp loáng trên bộ đồ hoa ngụy trang theo mỗi bước chân. Cây vẫn xanh, chim vẫn hót, ông lão làm vườn vẫn lom khom cầm kéo tỉa những chùm hoa loa kèn, những cụm hoa móng rồng và những bụi hồng đầy màu sắc. Bên gốc cây cạnh căn lều chỉ huy của anh hồi tháng trước khi còn đóng quân ở đây, tôi thấy có bó hồng nhung đỏ điểm vài cánh hoa loa kèn trắng. Chống đôi nạng gỗ xuống xe, tiếng gõ khô cứng của đôi nạng trên mặt đường khiến ông lão ngẩng đầu và nhận ra tôi. Siết chặt tay ông cụ, trong ánh mắt già nua chùng xuống nỗi tiếc thương, chòm râu bạc lưa thưa phất phơ trước gió. Ông cụ đọc báo, nghe đài phát thanh nên biết anh đã ra đi, nên sáng nào cũng để một bó hoa tưởng nhớ và tiễn đưa anh. Cụ mời tôi điếu thuốc Quân Tiếp Vụ, rồi ngồi xuống cạnh gốc cây, tay vuốt nhẹ trên những cánh hồng, sợi khói mỏng manh của điếu thuốc nhà binh quện trong tiếng nói:

“- Thuốc lá ông Quan Năm cho, tôi vẫn còn đủ dùng cho đến cuối năm. Mấy chục năm nay tôi mới gặp một ông quan nói chuyện thân mật và tốt bụng với những người dân như tôi. Người tốt mà sao ông Trời bắt đi sớm như vậy!?”

(Trích trong “Máu Lửa Charlie” của Ðoàn Phương Hải)
Cha tôi đã sống như thế nào mà những người ít ỏi còn sống sót trở về sau trận chiến tại đồi Charlie đều nói là họ thật hối tiếc khi không được nằm xuống cùng Cha tôi ở đó.
“Tô Phạm Liệu cảm thấy lẻ loi ở cái đại hội y sĩ có nhiều những người ‘mặc quần mới áo đẹp’ và ‘ăn to nói lớn,’ thích ‘nhảy đầm’ và ‘xếp hàng để lên hát’... Trong cơn say, anh nói là phải chi trước kia, mười mấy năm trước kia, anh được ‘ở lại Charlie’ với Trung Tá Nguyễn Ðình Bảo, với các bạn nhảy dù thì ‘sướng hơn nhiều.’”

(Trích trong “Tô Phạm Liệu: Người trở lại Charlie” của Phạm Anh Dũng)
Viên sĩ quan cố vấn Mỹ Duffy cho tới tận bây giờ vẫn còn luôn mang trong người những hoài niệm về Cha tôi và trận chiến tại Charlie. Mỗi lần tham gia các cuộc gặp gỡ của Hội Cựu Chiến Binh Việt Nam (trong đó có một số hiện đang là tướng lãnh cao cấp trong quân đội Mỹ) ông ta đều hỏi mọi người, “Tụi mày có từng tham gia trận Charlie không, tụi mày có ai từng chiến đấu cạnh Colonel Bao (Trung Tá Bảo) chưa? Thế thì tụi mày còn xoàng lắm. Và hàng năm cứ mỗi lần sinh nhật của mình, ông ta đều đặt một ổ bánh kem làm hình một ngọn đồi và ghi chữ Charlie lên đó. (Chuyện này do chú Ðoàn Phương Hải khi về Việt Nam năm 2011 thuật lại cho tôi nghe).
Cha tôi đã sống như thế nào để một người Mỹ phải luôn khắc trong tâm khảm những hoài niệm như vậy?

Tôi chỉ có thể kết luận một câu: “Cuộc đời của Cha thật vĩ đại.”

Ngày hôm nay khi viết về Cha, tôi không biết viết gì hơn, chỉ xin dâng về hương hồn Cha một vài câu thơ nói về khí phách của Người và nơi mà Cha đã gửi lại thân xác vĩnh viễn cho núi rừng Charlie. Ở đây tôi xin dùng từ “Cởi áo trần gian” vì tôi tin rằng Cha vẫn đang khoác một chiếc áo khác và vẫn đang nhìn tôi từ một nơi rất xa...
Lặng lẽ ngàn năm chẳng danh xưng
Bỗng chốc một hôm hóa lẫy lừng
Charlie gầm thét trong lửa đạn
Gọi mãi tên người nước mắt rưng
Trai thời nỗi chết tựa trên lưng
Khí phách hiên ngang bước chẳng dừng
Charlie vẫy gọi người ở lại
Cởi áo trần gian tặng núi rừng
(Kính dâng tặng hương hồn Cha)
Sinh nhật mẹ tôi ngày 11 tháng 4. Trước khi hành quân vào Charlie ngày 25 tháng 3, Cha tôi đã đặt một chiếc bánh sinh nhật cho mẹ với lời hứa là sẽ về dự sinh nhật mẹ. Ðến ngày sinh nhật, mẹ đã không tổ chức mà vẫn chờ Cha về, và cho đến tận bây giờ mẹ vẫn chờ...

Tuy nhiên Cha đã thất hứa với mẹ vì ngày 12 tháng 4 Cha đã cởi áo trần gian và nằm lại vĩnh viễn với Charlie. Còn tôi, tôi chỉ biết hỏi là tại sao Cha lại không giữ lời hứa với mẹ tôi? Tại sao và tại sao...?

(28 tháng 5 năm 2012)

Sunday, May 1, 2016

‘Lá Thư Báo Tử Muộn Màng’

 Sĩ quan Dù Ðặng Ðình Tựu và người yêu Nguyễn Thị Hồng. (Hình: Gia đình cung cấp)

SÀI GÒN (NV) - Sài Gòn, những ngày cuối Tháng Tư, thời tiết khô nóng, nhiệt độ và nhịp sống đầy các vấn nạn có lúc vượt quá sự chịu đựng của con người. Cũng chính trong những ngày trung tuần Tháng Tư này, bà quả phụ cố thiếu tá binh chủng Nhảy Dù quân lực VNCH, bà Nguyễn Thị Hồng, lại rơi vào cơm trầm cảm nặng nề.  
 
Người con gái út của cố Thiếu Tá Ðặng Ðình Tựu, cô Ðặng Nguyễn Uyên Quỳnh, sinh năm 1973, kể: “Khi biết tin ba mất, mẹ phát bệnh trầm cảm và mất ngủ suốt từ đó đến bây giờ. Còn khi chưa biết tin, mẹ vẫn đinh đinh ba còn sống, rằng ông chỉ mất tích hay đi tù cải tạo thôi và có ngày ông sẽ về với gia đình.”
Trớ trêu thay, tin tức về người sĩ quan binh chủng Nhảy Dù VNCH làm tròn phận sự với tổ quốc chỉ được đến từ một bài báo, được viết bởi một đồng đội đang định cư ở Hoa Kỳ. Bài báo viết vào năm 1995, tựa đề “Lá Thư Báo Tử Muộn Màng,” như một cách báo tin cho bà Nguyễn Thị Hồng.
Từ khi tiếng súng của trận đánh cuối cùng ở phi trường Thành Sơn, Phan Rang, nơi Thiếu Tá Ðặng Ðình Tựu và đồng đội nằm lại với những ngọn đồi khô cằn sỏi đá, phải 20 năm sau biến cố 1975, người vợ và hai đứa con gái bé nhỏ của ông mới chính thức được biết chồng và cha mình đã hy sinh.


Bà quả phụ Nguyễn Thị Hồng trong những ngày Tháng Tư, 2016. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Người quả phụ và giấc mơ

Trong căn nhà chung cư của cô con gái út nhìn ra hướng cầu Chữ Y, bà quả phụ Nguyễn Thị Hồng tiếp chúng tôi với nụ cười nhân hậu của một người chị lớn. Cảm xúc đầm ấm từ nụ cười của bà dường như có năng lực khiến chúng tôi, hai cô con gái và anh con rể út của bà, như được trở ngược lại quá khứ.
Bà Hồng, nói bằng giọng Bắc: “Năm 1965, tôi quen anh Tựu lúc còn là học sinh ở Quảng Ngãi. Anh ấy cũng là người Bắc di cư, sau đó chúng tôi lại có duyên gặp nhau ở Sài Gòn. Năm 1969 thì cưới. Là vợ quân nhân, anh ấy đi trận suốt, mỗi khi về phép thì về ở nhà bố mẹ tôi, chúng tôi nào đã có nhà riêng gì đâu.”
Những ngày đầu Tháng Tư 1975, bà không còn nhận được tin về chồng. Ôm con nhỏ trên tay bà lên xuống Bộ Tư Lệnh sư đoàn hỏi tin chồng nhưng không ai biết, nhưng chưa bao giờ bà tin chồng mình đã tử trận.
Niềm tin đó mãnh liệt tới mức vào những năm đầu khi Sài Gòn sống dưới chế độ chuyên chế và bao cấp kinh tế, ngày thường bà làm công nhân một hãng dược, ngày nghỉ bà cặm cụi đạp xe đạp xuống tận Long An để mua bán trong cảnh giấu giếm từng ký gạo để có thêm ít tiền nuôi con. Có khi bị xét bắt hết sạch vốn, bà ngồi khóc một mình, rồi bà lại chắt chiu từng đồng lương công nhân để có vốn mà tiếp tục đạp xe mua “gạo lậu” nuôi con. Những năm tháng khắc nghiệt ấy, dù bà con họ hàng có gợi ý nhưng chưa bao giờ bà nghĩ mình sẽ bước thêm bước nữa để có người đỡ đần.


Bà Nguyễn Thị Hồng và cô con gái út, Ðặng Nguyễn Uyên Quỳnh. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Ðột nhiên bà hướng về chúng tôi, nói như người mộng du: “Tôi còn giữ tờ báo ấy đấy, bao năm thì tôi không nhớ, nhưng tôi còn giữ bài báo ấy đấy.”

Theo lời cô con gái út, từ ngày nhận được bài báo với sự xác nhận của đồng đội về cái chết của Thiếu Tá Ðặng Ðình Tựu, đêm nào bà Hồng cũng khóc. Sự rõ ràng về cái chết của chồng, có lẽ không phải để cuộc đời bà lật sang trang khác mà khiến bà sống lại những tháng ngày hạnh phúc cũ.
Bà Hồng kể bằng giọng nghẹn ngào: “Trước đấy tôi không nằm mơ thấy anh, nhưng từ ngày đọc bài báo, đêm nào tôi cũng mơ thấy anh về. Anh vẫn mặc đồ lính, anh nói với tôi, anh còn bận hành quân chưa về được, hôn con giúp anh. Rồi anh đi. Ðêm nào tôi cũng thấy cùng giấc mơ ấy.”
Lúc bà Hồng kể, chúng tôi nhìn thấy hai bàn tay gầy guộc của bà run rẩy. Cô Quỳnh, cô con gái út của bà Hồng, không giấu được xúc động, nói với mẹ. “Mẹ ơi! Con chưa bao giờ biết mặt bố, con thèm được gọi một tiếng bố biết bao nhiêu!”


Bản sao tờ báo in ở Hoa Kỳ năm 1995, do đồng đội của Thiếu Tá Ðặng Ðình Tựu viết như một cách báo tin cho bà Hồng biết rằng chồng đã hy sinh. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Nhờ một chân công nhân mà gia đình neo đơn của bà Hồng có được căn nhà 20 mét vuông để đùm bọc nhau tồn tại.

Cô Quỳnh kể, lúc đi học, trong lý lịch học sinh cô khai là bố mất tích và luôn được sự đồng cảm của thầy cô. Lớn lên nghe mẹ và họ hàng kể về bố và tìm hiểu thêm về binh nghiệp của bố, cô rất tự hào về bố mình.
Những thế hệ thanh niên miền Nam sau chiến tranh có thể do sợ hãi và bị tuyên truyền nên những thập niên đầu sau biến cố 1975 họ có phần nào đó mặc cảm, nhưng cái thời ấy đã qua rồi, lý tưởng Tự Do và chính nghĩa Quốc Gia mà những người thân yêu họ phụng sự lại trao cho họ điểm tựa và đức tin.
Khi chúng tôi tạm biệt bà quả phụ của cố Thiếu Tá Ðặng Ðình Tựu thì được biết hàng năm gia đình lấy ngày 16 Tháng Tư làm ngày giỗ ông.
Hơn 40 năm sau chiến tranh, luôn có những ngày giỗ các tử sĩ VNCH trong các gia đình để kính tưởng các anh linh. Không ai lại đi so sánh hơn kém nỗi buồn đau ngay trong thời chiến tranh hay nỗi buồn đau kéo dài suốt thời hậu chiến. Nhưng người ta có thể biết chắc một điều là tình yêu và nghị lực từ nỗi đau mất người thân của các gia đình VNCH đang sống trong nước cứ lớn dần mỗi lần làm giỗ và đó là cách giữ cho người sống hôm nay ký ức về người thân và lý tưởng họ phụng sự, và cây cầu ký ức đó sẽ không bao giờ gãy trong ánh sáng của sự thật lịch sử.

Liên lạc tòa soạn: Editors@nguoi-viet.com



Cái Am Ở Thôn Núi Ngỗng
Nhóm thiện nguyện Nhảy Dù VNCH (thực hiện)
Sau nhiều năm tìm kiếm và dò hỏi, kể cả nhờ nhiều anh em ở địa phương tỉnh Ninh Thuận, kẻ bỏ công, người bỏ của, giúp đỡ tìm kiếm hộ, hôm nay, ngày 17 Tháng Ba, 2013, chúng tôi gồm:

Chị Xa (Vợ anh Tr/Tá Trần Văn Sơn - Lữ Ðoàn Phó LÐ2ND)
Anh Nhân TÐ3PB/ND (em vợ anh Th/Tá Ðặng Ðình Tựu - Sĩ quan Ban 3 TÐ1PB/ND)
Anh Cho, đại diện gia đình anh Ð/Úy Ngô Văn Khiêm, Pháo Ðội Trưởng PÐ A1- TÐ1PB/ND
và Nhóm Thiện Nguyện Mũ Ðỏ.

Chúng tôi đã đến thôn Núi Ngỗng, xã Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận trong ngày trên. Nơi đây ngày xưa là sân tập bắn của Ðịa Phương Quân/Nghĩa Quân thuộc Tiểu Khu Ninh Thuận.
Lần mò theo hướng dẫn của một em người Thượng, ngày đấy em 14 tuổi (năm nay đã 52 tuổi), em kể lại: Chính em chứng kiến 2 xe tải nhà binh của phi trường chở những hòm gỗ trong đó đựng xương cốt của những người đã chết ở phi trường Thành Sơn vào ngày 16 tháng 4, 1975. Những anh em này đã được chôn tại chỗ nhưng không biết vì lý do nào đó họ lại đào lên, dùng những thùng gỗ đạn pháo binh và những thùng sắt đựng tất cả những xương cốt nhặt được của những anh em đã hy sinh và họ dùng 2 xe nhà binh chở ra chôn trở lại tại chân Núi Ngỗng (theo lời em Thượng thuật lại) hiện là nơi chúng tôi đang đứng.
Trước mặt chúng tôi là một bãi đất trống dưới chân Núi Ngỗng, khoảng 80 mét vuông. Theo em người Thượng chỉ: Ðây là nơi chôn những hòm gỗ và thùng đạn đó! Em quả quyết rằng: Hàng ngày em thả dê trừu vào chân núi này nên em rất rõ địa điểm nơi đây, không sao lầm lẫn được.
Ðúng vào lúc 9 giờ sáng ngày 17 Tháng Ba, 2013, sau khi chúng tôi và ông thầy cúng thắp nhang khấn vái Thổ Thần, Thổ Ðịa, vong hồn 3 anh và các anh em đã bỏ mình tại phi trường Thành Sơn và cũng nhờ em người Thượng khấn vái tiếng Chàm, chúng tôi cũng cầu mong là tất cả những lời khấn vái của anh em đều hữu hiệu và linh ứng.
Khi bổ những nhát cuốc xuống chỗ em người Thượng đã đánh dấu từ trước khoảng 30 cm thì lộ ra một hòm gỗ đúng như em người Thượng đã tả và nói từ trước. Chúng tôi cào lớp mặt đất và dỡ nắp thùng đạn ra (thùng đạn gỗ đã mục nát) thì nhiều lớp xương cốt đã phân hủy không cầm lên được, tuy nhiên tóc vẫn còn nhiều.
Ðến đây thì ông thầy cúng khuyên chúng tôi nên đậy nắp thùng đạn và lấp đất lại. Và chúng tôi bây giờ khẳng định và chắc chắn rằng dưới chân chúng tôi đang đứng là nơi chôn vùi xương cốt của tất cả những anh em đã bỏ mình tại phi trường Thành Sơn, Tháp Chàm, Phan Rang.

Ông thầy cúng nói rằng các anh muốn làm gì thì cũng phải chờ đến ngày Thanh Minh (24 Tháng Hai Âm Lịch) mới tiếp tục được.
Sau khi hội ý cùng 3 gia đình và theo lời chỉ dẫn của ông thầy cúng, chúng tôi dự định đúng vào ngày Thanh Minh nói trên sẽ lập một cái Trang cùng Bia Tưởng Niệm để các anh sau này có nơi trú nắng trú mưa vì nhiều anh em quá không thể lấy cốt được, hơn nữa cho đến bây giờ cũng không còn biết là của ai. Và cũng để cho thân nhân những người đã mất và những người còn lại biết rằng: Nơi đây là nơi an nghỉ của những anh em đã anh dũng hy sinh tại phi trường Thành Sơn, Tháp Chàm, Phan Rang, đã được chôn cất tại nơi đây.
Trong công việc này nhiều năm nay chúng tôi đã cố gắng hết sức và tự lo chi phí lấy mới được kết quả như ngày hôm nay. Mọi thắc mắc hoặc những chi tiết cần thiết thêm, xin liên lạc với CÀ TẼM: số phone xxxxxx 3011.
Ðể thực hiện theo dự tính như kế hoạch đã dự định trước đây, vào ngày 8 Tháng Tư, 2013, chúng tôi xây dựng một cái am và đặt một tấm bia tại thôn Núi Ngỗng, xã Ninh Sơn, Ninh Thuận, ghi tên những anh em đã bỏ mình trong cuộc chiến tại phi trường Thành Sơn, Tháp Chàm, Phan Rang, trước hết để anh em tử trận có nơi trú nắng trú mưa, sau nữa để thân nhân của anh em tử trận biết nơi chôn cất sau này hằng năm còn thăm viếng và nhang khói vì nhiều người quá không thể nào lấy cốt được.
Như vậy xin thông báo: Ðây là nơi an nghỉ của 3 anh:
Trần Văn Sơn (Tr/Tá - Lữ Ðoàn Phó/LÐ2ND)
Ðặng Ðình Tựu (Th/Tá - Sĩ quan Ban 3/TÐ1PB/ND)
Ngô Văn Khiêm (Ð/Úy - Pháo Ðội Trưởng/TÐ1PB/ND),
cùng nhiều anh em đã bỏ mình tại phi trường Thành Sơn, Tháp Chàm (phần đông là Mũ Ðỏ) đã được an táng tại đây.
Trần Tiến Dũng/Người Việt

'Bà quả phụ Trung Tá Dù' nuôi 9 đứa con mồ côi

Trung Tá Nhảy Dù Trần Văn Sơn  
Trần Tiến Dũng/Người Việt
SÀI GÒN (NV) - Không ai nghĩ trong con hẻm nhỏ trên đường Lý Chính Thắng, quận 3, lại có cái chợ. Có khi chính những cái chợ nhỏ kiểu này là nơi nuôi sống nhiều gia đình công chức, sĩ quan của chính thể VNCH và những ai bị mất tất cả sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975.
Trong con hẻm này, chúng tôi gặp bà quả phụ Nguyễn Thị Xa, vợ cố trung tá sư đoàn Dù, quân lực VNCH, Trần Văn Sơn.


Bà quả phụ Nguyễn Thị Xa trong những ngày Tháng Tư năm 2016 ở Sài Gòn. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Bà Xa, ở tuổi ngoài bảy mươi, sức khỏe kém và trải qua hơn 40 năm buôn bán lam lũ kiếm sống nuôi 9 người con khi người chồng tử trận, vẫn giữ cốt cách của một phu nhân lữ đoàn phó, Lữ Ðoàn 2, thuộc một sư đoàn VNCH tinh nhuệ.

Nói bằng giọng người Bắc-Sài Gòn trầm ấm, bà Nguyễn Thị Xa cho biết, bà là người Bắc, gia đình vào Nam năm 1942, còn cố Trung Tá Trần Văn Sơn người tỉnh Quảng Trị.
Bà là nữ sinh trường Nguyễn Văn Khuê, ông học trường Sĩ Quan Bộ Binh Thủ Ðức và như các mối tình của những người thanh niên yêu lý tưởng quốc gia và chính thể Dân Chủ-Tự Do, họ lập gia đình trong thời chiến, chấp nhận mọi hiểm nguy một lòng phụng sự lý tưởng “Tổ Quốc Trên Hết.”

Tìm chồng trong ngày tàn chiến cuộc

Khi nhớ về chuyện xưa, bà Nguyễn Thị Xa kiềm nén xúc động, kể: “Ở tận Gio Linh, Quảng Trị, anh Sơn bị thương một mắt. Tôi hỏi, giờ anh đã là thương binh anh ở nhà với vợ con em, đừng đi trận nữa. Anh cười nhìn tôi rồi nhìn mấy đứa con nhỏ, lặng lẽ gật đầu nhưng ánh mắt anh lại nhìn về hướng khác. Sau đó anh lại đi. Tôi buồn nhưng không trách anh, thời chiến mà biết làm sao được!”
Cố Trung Tá Trần Văn Sơn sinh năm 1940, là sinh viên sĩ quan Thủ Ðức khóa 11, là sĩ quan của binh chủng Nhảy Dù, đời binh nghiệp của ông trải suốt các điểm nóng trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến.
Bà quả phụ Nguyễn Thị Xa kể tiếp: “Tôi nhớ vào khoảng đầu Tháng Tư, 1975, tôi không còn tin tức gì về anh nhưng không biết anh đã mất. Tôi lên Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn và căn cứ ở Long Bình để hỏi nhưng họ cũng không biết. Sau đó có đồng đội ảnh cho biết là ngày 15 Tháng Tư ảnh có nói chuyện trên đài. Tôi lại lên Bộ Tư Lệnh sư đoàn để đón những người chạy về hỏi tin tức. Không ai biết cả.”


Chân dung cố Trung Tá Trần Văn Sơn, lúc còn mang lon trung úy. Theo bà Xa, gạch trắng dưới hai bông mai trong tấm ảnh chân dung này của ông là do gia đình thêm vào để lấy làm ảnh thờ tại gia. (Hình: Trần Tiến Dũng chụp lại)

“Ở gần nhà tôi là nhà ông lữ đoàn trưởng, cùng là vợ lính nên bà lữ đoàn trưởng cho tôi biết chồng bà và chồng tôi đã hy sinh. Sau đó, Bộ Tư Lệnh sư đoàn có nói là sẽ đón gia đình tôi đi di tản, nhưng tôi không đi vì không tin chồng mình hy sinh. Tôi nhủ lòng tiếp tục đợi anh, hơn nữa lúc đó cả đàn con còn nhỏ quá, tôi lại đang mang bầu đứa út, không thể đi. Rồi tôi gặp một ông đại tá, ông cho tôi hy vọng khi nói chồng tôi còn sống, đang bị giam ở đầm Bà Thìn, tôi mừng quá và tin là anh đã qua khỏi hiểm nguy.”

Vẫn theo lời bà Xa: “Sau 30 Tháng Tư, tôi có xin phép chính quyền Việt Cộng để đi Phan Rang tìm anh. Họ không cho giấy phép nhưng tôi liều đi đại. Tôi đón xe balua chở hàng đến Phan Rang. Tôi kiếm anh ở mọi nhà thương, nhà tù, nhà thờ, nhà chùa. Không ai biết gì về anh. Ði đâu cũng nghe người ta nói: Người chết nhiều quá làm sao biết ai với ai.”
Ở Phan Rang, tôi mừng muốn phát điên khi gặp một chiếc xe Jeep có huy hiệu binh chủng Nhảy Dù bị lật bên đường, không hiểu sao tôi tin trong chiếc xe đó có tin về anh. Nhưng rồi tôi lại tuyệt vọng khi người dân ở đây nói: “Dân quanh đây chôn lính mình nhiều lắm, có đọc được tên trên áo cũng không nhớ nổi, mà cũng đâu có ai giữ thẻ bài làm gì.”

Tảo tần nuôi 9 người con

Sau khi biết không cách nào giữ được căn nhà gần bệnh viện Vì Dân, ở Sài Gòn, bà quả phụ Nguyễn Thị Xa dắt 9 đứa con đi kinh tế mới ở Cụ Bị, Bà Rịa.
Bà Nguyễn Thị Xa cho biết chỉ ở kinh tế mới 5 năm. Sau đó về lại Sài Gòn và tiếp tục mua bán để nuôi con. Chúng tôi hỏi, được biết bà trải qua tất cả mọi nghề mua gánh bán bưng, có lúc làm cả nghề mua bán ve chai để nuôi con. Bà nhìn chúng tôi, ánh mắt của người mẹ già như đang tìm lại được ánh sáng tinh anh từ nghị lực ngày trước.
Bà nói: “Anh đừng nói tôi mua bán ve chai, cứ nói chung chung là tôi mua bán đồ cũ là được rồi. Tôi may mắn có mấy đứa con trai đầu biết phụ mẹ nuôi em. Cực khổ lắm anh. Họ xét lý lịch, đâu cho con mình học hành tới nơi tới chốn, phải lao động thuê mướn cho người ta khổ cực ngàn lần hơn mới kiếm sống được.”


Giấy thăng cấp cố Trung Tá Trần Văn Sơn được gia đình gìn giữ. (Hình: Trần Tiến Dũng chụp lại)

Ðồi Con Ngỗng và nguyện vọng người quả phụ

Những câu chuyện về chiến tranh, nhất là chiến tranh Việt Nam, hầu như được kể lại từ nhiều phía. Bỏ qua yếu tố tô son trét phấn của bên thắng cuộc, dư luận công chính luôn ý thức rằng: Chính nghĩa của cuộc chiến tranh không thuộc về bên chiến thắng với những chiếm đoạt, phân biệt đối xử tồi tệ với người lính thua cuộc và gia đình họ.
Cách khác, sự tồn tại và vươn lên từ đống tro tàn cuộc chiến của gia đình những quân nhân VNCH đã buông súng trong suốt thời hậu chiến mới là người thật sự chiến thắng, chiến thắng của phẩm giá và quyền con người trong nghịch cảnh đau thương nhất.
Trong câu chuyện của mình, bà quả phụ Nguyễn Thị Xa luôn nhắc đến những đồng đội của chồng. Bà tế nhị nói: Tôi không rõ chồng tôi ăn ở thế nào với cấp dưới, nhưng mấy chục năm qua các ông ấy dù ở nước ngoài hay trong nước luôn quí trọng anh và nhớ đến gia đình tôi. Bây giờ các ông ấy người đã mất, người thì già rồi nhưng vẫn mong giúp tôi tìm được kỷ vật nào đó của anh để an ủi gia đình.
Cách nay hai năm, tôi và một vài gia đình có đến Ðồi Con Ngỗng ở Phan Rang để tìm lần nữa tin tức hay kỷ vật về anh Sơn.
“Theo chỉ dẫn của một người địa phương, chúng tôi cúng và thắp hương ngay trên đồi cho các tử sĩ VNCH rồi khấn nguyện, nhưng khi đào lên thì cũng chỉ thấy mấy thùng đạn, trong đó là phần xương thịt đã là cát bụi của các anh. Không có bất cứ kỷ vật nào. Nhưng với chúng tôi, cái am thờ bé nhỏ mà chúng tôi chung lòng dựng nên nơi đấy thật sự có ý nghĩa cho cả người đã khuất và người luôn tưởng nhớ.”
Khi được hỏi về nguyện vọng cuối đời, ban đầu bà im lặng, phải một lúc sau mới bùi ngùi nói: “Phần tôi thì chẳng mong muốn gì, có chăng là mong các chị em quả phụ khác, nhất là những người có hoàn cảnh khổ hơn cả tôi được quan tâm hơn.”
Chiến dịch Phan Rang-Xuân Lộc là một trong những trận chiến ác liệt cuối cùng của cuộc chiến tranh ác liệt nhất thế kỷ 20. Chính thể VNCH đã bị xâm đoạt và rồi đây lịch sử sẽ minh bạch phán xét. Nhưng ngày nay vẫn còn đó những con người, những gia đình VNCH với nghị lực phi thường, bất kỳ có sự giúp đỡ nào vẫn phải cô độc hàng ngày, hàng giờ cố chữa lành vết thương chiến tranh trên thân xác và tâm hồn để tồn tại. Những ai sống ở trong nước dưới chế độ chuyên chế, nhất là những năm đầu sau biến cố 1975, mới có thể biết các trường hợp như bà quả phụ cố Trung Tá Lữ Ðoàn 2, Binh Chủng Nhảy Dù, quân đội VNCH, để tồn tại được, là khó đến mức nào!

Liên lạc tòa soạn: Editors@nguoi-viet.com


Cái Am Ở Thôn Núi Ngỗng
Nhóm thiện nguyện Nhảy Dù VNCH (thực hiện)
Sau nhiều năm tìm kiếm và dò hỏi, kể cả nhờ nhiều anh em ở địa phương tỉnh Ninh Thuận, kẻ bỏ công, người bỏ của, giúp đỡ tìm kiếm hộ, hôm nay, ngày 17 Tháng Ba, 2013, chúng tôi gồm:

Chị Xa (Vợ anh Tr/Tá Trần Văn Sơn - Lữ Ðoàn Phó LÐ2ND)
Anh Nhân TÐ3PB/ND (em vợ anh Th/Tá Ðặng Ðình Tựu - Sĩ quan Ban 3 TÐ1PB/ND)
Anh Cho, đại diện gia đình anh Ð/Úy Ngô Văn Khiêm, Pháo Ðội Trưởng PÐ A1- TÐ1PB/ND
và Nhóm Thiện Nguyện Mũ Ðỏ.

Chúng tôi đã đến thôn Núi Ngỗng, xã Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận trong ngày trên. Nơi đây ngày xưa là sân tập bắn của Ðịa Phương Quân/Nghĩa Quân thuộc Tiểu Khu Ninh Thuận.
Lần mò theo hướng dẫn của một em người Thượng, ngày đấy em 14 tuổi (năm nay đã 52 tuổi), em kể lại: Chính em chứng kiến 2 xe tải nhà binh của phi trường chở những hòm gỗ trong đó đựng xương cốt của những người đã chết ở phi trường Thành Sơn vào ngày 16 tháng 4, 1975. Những anh em này đã được chôn tại chỗ nhưng không biết vì lý do nào đó họ lại đào lên, dùng những thùng gỗ đạn pháo binh và những thùng sắt đựng tất cả những xương cốt nhặt được của những anh em đã hy sinh và họ dùng 2 xe nhà binh chở ra chôn trở lại tại chân Núi Ngỗng (theo lời em Thượng thuật lại) hiện là nơi chúng tôi đang đứng.
Trước mặt chúng tôi là một bãi đất trống dưới chân Núi Ngỗng, khoảng 80 mét vuông. Theo em người Thượng chỉ: Ðây là nơi chôn những hòm gỗ và thùng đạn đó! Em quả quyết rằng: Hàng ngày em thả dê trừu vào chân núi này nên em rất rõ địa điểm nơi đây, không sao lầm lẫn được.
Ðúng vào lúc 9 giờ sáng ngày 17 Tháng Ba, 2013, sau khi chúng tôi và ông thầy cúng thắp nhang khấn vái Thổ Thần, Thổ Ðịa, vong hồn 3 anh và các anh em đã bỏ mình tại phi trường Thành Sơn và cũng nhờ em người Thượng khấn vái tiếng Chàm, chúng tôi cũng cầu mong là tất cả những lời khấn vái của anh em đều hữu hiệu và linh ứng.
Khi bổ những nhát cuốc xuống chỗ em người Thượng đã đánh dấu từ trước khoảng 30 cm thì lộ ra một hòm gỗ đúng như em người Thượng đã tả và nói từ trước. Chúng tôi cào lớp mặt đất và dỡ nắp thùng đạn ra (thùng đạn gỗ đã mục nát) thì nhiều lớp xương cốt đã phân hủy không cầm lên được, tuy nhiên tóc vẫn còn nhiều.
Ðến đây thì ông thầy cúng khuyên chúng tôi nên đậy nắp thùng đạn và lấp đất lại. Và chúng tôi bây giờ khẳng định và chắc chắn rằng dưới chân chúng tôi đang đứng là nơi chôn vùi xương cốt của tất cả những anh em đã bỏ mình tại phi trường Thành Sơn, Tháp Chàm, Phan Rang.

Ông thầy cúng nói rằng các anh muốn làm gì thì cũng phải chờ đến ngày Thanh Minh (24 Tháng Hai Âm Lịch) mới tiếp tục được.
Sau khi hội ý cùng 3 gia đình và theo lời chỉ dẫn của ông thầy cúng, chúng tôi dự định đúng vào ngày Thanh Minh nói trên sẽ lập một cái Trang cùng Bia Tưởng Niệm để các anh sau này có nơi trú nắng trú mưa vì nhiều anh em quá không thể lấy cốt được, hơn nữa cho đến bây giờ cũng không còn biết là của ai. Và cũng để cho thân nhân những người đã mất và những người còn lại biết rằng: Nơi đây là nơi an nghỉ của những anh em đã anh dũng hy sinh tại phi trường Thành Sơn, Tháp Chàm, Phan Rang, đã được chôn cất tại nơi đây.
Trong công việc này nhiều năm nay chúng tôi đã cố gắng hết sức và tự lo chi phí lấy mới được kết quả như ngày hôm nay. Mọi thắc mắc hoặc những chi tiết cần thiết thêm, xin liên lạc với CÀ TẼM: số phone xxxxxx 3011.
Ðể thực hiện theo dự tính như kế hoạch đã dự định trước đây, vào ngày 8 Tháng Tư, 2013, chúng tôi xây dựng một cái am và đặt một tấm bia tại thôn Núi Ngỗng, xã Ninh Sơn, Ninh Thuận, ghi tên những anh em đã bỏ mình trong cuộc chiến tại phi trường Thành Sơn, Tháp Chàm, Phan Rang, trước hết để anh em tử trận có nơi trú nắng trú mưa, sau nữa để thân nhân của anh em tử trận biết nơi chôn cất sau này hằng năm còn thăm viếng và nhang khói vì nhiều người quá không thể nào lấy cốt được.
Như vậy xin thông báo: Ðây là nơi an nghỉ của 3 anh:
Trần Văn Sơn (Tr/Tá - Lữ Ðoàn Phó/LÐ2ND)
Ðặng Ðình Tựu (Th/Tá - Sĩ quan Ban 3/TÐ1PB/ND)
Ngô Văn Khiêm (Ð/Úy - Pháo Ðội Trưởng/TÐ1PB/ND),
cùng nhiều anh em đã bỏ mình tại phi trường Thành Sơn, Tháp Chàm (phần đông là Mũ Ðỏ) đã được an táng tại đây.