Saturday, November 28, 2015

Tô Phạm Liệu: Người Trở Lại Charlie.



Lật qua tờ nhật báo Người Việt ngày 5 Tháng Mười 1997, một tin cáo phó làm tôi giật mình chú ý đọc ngay: “...Tô Phạm Liệu (1941-1997), Y Sĩ Tiểu Ðoàn 11 Nhảy Dù... đã không còn với chúng ta kể từ ngày 29 Tháng Chín 1997...”
Vậy là anh Liệu đã từ giã cõi đời này!
Hình ảnh của Tô Phạm Liệu trở về từ dĩ vãng xa xưa.
Lần đầu tiên tôi gặp Tô Phạm Liệu đã lâu lắm rồi, đã hơn 27 gần 28 năm trước đây.
Ngày đó, vừa học xong lớp Y Khoa Năm Thứ Nhất ở trường Ðại Học Y Khoa Sài Gòn, tôi đã có một số khá đông bạn bè cùng lớp rủ nhau nộp đơn, đi thi và đỗ vào trường Quân y.
Một ngày Tháng Giêng 1970, ngày nhập ngũ, chúng tôi rủ nhau nao nức đi trình diện ở trường Quân Y. Một đám sinh viên Y Dược Nha đến và được tập trung ở cổng trường chỗ gần trạm kiểm soát ra vào. Chúng tôi là những tân sinh viên Quân Y. Người đầu tiên ra gặp chúng tôi là một sinh viên sĩ quan Quân Y. Anh mặc quân phục xanh bộ binh, đeo lon trung úy có hai bông mai vàng trên một nền nhung đỏ thẫm ở trên vai với dấu hiện con rắn vàng, của ngành quân y, và dấu hiệu một cánh dù màu xám, bằng nhảy dù, trên ngực áo. Thoáng gặp anh, chúng tôi cũng phải để ý ngay, vì anh là một người to lớn, vừa to vừa cao trông như là một “ông hộ pháp.”
Không cười đón niềm nở chút nào cả, với giọng nói to, vang vang trong buổi chiều nắng gió, anh tự giới thiệu. Tôi nhớ đại khái rất ngắn và gọn. Anh cho biết tên là Tô Phạm Liệu, sinh viên sĩ quan Quân Y năm thứ sáu và anh được cấp trên đề cử làm Sinh Viên Sĩ Quan Ðại Ðội Trưởng Ðại Ðội Tân Sinh Viên.
Anh Liệu dẫn khoảng bốn năm chục người chúng tôi vào một sân rộng lớn của trường Quân Y, nơi có một cột cờ với lá cờ vàng ba sọc đỏ khá cao. Ðó là Vũ Ðình Trường của trường Quân Y và ở đó đã có thêm sẵn hai sinh viên sĩ quan quân y khác đứng chờ sẵn từ lâu. Chúng tôi được lệnh xếp hàng và ba ông đàn anh dẫn chúng tôi chạy vòng quanh sân cờ cho đến khi tất cả hết sức lực và có một người phải ngất xỉu.
Ðó là kinh nghiệm đầu tiên của đa số chúng tôi đối với quân đội. Ðó là lần đầu tiên hành xác để mở đầu cho Tám Tuần Lễ Huấn Nhục của Ðại Ðội Tân Sinh Viên Sĩ Quan Quân Y. Ðối với những “thư sinh trói gà không chặt” mà còn “dài lưng tốn vải ăn no lại nằm,” chỉ biết việc sách đèn, đây quả là một thử thách khá lớn lao.
Và đó cũng là lần đầu tiên tôi gặp Tô Phạm Liệu. Trong tám tuần lễ của “mồ hôi, nước mắt” chúng tôi đã được các đàn anh của các khóa trước “chỉ dạy”một cách rất tận tình bằng mọi cách. Chúng tôi được học qua căn bản quân sự, căn bản thao diễn. Và mọi người được thay nhau tập hít đất, tập thở, tập chạy, tập cười... theo lệnh các huynh trưởng!
Các đàn anh chia ra từng toán ba người. Anh Tô Phạm Liệu đích thân làm trưởng một toán. Mỗi toán có nhiệm vụ hướng dẫn các tân sinh viên một ngày. Riêng anh Liệu hình như ngày nào cũng có mặt để quan sát các hoạt động, tiến triển trong việc huấn luyện các tân sinh viên Quân Y. Anh Tô Phạm Liệu rất tận tâm bỏ khá nhiều thì giờ vào việc dẫn dắt đàn em mới nhập ngũ. Những người nào mà có vẻ lười biếng công việc tập tành là khó qua khỏi mắt của đàn anh. Ai đau thật hay chỉ ốm giả anh cũng biết. Hình như anh biết rõ về bản chất, tính tình của từng người một. Anh là người gần gũi với chúng tôi nhất trong những ngày đầu tiên khi mới gia nhập quân ngũ.
Sinh hoạt với anh một thời gian ngắn, chúng tôi nhận thấy ngay ngoài “cái vỏ” lạnh lùng nghiêm nghị của anh còn có một bề trong khác hẳn với một tâm hồn đầy tình cảm và hiểu biết. Anh Liệu thường thấu hiểu gần như mọi chuyện xẩy ra trong đại đội tân sinh viên quân y và thường giải thích hay giải quyết, thường là bằng tình cảm, những vấn đề khó khăn hay khó nói nhất. Nhiệm vụ chỉ huy hướng dẫn đôi khi làm anh có vẻ khó khăn và khô khan nhưng những lúc nói chuyện với anh Liệu trong khi rảnh rang đã làm chúng tôi thấy anh là một người rất nhiều tình cảm, rộng lượng và rất thương mến những anh em trong gia đình Y Dược Nha trong ngành Quân Y. Một điều đặc biệt nhất là Tô Phạm Liệu nói chuyện rất hay, rất lôi cuốn người nghe, nhất là khi anh đứng trước hàng quân. Tôi được biết anh đã còn là một huynh trưởng trong ngành Hướng Ðạo Việt Nam. Sự việc anh giỏi về diễn thuyết hay chỉ huy là đã có kinh nghiệm từ lâu.
Nhiệm vụ khó khăn của anh là cho chúng tôi được có những khái niệm ban đầu về Quân Ðội rồi cũng thành công. Tất cả đám tân sinh viên Y Nha Dược đều qua khỏi tám tuần lễ huấn nhục gian lao. Chúng tôi được tổ chức lễ gắn alpha và trở thành những sinh viên Quân y hiện dịch thực thụ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ðêm hôm gắn alpha, anh có nói chuyện riêng khá cảm động với một vài người chúng tôi. Anh cho biết rất hài lòng với kết quả và nhắn nhủ công chuyện tương lai. Tô Phạm Liệu có nói ngày nào đó chúng tôi sẽ hiểu rõ đàn anh hơn khi đứng ra hướng dẫn những đàn em sau này. Riêng tôi về sau này rất thông cảm anh vì chính bản thân tôi lại “được” cử ra làm nhiệm vụ của anh, dẫn dắt các tân sinh viên Quân Y, khi khóa sinh viên sĩ quan của chúng tôi trở thành khóa đàn anh lớn nhất trong trường Quân Y.
Năm chúng tôi vào Quân Y cũng là năm khóa 16 Sinh Viên Sĩ Quan Hiện Dịch Quân Y ra trường. Anh Tô Phạm Liệu chọn binh chủng Nhảy Dù và nhiệm sở đầu tiên là một tiểu đoàn Nhảy Dù. Tô Phạm Liệu đã chính thức trở thành y sĩ của một tiểu đoàn tác chiến của binh chủng nhảy dù.
Những ngày sau đó tôi rất ít gặp anh Liệu. Chúng tôi ở lại hậu phương hoàn tất công chuyện học hành ở những trường Y Nha Dược. Anh Liệu và các anh khác tản mác trong những đơn vị của quân đội khắp bốn vùng chiến thuật. Và tôi chỉ gặp lại anh Liệu một hai lần gì đó trong một khoảng thời gian gần hai năm trời khi anh về ghé thăm trường quân y trong những dịp nghỉ phép giữa những ngày ở mặt trận. Những ngày đó anh vẫn cao lớn và mặc quần áo rằn ri nhẩy dù trông rất oai hùng. Chúng tôi cũng chỉ có dịp nói chuyện chào hỏi chút ít và tôi chỉ biết là anh đã trải qua khá nhiều thử thách ngoài mặt trận nhưng không có nhiều chi tiết.
Và đến một ngày tháng, ở một nơi... của định mệnh.
Thời điểm là năm 1972, vào mùa Hè nắng cháy.
Ðịa điểm là Charlie, Cao Nguyên Nam Việt Nam.
Tôi được nghe đến, được biết đến, được hiểu... Tô Phạm Liệu nhiều hơn.
Bốn năm trước đó, năm 1968, năm bầu cử tổng thống Mỹ là khi Bắc Việt cho tổng tấn công và thất bại trên các chiến địa Tết Mậu Thân nhưng phải nói họ đã có ảnh hưởng trong việc tuyên truyền chính trị. Hình ảnh chiến tranh Việt Nam tràn ngập trên đất Mỹ theo vào từng nhà riêng của dân Mỹ bằng máy vô tuyến truyền hình. Dân chúng Hoa Kỳ đã bắt đầu chán sợ cuộc sống chiến tranh đẫm máu và dai dẳng cách xa một nửa trái đất. Ðầu óc thực tế của họ đã đếm nhiều đến số tiền trang trải cho cuộc chiến. Hình ảnh quan tài những người Mỹ chết ở Việt Nam đem về Mỹ được chiếu rõ trên truyền hình làm nao núng cả quốc gia. Các phong trào phản chiến Mỹ hoạt động mạnh hơn. Ứng cử viên Tổng thống Mỹ đều biết rõ tầm quan trọng của việc cần phải chấm dứt chiến tranh Việt Nam.
Năm 1972, một lần nữa là năm bầu cử tổng thống Mỹ. Do đó, một lần nữa, cũng là lúc Bắc Việt cần có tiếng vang vọng với bất cứ giá nào. Ðại Tướng Bắc Việt Võ Nguyễn Giáp còn nghĩ là có thể chiếm đoạt miền Nam vào lúc này.
Cũng như Trận Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân năm 1968, Tướng Giáp đã lại “thí quân” và lần này quyết định tấn công với ba mặt trận lớn được bùng nổ vào mùa Hè 1972.
Thứ nhất: Mặt Trận Giới Tuyến tại vùng Phi Quân Sự. Việt Cộng đã bất chấp tất cả mọi ký kết của chính họ ở Hiệp Ðịnh Genève 1954. Họ đã cho hai sư đoàn 304 và 308 tăng phái bởi bốn Trung Ðoàn Ðặc Công với hơn 200 chiến xa của Trung đoàn 203 và 204 và thêm ba Trung đoàn Pháo Binh vượt khu Phi Quân Sự đánh chiếm Quảng Trị.
Thứ hai: Mặt Trận Biên Giới chiếm đánh Lộc Ninh, An Lộc do các sư đoàn Cộng Sản 5, 7 và 9 cùng với hơn 200 xe thiết giáp. Trong khi Sư Ðoàn 1 Bắc Việt quấy rối vùng Ðồng Bằng Cửu Long để cầm bớt quân đội Việt Nam lại vùng IV chiến thuật.
Thứ ba: Mặt trận Cao Nguyên thì có hai Sư đoàn 2 và 320v ới cùng một trung đoàn chiến xa đánh chiếm vùng Kontum, Pleiku. Trong khi Sư đoàn 3 Cộng Sản đánh vùng Bình Ðịnh.Tại Cao Nguyên, Tướng Võ Nguyên Giáp mưu định cắt Miền Nam thành hai mảnh.
Thời điểm là Mùa Hè Ðỏ Lửa 1972.
Ðịa điểm là Charlie của chiến trường Cao Nguyên.
Trong quyển sách viết về chiến tranh Việt Nam “Mùa Hè Ðỏ Lửa,” Phan Nhật Nam đã viết trong đoạn đầu tiên “Charlie, tên nghe lạ quá”:
“Quả tình nếu không có trận chiến mùa Hè 1972, thì cũng chẳng ai biết đến Charlie, vì đây chỉ là tên quân sự dùng để gọi một cao độ nằm trong chuỗi cao độ chập chùng vùng Tân Cảnh, Kontum. Charlie hay Cải Cách hay ‘C’ đỉnh núi cao không quá 900 thước trông xuống thung lũng sông Poko và đường 14, Ðông Bắc là Tân Cảnh, với 12 cây số đường chim bay, Ðông Nam là Kontum thị trấn cực Bắc của Tây Nguyên... Charlie lọt giữa bị bao vây bởi căn cứ 5, căn cứ 6, ở phía Bắc, những mục tiêu quân sự nổi tiếng, những vị trí then chốt giữ cửa ngõ vào Tân Cảnh mà bao nhiêu năm qua, bao nhiêu mùa Hè, mùa ‘mưa rào,’ báo chí hằng ngày trong và ngoài nước phải nhắc tới khi những hạt mưa đầu mùa rơi xuống miền núi non xương sườn cực Tây của quê hương Việt Nam...”
“Năm nay, sau bao nhiêu lần thử thách từ mùa mưa của năm 1971 qua đầu xuân của 1972, Bắc Quân vẫn không vượt qua hai cửa ngỏ. Căn cứ 5, Căn cứ 6... Cộng quân đổi hướng tiến lòn sâu xuống phía nam của hai căn cứ trên để tiếp tục sự nghiệp ‘giải phóng’ với mục tiêu cố định: Tân Cảnh, cắt đường 14...”
Lữ đoàn 2 Nhảy Dù được cử đến lập một vòng đai để giữ những yếu điểm trong vùng quanh Quốc Lộ 14 và Tiểu Ðoàn 11 Nhảy Dù có nhiệm vụ đóng giữ Charlie. Tô Phạm Liệu, người y sĩ trưởng của Tiểu đoàn, một người sĩ quan Nhảy Dù, đã được thả đến Charlie cùng với Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù, Tiểu đoàn Nhảy Dù mới nhất của Sư đoàn Nhảy Dù Việt Nam, vào ngày 2 Tháng Tư.
Sau đó, tại Charlie, một trận đánh oai hùng và bi thương của người lính Nhảy Dù đã xẩy ra. Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 11 Nhảy Dù là Trung Tá Nguyễn Ðình Bảo tốt nghiệp khóa 14 Trường Sinh Viên Sĩ Quan Hiện Dịch Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt. Trung Tá Bảo có tính tình giản dị và là người chỉ huy rất giỏi, nhiều kinh nghiệm chiến trường. Ông gia nhập Nhảy Dù ngay sau khi ra trường võ bị, dự nhiều trận chiến khốc liệt chiến thắng nhiều và đã bị thương hai lần ở mặt trận.
Tuy vậy, lần này Tiểu Ðoàn 11 Nhảy Dù bị bao vây bởi cả một sư đoàn Bắc Việt, Sư Ðoàn 320 có mang danh là Sư Ðoàn Ðiện Biên và cũng được gọi là Sư Ðoàn Thép tăng phái thêm Trung Ðoàn 64 của Sư đoàn Sao Vàng Cộng Sản. Không phải đoán cũng thấy ngay là một chiến thuật thí quân lấy thịt đè người. Tiểu Ðoàn 11 Nhảy Dù và Trung Tá Nguyễn Ðình Bảo bây giờ có lẽ giống như một con hổ trong lồng.
Ngày 11 Tháng Tư là lúc Cộng Sản sửa soạn tấn công. Hàng trăm quả pháo rót vào Charlie kể cả đại pháo 130mm với đạn xuyên phá “delay.” Ðây là loại đạn đặc biệt nguy hiểm, không nổ ngay khi chạm đất mà sẽ nổ sau khi đã xuống dưới mặt đất khoảng hơn một thước để tàn phá những hầm trú ẩn.
Ngày 12 Tháng Tư, Cộng Quân tiến đánh. Tiểu Ðoàn 11 Nhảy Dù kể cả Bác Sĩ Quân Y Tô Phạm Liệu đã quần thảo với lính Cộng của Sư Ðoàn Ðiện Biên tranh thủ từng thước đất. Trung Tá Nguyễn Ðình Bảo, nhiều sĩ quan và binh sĩ nhảy dù đã hy sinh tại mặt trận.
Ngày 15 Tháng Tư 1972, Tiểu Ðoàn 11 Nhảy Dù tan rã. Chính bản thân Tô Phạm Liệu cũng bị thương ở chân. Tô Phạm Liệu và thiếu tá tiểu đoàn phó đã dẫn một nhóm nhỏ còn lại và các thương binh rút khỏi Charlie. Và nhóm này cuối cùng được trực thăng “bốc” đi thoát. Một số khác chạy bộ băng rừng về. Xác chết của nhiều quân nhân và của Trung Tá Nguyễn Ðình Bảo đã không đem được về và đã để lại ở Charlie.
Nhiều chiến sĩ nhảy dù đã anh dũng “ở lại” Charlie.
Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sau này đã cảm hứng vì sự hy sinh của Trung Tá Nguyễn Ðình Bảo và những chiến sĩ nhảy dù khác tại mặt trận Charlie mà đã sáng tác “Người - Lại Charlie,” một bản nhạc khá hay và cảm động:
“Anh! Anh! Hỡi anh ở lại Charlie.
Anh!
Anh! Hỡi anh giã từ vũ khí.
Vâng chính anh là ngôi sao mới, một lần này chợt sáng trưng, là cánh dù đan bằng tiếc thương vô cùng.
Này anh!
Anh! Hỡi anh ở lại Charlie.
Anh!
Vâng, chính anh là loài chim quí.
Ôi, cánh chim trùng khơi vạn lý, một lần dậy cánh bay, người để cho người nước mắt trên tay...”

Sự kiện Tiểu Ðoàn 11 Nhảy Dù tan rã ở Charlie khi bị hơn một sư đoàn bộ đội Bắc Việt tấn công với đại pháo và chiến xa là chuyện dĩ nhiên phải xảy ra. Nhưng điều quan trọng hơn là sự hy sinh dũng cảm của những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã gây tổn thất nặng cho đối phương và ảnh hưởng đến tinh thần của cán binh Bắc Việt.
Tuy là ngay sau đó, Lữ Ðoàn 2 Nhảy Dù phải bỏ cả Tân Cảnh về Kontum. Tuy là các sư đoàn Bắc Việt kiểm soát được Quốc lộ 14. Tuy là họ đã bao vây thành phố cao nguyên Kontum. Tuy là họ dốc toàn lực đánh Kontum hai lần ngày 14 và 25 Tháng Năm. Nhưng họ vẫn thất bại. Cuối cùng Cộng Sản Việt Nam vẫn không đạt được mục tiêu vào năm 1972 và phải rút lui tại mặt trận miền cao nguyên.
Mặt trận biên giới nổ lớn tại An Lộc-Bình Long. Bộ đội Cộng Sản hàng hàng lớp lớp biển người được yểm trợ bởi hàng trăm chiến xa tối tân và đại bác hỏa tiễn hùng hậu đã tràn ngập mặt trận. Nhưng họ đã phải đứng khựng lại ở quận An Lộc, cứ điểm quan trọng ngăn cản đường tiến của Bắc Quân đến Quốc lộ 13 để về “giải phóng” Sài Gòn. Trong khoảng 100 ngày gần 60 ngàn quả đại bác đã bắn vào độ một cây số vuông của quận lỵ nhỏ bé An Lộc. Năm lần Việt Cộng đã mở những cuộc tấn công. Cả năm lần Bắc Quân phải chùn bước. Người hùng Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng và các lực lượng phòng thủ với sự phụ lực của Ðại Tá Lê Quang Lưỡng và Lữ đoàn 1 Nhảy Dù cùng với sự yểm trợ với sự phụ lực của Ðại Tá Lê Quang Lưỡng và Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù cùng với sự yểm trợ hữu hiệu của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa và Không Quân Hoa Kỳ đã cho Bắc Việt một bài học cay đắng, họ cho tướng Võ nguyên Giáp biết thế nào là “tử thủ.” Ngày 8 Tháng Sáu 1972, Tiểu Ðoàn 8 Nhảy Dù tiến vào thành phố, đã “bắt tay” được với tiểu đoàn Nhảy Dù “bạn,” Tiểu Ðoàn 6 Nhảy Dù là đơn vị đã được trực thăng vận đến An Lộc mấy ngày trước.
An Lộc hoang tàn. Nhưng An Lộc vẫn đứng vững.
An Lộc đẫm máu. An Lộc đầy lửa khói. Nhưng An Lộc vẫn còn.
Cuối cùng Bắc Quân phải rút lui.
Mặt trận Vùng Hỏa Tuyến. Ngay những ngày đầu tiên Việt Cộng đã tràn ngập Quảng Trị và Sư Ðoàn 3 Bộ Binh Việt Nam sau đó phải tan rã chạy về phía Nam. Dân chúng Quảng Trị ghét sợ cộng sản chạy theo quân. Hỗn loạn! Kinh hoàng! Máu đổ nhiều! Quân dân chạy giặc dưới làn đạn làm hàng ngàn người chết ở Ðại Lộ Kinh Hoàng. Bắc Quân tràn lan đánh chiếm khắp nơi.
Nhưng họ đã bị chận đứng ở sông Mỹ Chánh. Nơi đây ngày 2 Tháng Năm, Lữ Ðoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến đã bắn hạ 17 chiến xa Bắc Việt. Cùng một lúc Thiếu Tướng Ngô Quang Trưởng được cử ra giữ chức tư lệnh Quân Ðoàn I. Thế cờ được lật ngược.
Tiểu Ðoàn 11 Nhảy Dù tan rã ở Tân Cảnh nhưng không biến mất mà đã phối trí lại. Và chỉ độ một tháng sau ngày tan rã ở Charlie, Tô Phạm Liệu và Tiểu Ðoàn 11 Nhảy Dù đã có mặt ở miền Hỏa Tuyến. Tháng Sáu 1972, sư đoàn Nhảy Dù, sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến và Sư Ðoàn 1 Bộ Binh cùng với sự yểm trợ của Không Quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và Không Quân Hoa Kỳ đã mở chiến dịch tổng phản công.
Cuộc chiến đẫm máu kéo dài đến Tháng Chín 1972 khi lá cờ vàng ba sọc đỏ được những người lính Thủy Quân Lục Chiến dựng lại tại Cổ Thành Quảng Trị và khi tàn quân Bắc Việt chạy ngược trở về bên phía Bắc dòng sông Thạch Hãn.
Giấc mơ chiếm đoạt miền Nam vào mùa Hè 1972 của Tướng Võ nguyên Giáp đúng là “chỉ là một giấc mơ thôi.” Có lẽ nhiều ngàn hay có thể đến hàng chục ngàn người đã “sinh Bắc” và được “tử Nam” trong mùa Hè này.
Y Sĩ Ðại Úy Tô Phạm Liệu đã được sư đoàn Nhảy Dù trao tặng danh hiệu “Quân Nhân Xuất Sắc Nhất Của Sư Ðoàn Nhẩy Dù.”
Tô Phạm Liệu, tên tuổi hào hùng của ngành Quân Y “con rắn” chúng tôi, cũng lừng danh trong những đơn vị Nhảy Dù “mũ đỏ” của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thời đó.
Chiến dịch mùa Hè 1972 đã làm Bắc Việt tổn thất nặng. Phải một thời gian khá lâu họ mới hồi phục lại được sức mạnh. Những ngày tháng ngay sau đó họ đã không tạo thêm được tiếng vang gì đáng kể. Ngoại trừ một cố gắng khác, nhưng vẫn thất bại, ở Sa Huỳnh ở vùng Quảng Ngãi-Bình Ðịnh đầu năm 1973.
Nhưng năm 1973 cũng là năm của Hiệp Ðịnh Paris ký kết bởi Henry Kissinger và Lê Ðức Thọ. Năm của Việt Nam Hóa Chiến Tranh Việt Nam. Hiệp Ðịnh Paris đã đẩy Việt Nam Cộng Hòa vào con đường cùng. Hoa Kỳ dần dần rút khỏi Việt Nam. Viện trợ quân sự Mỹ cho Quân đội Việt Nam cũng giảm dần theo. Ðạn dược, súng ống của quân đội Việt Nam trở thành thiếu thốn. Xe tăng lỗi thời. Máy bay cũng ít dần và cũ kỹ dần. Bắc Quân ngày càng nhiều khí giới tối tân. Nga Xô và Trung Cộng cùng các nước Cộng Sản trên thế giới vẫn tiếp tục ủng hộ tiếp tế Hà Nội một cách tích cực. Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu hầu như một mình với Cộng Sản Bắc Việt và cả một thế giới Cộng Sản đứng đằng sau. Ðó là kết quả của Việt Nam Hóa Chiến Tranh Việt Nam, chính sách của Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon.
Hiệp Ðịnh Hòa Bình Paris 1973 và giải Nobel được trao tặng cho Lê Ðức Thọ và Henry Kissinger chỉ là những trò hề. Bắc Quân tiếp tục xâm phạm những gì họ ký kết. Ðường mòn Hồ Chí Minh “đông người như đi chợ”chuyển quân và vũ khí thiết giáp vào miền Nam.
Tô Phạm Liệu tốt nghiệp Khóa 16 Sĩ Quan Quân Y Hiện Dịch gia nhập Nhảy Dù năm 1970. Khóa 21 Sĩ Quan Hiện Dịch Quân Y, khóa cuối cùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, khóa của chúng tôi ra đơn vị năm 1975.
Năm năm sau tình hình đã đổi khác hoàn toàn. Những tân trung úy Y Nha Dược ra đơn vị đúng lúc ngày tàn của cuộc chiến. Tỉnh Phước Long đã rơi vào tay Cộng Sản Tháng Hai 1975.
Chuyện gì đã xẩy ra đã xẩy ra. Chuyện mất miền Nam vào tay Cộng Sản ngày 30 Tháng Tư 1975 đã đến. Có điều chuyện xẩy ra hơi sớm, một cách rất ngạc nhiên, ngoài sự dự liệu của tất cả mọi người trong và ngoài cuộc. Lịch sử sẽ cho dần những câu trả lời. Nhưng làm sao có ai, có những lý do nào... mà có cho đủ được những câu trả lời cho chuyện bỏ chạy một cách nhanh chóng như vậy?
Ða số chúng tôi Khóa 21 Quân Y chỉ đến đơn vị được một, hai tháng thì cuộc đời nhà binh cũng chấm dứt.
Ðể sửa soạn dư luận cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 1976, Tướng Việt Cộng Văn Tiến Dũng đã bắt đầu Chiến Dịch Mùa Xuân năm 1975. Nhưng chính những người cầm đầu Ðảng Cộng Sản Việt Nam cũng không thể biết có kết quả nhanh và bất ngờ ngoài dự liệu như vậy.
Miền Nam Việt Nam sụp đổ dần như một căn nhà không có nền móng trong khoảng 55 ngày.
Ngày 10 Tháng Ba 1975, Bắc Quân bắt đầu tiến đánh Ban Mê Thuột.
Ban Mê Thuột mất ngày 17 Tháng Ba 1975.
Theo đó là Quảng Trị mất 20 Tháng Ba.
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh bỏ Huế 23 Tháng Ba.
Rồi Ðà Nẵng di tản ngày 29 Tháng Ba...
Bắc Việt tiến chiếm dễ dàng dần dần từ Bắc xuống Nam. Bắc Quân vào nhiều thành phố bỏ trống như chỗ không người. Tình hình thật là hỗn loạn. Những câu chuyện cười ra nước mắt được kể lại. Như là một thành phố ở miền Trung được di tản đến cả ba, bốn ngày sau một đơn vị quân đội nhỏ của Việt Nam Cộng Hòa quay lại cũng vẫn còn y nguyên vì Cộng Sản cũng không đến kịp vào để tiếp thu! Hoặc là có những thành phố được phát ngôn viên chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cho biết đã di tản nhưng sự thật dân quân vẫn còn nguyên tại chỗ! Hầu như tất cả mọi người đều không làm được gì cả.
Chúng tôi bất lực. Chúng tôi không làm được gì ngoài việc chỉ cố tránh né để mái nhà hay bức tường vỡ khỏi rơi vào người.
Ngày 20 Tháng Tư 1975, tiền đồn cuối cùng ở Xuân Lộc bị phá vỡ. Chuẩn Tướng Lê Minh Ðảo và Sư Ðoàn 18 phải rút quân. Sài Gòn hầu như rối loạn hoàn toàn. Nhìn trước ngó sau chỉ thấy nhiều người tìm cách đi khỏi nước Việt Nam hơn là tìm cách chống trả giữ Sài Gòn.
Sài Gòn coi như đã mất. Thành phố như là một thành phố đang chết! Chỉ còn vấn đề thời gian. Một thời gian ngắn thôi.
Những ngày cuối của tôi ở thành phố Sài Gòn là như vậy. Ngày ngày nghe được những tin tức những người nào đã đi, những người nào sắp đi.
Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu từ chức. Trong diễn văn gửi đến các nước ông Thiệu đã không hết lời trách móc “đồng minh” Hoa Kỳ. Trung Tướng Thiệu tuyên bố “...sẽ trở lại quân đội khoác áo nhà binh cùng các anh em chiến đấu...” Vài ngày sau thì được tin “người” đang ở Ðài Loan!
Thiếu Tướng Không Quân Nguyễn Cao Kỳ tuyên bố đại khái là: “...nhất định ở lại Việt Nam ăn cà, tương, mắm...vì qua Mỹ ăn phó mát và uống sữa tươi sẽ đau bụng!” Vài ngày sau “người” cũng bay mất!
Tân Tổng Tư Lệnh Quân Ðội Trung Tướng Vĩnh Lộc cho phát thanh một nhật lệnh đến toàn thể Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa hùng dũng kêu gọi “...mọi người hãy bỏ ý định chạy trốn như những đàn chuột nhắt...” Nhưng khi bài nói chuyện được phát thanh trên đài thì “người”đã ngồi ở trên một chiến hạm ngoài khơi trên đường ra ngoại quốc!
Mỗi ông “tuyên bố một câu xanh rờn.”
Toàn là những lời câu nói “để đời”!
Ðông phương đã dạy làm tướng thì phải biết cách tự xử khi mất thành. Tây phương cũng có viết làm thuyền trưởng khi tầu chim thì phải ở lại chìm theo tầu. Tôi không hy vọng những “người trên đây làm được như những Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Chuẩn Tướng Trần Văn Hai, Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ... là những vị tướng đáng kính phục tự xử khi mất nước. Nhưng phải chi những “người đó” cứ im lặng mà “đi” thì cũng chả có mấy ai cay đắng mỗi khi nghĩ đến chuyện những người ở lại hy sinh mạng sống hay nằm trong những trại cải tạo của Cộng Sản Việt Nam hằng bao năm trời.
Ngày 30 Tháng Tư năm 1975, Tân Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng.
Tôi may mắn thoát được lên chiến hạm Hải Quân Việt Nam HQ 1. Chỉ độ mười phút sau đó tầu rời bến Bạch Ðằng cùng cả những chiến hạm còn lại ở bến của Hạm đội Hải Quân Việt Nam sau khi binh sĩ Hải Quân chặt cầu vì không đủ chỗ cho hàng người đang đứng đợi lên tầu.
Thế là hết! Vĩnh biệt Sài Gòn! Vĩnh biệt Việt Nam!
Tầu Việt Nam đến Subic Bay ở Phi Luật Tân thì chúng tôi được chuyển ngay sang một tầu Hoa Kỳ rộng lớn hơn để đi đến đảo Guam.
Bước lên chiếc tầu Hoa Kỳ đầy người. Ðủ loại người. Dân sự có, quân sự có. Người nằm, kẻ đứng ngồi. Hỗn loạn. Tôi tìm đến một góc nhỏ để tránh né phiền phức - đây tôi thấy một người khá to lớn nằm trên một chiếc võng mắc vào những cái cột của tầu. Lại gần nhận ra đó là huynh trưởng Tô Phạm Liệu. Tôi không ngờ gặp nhau trong hoàn cảnh này.
Tôi buồn nhớ lại những ngày xưa người anh từ chiến trường về thăm trường Quân Y với binh phục nhảy dù oai hùng. Bây giờ Tô Phạm Liệu vẫn mặc binh phục nhảy dù Việt Nam, nhưng bẩn và nhầu nát. Anh Liệu không giống anh Liệu những ngày trước khi anh trở về từ những chiến thắng nữa. Tô Phạm Liệu nằm trên võng, anh vẫn tỉnh giấc nhưng mắt nhắm như để quên đi những hình ảnh nào đó. Anh Liệu hình như muốn ngủ triền miên. Nhưng làm sao mà ngủ được? Rồi sau đó Tô Phạm Liệu cũng mở mắt ra. Anh kể lại những lúc cuối cùng.
Tô Phạm Liệu nói rất ít. Tôi cũng chả nói nhiều. Ðau khổ đã làm tê liệt con người.
Nhưng thật ra còn có gì khác để đáng nói đến nữa đâu?
Anh em nhìn nhau thẫn thờ! Bàng hoàng! Sững sờ! Giọt lệ nào đó hình như vòng quanh khóe mắt làm mờ mắt của cả hai chúng tôi!
Ngày hôm sau tôi trở lại chỗ cũ không thấy anh đâu cả.Chiếc võng cũng biến mất. Tôi để ý tìm mà không gặp.Tô Phạm Liệu chắc cũng chả muốn gặp lại ai nữa. Tôi cũng không muốn tìm thấy người quen nào nữa.
Những ngày đầu tiên đến đất Mỹ là những lúc vật lộn với cuộc đời mới cũng như các bạn bè khác trong giới Y khoa để tìm đường trở về nghề cũ. Và cũng như đa số bạn bè y khoa tôi cuối cùng cũng trở lại nghiệp Y.
Thỉnh thoảng tôi cũng được nghe đến anh Tô Phạm Liệu. Tôi được biết anh đã quay lại hành nghề ở một nhà thương điên (state hospital) nào đó ở Kansas. Tôi được biết anh uống rượu nhiều, rất nhiều. Tôi muốn nhưng chả bao giờ có dịp liên lạc.
Năm 1989, tôi đi dự cuộc họp Hội Y Sĩ Quốc Tế Việt Nam Tự Do ở một khách sạn lớn ở Little Saigon, California. Ðang đi vớ vẩn trong khách sạn thì có tiếng gọi tên. Tôi nhìn ra thấy huynh trưởng Tô Phạm Liệu. Anh em gặp nhau mừng ứa nước mắt.
Anh dẫn tôi vào ngồi ở một quầy rượu. Anh uống rượu mạnh liên miên. Tô Phạm Liệu lần này nói chuyện nhiều hơn, nói khá nhiều. Có khi là người nói, có khi là “rượu nói.” Anh nhìn tôi và nói, và nhắc nhở đến Ðoàn Trung Bửu (Biệt Ðộng Quân, chết trên đường ra đơn vị 1975), Vũ Ðức Giang (Thủy Quân Lục Chiến, tự tử chết trong trại học tập 1976)... Ðó là những bạn cùng lớp Khóa 21 Quân Y của tôi, những đàn em của Ðại Ðội Tân Sinh Viên Quân Y 19 năm trước của anh, đã hy sinh trong những ngày vừa qua.
Anh Tô Phạm Liệu bây giờ ốm hơn trước. Anh Liệu cho biết là anh đang bị bệnh đái đường (diabetes mellitus). Nhưng anh vẫn uống rượu liên miên. Anh cho biết “có lẽ” đã bị chứng đau thần kinh vì đái đường (diabeticneuropathy). Tô Phạm Liệu bảo những cơn đau rất gần nhau và khá nặng. Nhưng anh vẫn không uống thuốc giảm đau. Tôi hiểu anh muốn có đau thể xác đó để cho mất cái đau tinh thần.
Tô Phạm Liệu nói là cảm thấy lẻ loi ở cái Ðại Hội Y Sĩ có nhiều những người “mặc quần mới áo đẹp” và”ăn to nói lớn,” thích “nhảy đầm” và “xếp hàng để lên hát”... Trong cơn say anh nói là phải chi trước kia mười mấy năm trước anh được “ở lại Charlie” với Trung Tá Nguyễn Ðình Bảo, với các bạn nhảy dù thì “sướng hơn nhiều.”
Tô Phạm Liệu chỉ thích uống rượu và “không muốn làm gì nữa cả.”
Tôi không uống được nhiều rượu nhưng cũng uống hai ba ly rượu để làm vừa lòng anh. Tôi chú ý nghe anh nói. Anh nói chuyện vẫn hay và hấp dẫn. Mười chín năm trước đó, khi anh đang huấn luyện tân sinh viên Quân Y, mỗi lần nghe anh nói chuyện tôi hầu như thấy anh nói đều có lý cả. Lúc này thì khác. Có nhiều chỗ tôi thấy anh nói đúng. Có nhiều lúc tôi nghĩ là anh nghĩ sai. Nhiều lúc là “rượu nói” chứ không phải anh nói nữa. Nhưng tôi hiểu Tô Phạm Liệu nhiều.
Giữa tiệc rượu của hai anh em, sau 15 năm mới gặp gỡ, Tô Phạm Liệu làm tôi ngạc nhiên khi nói là muốn đọc thơ cho tôi nghe. Anh nói là anh chả có thích thơ và cũng chả nhớ bài thơ nào nhưng chỉ thích và nhớ một đoạn trong bài thơ “Nhớ Rừng” của Thế Lữ:
“...Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ
Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa
Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn thét núi
Với khi thét khúc trường ca dữ dội
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng
Vờn bóng âm thầm lá gai cỏ sắc
Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc
Là khiến cho mọi vật đều im hơi
Ta biết ta chúa tể cả muôn loài
Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi
Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi dứng uống ánh trăng tan
Ðâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới...”

Tôi hiểu Tô Phạm Liệu nhiều hơn. Tôi vẫn kính trọng anh. Tôi vẫn thương mến anh như những ngày xưa, và cót hễ là hơn những ngày xưa nữa.
Nhưng vẫn có những điểm tôi không đồng ý với anh Liệu.
Lần gặp gỡ đó là lần sau cùng tôi gặp người anh lớn của khóa tân sinh viên sĩ quan Quân Y ngày nào của chúng tôi.
Sau này tôi được biết anh đã dọn về ở tiểu bang Lousiana và làm việc ở một nhà thương nào đó.
Và đến bây giờ huynh trưởng Tô Phạm Liệu đã vĩnh viễn ra đi.
Tờ cáo phó của tờ báo Người Việt trên tay tôi trở thành mờ nhạt:
“Vô cùng thương tiếc bạn chúng ta, Tô Phạm Liệu (1947-1997) Y Sĩ Tiểu Ðoàn 11 Nhảy Dù... đã không còn với chúng ta kể từ ngày 29 Tháng Chín năm 1997... Cầu Anh Linh bạn quên phiền hà, coi như trở lại Charlie...”
Tôi nhìn qua khung cửa sổ.
Xa xa trên bầu trời trong xanh, gần những đám mây trắng ở trên thật cao, hình như mờ ảo có một cánh dù nhỏ bé...
Anh trở lại tìm Nguyễn Ðình Bảo và những anh em nhảy dù khác, những đồng đội đã “ở lại Charlie.”
Tô Phạm Liệu: Người Trở Lại Charlie.
(Tháng Mười 1997, Santa Maria, California)

Monday, November 23, 2015

Nhật Trường Trần Thiện Thanh Thanh Âm bất diệt, vượt quá Sự Chết..

Nhật Trường Trần Thiện Thanh là người nghệ sĩ sống nổi trôi theo cùng với vận nước và cuộc chiến đấu bi tráng của Người Lính Việt Nam Cộng Hòa trong suốt cuộc chiến 1960-1975 nơi Miền Nam . Thế nên, dẫu thuộc về thế hệ trẻ tuổi lớn lên sau 1975, không kinh nghiệm, liên hệ với cuộc chiến vừa qua. Theo diễn tiến thứ tự thời gian, qua các nhạc phẩm thì chúng ta gần như có đủ một bức tranh tổng thể cho cả miền Nam, lịch sử chiến đấu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa từ 1954 đến ngày tàn cuộc 30 tháng 4 năm 1975.
Nhật Trường –Trần Thiện Thanh đã viết về người lính với những dòng nhạc ngợi ca, lời thơ trữ tình, biểu hiện những ước mơ nhân bản. Những nhóm từ ngữ: “Anh không chết đâu anh.. Nhớ anh trời làm giông bão.. Người yêu của lính.. Từ khi anh thôi học, từ khi anh khoác áo trellis..” đã trở thành ngôn ngữ quen thuộc của người Miền Nam trong đối thoại, tiếp xúc khi nói về những sinh hoạt, cảnh sống thực tế. Phá Tam Giang vùng Quảng Trị-Thừa Thiên được biết ra, nói tới nhiều hơn không phải chỉ qua những lời thơ (đã trở thành quen thuộc như ca dao)… “Yêu em anh cũng muốn vô. Sợ truông nhà Hồ. Sợ Phá Tam Giang..” nhưng đã được hiện đại hóa, thông tục hóa bởi Chiều Trên Phá Tam Giang – Nhạc phẩm Trần Thiện Thanh phổ thơ Tô Thùy Yên trải dài khắp Miền Nam qua tiếng hát Nhật Trường. Và lẽ tất nhiên, những giòng nhạc này đã bị cắt đứt bởi những người đã đoạt chiếm miền Nam. Nhưng nay, ba-mươi-bẩy năm hơn sau ngày 30 tháng Tư, 1975 cuộc tập họp đông đảo của hàng ngàn khán thính giả là một thực chứng: Người Nghệ Sĩ luôn sống mải trong chúng ta. Nhật Trường Trần Thiện Thanh quả thật đã… “Không Chết Đâu Anh” như dòng nhạc bất tận về “Người Anh Hùng Mũ Đỏ tên Đương” mà anh đã một lần tha thiết dựng nên.
Nhật Trường-Trần Thiện Thanh đã xây dựng những ca khúc, hát nên tiếng lời ca ngợi Người Lính với một tấm lòng – Tấm Lòng của Bằng Hữu. Bởi Tình Chiến Hữu. Điều đáng nói trước tiên là anh đã thực hiện công việc cao quý kia không phải do yêu cầu từ những cơ quan tâm lý chiến trong hay ngoài quân đội, do một nghiệp vụ thông tin, tuyên truyền, nhưng bởi thôi thúc của Bổn Phận – Bổn Phận được xác định như một Nhiệm Vụ Tự Nguyện – Nhiệm vụ của một Người Lính đối với Chiến Hữu còn sống hay đã chết. Và qua nhiệm vụ tự nguyện nầy, bằng tài năng kỹ thuật điêu luyện, cao độ (thật ra chỉ là mặt hiện thực từ, của “ý thức tình nguyện tận hiến” làm nền tảng), Trần Thiện Thanh đã viết nên, kể lại câu chuyện vô vàn về đời sống, lần yêu mến thiết tha, khi chia ly cuộc tình, buổi gục chết bi thảm.. của những đơn vị con người trong muôn một nơi Miền Nam – Những nhân vật ở đời sống bình thường (của mỗi chúng ta) nhưng đã phải kinh qua những tình huống, điều kiện sống vô vàn nguy biến suốt một cuộc chiến cực độ khắc nghiệt – Người Lính Miền Nam – Nhân vật hằng bị xuyên tạc, mạ lỵ bởi một kẻ thù thâm độc, cũng như từ tập đoàn “người bạn đồng minh” quá đỗi thực tế đến độ nhẫn tâm.
Chúng ta có thể kết luận mà không sợ sai lầm, nếu không có con đê vững chắc bảo vệ dậy nên từ giòng nhạc, tiếng hát của những Chiến Sĩ Văn Hóa-Văn Nghệ nhiệt tâm như Nhật Trường-Trần Thiện Thanh thì ắt hẳn ngày nay chúng ta (cùng những thế hệ Người Việt trẻ tuổi ở hải ngoại cũng như trong nước) đã là những đối tượng bị tác động một cách dễ dàng thuần thục do chính sách vận động, tuyên truyền phát xuất từ nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội.
Nhật Trường Trần Thiện Thanh đã sống đủ cơn cào xé đau thương chung của Miền Nam ngay từ ngày 30 tháng 4, 1975, và cùng cả nước sau ngày uất hận kia với tâm chất trung hậu mẫn cảm của người Người Nghệ Sĩ – Lần lăng nhục dài lâu chỉ chấm dứt vào năm 1993 – Khi anh ra khỏi nước trở lại cùng chúng ta và thế giới âm nhạc đã bị người Cộng Sản thô bạo đóng chặt từ 1975 ở Việt Nam.
Đồi 31 ở mặt trận Hạ Lào, tháng Hai, 1975.. Đại quân Miền Nam gồm: Sư Đoàn Nhẩy Dù, Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, Sư Đoàn I Bộ Binh, Lữ Đoàn I Thiết Kỵ, và Liên Đoàn I Biệt Động Quân cùng vượt biên giới Lào-Việt tiến đánh vùng hậu cần Tchépone của cộng sản Bắc Việt trên đất Lào. Lữ Đoàn 3 Dù gồm các Tiểu Đoàn 2, 3, và 8 giữ mặt Bắc của trục tiến quân. Vị trí Đồi 31 của Tiểu Đoàn 3 Dù được Pháo Đội B3 Pháo Binh Dù do Đại Úy Nguyễn Văn Đương chỉ huy yểm trợ. Vòng đai cực Bắc của Biệt Động Quân bị tấn công trước; tiếp vị trí Đồi 30 của Tiểu Đoàn 2 Dù bị công phá.. Cuối cùng, chỉ còn lại Căn Cứ Đồi 31 giữa vòng vây của một sư đoàn Bắc Việt (tỷ lệ 1 chống 15). Ngày 25/2, Đồi 31 bị tràn ngập, Đại Tá Nguyễn Văn Thọ và toàn ban tham mưu lữ đoàn đồng bị bắt, căn cứ chỉ còn khẩu pháo cuối cùng, Đại Úy Đương hạ ngang nòng bắn thẳng vào toán quân cộng sản theo xe tăng T54 ào lên đồi chiếm mục tiêu, và ông gục ngã với khẩu pháo cuối cùng bị phá hủy. Trần Thiện Thanh dựng nên chân dung bi tráng hùng vĩ của Người Lính… “Anh không chết đâu anh.. Tôi vẫn thấy đêm đêm một bóng dù sáng trên đồi máu. Nghe trong đêm kêu gào từng tiếng súng pháo đến mau. Và tiếng súng.. Tiếng súng hay nhạc chiêu hồn đưa anh đi mau.. Đi mau!! Anh không chết đâu em.. Anh chỉ vừa bỏ cuộc đêm qua.. Trong những tiếng reo hò kia kia.. Lẻ loi tiếng súng anh nhiệm mầu.. Ôi tiếng súng sau cùng đó.. Anh còn nghe tầm đạn đi không anh…” .
Ngôn ngữ, cấu nhạc bi hùng của khúc hát đã thăng hoa về lần quyết tử lẫm liệt của Đại Úy Nguyễn Văn Đương, và những chiến binh, pháo thủ của Lữ Đoàn 3, Tiểu Đoàn 3 Dù, pháo đội B3 nơi Đồi 31; cũng như toàn thể những người lính của các đơn vị, Bộ Binh, Biệt Động Quân, TQLC, Thiết Giáp, Pháo Binh đã gục ngã nơi chiến điạ Hạ Lào… Không có tinh thần hiệp sĩ hiến thân của Người Lính không thể viết nên tiếng lời cực độ cảm khích nầy. Không có tấm lòng từ nhân xót đau của Người Nghệ Sĩ không thể cấu tạo nên giòng nhạc bi tráng thắm thiết như trên…
Quê hương nồng nàn âm sóng biển, mùi muối mặn ấy đã nuôi lớn, phát triển nên tâm chất sung mãn, nhân ái của người nghệ sĩ, nên sau nầy dẫu khi xa khuất, trên đường hành quân, nơi những vùng đất khổ quê hương.. Giọt mồ hôi khô trên môi vẫn âm vang mùi muối thơ ấu ngày xưa, và trước mắt thoáng hiện vô hồi.. “Vùng hoang vu bóng dừa bờ cát dài. Gió lên từng chiều vàng.. “ Người nghệ sĩ đã mang quê hương theo cuộc lữ của mình…
Khoảng giữa thập niên 1960, Nhật Trường-Trần Thiện Thanh từ giã học đường để trở thành người lính, rồi cũng từ đó Nhạc Lính của ông ra đời. Với những bài ca gần gũi, phản ảnh tâm trạng của người trẻ tuổi vừa xa cuộc sống bình yên, nhưng vẫn còn nguyên tính thơ mộng nhân bản của tuổi mới lớn.. Nhưng những người lính trẻ đầy tính thơ mộng trong Tình Thư Của Lính dần tiếp cận chiến tranh… và họ chạm dần đến biên giới cuối cùng của Sự Chết vào một thời điểm không thể nào quên. Chiến trận Mậu Thân, Tết 1968 đỗ xuống toàn Miền Nam với những cái chết được xem như tai ương không bề tránh thoát.. Từ lần chết bi thảm oan khốc của ngàn người dân vô tội bị chôn sống nơi Trường Gia Hội, Bãi Dâu, Khe Đá Mài, Núi Ngũ Tây ở Huế.. đến cái chết bất ngờ giữa đêm Giao Thừa khi đang thắp hương, cúi lạy trước bàn thờ nơi Hàng Xanh, trong Chợ Lớn, ở Xóm Mới, Gò Vấp.. Thế nên, đến khi bài hát Rừng Lá Thấp của Trần Thiện Thanh vang lên, người dân thấm hiểu nên điều cao quý: Hóa ra họ đã sống sót được từ máu xương Người Lính. Miền Nam đã tồn tại, vượt qua trận lửa là do lần hy sinh không hề được xưng tụng từ ngàn vạn người lính vô danh – Những Người Lính chết khắp nơi suốt Miền Nam, mà nay, vừa nằm xuống không đâu xa, nơi chân Cầu Bình Lợi, trong đám lá lục bình sùi sụt bùn hôi, ở cửa ngỏ Sài Gòn đường đi Thủ Đức, Lái Thiêu… “Sao không hát cho người đánh giặc trên cầu.. Khi bùn lầy còn pha sác áo xanh. Trong khói súng xây thành, mắt quầng thâm mất ngủ.. Sao không hát cho những bà mẹ từng đêm ngóng con xa.. Hay hát cho những người vừa gục xuống chiều qua”?
Trần Thiện Thanh không chỉ viết lời ai điếu bi tráng riêng cho Đại Úy Vũ Mạnh Hùng của Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến – Đơn vị đã chận địch tại Hàng Xanh, Cây Thị, Cầu Sơn, Cầu Bình Lợi qua Rừng Lá Thấp, mà sau đó đã dựng lại phút giây khốc liệt của Phước Thịnh, Đại Úy Trần Duy Phước, Tiểu Đoàn 9 Nhẩy Dù nơi chiến địa Tây Ninh trong Giấc Ngủ Trên Đồi Xanh. Anh cũng đã cùng Đại Úy Phi Công Trần Thế Vinh bay lên cao vào nơi bất tận trong Bay Lên Cao Đi Anh.. qua cái chết bão lửa khi con tàu lao xuống bắn cháy chiếc xe tăng cộng sản thứ 21 nơi chiến trường Trị-Thiên tháng Tư, 1972. Trần Thiện Thanh cũng sống đủ với người chết xác liệm ba lần, Đại Úy Thiết Giáp Nguyễn Ngọc Bích nơi chiến trường La Vang, Quảng Trị trong nhưng ngày Hè đỏ lửa quê hương.. Những người tuổi trẻ không trở lại với cuộc đời sau lần đi khuất lẫm liệt.
Trên Đỉnh Mùa Đông là một ca khúc hợp soạn giữa Trần Thiện Thanh cùng người em ruột của ông, Thiếu Úy Trần Thiện Thanh Toàn, một sĩ quan trong QLVNCH, mà tựa đề đã được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh xử dụng trong vở nhạc kịch cùng tên. Tác phẩm nầy đã làm tuôn chảy bao nước mắt cảm xúc từ khối đông khán giả mà vai nữ chính trong vở nhạc truyện Trên Đỉnh Mùa Đông luôn được giao cho nữ ca sĩ kiêm tài tử điện ảnh Thanh Lan được đánh giá là nghệ sĩ diễn xuất sống động thích đáng nhất bên cạnh Nhật Trường – Do từ mối đồng cảm thâm sâu giữa nghệ sĩ trình diễn và nghệ sĩ sáng tác – Giải thích hiện tượng nầy không khó đối với trường hợp của Nhật Trường-Trần Thiện Thanh, bởi như chúng ta hằng nhận ra: Chỉ do từ Phẩm Chất Nghệ Sĩ – Những Nghệ Sĩ Thật Sự tài năng luôn tạo nên mối đồng cảm chân tình giữa họ và khối đông gồm: Những người trình diễn – Những khán thính giả.
Nam Lộc kể tiếp câu chuyện bi thảm có thật (như muôn vàn câu chuyện tan vỡ, chia ly, tử biệt trong chiến tranh, nơi Miền Nam): Thiếu Úy Phạm Thái gặp gỡ Mộng Thường trên chuyến bay Air VN sau khi mãn khóa sĩ quan Đà Lạt về Sàigòn trình diện Bộ Chỉ Huy BĐQ, trước khi lên đường tác chiến. Tình yêu nảy nở dần theo thời gian giữa hai người tuổi trẻ.. Liên Đoàn BĐQ của Phạm Thái trách nhiệm gánh nặng chiến đấu tại mặt trận An Lộc ngay từ giờ mở đầu chiến trận, những ngày tháng 4 năm 1972. Phạm Thái bị thương và ghi nhận là mất tích. Tin người yêu tử trận về đến Sài Gòn khiến Mộng Thường bàng hoàng đau đớn tột độ. Nhưng bỗng có một ngày Phạm Thái lại rạng rỡ trở về tìm đến với người yêu trong hình hài toàn vẹn. Anh đã được một Bà Xơ cứu thoát và dấu trong nhà thờ cho đến khi bình phục. Phạm Thái trở lại An Lộc, được vinh thăng Trung Úy, anh viết thư báo tin người yêu, Mộng Thường đi xe đò lên dự buổi lễ gắn lon, nhưng định mệnh nghiệt ngã, chiếc xe đò trúng mìn cộng sản tan nát thành mảnh vụn. Mộng Thường vĩnh viễn ra đi về thế giới bên kia, bỏ lại nỗi đau đớn tận cùng của người yêu, chàng sĩ quan trẻ mang tên Phạm Thái. Nhạc phẩm Tình Thiên Thu, Nguyễn Thị Mộng Thường được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh viết nên để tiếc thương hình bóng Mộng Thường cùng mối tình đã chết theo cuộc ly biệt đau thương trong thời chiến.
So sánh với những người viết nhạc cùng thời về Chủ Đề Lính, thì có lẽ ít ai để ý đến nhiều khía cạnh trong cuộc đời và thân phận người lính bằng Trần Thiện Thanh, và đó cũng là lý do để những bài nhạc của anh đã làm cho cả một hậu phương đang thờ ơ bỗng trở nên biết yêu thương, kính phục người lính; thúc dục người lính hãnh diện hơn đối với cuộc sống quân ngũ của bản thân và đồng đội. Anh được mệnh danh là “Nhạc Sĩ của Lính” bởi ảnh hình người mặc quân phục, nét sắc, sinh hoạt của người lính tràn ngập hầu như toàn diện trên các nhạc phẩm.. Trần Thiện Thanh viết về đủ các quân binh chủng.. Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, Bộ Binh, Không Quân, Hải Quân.. Mỗi bài đều mang những nét đặc sắc của những người lính trong đơn vị binh chủng ấy, như bài Hoa Biển, đã trở thành bài hát thuộc lòng của những người thủy thủ.. Hai bài hát viết vào thời Tết Mậu Thân 1968 là bài Bà Tư Bán Hàng chuyện của một bà mẹ tự hào có những người con đi lính trận, và một bài khác là bài Chị Ba Hàng Xanh, chuyện một người đàn bà bình thường nhưng đã dũng cảm cầm dao chống lại những kẻ có vũ khí khi toán bộ đội cộng sản tràn vào khu xóm trong giờ phút Giao Thừa thiêng liêng cổ tuyền dân tộc. Hình như ít ai biết được Trần Thiện Thanh là tác giả bản Sư Đoàn 1 Bộ Binh Hành Khúc – Khúc quân hành nung lòng chiến đấu của đội ngũ chiến binh kiệt liệt của Quân Lực Miền Nam – Đơn vị bộ binh chận giặc nơi vùng địa đầu đất nước qua lằn ranh Khu Phi Quân Sự nam Sông Bến Hải.
Mùa hè 1966, rừng núi Tây Nguyên, thủ phủ Pleiku bày tràn cảnh tượng chiến tranh.. Đại pháo ngày đêm ầm vang xé núi, dội rung thành phố, và khoảng không gian luôn bị chia cắt bởi những đoàn phi cơ với đôi cánh sắt màu xám bạc vùn vụt xé ngang bầu trời, để lại những âm động rì rầm đe dọa… Thị xã Pleiku trở nên là một ”Thành Phố Lính” điển hình với những người lính đội nón sắt, lưng đeo giây đạn mệt nhọc di chuyển khắp nơi; xe nhà binh, chiến xa chạy ngang dọc bốc bụi mù đỏ chạch, hay kéo lầy bùn ố bẩn vào con đường phố chính.. Trong khung cảnh chiến tranh đè nặng xuống vùng thủ phủ Tây Nguyên, Trần Thiện Thanh đã mô tả, sống cùng chiến tranh – người lính qua nhãn giới rộn rã của tình yêu bất diệt luôn hiện diện với con người.. Điển hình thời điểm sáng tác nầy, 1965-1966 chúng ta có thể kể ra ca khúc Tuyết Trắng để làm dấu mốc khởi sự.
Nếu ngày trước, qua Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn được diễn ngâm bởi Đoàn Thị Điểm, chúng ta có hình tượng người đi chinh chiến: Áo chàng đỏ tựa ráng pha. Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in. Chàng từ đi vào nơi gió cát. Đêm trăng nầy nghỉ mắt phương nao.. Thì nay, qua Tuyết Trắng, Trần Thiện Thanh đã mô tả nên một hoạt cảnh hào hùng nhưng không kém phần lãng mạng, thơ mộng của Việt Nam thời binh loạn. “Phi đạo chạy dài anh cất cánh bay lên.. Ngã nghiêng cánh bay, con tàu khép lại một vùng tuyết trắng ngần…”. Từ trên cao, giữa tầng mây lớp lớp, Người Nghệ Sĩ hiện sống giữa bầu trời, trên mặt đất quê hương, để từ đấy viết nên lời ngợi ca hồn hậu rất hiện thực mà cũng tràn đầy nhân tính.. (qua lần thay lời cho người phi công đang lái con tàu trong một một phi vụ tác chiến..) để nói về nỗi thương nhớ đối với một người yêu khi con tàu lao vào giữa vùng mây bảo. “Khi nắng chiều buông, không gian chợt tối.. Xóa nhòa vùng tuyết trắng mênh mông…” – Mà thật sự cũng là một bẫy chết có thể xẩy ra bất cứ lúc nào – Bởi đạn phòng không của bộ đội cộng sản (những đơn vị nặng chính quy Miền Bắc) rất dễ dàng bắn hạ chiếc phi cơ quan sát mỏng manh mà người bạn phi công đã bất chấp luật lệ an phi chấp thuận cho Nhật Trường tháp tùng
Chúng ta cũng cảm nhận được “sức mạnh nhân bản” của ca khúc (dẫu chẵng phải là một tuyệt tác hàng đầu nghệ thuật), nhưng đã tồn tại trên bốn-mươi năm, và chắc chắn ngôn ngữ, thanh âm, thuần hậu của Trần Thiện Thanh… “Mây dâng thật thấp, mây vương lụa trắng… mây pha mầu nắng…” sẽ tiếp tục tồn tại như khối tuyết vân tinh khiết, vĩnh cữu có khả năng xóa mờ những “chân mây đỏ máu in hình nòng súng cao xạ vươn lên trên trời cao!!”.. Loại hình tượng tràn đầy “ác tính” trong những bài hát của những người cầm quyền cộng sản ở Hà Nội luôn “giáo dục và huấn luyện” những người gọi là “nghệ sĩ nhân dân” phải cố công viết nên thành.
Theo nhận định của Việt Dzũng, trong những ca khúc phổ thơ của những tác giả Nhất Tuấn, Kim Tuấn, Du Tử Lê.. nơi Miền Nam , thì nhạc phẩm của Trần Thiện Thanh phổ thơ của thi sĩ Tô Thùy Yên từ bài thơ bi thiết sâu lắng Chiều Trên Phá Tam Giang là một trong những ca khúc phổ thơ có giá trị nhất. Đặc biệt với kỹ thuật song tấu ở phần nhạc mở đầu bài hát. “Nhớ ôi là nhớ… ôi là nhớ đến bất tận…”. Nhưng bài hát không chỉ có giá trị là thế, nó còn mở ra cho người nghe những ấn tượng, biểu hiện mà Phá Tam Giang đã tạo dựng nên trong lịch sử, văn học.. Và hơn thế nữa, bài hát nhắc nhở cho chúng ta, khán giả hôm nay nơi hải ngoại về một ngày trọng đại của quê hương.. Mùa Hè 1972 thế trận giữ nước Miền Nam bước vào một giai đoạn quyết định với những chiến thắng lẫm liệt khắp ba vùng: Kontum được giữ vững; An Lộc được giải tỏa, và nơi vùng Hỏa Tuyến, Chiến Dịch Lôi Phong đang khai diễn với hai mũi tiến công thần tốc cùng tiến về thị Xã Quảng Trị do hai đại đơn vị kiệt liệt nhất của quân lực cộng hòa đảm nhiệm: Sư Đoàn Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến. Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị tổ chức những cuộc “Đi và Sống với Chiến Trường”có sự tham dự của những văn nghệ sĩ tên tuổi của Sài Gòn.. Một buổi chiều Tháng 6, 1972 một chiếc trực thăng xuất phát từ Đà Nẵng bay lên căn cứ Hương Điền của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến sau đó theo Phá Tam Giang bay dọc ra hướng Bắc hướng Cổ Thành Quảng Trị. Một trong ba hành khách trên trực thăng – Tô Thùy Yên sau khi về lại Sài Gòn đã viết nên những lời thơ tinh tế cô sắc.. Chiếc trực thăng bay là trên mặt nước. Như cơn mộng nhanh. Phá Tam Giang, phá Tam Giang, Bờ bãi hỗn mang, dòng bát ngát.. Ngó xuống cảm thương người lỡ bước, Trời nước mông mênh, thân nhỏ nhoi.. Nhìn xuống cảnh vật tàn tạ. Nhìn thấy con người tan tác.. Người thi sĩ thấm hiểu ra cốt lõi bi thảm phi lý của chiến tranh: Ví dầu người bắn rụng ta.. Như tiếng thét. Xé hư không bặt im.. Chuyện cũng thành vô ích. Ví dầu ngươi gục. Vì bom đạn bất dung.. Nào có chi đáng kể! Chuyển qua Phần thứ Hai, bài thơ mô tả nỗi buồn thảm của phận người, và sự bất lực của tình yêu dẫu là mối tình thắm thiết chân thật.. Và Trần Thiện Thanh đã gắn thêm âm sắc kỳ ảo của cấu nhạc vào nỗi buồn bã của Chiều Trên Phá Tam Giang… “Anh chợt nhớ em.. Nhớ ôi niềm nhớ ôi niềm nhớ… Giờ nầy thành phố chợt bùng lên. Em giòng lệ vẫn rát chảy tuôn. Nghĩ đến một điều anh không rõ.. Nghĩ đến một điều em sợ không dám nghĩ.. Hãy nghĩ tới anh.. Hãy nghĩ tới anh. Đến một người đi giữa chiến tranh…”. Quả thật, từ tình yêu “mộng mơ” trong Tình Thư Của Lính đầu thập niên 60 đến tình yêu của người lính đang đối mặt với cái chết giữa chiều nắng vàng hoang sơ trên Phá Tam Giang ngày Hè 1972 đã có một bước rất lớn – Bước của tận Khổ Đau. Cũng là bước của thật Yêu Thương. Nhật Trường hiện thực bước nhảy vọt kỳ diệu nầy trong âm nhạc thắm thiết Trần Thiện Thanh.
Cũng vào thời điểm Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù đã đánh một trận khốc liệt, cũng lẫy lừng nhất trong quân sử VNCH, tuy nhiên đơn vị thiện chiến mệnh danh là Song Kiếm Trấn Ải này đã bị thương vong hơn bốn trăm chiến binh, cùng để lại nơi đồi Charlie xác thân người anh cả của tiểu đoàn: Cố Đại Tá Nguyễn Đình Bảo.
Nhân lần gặp gở với cá nhân tôi, Phan Nhật Nam (người viết bút ký Mùa Hè Đỏ Lửa) vào một buổi cuối năm 1972 tại Sài Gòn. Trần Thiện Thanh có nhận xét: “Ông (PNN) viết đọc nghe ghê quá – Đoạn viết trên “Đại Lộ Kinh Hoàng” ở Quảng Trị.. Viết về tiếng lửa lép bép thịt da người nung chín!!”. Tôi thành thật trả lời: “Sợ viết như thế cũng chưa đủ. Còn nhiều điều ghê gớm, đau thương hơn nữa..” Khi trở lại quán nhạc Tiếng Hát Đôi Mươi (góc đường Lê Lợi-Công Lý), Trần Thiện Thanh ngõ ý muốn viết một ca khúc căn cứ trên những nội dung Mùa Hè Đỏ Lửa. Tôi ngần ngại.. “Sách tôi viết theo lối phóng sự chứ đâu phải thơ để phổ nhạc.. Lại toàn chuyện súng đạn, chết chóc.. Tuy nhiên nếu muốn thì ông lấy thử đoạn nói về Anh Bảo, chương “Người Ở Lại Charlie”. Và ca khúc đã thành hình với tiếng lời vang dội núi sông, thăm thẳm trong lòng người hơn ba-mươi năm qua, hiện vẫn còn tác động mạnh mẽ người nghe (trong cũng như ngoài nước).
Bi kịch không riêng đối với những người lính Tiểu Đoàn 11 Dù, qua lần đi khuất của Cố Đại Tá Nguyễn Đình Bảo – Nhưng cũng là bi kịch của mỗi thân phận Người Miền Nam hiện thực qua hy sinh xả kỷ của Người Lính, sự chịu đựng âm thầm của Người Vợ-Đứa Con Người Lính. Và hôm nay ba-mươi-bẩy năm sau ngày mất quê hương, Nỗi Đau kia hằng mới vì Nỗi Đau Luôn Là Nỗi Đau Chung, cùng với những dấu tích kỳ diệu miên viễn của Tình Yêu trong đời sống trần thế giới hạn của nhân sinh.
Chúng tôi xin dùng lời nhận xét của chính mình, cá nhân Phan Nhật Nam, người khách đã đến theo lời mời của ban tổ chức chương trình để kết luận mà không sợ mang tiếng đã nhận định quá độ về Người và Việc đối với một buổi sinh hoạt ca nhạc: “..Nếu không có Nhật Trường-Trần Thiện Thanh thì ai trong chúng ta biết đến một người gục chết nơi Rừng Lá Thấp ở chân Cầu Bình Lợi vào ngày đầu xuân năm 1968 tên gọi Đại Úy Vũ Mạnh Hùng thuộc Tiểu Đoàn 3 Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến?! Nhưng dẫu sao người chết trẻ ấy còn cho rõ một tính danh, một cấp bậc, về một đơn vị, nơi một địa điểm không xa đường phố trung tâm Sài Gòn.. Vào cùng lúc suốt cuộc chiến dằng dặt mười–lăm năm, hằng này, hằng giờ tại mỗi hẻm núi, sâu rừng thẳm, trên mỗi thước bùn lầy, kinh rạch nơi Miền Nam, hằng trăm, hằng ngàn con người – Những người còn rất trẻ ngã xuống không tiếng lời trăn trối, không hồi kèn truy điệu, tiễn biệt với lượng máu tự thân thấm xuống mạch đất quê hương nhỏ giọt, im lìm.. Không có Nhật Trường. Không có Trần Thiện Thanh nào ai biết Charlie, Delta.. là ở những nơi nào.. Vì thật sự đấy chỉ là những cứ điểm quân sự nhỏ nhoi, vô danh tính bên sông Pô Kơ, cạnh Đường 14, lối lên Dakto, Daksut xa xôi. Nhật Trường – Trần Thiện Thanh đã đưa những nơi chốn heo hút, nguy biến kia vào trí nhớ người Miền Nam luôn nhớ nước, cũng đồng thời nhắc nhở cho mỗi chúng ta biết rằng, khi đang sống yên lành ở Sài Gòn, Nha Trang, Đà Lạt, Cần Thơ là lúc được bảo vệ bởi muôn vạn người lính vô danh – Những Người Quyết Tử cho Tổ Quốc Quyết Sinh – Hành vi hiến tế cao cả không hề tuyên công mãi sau 30 tháng Tư, 1975, người Miền Nam (của tất cả Việt Nam) khi bước chân xuống thuyền vượt biên mới nhận ra: Họ đã không còn Người Lính Bảo Vệ – Bởi Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã bị bức tử cùng lần sụp vỡ Miền Nam.
Và cuối cùng, khi lao mình vào sóng lớn biển khơi với con tàu mỏng manh nhỏ bé, tất cả những người vượt biển, hoặc xuyên rừng rậm vượt biên trong suốt một thập niên 70-80 chắc hẳn không vì những nguồn lợi vật chất nơi nước Mỹ, Canada, Australia thúc dục.. Khối người cao thượng đó – Chính là mỗi chúng ta đã hiện thực một chọn lựa linh thiêng không hề nói ra lời – Hoặc Chết hoặc được sống Tự Do. Tương tự như thế, sự có mặt của mỗi khán giả hôm nay trong buổi sinh hoạt mang chủ đề Anh Không Chết Đâu Anh bao gồm một giá trị thầm kín vĩnh cửu – Mỗi Người Việt thật mang sẵn một sứ mạng cao quý: Họ chính là nhân tố, là nguồn sức mạnh thực hiện cuộc chiến đấu cho Tự Do – Một cuộc chiến chưa hề kết thúc. Không bao giờ chấm dứt. Cao hơn cái chết. Vượt quá cái chết.
Phan Nhật Nam

Friday, November 20, 2015

ĐƯỜNG CHIM HẠ LÀO (Sa Giang Nguyễn Văn Đức – PĐ116)

Phi trường La Vang – Quảng Trị 1967

     Vào một buổi sáng, Sài gòn còn chìm trong màn sương mai mỏng, chúng tôi, tất cả gồm 10 người, thuộc SĐ IV và SĐ III KQ tề tựu đông đủ trước phòng Đặc Trách Quan Sát BTLKQ, và được Thiếu Tá Trưởng Phòng hướng dẫn ra bãi đậu Phi Cơ, chiếc DC4 ngoan ngoãn chờ đợi chúng tôi ở đó.
Hoa Tiêu lên mở máy, taxi, rồi cất cánh trực chỉ Nha Trang…. Đáp Nha Trang hồi 8 giờ sáng, nửa tiếng sau cất cánh lại, vượt mây mưa và hàng trăm cây số núi rừng lên Pleiku, để nhận thêm mấy Sĩ Quan Liên Lạc KQ, rồi mới bay thẳng ra Đông Hà.
Trên lộ trình cuối cùng này, trần mây thấp và dày đặc, Phi cơ tránh mây, đã phải bay lên cao, lên cao mãi… Tôi đoán chừng cao độ khoảng 15 ngàn bộ! Không khí buốt lạnh, làm chúng tôi ngồi co ro trong những chiếc áo Blouzon và phải hút thuốc lá liên miên. Sau gần một tiếng đồng hồ trôi theo mây gió đường xa, Phi cơ chao nghiêng, chúng tôi nhìn thấy thành phố Quảng Trị hiện ra mờ xa dưới cánh, một phố thị mà riêng tôi đã non mười năm bỏ xa biền biệt…
Bây giờ, thì mỗi người thả hồn trôi theo những suy tưởng, những băn khoăn, và niềm lo lắng về sứ mạng sắp phải thi hành, trên Chiến trường khốc liệt, mà chúng tôi ai nấy đã biết ít nhiều qua báo chí, và đài phát thanh.
Phi trường Ái Tử, hiện ra lờ mờ dưới lớp mây mù, in một vệt đen dài trong màn mưa mỏng, con tàu xà thấp cánh gió, đáp nhẹ và quay đậu, đổ chúng tôi xuống sân đậu.
Cơn mưa buồn và nhẹ hất vào mặt chúng tôi, giữa chốn mênh mông của phi trường.
Chúng tôi đứng co ro khúm múm, trong cái lạnh buốt giá của mùa mưa xứ này. Sau 15 phút thấp thỏm chờ đợi, thì một chiếc xe Dodge cũ kỹ chạy lại gần, mười mấy khuôn mặt KQ từ trên xe nhảy xuống, chào hỏi qua loa, rồi vội vã phóng lên phi cơ, như trút bỏ tất cả khó nhọc lại cho trận chiến! Cho chúng tôi! Những ngày tháng rét lạnh, hiểm nguy và vất vả, nhọc nhằn….
Họ là những người hết hạn biệt phái và chúng tôi là lớp người tiếp nối nhiệm vụ của họ…
Chúng tôi lên xe về căn cứ, bảy cây số ngàn đuờng xe, với khung cảnh nhuộm đầy sắc thái Chiến Tranh, âm thanh hỗn loạn của phi cơ, trọng pháo, xe tăng, vận tải, chuyển quân rầm rộ…
Không khí mổi lúc mỗi ngồm ngộp, tạo nên bao nỗi giao động trong tâm hồn mọi người, cơn mưa như tấm màn lưới nhện, đan nhẹ vào không gian giá rét và không khí lạnh lẽo bao trùm rộng lớn.
Chúng tôi đến Biệt Đội VO10, một biệt đội thuộc biệt đoàn Tiền Phương, do Thiếu tá Mạnh làm Biệt Đội Trưởng,
Biệt Đội này gồm các loại máy bay như: HU1, H34, OV2, OV10 với nhiệm vụ Đổ Bộ, Tải Thương, Yểm Trợ Hỏa Lực.
Chúng tôi ở chung với anh em PĐ 110, và PĐ 114, cùng các Sĩ Quan Không Trợ, bay OV2 hướng dẫn C47 và C119 yểm trợ hỏa lực ban đêm.
Căn nhà chúng tôi tá túc, chỉ là một kho chứa vật liệu cũ của Hoa Kỳ, vừa chật chội lại vừa thiếu thốn tiện nghi,
Buổi sáng, buổi trra chúng tôi dùng bữa ở Mess hall của Bộ Binh Hoa Kỳ, buổi chiều về nhận Briefing và đi bay, mỗi ngày chúng tôi có khoảng 24 Phi Vụ.
Chúng tôi bay phối hợp với Đồng Minh Hoa Kỳ, trên loại máy bay OV10.
Đây là loại phi cơ vừa có thể bay bằng hệ thống phản lực, vừa có thể bay bằng hệ thống cánh quạt.Trang bị 8 nòng Minigun và 14 Rockets, hoặc loại 4 nòng Minigun và 28 Rockets. Cũng có thể trang bị Minigun và 02 trái bom 250 lbs, tùy theo tình hình của chiến trường.
Biệt đội có chừng 20 chiếc OV10, Hoa Tiêu Mỹ biệt phái từ Thái Lan qua.
Chúng tôi bay mỗi ngày 02 Phi vụ, mỗi Phi vụ từ 4 đến 5 tiếng đồng hồ.
Phần nhiều cất cánh dưới trời mưa, và lên đến 9, 10 ngàn bộ mới lấy hướng, bình phi, và vượt hàng trăm cây số đường núi mới qua Hạ Lào.
Thời tiết vùng Hành quân thường tương đối tốt hơn vùng xuất phát.
Chúng tôi bay 7 hoặc 8 ngàn bộ trên mục tiêu. Dưới tầm mắt chúng tôi là một màu xanh rừng núi, điệp điệp trùng trùng, một vùng hoang vu xa lạ, đầy dẫy huyền thoại về rừng thiêng nước độc, khói lửa bốc cháy ngút ngàn, ven sườn đồi, chân núi, triền dốc, lối mòn, chỗ nào cũng lăn lóc, ngổn ngang xe
tăng, vận tải Bắc Việt.
Hệ thống đường mòn và khe suối ở đây chằng chịt, chi chít.
Đồi 31, một ngọn đồi chiến lược, một cao điểm quân sự, luôn luôn ở trong tầm mắt, trong liên tưởng thường trực với một trận giao tranh khốc liệt, bây giờ trơ trọi hoang tàn…
Mỗi phi xuất của chúng tôi hướng dẫn từ 4 đến 12 Phi tuần Phản lực Hoa Kỳ, U2Oanh kích phần nhiều là tiếp cận, vì Cộng quân luôn bám sát các cánh quân Dù, Biệt động quân, Thủy Quân Lục Chiến và Sư Đoàn 1 Bộ Binh.
Phản lực Mỹ gồm có A3, A4, A6, A7, F100, F4C, F.A.C Việt Nam gồm những KQ ưu tú trong ngành Quan Sát, nên mặc dù hỏa lực của
địch rất mạnh (theo tin tức của Tình Báo thì có chừng 2 ngàn súng Phòng Không của địch luôn hoạt động) chúng tôi cũng vẫn liên lạc chặt chẽ thường xuyên với quân bạn, và hướng dẫn oanh kích thật chính xác mục tiêu, gây nhiều nỗi kinh hoàng cho địch quân cũng như những tổn thất trầm trọng cho đối phương.
Thời tiết thường xấu, nhất là tại các vùng hành quân, mây, mưa, gió, đạn Phòng Không vẫn là những đe dọa thiết thực đối với KQ.
Mặc dù vậy, chúng tôi đã tình nguyện gia nhập Quân Chủng Không Quân, làm việc trong đơn vị tác chiến, nên cho dù hiểm nguy cách mấy, chúng tôi vẫn không sờn lòng.
Có lao vào vùng lửa đạn, mới có những cảm giác “không tả”, “vô lường” vì cao xạ phòng không của địch lúc nào cũng đan từng mảng lưới lửa đạn, và tạo thành từng rừng bông khói trắng từ 8, 10, 12 đến 14 ngàn bộ….Điều đó có nghĩa là: Phi cơ lúc nào cũng bay trong tầm hiệu quả của Phòng Không địch!
Phương thức “né đạn” là phải bay lượn thường xuyên, nhất là những lúc xạ kích hoặc chỉ điểm, chúng tôi phải rất cảnh giác và khéo léo “Xàng qua, Xàng lại” để tránh đạn của địch.
Thông thường mọi người vẫn quan niệm “Đạn tránh người” nhưng thực tế ở chiến trận “Hành Quân Hạ Lào” này, thì…”Người phải tránh đạn”!!!
Vì OV10 có thể bay được bằng chong chóng và phản lực, nên rất lợi hại, muốn bay chậm hay bay nhanh đều dễ dàng hành động, cũng vì ưu điểm đó, mà giờ này tôi mới còn có cơ hội ngồi viết bài này!
Mỗi phi vụ ở Chiến trường Hạ Lào, tưởng chừng như gấp 5, gấp 7 lần so với những phi vụ ở vùng IV hay ở Miên, luôn luôn được ăn “G”, Black out và red out, là chuyện “cơm bữa”.
Ngày mới ra đây, phi vụ đầu tiên chưa quen, có anh đã “cho chó ăn chè”, phần đông thì cũng rất mệt mỏi và…thần kinh giao động!
Nhưng khi “quen nước quen cái” rồi, thì bổn phận, trách nhiệm đã lấn áp tất cả, có khó khăn, gian nguy, mới nảy sanh lòng quyết thắng, khả năng và kinh nghiệm mới có cơ hội được thể hiện tròn nét.
Vâng, những ngày biệt phái từ vùng IV ra vùng I, để tham dự trận đánh lịch sử Hạ Lào đã qua rồi, nhưng nó vẫn còn mãi với những kỷ niệm vàng son, trong muôn vàn kỷ niệm nối kết của cuộc đời xông pha lửa đạn, mong có một đất nước Việt Nam Hòa Bình Thịnh Trị, muôn người như một, sống chan hòa tình thương đồng loại.
Tưởng cũng nên đan cử ra đây, một vài kỷ niệm, mà chính nó đã tô thành những nét son chói đỏ trong lịch sử chiến tranh Đông Dương, một niềm hãnh diện lớn lao cho Sư Đoàn IV KQ cũng như Phi Đoàn 116 vậy.
Đồi 31 là một cao điểm Quân Sự do Tiểu đoàn 39 Biệt động Quân trấn giữ. Trời hôm đó hơi xấu, trần mây thấp, mà áp lực địch có phần nặng hơn mọi ngày. Địch với súng cối, hỏa tiễn, bắn như mưa bão lên đồi, khói lửa và cát bụi bốc cao mịt mù, đồng thời xe Tăng và Bộ Binh Bắc Việt kéo ào ạt lên đồi, như chốn không người, Đại úy Tôn Thất Tân (PĐ110) và Đại úy Nguyễn viết Trường (PĐ 116) đã cố gắng tập trung các Phi tuần Phản Lực của Hoa Kỳ, để dội những trận mưa bom xuống địch, hòng đập tan âm mưu dã man của chúng, hàng loạt MK82, BLU27, BLU32, rơi xuống như vũ bão, khiến Địch Quân khựng lại. Nhưng, rất xui, khi đó có một Phi cơ loại F4C bị trúng đạn phòng không, hai phi công Hoa Kỳ nhảy dù xuống đất, thế là theo lệnh của trên, tất cả các phi công Mỹ được lệnh bỏ Đồi 31, để cấp cứu hai phi công bị nạn này, Đại úy Tân và Đại úy Trường đành nghẹn ngào và uất hận khi chứng kiến địch quân tràn ngập đồi 31!
Trước đó mấy ngày, Đại úy Nguyễn viết Trường đi bay với một trung uý Mỹ trên loại máy bay VO10, anh được biết có một phi hành đoàn trực thăng Hoa Kỳ gồm 07 người, đã bị trúng đạn phòng không của địch, họ đã sống trong nỗi kinh hoàng trong 02 ngày 03 đêm, mọi phương tiện cấp cứu của Hoa Kỳ đều thất bại, Phi cơ đến cứu không vào được mục tiêu vì hỏa lực địch mạnh vô cùng.
Đại úy Nguyễn viết Trường ( PĐ 116) quan sát mục tiêu, khi biết có thể liên lạc trực tiếp với phi hành đoàn bị nạn, anh đã cho biết với kinh nghiệm bao năm chiến đấu với Cộng Quân, anh có thể cứu được 07 người Mỹ này, và chỉ cần thời gian là nửa ngày mà thôi!
Sau khi được sự chấp thuận của hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ, anh bắt đầu tiến hành những phương cách của riêng mình nghĩ ra. Thoạt tiên, anh đề nghị cho oanh kích dữ dội một mục tiêu cách xa đó, với mục đích đánh lạc hướng suy nghĩ của địch quân, trong lúc đó anh đề nghị cho “đổ” một toán Hắc Báo cách nơi toán lâm nạn khoảng 10 Km, rồi hướng dẫn họ đến mục tiêu giải cứu 07 quân nhân Hoa Kỳ, để giữ an toàn cho đám Hắc Báo, anh đã cho thả bom theo hình chữ U xung quanh toán Hắc Báo, Phi Tuần, F.A.C, và toán Hắc Báo đã được phối hợp một cách nhịp nhàng và hữu hiệu, dưới tài điều động của Đại uý Nguyễn viết Trường, kết quả toán Hắc Báo đã đến nơi chỉ định an toàn.
Khi toán Hắc Báo và phi đoàn thọ nạn liên lạc được nhau, sẵn sàng thực hiện việc giải cứu, Đại uý Trường đề nghị cho thả bom theo hình chữ L và hướng dẫn trực thăng đến “bốc” toàn bộ mọi người về căn cứ Khe Sanh, theo hướng do anh chỉ định.
Thời gian cấp cứu vỏn vẹn đúng nửa ngày, theo như tiên đoán của anh. Thật là một phi vụ tuyệt vời,
Câu trả lời cho các báo chí ngoại quốc của Đại úy Trường là:
“ Bất cứ một người Việt Nam nào khi gặp trường hợp như anh, đều làm được như anh, có khi còn hay hơn anh nhiều”.
Kết quả, Đại úy Nguyễn Viết Trường được tuyên dương và gắn huy chương tại Bộ Tư lệnh Không Quân, là chiến sĩ xuất sắc, được đi du ngoạn Đài Loan, Hồng Kông, và được báo chí Việt Nam, và báo chí Mỹ đăng hình và phỏng vấn.
Trong một phi vụ khác, phi hành đoàn gồm Đại uý Hudges và Đại úy Mai trí Dũng (PĐ116) cùng bay trên OV10, số đuôi 789, cất cánh lúc 16 giờ 15 phút, tại căn cứ Ái Tử, đến vùng hành quân, hướng dẫn 02 phi cơ A6 oanh kích tiếp cận, cho một vị trí của Dù, tình hình rất nguy khốn, vìđịch quân vây hãm và tấn công dữ dội…
Lúc xuống bắn Rockets để đánh dấu mục tiêu, ở cao độ 5000 bộ, phi cơ trúng một loạt phòng không của địch, động cơ ngưng hoạt động, khi kéo lên, cũng bị thêm một loạt cao xạ khác, làm nổ tung ổ đạn Minigun bên trái, nhưng cả hai đồng quyết định cố gắng bay về Đà Nẵng đáp, vì có nhảy dù ra ở đây cũng chết vào tay quân thù, rất may mắn, đáp Đà Nẵng an toàn,
Phi hành đoàn quả là gan dạ và “hết xảy”!
Những phi vụ nêu trên, cho thấy khả năng và lòng can đảm của những người Không Quân chúng tôi có thừa!
Nhưng cuộc chiến Việt Nam với những ràng buộc vào Đồng Minh, đã ít nhiều ảnh hưởng đến tinh thần và lòng yêu nước của chúng tôi!
Đến nay, Lịch sử đã sang trang, những người đáng phải thắng lại thua, những người đáng phải thua lại thắng!
Đất nước Việt Nam còn nhiều trăn trở, lắm đau thương, cho đến nay mấy chục năm trời đã trôi qua, nhưng những chứng nhân lịch sử vẫn ít nhiều còn tồn tại, họ đã, đang và sẽ nghĩ gì? Hành động gì? Chắc không ai trong chúng ta không biết và không hiểu, hơn nữa có một điều khẳng định được:
Họ đã một thời vì lòng yêu nước, vì chính nghĩa Quốc Gia, đã cống hiến tuổi thanh xuân cho Quê Hương đọa đầy này!
Thật đáng trân trọng lắm thay!
Sa Giang Nguyễn Văn Đức (PĐ116)

Monday, November 16, 2015

Cơn Mưa Trở Về / Mùa Tạ Ơn 2015


Đối với  anh em  tình nguyện phục vụ cho Nha-Kỹ-Thuật  mà trong đó  anh em nhảy tóan   thuộc các Chiến Đòan  của NKT đã  được đi vào huyền thọai  với cái  tên là  Lôi-Hổ, Trong các chuyến công tác bí mật (undergroug activities)  anh em chúng tôi  luôn luôn được yểm trợ  ngòai MACVSOG  ra còn có được  sự giúp đỡ chính thức từ  Không Quân ( như  PĐ King Bee 219, PĐ 229, 235, 110, 118, 530. v.v...) , hay Lực lượng Hải Quân  (Hải Tuần, Hạm Đội...) của QL VNCH. Tất cả anh em Lôi-Hổ và  các chiến hữu yểm trợ  Tóan  đều đã biết trước số mạng của mình  sẽ ra sao trong những chuyến ra đi không hẹn ngày về  một  khi  cùng nhau  xâm nhập trong bóng đêm đến bên kia bờ sông Dịch,

Túy ngọa sa trường quân mặc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi...

            Số mệnh đã an bài cho những chiến sĩ đã đành, nhưng ít ai nghĩ đến số phận  của thân nhân những anh em, chiến sĩ vô-danh này  khi họ đã hy sinh vì nước và sau cơn Đại Hồng Thủy nước mất nhà tan, người chịu cảnh tù tội, người thì hy sinh trên đường tìm tự do, người thì sống khắc khỏai mong chờ tin người thân  mà trong suốt hơn 40 năm qua  không biết tìm ở đâu, hỏi ở đâu, sống trong vất vưởng khổ đau và ngậm ngùi.
           Cách đây  mấy ngày thật bất ngờ và  qúa bất ngờ nhận được  Email của một cháu gái tên là Tâm, là con gái lớn  của King Bee Nguyễn Thanh Giang  thuộc Phi Đòan Long Mã 219, Trung Úy Giang có thời cùng  sống chết với anh em Lôi-Hổ chúng tôi  trong việc thả Tóan và đón Tóan  trên  các con đường mòn Hồ Chí Minh bên Lào, và Cambodia,  mà làm sao ai đã từng  ở Recon Team (RT), thuộc  3 Chiến Đòan như:  Chiến Đòan 1 Xung Kích (CCN) tại Đà Nẵng, Chiến Đòan 2 XK (CCC) tại Kontum, và Chiến Đòan 3 XK (CCS) tại Ban Mê Thuật mà lại không  có ít nhiều kỷ niệm  với  "King Bee Man" Nguyễn Thanh  Giang ... và trong lá thư của cháu Tâm  gởi cho tôi cháu  đã không ngăn được sự xúc động và đau lòng  khi biết được cái chết của thân phụ cháu khi đọc  qua thiên hồi ký : "Chuyến Bay Tử Thần vào đồi 31 Hạ Lào " do King Bee  Bùi Tá Khánh  ghi lại, đù nay đã trên 40 năm rồi,  nhưng cũng như cơn mưa từ đâu bất chợt ập về làm ngập hồn bao anh em, và gia đình người lính bị ngã ngựa VNCH...
            Tôi không biết phải nói làm sao đây,  dù Đất Trời mênh mang nhưng không biết tìm đâu ra câu trả lời,  tìm đâu ra câu  an ủi gia đình thân nhân Tử-Sĩ,  tìm đâu ra câu nói thật lòng mình với anh em  đã hy sinh  và  cũng tự hỏi lòng  ta đang là ai trên xứ lạ này ..
             Nếu anh em chưa từng  đọc " Chuyến Bay Tử Thần ..." do anh Khánh viết thì chắc chưa  biết  một trang Thiên Anh Hùng Ca của  QL VNCH  có gía trị muôn đời,  mà trong đó có một số nhân vật  đã chịu chung số phận bi thảm trên đồi 31 Hạ Lào, nhưng may mắn thay  cũng có  1 số rất ít anh em  hiếm hoi này vẫn còn sống và đang  được  đòan tụ với gia đình và người thân tại Mỹ  như King Bee Trung-Uý  Chung Tử Bủu, sau thời gian  dài lưu đày tại Miền Bắc xa xôi sau khi  anh bị gãy cánh đại bàng bên Lào năm 1971, và hôm nay anh Chung Tử Bửu  đã là một vị Mục Sư  đáng kính  tại Tiểu Bang Texas Hoa-Kỳ  và  nhân đây tôi cũng  xin mạn phép trích một đọan  về thiên hồi ký này  để  người còn sống và những thế hệ tương lai của Việt Nam mai sau   hiểu thêm một giai đọan  tuy bi thương  nhất  của dân tộc nhưng cũng không kém phần  hùng tráng   đã ghi lại trong sử xanh nước Việt về   người chiến Sĩ Miền Nam Việt Nam  tức VNCH  đã kiên cường bất khuất  trong công việc  giữ nước và bảo vệ nước.
       
(Trích đọan)
            . . . Hôm nay đến phiên trực của chúng tôi. Phi đội gồm có 2 phi cơ do anh Chung tử Bửu lead, tôi copilot và Nguyễn văn Em là mêvô, chiếc thứ hai tôi chỉ nhớ hoa tiêu chánh là anh Yên. Chúng tôi vào phi đoàn nhận lệnh vào lúc 8 giờ sáng rồi chia tay nhau về nhà sửa soạn hành trang, hẹn gặp nhau lúc 10 giờ ngoài phi đạo 219.
            Ðúng giờ hẹn, chúng tôi ra phi cơ làm tiền phi, check nhớt, xăng, load những cơ phận sửa chữa dự trữ, đồ nghề và anh em kỹ thuật 219 rồi cất cánh, trực chỉ Ðông Hà, Quảng Trị. Khoảng quá trưa thì chúng tôi ra đến Khe Sanh. Vừa đến nơi, không màng ăn trưa vì nóng lòng muốn cứu đồng đội nên chúng tôi quyết định phải vào ngay đồi 31 chứ không thể đợi lâu hơn được. Trong khi anh Bửu vào trình diện với Bộ Chỉ Huy Tiền Phương SÐ Dù để đặt kế hoạch cho chuyến bay thì tôi và mêvô Em đi check lại máy bay. Xăng vẫn còn đầy bình trước, dư sức bay không cần phải refuel.
            Một lát sau từ phòng briefing ra, anh Bửu vắn tắt cho anh em biết về phi vụ quyết tử này. Chuyến vào chúng ta sẽ chở theo một tiểu đội tác chến điện tử Dù cùng với 18 chiếc máy "sensor" vào tăng phái cho căn cứ 31 dùng để phát giác đặc công địch, chuyến ra sẽ rước phi hành đoàn anh Nguyễn thanh Giang về. 15 phút trước khi lên vùng, pháo binh Dù sẽ bắn dọn đường mở một hành lang dọc theo quốc lộ 9, dập vào những địa điểm được ghi nhận có phòng không địch vì tình hình lúc này rất gây cấn, địch tập trung lên đến cấp tiểu đoàn phòng không gồm đủ loại từ 37 mm, 12ly7 và lần đầu tiên còn nghe có cả SA7 nữa. Về không trợ thì có 2 chiếc Gunship của phi đoàn 233 do trung uý Thục bay trước mở đường.
            Trước đó trong lúc briefing, anh Bửu đã được nói chuyện trực tiếp với anh Giang từ trong đồi 31 và được biết, ngày hôm qua khi bay vào vùng anh Giang đã dùng chiến thuật "lá vàng rơi", từ trên cao cúp máy auto xoáy trôn ốc xuống, nhưng vì phòng không địch quá dày đặc nên khi gần đến đất, phi cơ anh bị trúng đạn rớt xuống gãy đuôi nằm bên cạnh vòng rào phòng thủ ngoài cùng của Lữ Ðoàn 3 Dù. Phi hành đoàn vô sự, chỉ có copilot là Võ văn On bị xây xát nhẹ ở cổ, tất cả chạy thoát được vào trong căn cứ Dù. Nhưng trước khi bỏ phi cơ, mêvô Trần hùng Sơn không quên vác theo cả cây M60 trên cửa máy bay nữa. Rút kinh nghiệm, hôm nay anh Bửu bay Rase Motte sát ngọn cây theo hướng Ðông-Tây đi vào. Trên đường bay dọc theo quốc lộ số 9 tôi còn nhìn thấy những cột khói bốc lên nghi ngút, chứng tỏ pháo binh Dù bắn rất chính xác và hiệu qủa. Gần đến LZ anh Bửu đổi hướng lấy cấp Ðông Nam-Tây Bắc để đáp xuống. Vừa ló ra khỏi rặng cây, tôi đã thấy chiếc Gunship của trung uý Thục bay vòng lại, cùng với tiếng anh la lên trong máy "Bửu coi chừng phòng không ở hướng Tây". Từ trên phi cơ nhìn xuống, giữa màu xanh trùng điệp của rừng cây nhiệt đới, ngọn đồi 31 đỏ quạch nổi bật với những đốm bụi đất tung lên từng cơn vì đạn pháo kích quấy phá của cộng quân bắc Việt. Không nao núng, anh Bửu vẫn điềm tĩnh tiếp tục đáp xuống. Khi phi cơ còn cách mặt đất độ 15 thước thì trúng một tràng đạn phòng không, phi cơ phát hoả, bùng lên một đám khói bao trùm cả phi cơ, mêvô Em la lên khẩn cấp trong máy "đáp xuống, đáp xuống anh Bửu ơi, máy bay cháy". Cùng lúc anh Bửu cũng cao tiếng báo động cho chiếc wing "Yên ơi, tao bị trúng đạn rồi, đừng xuống nữa" trong khi vẫn bình tĩnh đáp xuống. May mắn là đạn trúng vào bình xăng phụ đã hết xăng, chỉ còn ít hơi đốt, nên phi cơ không bắt cháy như phi cơ đại uý An ở Bù Ðốp hôm nào. Vừa chạm đất, theo phản xạ tôi cùng anh Bửu nhanh tay tắt gió, xăng, điện rồi nhảy ra khỏi phi cơ. Mọi người chạy ngược lên đồi về phía hàng rào phòng thủ thứ nhất của đại đội công vụ Dù cách khoảng 100 thước. Tôi còn tiếc chiếc xách tay quần áo nên phóng vào trong phi cơ để lấy. Một cảnh thương tâm hiện ra trước mắt, một binh sĩ Dù bị trúng đạn ngay giữa trán, nằm ngửa chết ngay trên ghế. Trên sàn tàu, đống máy "sensor" vẫn còn nguyên vẹn. Tôi chỉ kịp vớ lấy cái xách tay rồi phóng chạy lên đồi theo những tiếng kêu gọi của binh sĩ Dù "trên đây nè thiếu uý, tụi tôi bắn yểm trợ cho". Tôi lom khom chạy trong khi tiếng đạn nổ lóc chóc trên đầu. Lên đến nơi tôi thở như bò rống. Không quân mà hành quân dưới đất thì phải biết là mệt đến đâu. Tôi nhớ mãi hôm đó là ngày 22 tháng 2 năm 1971.
            Vừa ngồi nghỉ mệt, tôi vừa nhìn xuống bãi tải thương nơi chiếc phi cơ đang đậu hiền lành, thì cũng vừa lúc địch điều chỉnh tác xạ, một quả đạn đạn súng cối rơi trúng ngay tàu nổ tung, bốc cháy khói đen mù mịt cả một góc trời. Tôi nhìn con tàu xụm xuống, lòng quặn lên. Con tàu thân thương đó đã gần gụi với mình lâu nay, giờ thành một đống sắt vụn.
            Một lát sau, theo chỉ dẫn của anh em binh sĩ Dù, chúng tôi men theo giao thông hào lần về đến ban chỉ huy Lữ Ðoàn 3 Dù. Gặp lại phi hành đoàn anh Giang, On, Sơn anh em chúng tôi mừng rỡ thăm hỏi rối rít. Chúng tôi được giới thiệu với các sĩ quan trong ban tham mưu Lữ Ðoàn 3. Ðầu tiên là đại tá Thọ lữ đoàn trưởng Lữ Ðoàn 3, thiếu tá Ðức trưởng ban 3, dại uý Trụ phụ tá ban 3, đại uý Nghĩa sĩ quan liên lạc KQ, trung uý Chính sĩ quan Không trợ Dù, thiếu uý Long phụ tá ban 2. Về phía pháo binh thì có trung tá Châu tiểu đoàn trưởng và đại uý Thương trưởng ban 3 thuộc tiểu đoàn 3 pháo binh Dù. Ðại tá Thọ mừng anh em "mới đến" mỗi người một điếu Havatampa và một ly Hennessy để lấy lại tinh thần. Tôi ngạc nhiên vô cùng, đi đánh giặc, nằm ở tuyến đầu ác liệt vậy mà mấy "ông" nhảy Dù vẫn thản nhiên hút sì-gà Cuba và uống rượu Mỹ như máy! Quả các anh ăn chơi cũng dữ mà đánh giặc cũng chì thật.
            Buổi chiều vùng rừng núi trời tối thật nhanh, chúng tôi dùng tạm bữa cơm dã chiến với ban tham mưu Lữ Ðoàn rồi chia nhau ngủ ké với anh em Dù. Tôi được ngủ chung một hầm với anh Nguyễn quốc Trụ, một sĩ quan trẻ xuất thân khóa 20 trường Võ Bị Ðà Lạt. Anh cũng là anh ruột của trung uý Nguyễn hải Hoàn, một hoa tiêu chánh trong phi đoàn tôi. Tin tức chiến sự mỗi ngày một căng thẳng hơn vì đối với cộng sản bắc Việt, sự hiện diện của căn cứ 31 trên hệ thống đường mòn HCM như một lưỡi dao đâm thẳng vào yết hầu của chúng. Vì thế cộng quân đưa thêm quân vào tạo áp lực nặng nề lên căn cứ 31 với ý định đánh bật căn cứ này ra khỏi sinh lộ của chúng.
            Hai hôm sau, vẫn không có chuyến bay tiếp tế nào vào được vì địch quân luôn di động dàn phòng không của chúng khiến KQVN và HK không phát huy được ưu thế của mình. Mỗi sáng, chỉ có 2 phi tuần F4 đến ném bom vài khu vực khả nghi chung quanh đồi 31 và thỉnh thoảng mới có một đợt B52 rải thảm ì ầm xa xa vọng đến rồi mọi sự lại chìm vào rừng núi trùng điệp. Ngược lại, quân bắc Việt tập trung bao vây, tăng cường pháo kích suốt ngày nhằm quấy rối và làm tiêu hao lực lượng Dù.
            Sáng ngày 25 tháng 2 năm 1971, chúng tôi nhận được lệnh và khởi sự di chuyển ra các hầm cứu thương sát bãi đáp chờ đến trưa đích thân phi đoàn với 3 chiếc H34 sẽ vào tải thương binh Dù đồng thời bốc 2 phi hành đoàn ra. Tôi và anh Bửu cùng vài thương binh Dù nấp chung với nhau trong một hầm trú ẩn. Ðến trưa khi chúng tôi bắt đầu nghe tiếng máy nổ quen thuộc xa xa thì cũng là lúc địch khởi đầu trận "tiền pháo" dồn dập lên đồi 31. Qua lỗ châu mai từ trong hầm cứu thương nhìn qua bên kia đồi đối diện, cách nhau một cái yên ngựa, tôi thây rõ hai chiếc xe tăng T-54 của cộng quân tiến lên xếp hàng ngang, cùng với quân tùng thiết dày đặc chung quanh nhắm đỉnh đồi chúng tôi mà nhả đạn. Những tia lửa từ nòng súng phụt ra, tôi và anh Bửu thụp đầu xuống cùng nhìn nhau như nhắc nhớ câu mà anh em trong phi đoàn thường nói với nhau mỗi khi lên đường hành quân "Trời kêu ai nấy dạ!".
            Ngòai kia, trong từng giao thông hào binh sĩ Dù chống trả mãnh liệt, nhất là những pháo thủ pháo đội C trên căn cứ 31, với những khẩu pháo đã bị hỏng bộ máy nhắm vì pháo kích của địch, họ phải hạ nòng đại bác để bắn trực xạ thẳng vào xe tăng địch bên kia đồi và trong những loạt đạn đầu tiên đã hạ ngay được 2 chiếc T54. Nhưng để trả giá cho hành động dũng cảm này nhiều binh sĩ Dù đã nằm xuống, có người nằm chết vắt trên những khẩu pháo của họ, trong số này có cả pháo đội trưởng Nguyễn văn Ðương, người đã là niềm hứng khởi cho một nhạc phẩm nổi tiếng sau đó. Chúng tôi vui sướng reo mừng trong hầm bên này. Không ngờ, chỉ mỗt lúc sau 2 xe tăng khác ở phía sau tiến tới ủi những chiếc xe cháy xuống triền đồi rồi lại hướng súng đại bác về đồi chúng tôi mà bắn! Sau vài loạt đạn, một phi tuần 2 chiếc F4 xuất hiện nhào xuống oanh tạc vào đội hình địch, và lại phá hủy thêm 2 xe tăng nữa. Trong tiếng bom đạn tơi bời, tôi vẫn nghe văng vẳng tiếng máy nổ của những chiếc H34 đang vần vũ trên cao như lo lắng cho số phận những đồng đội của mình. Cho đến khoảng 5 giờ chiều thì địch tràn lên chiếm được đồi. Chúng lùng xục từng hầm trú ẩn kêu gọi binh sĩ Dù ra đầu hàng. Biết không thể làm gì hơn, tôi và anh Bửu tháo bỏ súng đạn cá nhân, chui ra khỏi hầm.
            Về phía KQ, tôi, anh Bửu, On và Sơn bị trói bằng dây điện thoại và bị dẫn giải ra bắc Việt chung với tất cả tù binh khác. Không thấy anh Giang và Em đâu. Chúng tôi bắt đầu thăm hỏi các SQ và binh sĩ Dù trên đường đi. Cuối cùng tôi gặp được anh Long là người ở chung trong hầm với anh Giang khi cộng quân kêu các ra đầu hàng. Ðến lần thứ 3 các anh vẫn không chịu ra nên chúng thảy lựu đạn chày và bắn xối xả vào hầm. Anh Long chỉ bị thương nhẹ nên chúng bắt theo còn anh Giang vì bị thương nặng gãy cả 2 chân không đi được nên bị chúng bỏ lại và chết ở trong hầm. Về phần mêvô Em thì bị lạc đạn trúng bụng đổ ruột ra ngoài, khi bị bắt dẫn đi Em cứ 2 tay ôm bụng giữ lấy ruột mà không hề được băng bó vết thương nên đi được một khoảng không chịu được đau đớn Em gục chết ở bên đường.
            Thế là 219 ghi thêm vào quân sử của mình một thiệt hại 2 phi hành đoàn trên chiến trường Hạ Lào. Trong đó anh Giang và Em đã vĩnh viễn ở lại trên đồi. Ngọn đồi quyết tử 31. Những người còn lại của 2 phi hành đoàn đó là Bửu, On, Khánh và Sơn thì sa vào tay địch, bị đưa đến những bến bờ vô định, biết còn có ngày về hay không?
            Viết để nhớ đến tất cả những chiến sĩ anh hùng đã thành danh hay vô danh, vẫn còn sống hay đã hy sinh cho quê hương đất nước. Sau 31 năm ít ra tên tuổi các anh vẫn còn được nhắc đến một lần.

Bùi Tá Khánh
- - - - -

            Trở lại  tiếp tục chuyện  cháu Tâm,  con gái của  Tử -Sĩ Trung Úy Nguyễn Thanh Giang,  và tôi cũng xin được chia xẻ lá thư này với anh em Lôi-Hổ  cũng như anh em trong  PĐ King Bee 219  với những gì cháu Tâm đã trải lòng mình  như sau,

 " Tôi tên Tâm, ở Nha Trang Việt Nam, hôm nay vô tình đọc được bài viết này mới biết ba tôi Nguyễn Thanh Giang là pilot phi đoàn 219, không đoàn 41, sư đoàn 1 Đà nẵng , chỉ huy là thiếu tá Nguyễn Văn Nghĩa, hơn 40 năm qua 4 mẹ con tôi không biết chính xác ngày ba tôi mất, chỉ biết mất tích tháng 2 năm 1971, trận Hạ Lào Lam Sơn 719 đồi 31.Đọc bài chuyến bay tử thần vào đồi 31 Hạ Lào của Ông, tôi thật sự thấy khủng khiếp, vì khi ba tôi ra đi, tôi chưa được 4 tuổi...Giờ thì tôi biết chính xác ngày ba tôi mất là 25/2/1971, thật tội nghiệp cho ông, bị thương nặng và gãy cả 2 chân, chỉ nghĩ đến những giây phút sắp chết của ông, đau đớn, mất máu, cô đơn trong hầm, trên đồi 31 khói lửa bom đạn,...tôi thật sự sợ hãi và ko dám tưởng tượng nữa...nhưng dù muộn còn hơn ko bao giờ tôi dc biết sự thật này...
Cám ơn bài viết của Ông rất nhiều, rất rất nhiều, thiệt tội nghiệp cho ba tôi! Cám ơn Ông!
Xin lỗi Ông nếu có một lúc nào đó Ông có thời gian xin email cho tôi với nhé, vì mẹ tôi cần thêm thông tin về quí vị đồng đội của ba tôi,chào Ông và chúc Ông luôn mạnh khỏe và bình an ".
- - - - -
            Theo tôi được biết hiện tại cháu Tâm đang sống tại Nha Trang  gồm 3 chị em, và  trong số  3 chị em  thì lúc anh Giang mất cháu út chưa đầy 1 tuổi và cháu Tâm lớn nhất gần 4 tuổi, Chị Giang đang dạy học tại Đà Nẵng và  sau khi nghe tin anh Giang bị mất tích (MIA)  thì chị xin về lại nguyên quán Nha Trang và ngày ấy chị cũng không biết nhiều về những chiến hữu của PD219.
            Khi nói chuyện với Chị Giang chị cho biết chỉ nhớ anh Phố, riêng trường hợp mất tích của anh Giang , chị phải chờ  xác nhận của Phi Đoàn và chị  cũng  chỉ biết  theo dõi tin tức về Đại Tá Thọ bị bắt tại Hạ  Lào trên báo chí mà thôi .
            Chị  Giang  đã ráng nuôi 3 cháu 1,2, và 3 tuổi cho các cháu nên người . Riêng gia đình anh Giang vì anh là con một và cha mẹ anh bây giờ cũng đã mất nên chẳng còn ai.
            Khi được hỏi nguyện vọng của  chị và các cháu  con anh Giang như thế nào, thì chi Giang cho biết  khi anh Giang  hy sinh thì các cháu còn  quá nhỏ  và hòan tòan không biết chút nào về cha các cháu và  chị có nhắn là nếu những chiến hữu trong Phi Đòan King Bee 219 của ba cháu còn nghĩ đến tình đồng đội  thì có thể  liên lạc và giúp các cháu.
            Tuần qua tôi có e-mail cho cháu Tâm để xin số điện thoại và địa chỉ và chưa nhận hồi âm của cháu, hiện tại chị Giang không sống gần các cháu, và Hoàn cảnh thật thương tâm  của chị Giang và  các cháu làm  tôi cũng rất là xúc động không ít..
            Tôi cũng đã liên lạc với anh Bùi Tá Khánh người đã viết Chuyến Bay Tử Thần vào đồi 31 và anh Khánh hứa sẽ liên lạc với cháu Tâm. Tôi cũng đã  hỏi anh Chiêu, Cựu Liên Tóan Trưởng tại CCC, Chiến Đòan 2 Xung Kích, người đã được  anh Giang Thả Tóan và đón Tóan  rất nhiều lần tại đường  mòn 96 và 110 của hệ thống đường mòn  Hồ Chí Minh , mà trong những lần đón Tóan của anh Chiêu  phi  cơ King Bee (H-34) do anh Giang lái,  tưởng rớt nhiều lần  vì  bị Ground  fire (phòng không của VC),  và anh  Lâm Ngọc Chiêu cho biết còn rất nhớ anh Giang  lái máy bay rất  giỏi nhưng  cũng rất Cao-bồi không ai bằng,  nhưng anh Giang cũng   bay  ride smooth (bay sát ngọn cây)  cũng không thua kém ai  trong  phi đòan.
            Anh em đã hy sinh  cho  người còn sống  có được ngày nay ,  và đa số anh em King Bee 219 qua Mỹ tương đối sớm, nếu ngày ấy  Trung-úy  Phi Công 219 Nguyễn Thanh Giang không bị gãy cánh đại bàng bên xứ Lào xa xôi rồi sau đó không lâu tại đồi 31,  cùng  hy sinh một lúc với người Đại-Úy Mũ-Đỏ tên Đương,

" Anh không chết đâu em , người anh Hùng Mũ-Đỏ tên Đương....
Tôi vẩn thấy đêm đêm, một bông  dù sáng trên đồi máu ..." 
 
Thì biết đâu ngày nay anh Giang cũng  có mặt trên xứ lạ này, và con cái của anh  cũng được ăn học đàng hòang và thành tài như bao con cái của anh em King Bee 219 hay H.O  khác, tôi không biết  anh em PĐ Long Mã nghĩ sao, riêng chúng tôi  là  những gã Lôi-Hổ  còn sống sót  trở về,  không dám xem  gia đình anh Giang như  kẻ xa lạ  hững hờ, mà  cảm thấy như  còn một món nợ cho người nằm xuống cần phải  trả , như,
" missions impossible " của ngày nào phải hòan tất !

Và hàng cây me trút lá khô trên vai tôi...
Càng nhớ thương bạn ơi ! (GBKT)

Phạm Hòa.
Toán 723 /SCT/NKT
(Mùa Tạ Ơn, Tháng 11 năm 2015).