Wednesday, December 16, 2015

Lạy Trời Con Được Bình Yên / Phạm Hòa

Trung Úy Nguyễn Thanh Giang KQVNCH
 
Tác giả: Lam Phương
Lạy trời con được bình yên
Tình yêu đó giết con trong ưu phiền
Cho đến bây giờ
Cho đến bây giờ
Sầu còn triền miên

Lạy trời con được bình yên
Ngày vui đó đã qua mất rồi
Ôi !! mấy đêm nay
Tôi cố quên người
Lại càng yêu hơn

Vào một đêm không trăng, không sao, ta trao cho nhau, một đêm tuyệt vời, một đêm rã rời, yêu ngập hồn tôi, tình ngang trái nhớ nhau suốt đời .

Mai em đi rồi
Đời buồn lắm em ơi .....
Sau cơn mơ thật dài
Là giờ phút đơn côi

Buồn này biết ngỏ cùng ai
Người đã đến trong cơn mê đầy
Thương nhớ khôn nguôi
Nửa bước không rời
Giờ đành chia phôi

Tình này tôi đã mượn vay
Hạnh phúc đó
Dung nhan của người
Xin trả cho đời
Riêng đớn đau này
Dành lại cho tôi ... .... 


Sáng hôm nay anh 16.12.2015 Nam Lộc gữi lời nhắn như sau:

Dear Phạm Hòa,
Nhân dịp TTAsia phát hành DVD "Dòng nhạc Anh Bằng & Lam Phương" vào cuối tuần này, anh chia sẻ cùng em đôi dòng cảm nghĩ về nhạc sĩ Lam Phương để nhờ em phổ biến trên Website của Hội  cùng các phương tiện truyền thong khác mà em có nếu thuận tiện.

Thanks em,
Anh Nam Lộc
Chỉ cái tựa đề của e-mail "Lậy Trời Con được bình yên" đã lôi cuốn vào câu chuyện:
Từ hôm cháu Nguyễn Bích Tâm liên lạc qua Blog để lại lời nhắn và e-mail như sau:
 Tôi tên Tâm, ở Nha Trang Việt Nam,hôm nay vô tình đọc được bài viết này mới biết ba tôi Nguyễn Thanh Giang là pilot phi đoàn 219, không đoàn 41, sư đoàn 1 Đà nẵng , chỉ huy là thiếu tá Nguyễn Văn Nghĩa, hơn 40 năm qua 4 mẹ con tôi không biết chính xác ngày ba tôi mất, chỉ biết mất tích tháng 2 năm 1971, trận Hạ Lào Lam Sơn 719 đồi 31.Đọc bài chuyến bay tử thần vào đồi 31 Hạ Lào của Ông, tôi thật sự thấy khủng khiếp, vì khi ba tôi ra đi, tôi chưa được 4 tuổi...Giờ thì tôi biết chính xác ngày ba tôi mất là 25/2/1971, thật tội nghiệp cho ông, bị thương nặng và gãy cả 2 chân, chỉ nghĩ đến những giây phút sắp chết của ông, đau đớn, mất máu, cô đơn trong hầm, trên đồi 31 khói lửa bom đạn,...tôi thật sự sợ hãi và ko dám tưởng tượng nữa...nhưng dù muộn còn hơn ko bao giờ tôi dc biết sự thật này...cám ơn bài viết của Ông rất nhiều, rất rất nhiều, thiệt tội nghiệp cho ba tôi! Cám ơn Ông! Xin lỗi Ông nếu có một lúc nào đó Ông có thời gian xin email cho tôi với nhé, vì mẹ tôi cần thêm thông tin về quí vị đồng đội của ba tôi, chào Ông và chúc Ông luôn mạnh khỏe và bình an, dc mail của tôi, tam206.ptc3@gmail.com
October 27, 2015 at 2:54 AM 

Và từ đó đến nay biết bao chuyện xảy ra cho tôi và hôm nay bắt đầu lẩm bẩm "Lạy Trời Con Được Bình Yên" vừa nhận xong tin cháu Tâm tôi vội e-mail cho cháu Tâm ngay vì biết những trường hợp này người nhắn tin luôn mong chờ tin tức từng giây phút.
Cùng lúc tôi e-mail thông báo đến người viết bài là Kingbee Bùi Tá Khánh nguyên văn lời nhắc của cháu Tâm kèm theo e-mail cho anh Khánh và người thứ hai tôi liên lạc là Kingbee Phạm Minh Mẫn hiện anh đang sinh sống tại Sàigòn, ngày hôm sau nhận được thư hồi âm của cháu Tâm và cháu mừng rở vô cùng và cùng lúc tôi điện thoại cho KB Bùi Tá Khánh bên Colorado, hôm ấy chị Khánh nhấc phone và chị mừng rở vì từ bấy lâu nay chỉ nhận tin tức qua e-mail chứ chưa bao giờ nghe giọng nói, lúc ấy anh Khánh mới đi làm về và đang tắm, vài phút sau anh Khánh trả lời điện thoại và tôi báo tin vui, anh hứa sẽ viết thư cho cháu ngay.
Cùng lúc tôi phổ biến tin tức trên group e-mail của Phi Đoàn 219 và hầu như tất cả các diễn biến đều thông báo ngay lập tức.
Mấy hôm sau chưa nhận được tin cháu Tâm vì cháu bận công việc anh em chúng tôi ngồi lại viết bài "Cơn Mưa Trở Về" như gữi tấm lòng tri ân đến một anh hùng và một cái chết thật kiên cường, không đầu hàng giặc trên đồi 31 còn gọi là "Đồi Tử Thần" Hạ Lào vào tháng 2 năm 1971.
và bài viết như sau:

Cơn Mưa Trở Về
Phạm Hòa .
Đối với anh em tình nguyện phục vụ cho Nha-Kỹ-Thuật mà trong đó anh em nhảy tóan thuộc các Chiến Đòan của NKT đã được đi vào huyền thọai với cái tên là Lôi-Hổ, Trong các chuyến công tác bí mật (undergroug activities) anh em chúng tôi luôn luôn được yểm trợ ngòai MACVSOG ra còn có được sự giúp đỡ chính thức từ Không Quân ( như PĐ King Bee 219, PĐ 229, 235, 110, 118, 530. v.v...) , hay Lực lượng Hải Quân (Hải Tuần, Hạm Đội...) của QL VNCH. Tất cả anh em Lôi-Hổ và các chiến hữu yểm trợ Tóan đều đã biết trước số mạng của mình sẽ ra sao trong những chuyến ra đi không hẹn ngày về một khi cùng nhau xâm nhập trong bóng đêm đến bên kia bờ sông Dịch,


Túy ngọa sa trường quân mặc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi...


Số mệnh đã an bài cho những chiến sĩ đã đành, nhưng ít ai nghĩ đến số phận của thân nhân những anh em, chiến sĩ vô-danh này khi họ đã hy sinh vì nước và sau cơn Đại Hồng Thủy nước mất nhà tan, người chịu cảnh tù tội, người thì hy sinh trên đường tìm tự do, người thì sống khắc khỏai mong chờ tin người thân mà trong suốt hơn 40 năm qua không biết tìm ở đâu, hỏi ở đâu, sống trong vất vưởng khổ đau và ngậm ngùi.
Cách đây mấy ngày thật bất ngờ và qúa bất ngờ nhận được Email của một cháu gái tên là Tâm, là con gái lớn của King Bee Nguyễn Thanh Giang thuộc Phi Đòan Long Mã 219, Trung Úy Giang có thời cùng sống chết với anh em Lôi-Hổ chúng tôi trong việc thả Tóan và đón Tóan trên các con đường mòn Hồ Chí Minh bên Lào, và Cambodia, mà làm sao ai đã từng ở Recon Team (RT), thuộc 3 Chiến Đòan như: Chiến Đòan 1 Xung Kích (CCN) tại Đà Nẵng, Chiến Đòan 2 XK (CCC) tại Kontum, và Chiến Đòan 3 XK (CCS) tại Ban Mê Thuật mà lại không có ít nhiều kỷ niệm với "King Bee Man" Nguyễn Thanh Giang ... và trong lá thư của cháu Tâm gởi cho tôi cháu đã không ngăn được sự xúc động và đau lòng khi biết được cái chết của thân phụ cháu khi đọc qua thiên hồi ký : "Chuyến Bay Tử Thần vào đồi 31 Hạ Lào " do King Bee Bùi Tá Khánh ghi lại, đù nay đã trên 40 năm rồi, nhưng cũng như cơn mưa từ đâu bất chợt ập về làm ngập hồn bao anh em, và gia đình người lính bị ngã ngựa VNCH...
Tôi không biết phải nói làm sao đây, dù Đất Trời mênh mang nhưng không biết tìm đâu ra câu trả lời, tìm đâu ra câu an ủi gia đình thân nhân Tử-Sĩ, tìm đâu ra câu nói thật lòng mình với anh em đã hy sinh và cũng tự hỏi lòng ta đang là ai trên xứ lạ này ...
Nếu anh em chưa từng đọc " Chuyến Bay Tử Thần ..." do anh Khánh viết thì chắc chưa biết một trang Thiên Anh Hùng Ca của QL VNCH có gía trị muôn đời, mà trong đó có một số nhân vật đã chịu chung số phận bi thảm trên đồi 31 Hạ Lào, nhưng may mắn thay cũng có 1 số rất ít anh em hiếm hoi này vẫn còn sống và đang được đòan tụ với gia đình và người thân tại Mỹ như King Bee Trung-Uý Chung Tử Bủu, sau thời gian dài lưu đày tại Miền Bắc xa xôi sau khi anh bị gãy cánh đại bàng bên Lào năm 1971, và hôm nay anh Chung Tử Bửu đã là một vị Mục Sư đáng kính tại Tiểu Bang Texas Hoa-Kỳ và nhân đây tôi cũng xin mạn phép trích một đọan về thiên hồi ký này để người còn sống và những thế hệ tương lai của Việt Nam mai sau hiểu thêm một giai đọan tuy bi thương nhất của dân tộc nhưng cũng không kém phần hùng tráng đã ghi lại trong sử xanh nước Việt về người chiến Sĩ Miền Nam Việt Nam tức VNCH đã kiên cường bất khuất trong công việc giữ nước và bảo vệ nước.
(Trích đọan)
. . . Hôm nay đến phiên trực của chúng tôi. Phi đội gồm có 2 phi cơ do anh Chung tử Bửu lead, tôi copilot và Nguyễn văn Em là mêvô, chiếc thứ hai tôi chỉ nhớ hoa tiêu chánh là anh Yên. Chúng tôi vào phi đoàn nhận lệnh vào lúc 8 giờ sáng rồi chia tay nhau về nhà sửa soạn hành trang, hẹn gặp nhau lúc 10 giờ ngoài phi đạo 219.
Ðúng giờ hẹn, chúng tôi ra phi cơ làm tiền phi, check nhớt, xăng, load những cơ phận sửa chữa dự trữ, đồ nghề và anh em kỹ thuật 219 rồi cất cánh, trực chỉ Ðông Hà, Quảng Trị. Khoảng quá trưa thì chúng tôi ra đến Khe Sanh. Vừa đến nơi, không màng ăn trưa vì nóng lòng muốn cứu đồng đội nên chúng tôi quyết định phải vào ngay đồi 31 chứ không thể đợi lâu hơn được. Trong khi anh Bửu vào trình diện với Bộ Chỉ Huy Tiền Phương SÐ Dù để đặt kế hoạch cho chuyến bay thì tôi và mêvô Em đi check lại máy bay. Xăng vẫn còn đầy bình trước, dư sức bay không cần phải refuel.

Một lát sau từ phòng briefing ra, anh Bửu vắn tắt cho anh em biết về phi vụ quyết tử này. Chuyến vào chúng ta sẽ chở theo một tiểu đội tác chến điện tử Dù cùng với 18 chiếc máy "sensor" vào tăng phái cho căn cứ 31 dùng để phát giác đặc công địch, chuyến ra sẽ rước phi hành đoàn anh Nguyễn thanh Giang về. 15 phút trước khi lên vùng, pháo binh Dù sẽ bắn dọn đường mở một hành lang dọc theo quốc lộ 9, dập vào những địa điểm được ghi nhận có phòng không địch vì tình hình lúc này rất gây cấn, địch tập trung lên đến cấp tiểu đoàn phòng không gồm đủ loại từ 37 mm, 12ly7 và lần đầu tiên còn nghe có cả SA7 nữa. Về không trợ thì có 2 chiếc Gunship của phi đoàn 233 do trung uý Thục bay trước mở đường.
Trước đó trong lúc briefing, anh Bửu đã được nói chuyện trực tiếp với anh Giang từ trong đồi 31 và được biết, ngày hôm qua khi bay vào vùng anh Giang đã dùng chiến thuật "lá vàng rơi", từ trên cao cúp máy auto xoáy trôn ốc xuống, nhưng vì phòng không địch quá dày đặc nên khi gần đến đất, phi cơ anh bị trúng đạn rớt xuống gãy đuôi nằm bên cạnh vòng rào phòng thủ ngoài cùng của Lữ Ðoàn 3 Dù. Phi hành đoàn vô sự, chỉ có copilot là Võ văn On bị xây xát nhẹ ở cổ, tất cả chạy thoát được vào trong căn cứ Dù. Nhưng trước khi bỏ phi cơ, mêvô Trần hùng Sơn không quên vác theo cả cây M60 trên cửa máy bay nữa. Rút kinh nghiệm, hôm nay anh Bửu bay Rase Motte sát ngọn cây theo hướng Ðông-Tây đi vào. Trên đường bay dọc theo quốc lộ số 9 tôi còn nhìn thấy những cột khói bốc lên nghi ngút, chứng tỏ pháo binh Dù bắn rất chính xác và hiệu qủa. Gần đến LZ anh Bửu đổi hướng lấy cấp Ðông Nam-Tây Bắc để đáp xuống. Vừa ló ra khỏi rặng cây, tôi đã thấy chiếc Gunship của trung uý Thục bay vòng lại, cùng với tiếng anh la lên trong máy "Bửu coi chừng phòng không ở hướng Tây". Từ trên phi cơ nhìn xuống, giữa màu xanh trùng điệp của rừng cây nhiệt đới, ngọn đồi 31 đỏ quạch nổi bật với những đốm bụi đất tung lên từng cơn vì đạn pháo kích quấy phá của cộng quân bắc Việt. Không nao núng, anh Bửu vẫn điềm tĩnh tiếp tục đáp xuống. Khi phi cơ còn cách mặt đất độ 15 thước thì trúng một tràng đạn phòng không, phi cơ phát hoả, bùng lên một đám khói bao trùm cả phi cơ, mêvô Em la lên khẩn cấp trong máy "đáp xuống, đáp xuống anh Bửu ơi, máy bay cháy". Cùng lúc anh Bửu cũng cao tiếng báo động cho chiếc wing "Yên ơi, tao bị trúng đạn rồi, đừng xuống nữa" trong khi vẫn bình tĩnh đáp xuống. May mắn là đạn trúng vào bình xăng phụ đã hết xăng, chỉ còn ít hơi đốt, nên phi cơ không bắt cháy như phi cơ đại uý An ở Bù Ðốp hôm nào. Vừa chạm đất, theo phản xạ tôi cùng anh Bửu nhanh tay tắt gió, xăng, điện rồi nhảy ra khỏi phi cơ. Mọi người chạy ngược lên đồi về phía hàng rào phòng thủ thứ nhất của đại đội công vụ Dù cách khoảng 100 thước. Tôi còn tiếc chiếc xách tay quần áo nên phóng vào trong phi cơ để lấy. Một cảnh thương tâm hiện ra trước mắt, một binh sĩ Dù bị trúng đạn ngay giữa trán, nằm ngửa chết ngay trên ghế. Trên sàn tàu, đống máy "sensor" vẫn còn nguyên vẹn. Tôi chỉ kịp vớ lấy cái xách tay rồi phóng chạy lên đồi theo những tiếng kêu gọi của binh sĩ Dù "trên đây nè thiếu uý, tụi tôi bắn yểm trợ cho". Tôi lom khom chạy trong khi tiếng đạn nổ lóc chóc trên đầu. Lên đến nơi tôi thở như bò rống. Không quân mà hành quân dưới đất thì phải biết là mệt đến đâu. Tôi nhớ mãi hôm đó là ngày 22 tháng 2 năm 1971.
Vừa ngồi nghỉ mệt, tôi vừa nhìn xuống bãi tải thương nơi chiếc phi cơ đang đậu hiền lành, thì cũng vừa lúc địch điều chỉnh tác xạ, một quả đạn đạn súng cối rơi trúng ngay tàu nổ tung, bốc cháy khói đen mù mịt cả một góc trời. Tôi nhìn con tàu xụm xuống, lòng quặn lên. Con tàu thân thương đó đã gần gụi với mình lâu nay, giờ thành một đống sắt vụn.
Một lát sau, theo chỉ dẫn của anh em binh sĩ Dù, chúng tôi men theo giao thông hào lần về đến ban chỉ huy Lữ Ðoàn 3 Dù. Gặp lại phi hành đoàn anh Giang, On, Sơn anh em chúng tôi mừng rỡ thăm hỏi rối rít. Chúng tôi được giới thiệu với các sĩ quan trong ban tham mưu Lữ Ðoàn 3. Ðầu tiên là đại tá Thọ lữ đoàn trưởng Lữ Ðoàn 3, thiếu tá Ðức trưởng ban 3, dại uý Trụ phụ tá ban 3, đại uý Nghĩa sĩ quan liên lạc KQ, trung uý Chính sĩ quan Không trợ Dù, thiếu uý Long phụ tá ban 2. Về phía pháo binh thì có trung tá Châu tiểu đoàn trưởng và đại uý Thương trưởng ban 3 thuộc tiểu đoàn 3 pháo binh Dù. Ðại tá Thọ mừng anh em "mới đến" mỗi người một điếu Havatampa và một ly Hennessy để lấy lại tinh thần. Tôi ngạc nhiên vô cùng, đi đánh giặc, nằm ở tuyến đầu ác liệt vậy mà mấy "ông" nhảy Dù vẫn thản nhiên hút sì-gà Cuba và uống rượu Mỹ như máy! Quả các anh ăn chơi cũng dữ mà đánh giặc cũng chì thật.
Buổi chiều vùng rừng núi trời tối thật nhanh, chúng tôi dùng tạm bữa cơm dã chiến với ban tham mưu Lữ Ðoàn rồi chia nhau ngủ ké với anh em Dù. Tôi được ngủ chung một hầm với anh Nguyễn quốc Trụ, một sĩ quan trẻ xuất thân khóa 20 trường Võ Bị Ðà Lạt. Anh cũng là anh ruột của trung uý Nguyễn hải Hoàn, một hoa tiêu chánh trong phi đoàn tôi. Tin tức chiến sự mỗi ngày một căng thẳng hơn vì đối với cộng sản bắc Việt, sự hiện diện của căn cứ 31 trên hệ thống đường mòn HCM như một lưỡi dao đâm thẳng vào yết hầu của chúng. Vì thế cộng quân đưa thêm quân vào tạo áp lực nặng nề lên căn cứ 31 với ý định đánh bật căn cứ này ra khỏi sinh lộ của chúng.
Hai hôm sau, vẫn không có chuyến bay tiếp tế nào vào được vì địch quân luôn di động dàn phòng không của chúng khiến KQVN và HK không phát huy được ưu thế của mình. Mỗi sáng, chỉ có 2 phi tuần F4 đến ném bom vài khu vực khả nghi chung quanh đồi 31 và thỉnh thoảng mới có một đợt B52 rải thảm ì ầm xa xa vọng đến rồi mọi sự lại chìm vào rừng núi trùng điệp. Ngược lại, quân bắc Việt tập trung bao vây, tăng cường pháo kích suốt ngày nhằm quấy rối và làm tiêu hao lực lượng Dù.
Sáng ngày 25 tháng 2 năm 1971, chúng tôi nhận được lệnh và khởi sự di chuyển ra các hầm cứu thương sát bãi đáp chờ đến trưa đích thân phi đoàn với 3 chiếc H34 sẽ vào tải thương binh Dù đồng thời bốc 2 phi hành đoàn ra. Tôi và anh Bửu cùng vài thương binh Dù nấp chung với nhau trong một hầm trú ẩn. Ðến trưa khi chúng tôi bắt đầu nghe tiếng máy nổ quen thuộc xa xa thì cũng là lúc địch khởi đầu trận "tiền pháo" dồn dập lên đồi 31. Qua lỗ châu mai từ trong hầm cứu thương nhìn qua bên kia đồi đối diện, cách nhau một cái yên ngựa, tôi thây rõ hai chiếc xe tăng T-54 của cộng quân tiến lên xếp hàng ngang, cùng với quân tùng thiết dày đặc chung quanh nhắm đỉnh đồi chúng tôi mà nhả đạn. Những tia lửa từ nòng súng phụt ra, tôi và anh Bửu thụp đầu xuống cùng nhìn nhau như nhắc nhớ câu mà anh em trong phi đoàn thường nói với nhau mỗi khi lên đường hành quân "Trời kêu ai nấy dạ!".
Ngòai kia, trong từng giao thông hào binh sĩ Dù chống trả mãnh liệt, nhất là những pháo thủ pháo đội C trên căn cứ 31, với những khẩu pháo đã bị hỏng bộ máy nhắm vì pháo kích của địch, họ phải hạ nòng đại bác để bắn trực xạ thẳng vào xe tăng địch bên kia đồi và trong những loạt đạn đầu tiên đã hạ ngay được 2 chiếc T54. Nhưng để trả giá cho hành động dũng cảm này nhiều binh sĩ Dù đã nằm xuống, có người nằm chết vắt trên những khẩu pháo của họ, trong số này có cả pháo đội trưởng Nguyễn văn Ðương, người đã là niềm hứng khởi cho một nhạc phẩm nổi tiếng sau đó. Chúng tôi vui sướng reo mừng trong hầm bên này. Không ngờ, chỉ mỗt lúc sau 2 xe tăng khác ở phía sau tiến tới ủi những chiếc xe cháy xuống triền đồi rồi lại hướng súng đại bác về đồi chúng tôi mà bắn! Sau vài loạt đạn, một phi tuần 2 chiếc F4 xuất hiện nhào xuống oanh tạc vào đội hình địch, và lại phá hủy thêm 2 xe tăng nữa. Trong tiếng bom đạn tơi bời, tôi vẫn nghe văng vẳng tiếng máy nổ của những chiếc H34 đang vần vũ trên cao như lo lắng cho số phận những đồng đội của mình. Cho đến khoảng 5 giờ chiều thì địch tràn lên chiếm được đồi. Chúng lùng xục từng hầm trú ẩn kêu gọi binh sĩ Dù ra đầu hàng. Biết không thể làm gì hơn, tôi và anh Bửu tháo bỏ súng đạn cá nhân, chui ra khỏi hầm.
Về phía KQ, tôi, anh Bửu, On và Sơn bị trói bằng dây điện thoại và bị dẫn giải ra bắc Việt chung với tất cả tù binh khác. Không thấy anh Giang và Em đâu. Chúng tôi bắt đầu thăm hỏi các SQ và binh sĩ Dù trên đường đi. Cuối cùng tôi gặp được anh Long là người ở chung trong hầm với anh Giang khi cộng quân kêu các ra đầu hàng. Ðến lần thứ 3 các anh vẫn không chịu ra nên chúng thảy lựu đạn chày và bắn xối xả vào hầm. Anh Long chỉ bị thương nhẹ nên chúng bắt theo còn anh Giang vì bị thương nặng gãy cả 2 chân không đi được nên bị chúng bỏ lại và chết ở trong hầm. Về phần mêvô Em thì bị lạc đạn trúng bụng đổ ruột ra ngoài, khi bị bắt dẫn đi Em cứ 2 tay ôm bụng giữ lấy ruột mà không hề được băng bó vết thương nên đi được một khoảng không chịu được đau đớn Em gục chết ở bên đường.
Thế là 219 ghi thêm vào quân sử của mình một thiệt hại 2 phi hành đoàn trên chiến trường Hạ Lào. Trong đó anh Giang và Em đã vĩnh viễn ở lại trên đồi. Ngọn đồi quyết tử 31. Những người còn lại của 2 phi hành đoàn đó là Bửu, On, Khánh và Sơn thì sa vào tay địch, bị đưa đến những bến bờ vô định, biết còn có ngày về hay không?
Viết để nhớ đến tất cả những chiến sĩ anh hùng đã thành danh hay vô danh, vẫn còn sống hay đã hy sinh cho quê hương đất nước. Sau 31 năm ít ra tên tuổi các anh vẫn còn được nhắc đến một lần.
Bùi Tá Khánh
- - - - -
Trở lại tiếp tục chuyện cháu Tâm, con gái của Tử -Sĩ Trung Úy Nguyễn Thanh Giang, và tôi cũng xin được chia xẻ lá thư này với anh em Lôi-Hổ cũng như anh em trong PĐ King Bee 219 với những gì cháu Tâm đã trải lòng mình như sau,


" Tôi tên Tâm, ở Nha Trang Việt Nam, hôm nay vô tình đọc được bài viết này mới biết ba tôi Nguyễn Thanh Giang là pilot phi đoàn 219, không đoàn 41, sư đoàn 1 Đà nẵng , chỉ huy là thiếu tá Nguyễn Văn Nghĩa, hơn 40 năm qua 4 mẹ con tôi không biết chính xác ngày ba tôi mất, chỉ biết mất tích tháng 2 năm 1971, trận Hạ Lào Lam Sơn 719 đồi 31.Đọc bài chuyến bay tử thần vào đồi 31 Hạ Lào của Ông, tôi thật sự thấy khủng khiếp, vì khi ba tôi ra đi, tôi chưa được 4 tuổi...Giờ thì tôi biết chính xác ngày ba tôi mất là 25/2/1971, thật tội nghiệp cho ông, bị thương nặng và gãy cả 2 chân, chỉ nghĩ đến những giây phút sắp chết của ông, đau đớn, mất máu, cô đơn trong hầm, trên đồi 31 khói lửa bom đạn,...tôi thật sự sợ hãi và ko dám tưởng tượng nữa...nhưng dù muộn còn hơn ko bao giờ tôi dc biết sự thật này...
Cám ơn bài viết của Ông rất nhiều, rất rất nhiều, thiệt tội nghiệp cho ba tôi! Cám ơn Ông!
Xin lỗi Ông nếu có một lúc nào đó Ông có thời gian xin email cho tôi với nhé, vì mẹ tôi cần thêm thông tin về quí vị đồng đội của ba tôi,chào Ông và chúc Ông luôn mạnh khỏe và bình an ".
- - - - -
Theo tôi được biết hiện tại cháu Tâm đang sống tại Nha Trang gồm 3 chị em, và trong số 3 chị em thì lúc anh Giang mất cháu út chưa đầy 1 tuổi và cháu Tâm lớn nhất gần 4 tuổi, Chị Giang đang dạy học tại Đà Nẵng và sau khi nghe tin anh Giang bị mất tích (MIA) thì chị xin về lại nguyên quán Nha Trang và ngày ấy chị cũng không biết nhiều về những chiến hữu của PD219.
Khi nói chuyện với Chị Giang chị cho biết chỉ nhớ anh Phố, riêng trường hợp mất tích của anh Giang , chị phải chờ xác nhận của Phi Đoàn và chị cũng chỉ biết theo dõi tin tức về Đại Tá Thọ bị bắt tại Hạ Lào trên báo chí mà thôi .
Chị Giang đã ráng nuôi 3 cháu 1,2, và 3 tuổi cho các cháu nên người . Riêng gia đình anh Giang vì anh là con một và cha mẹ anh bây giờ cũng đã mất nên chẳng còn ai.
Khi được hỏi nguyện vọng của chị và các cháu con anh Giang như thế nào, thì chi Giang cho biết khi anh Giang hy sinh thì các cháu còn quá nhỏ và hòan tòan không biết chút nào về cha các cháu và chị có nhắn là nếu những chiến hữu trong Phi Đòan King Bee 219 của ba cháu còn nghĩ đến tình đồng đội thì có thể liên lạc và giúp các cháu.
Tuần qua tôi có e-mail cho cháu Tâm để xin số điện thoại và địa chỉ và chưa nhận hồi âm của cháu, hiện tại chị Giang không sống gần các cháu, và Hoàn cảnh thật thương tâm của chị Giang và các cháu làm tôi cũng rất là xúc động không ít..
Tôi cũng đã liên lạc với anh Bùi Tá Khánh người đã viết Chuyến Bay Tử Thần vào đồi 31
và anh Khánh hứa sẽ liên lạc với cháu Tâm. Tôi cũng đã hỏi anh Chiêu, Cựu Liên Tóan Trưởng tại CCC, Chiến Đòan 2 Xung Kích, người đã được anh Giang Thả Tóan và đón Tóan rất nhiều lần tại đường mòn 96 và 110 của hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh , mà trong những lần đón Tóan của anh Chiêu phi cơ King Bee (H-34) do anh Giang lái, tưởng rớt nhiều lần vì bị Ground fire (phòng không của VC), và anh Lâm Ngọc Chiêu cho biết còn rất nhớ anh Giang lái máy bay rất giỏi nhưng cũng rất Cao-bồi không ai bằng, nhưng anh Giang cũng bay ride smooth (bay sát ngọn cây) cũng không thua kém ai trong phi đòan.

Anh em đã hy sinh cho người còn sống có được ngày nay , và đa số anh em King Bee 219 qua Mỹ tương đối sớm, nếu ngày ấy Trung-úy Phi Công 219 Nguyễn Thanh Giang không bị gãy cánh đại bàng bên xứ Lào xa xôi rồi sau đó không lâu tại đồi 31, cùng hy sinh một lúc với người Đại-Úy Mũ-Đỏ tên Đương,


" Anh không chết đâu em , người anh Hùng Mũ-Đỏ tên Đương....
Tôi vẩn thấy đêm đêm, một bông dù sáng trên đồi máu ..."

Thì biết đâu ngày nay anh Giang cũng có mặt trên xứ lạ này, và con cái của anh cũng được ăn học đàng hòang và thành tài như bao con cái của anh em King Bee 219 hay H.O khác, tôi không biết anh em PĐ Long Mã nghĩ sao, riêng chúng tôi là những gã Lôi-Hổ còn sống sót trở về, không dám xem gia đình anh Giang như kẻ xa lạ hững hờ, mà cảm thấy như còn một món nợ cho người nằm xuống cần phải trả , như,
" missions impossible " của ngày nào phải hòan tất !


Và hàng cây me trút lá khô trên vai tôi...
Càng nhớ thương bạn ơi ! (GBKT)


Phạm Hòa.

Toán 723 /SCT/NKT
(Mùa Tạ Ơn, Tháng 11 năm 2015).
Vào ngày 5 tháng 11 thì nhận e-mail cháu Tâm hồi âm như sau:
 Nguyen Thi Bich
To Pham Hoa
Nov 5 at 2:21 AM
Kính thưa các chú, các bác đã từng là bạn bè chiến hữu hay cũng đã từng quen biết Ba của con, trung úy Nguyễn Thanh Giang, là pilot phi đoàn 219, không đoàn 41, sư đoàn 1 Đà Nẵng, chết trận ngày 25/2/1971 trận Hạ Lào Lam Sơn 719 trên đồi 31.
Con không biết bắt đầu thư như thế nào cho phải phép, nên con xin lỗi trước nếu con có dùng từ ngữ sai, không phù hợp với những người thuộc thế hệ cha anh, chú bác đi trước mình!
Đã hơn 40 mươi năm qua, cát bụi thời gian đã phủ mờ mọi thứ, song hôm nay gia đình con may mắn biết được chi tiết về những ngày tháng cuối cùng của Ba con và quan trọng hơn cả là biết được ngày chết...và cả những khoảnh khắc 'dễ thương" (khi cộng quân kêu các anh ra đầu hàng, đến lần thứ ba các anh vẫn không chịu ra nên thảy lựu đạn chày và bắn xối xả vào hầm...), trước khi chết, ba Giang của con " dễ thương thiệt" và còn bướng bỉnh nữa, phải không ạ!
Con sợ gợi lại ký ức kinh hoàng của chiến tranh, dù là người của chiến tuyến nào cũng đều phải ra trận, gia đình nào có chồng, cha, con, anh em, người thân,...phải nằm xuống và lẽ dĩ nhiên là phải chịu mất mát, đau thương, ngậm ngùi,...
Thưa các chú, các bác, ngày hôm nay biết được tin tức đồng đội, bạn bè, người quen của Ba con ngày xưa ấy đã định cư ở Mỹ, có cuộc sống bình yên ở đất nước tự do, gia đình con xin kính chúc mọi người luôn dồi dào sức khỏe, bình an và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống riêng. Sẽ có một lúc nào đó mọi người có thể tụ tập cùng nhau, có chú bác nào đó nhắc đến tên Ba của con, thì hãy dành cho Ông một chén trà hội ngộ, coi như tưởng nhớ đến người bạn đã đi xa lâu lắm rồi...Con xin cảm ơn mọi người trước nhé!
Xin mọi người hãy an lòng, nhất là chú Phạm Hòa, chú đã quan tâm và liên lạc thư cho con trong thời gian qua, gia đình con cảm thấy được an ủi, được cảm thông và đã khóc khi đọc thư của chú gửi ngày hôm qua...Cơn mưa trở về/Mùa Tạ ơn, tháng 11 năm 2015.
Gia đình con đã trải qua quá nhiều những cung bậc cảm xúc trong cuộc sống, 4 mẹ con con nương tựa vào nhau để tồn tại, mẹ con trở thành góa phụ năm 26 tuổi, Ba con đi xa khi con và em gái kế còn quá nhỏ không biết chết chóc là gì, Ba con mất tháng 2 thì tháng 4 em gái út mới ra đời, mẹ con ôm 3 đứa con gái về Nha Trang đi dạy học kiếm sống và mất dần mọi thông tin về đồng đội, ban bè của Ba con từ thuở đó.
Xuân Hạ Thu Đông rồi Xuân, cuộc đời bể dâu chìm nổi, nhưng bây giờ thì sóng gió rồi cũng qua, 3 chị em con ai cũng được mẹ cho học hành có nghề nghiệp, có gia đình riêng, có công việc tạm ổn để sống bình thường như bao người. Mọi việc ở đời tùy duyên mà, không thể khác.
Xin chú Hòa và mọi người đừng cảm thấy như còn một món nợ cho người nằm xuống cần phải trả như" missions impossible" của ngày nào phải hoàn tất! Gia đình con tìm kiếm được thông tin về Ba con là một duyên lành, cám ơn tất cả mọi người đã cung cấp thông tin, và không cần gì hơn!!!
Vì thế con rất ngại và suy nghĩ dữ lắm khi viết những dòng thư này, con xin đại diện gia đình một lần nữa cảm ơn tất cả mọi người rất nhiều!!!
Số mệnh đã an bài cho tất cả chúng ta, cũng có khi Ba con đã tái sinh ở cảnh giới nào đó an lành hơn rồi, nhân mùa lễ Tạ ơn sắp đến con xin kính chúc mọi người một mùa lễ vui tươi, tràn đầy tình yêu thương và bình yên bên gia đình.
Con xin dừng thư! Con Tâm!
P/S: nếu con có viết gì chưa đúng, xin các chú bác lượng thứ cho con nhen!

Lậy Trời Con Được Bình Yên / Nam Lộc

Tôi được anh Trần Việt Hải yêu cầu đóng góp bài viết vào “Tuyển Tập Lam Phương” vào giờ thứ 25, tức là thời điểm cuối cùng khi mà hầu hết bài vở của quý văn hữu hoặc thân hữu khác đã gởi về đầy đủ để sách chuẩn bị lên khuôn.
Thời gian này cũng trùng hợp vào lúc mà chúng tôi đang chuẩn bị thu hình cho chương trình ca nhạc thứ 77 của Trung tâm Asia với chủ đề “Dòng nhạc Anh Bằng và Lam Phương” nên tôi chợt nghĩ hay là mình cứ chia sẻ với mọi người những diễn biến chung quanh việc thực hiện bộ DVD đặc biệt này đồng thời cảm tưởng riêng tư của mình đối với hai trong số các nhạc sĩ khả kính nhất của nền âm nhạc Việt Nam.
 
Thú thật mà nói, kể từ khi Việt Dzũng bỏ chúng ta ra đi, mỗi lần chuẩn bị cho các chương trình thu hình của TT Asia tôi đều cảm thấy có phần nào bối rối và mất mát! Bối rối là bởi vì trước đây thường có “hai cái đầu”, bây giờ chỉ còn lại “một mình”, soạn thảo và chuẩn bị phần giới thiệu cho cả một chương trình, mà tính tôi thì vừa lười, lại vừa quen thói “bắt nạt” thằng em, vì thế bây giờ đâm ra hụt hẫng! Trước đây, hễ tiết mục nào mình không phải giới thiệu là tôi “bán cái” cho Dzũng liền, đôi khi “bí” không biết viết gì, thì tôi cũng lại trút lên vai của Dzũng. Thật ra thì Việt Dzũng cũng chẳng chăm chỉ hơn tôi lắm đâu, tuy nhiên có lẽ vì phận “làm em” nên lúc nào cũng (không) vui vẻ gật đầu “OK, OK” thật là dễ thương và… tội nghiệp! Tuy nhiên khi hai anh em đứng chung trên sân khấu thì chúng tôi hầu như “dẹp bỏ” hết cả scripts, cứ việc tung hứng “loạn xà ngầu” tùy theo nội dung của từng tiết mục hoặc từng bài hát! Rất nhiều lần chúng tôi đã bị bà “manager” Thy Vân cùng ông “đạo diễn” Trúc Hồ complained và dọa “đuổi việc”!!! Nhưng bây giờ ngồi ngẫm lại, thì ra đó chính là những điều đã gợi lại cho tôi bao tiếc thương và mất mát, nhất là với chương trình dòng nhạc của Lam Phương và Anh Bằng lần này, vì tôi biết Việt Dzũng có rất nhiều kỷ niệm đẹp và lý thú với hai vị nhạc sĩ kể trên.

Tuy nhiên dù muốn, dù không thì dự án thu hình cho bộ DVD kỳ thứ 77 của TT Asia cũng được chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Tôi và nhạc sĩ Trúc Hồ đã đến thăm cũng như tiếp xúc với nhạc sĩ Lam Phương nhiều lần, và cũng nhờ vậy mà tôi mới biết được mối liên hệ cùng sự tương quý giữa hai nhà soạn nhạc, một già, một trẻ này. Nếu Trúc Hồ kính trọng tài nghệ cùng tư cách của nhạc sĩ Lam Phương bao nhiêu thì ngược lại anh Lam Phương quý mến khả năng âm nhạc cùng cung cách hòa âm của Trúc Hồ bấy nhiêu! Nghe hai nhạc sĩ trao đổi tôi mới biết được chính anh Lam Phương đã giao cho Trúc Hồ rất nhiều nhạc phẩm để hòa âm thu thanh cho các băng cassette hoặc đĩa nhạc của anh từ hơn hai mươi năm về trước! Họ còn “hẹn ước” với nhau một cuộc trùng phùng nghệ thuật khác, trước khi anh Lam Phương chính thức ngừng hoạt động, rất tiếc vì tính cách riêng tư của dự án nên tôi không thể tiết lộ được vào lúc này!
Về phần cô Thy Vân, giám đốc của TT Asia, thì cô đã bàn bạc với chúng tôi là trong buổi thu hình, cô sẽ cho xây dựng hai khu ngồi rất trang trọng và riêng biệt dành cho 2 nhạc sĩ Anh Bằng và Lam Phương cùng với thân quyến của các vị đó ngay trong rạp để anh chị em nghệ sĩ cùng khán thính giả có thể diện kiến họ cũng như giao tiếp bằng mắt trong các màn trình diễn, tương tự như các buổi nhạc hội tri ân và vinh danh nghệ sĩ Hoa Kỳ đã có những đóng góp lớn lao cho nền nghệ thuật mà chúng ta thường thấy diễn ra hàng năm tại Kennedy Center in Washington, DC. Tuy nhiên, vào giờ chót, nhạc sĩ Lam Phương trở bịnh nặng phải đưa vào bệnh viện, vì thế kế hoạch dự trù đã không thực hiện được. Và nhạc sĩ Anh Bằng cũng xin từ chối vinh dự này vì không có anh Lam Phương ngồi bên cạnh. Mọi người ai cũng lấy làm tiếc và thiếu đi phần vinh danh trang trọng dành cho hai vị nhạc sĩ đã đóng góp và cống hiến cả cuộc đời cho nền âm nhạc VN từ hơn 60 năm qua!  
 Chính nhạc sĩ Lam Phương cũng cảm thấy tiếc nuối, vì trở ngại sức khỏe mà ông mất đi dịp tiếp xúc, giao thiệp và trao đổi với anh chị em nghệ sĩ cùng quý vị khán thính giả của TT Asia, điều đó đã được thể hiện qua những lần điện thoại mà anh Lam Phương dù đang nằm ở bệnh viện nhưng cũng đã gọi thẳng qua Úc để tâm sự với tôi khoảng 1 tuần trước ngày thu hình khi tôi đang lưu diễn tại Melbourne! Anh còn chia sẻ với tôi rằng, dù đã xuất hiện trên sân khấu nhiều lần qua các chương trình nhạc mang tên anh, nhưng không hiểu sao lần này anh lại cảm thấy nôn nao, bồi hồi, xúc động và chờ mong khôn tả! Anh cứ ao ước rằng “phải chi mình khỏe mạnh”!!! Anh Lam Phương ơi, những điều anh ước ao chẳng phải chỉ một mình, mà là điều mong ước của hàng chục triệu người ái mộ anh trên quả đất này, trong đó có tôi, một người quý mến anh từ 58 năm qua kể từ ngày được trò chuyện cùng anh lần đầu tiên vào năm 1957 tại khu cư xá Nguyễn Tri Phương, ở thành phố Sài Gòn!   
Anh Bằng – Nam Lộc, sinh nhật Lam Phương
Nhưng có một điều phải công nhận rằng số anh lận đận thật, và nếu tôi gọi nhạc sĩ Anh Bằng là “người đàn ông đào hoa, nhưng chung thủy”, thì xin phép được mô tả anh Lam Phương là “người nhạc sĩ tài hoa, nhưng lận đận”! Anh lận đận từ công danh, sự nghiệp, cho đến cả tình lẫn tiền rồi bây giờ là sức khỏe, mặc dù anh đã có tất cả những thứ trên, và còn có nhiều hơn bao người khác nữa!  Ông Trời thật không công bằng đối với anh!
Chắc ít người biết được cậu nhạc sĩ nghèo, vừa tròn 16 tuổi đã nổi tiếng ngay với ca khúc thứ hai trong đời, bản “Nhạc Rừng Khuya” được đón nhận một cách nồng nhiệt không ngờ. Năm 1953 nhiều nhà xuất bản đã tìm đến gặp anh để ký hợp đồng thu thanh và phát hành! Anh tưởng phen này sẽ có dịp kiếm tiền để giúp mẹ nuôi nấng các em nên ký lung tung, ai ngờ đâu bị thưa ra tòa về tội vi phạm lời giao ước! Cũng may thuở ấy chàng mới 16 tuổi nên được ông Tòa tha vì “dưới tuổi vị thành niên”, và có lẽ cũng vì thế nên ngay sau đó anh đã viết bản “Kiếp Nghèo” để đành tiếp tục cuộc sống đạm bạc. Nhưng chỉ vài năm sau thôi thì đời anh đã có phần nào thay đổi, các sáng tác mới đã bắt đầu đem lại cho anh nguồn lợi nhuận tương đối khả quan, khổ nỗi lại là lúc anh lận đận vì tình, trái tim anh đã biết thế nào là đớn đau sau lần dang dở với cuộc tình đầu đầy những đam mê và kỷ niệm, mà mãi đến bây giờ khi ngồi xuống phân tích và tìm hiểu từng câu, từng chữ trong các sáng tác của anh từ suốt gần 6 thập niên trở lại đây, tôi và nhạc sĩ Trúc Hồ mới biết được nó ảnh hưởng một cách đậm đà nhưng kín đáo như thế nào qua từng nhạc phẩm mà anh đã viết, nhiều khi người ta chỉ có thể tìm thấy được một câu hoặc một vài chữ ẩn dụ trong bài hát mà thôi!   
Và cuối cùng thì Trời cũng đã không phụ kẻ có lòng, năm 22 tuổi, nhạc sĩ Lam Phương đã tìm được hạnh phúc tưởng như vĩnh cửu. Mọi người mừng cho anh khi nghe bản “Ngày Hạnh Phúc”, và có lẽ cuộc sống an bình cùng tâm hồn chất phác, thật thà của một con người nhân hậu đã khiến anh cống hiến cho đời biết bao nhiêu tác phẩm âm nhạc giá trị trong suốt thời gian hơn 10 năm sau đó, kéo dài cho đến giữa thập niên 1970. Chỉ cần một vài bản nhạc ăn khách thôi, là anh đã trở thành triệu phú. Vợ đẹp, con ngoan, xe hơi, nhà lầu, với dáng vóc cao ráo, đẹp trai, anh được mời thủ diễn trong một số phim ảnh, nhưng luôn luôn giữ bản tính khiêm nhường và nhã nhặn, vì thế mọi người ai cũng quý mến anh.

 Thế rồi cơn đại hồng thủy Tháng Tư 1975 ập xuống, thác lũ, cuồng nộ của thảm nạn quê hương đã cuốn trôi đi tất cả những gì anh tạo dựng nên bằng mồ hôi, nước mắt và tâm trí của mình! Anh bỏ lại tất cả công danh và sự nghiệp để cùng gia đình ra đi tìm tự do trên “Con Tầu Định Mệnh”, may mắn đến được bến bờ tự do với đôi bàn tay trắng và làm lại từ đầu nơi đất khách trong nỗi “Sầu Viễn Xứ”! Nhưng cái số phận long đong nó vẫn cứ đeo đuổi anh, một lần nữa trái tim anh lại nghe tan vỡ và lần này cơn đau buồn đã dâng cao đến độ anh phải “bỏ xứ ra đi”, mà anh nói đùa với tôi là để “tỵ nạn ái tình”! Quyết định đó dù tìm được “vài nụ hồng ở kinh đô ánh sáng Paris”, nhưng đã không giải quyết được cái số lận đận triền miên trong tình trường mà anh đã phải ngụp lặn từ khi còn trẻ! Chỉ có người yêu nhạc là “may mắn”, vì họ được nghe tâm sự cùng niềm thổn thức của cõi lòng anh qua những tình khúc ngập tràn nước mắt, thương đau và tủi hận! Khổ một nỗi là càng buồn thì anh viết càng hay, mà càng đau thì bài ca nghe càng thấm! Nhưng chính những cơn đau xé lòng đó đã tàn phá trái tim để rồi cuối cùng anh gục ngã vì một cơn tai biến mạch máu não vào cuối năm 1999! Thân thể anh bị tê liệt nửa người và anh trở thành phế nhân, dù trong lòng mọi người anh luôn là một hình ảnh toàn vẹn, toàn vẹn nhất của một con người hoàn hảo. Hoàn hảo từ đức độ đến tư cách, hoàn hảo từ tài năng đến cuộc đời, dù trải qua bao sóng gió.

 Quang Lê – Bạch Yến - Lam Phương

 Nhìn lại anh từ lúc trưởng thành, hay trước đó, từ thời niên thiếu, anh đã như một con tằm, bắt đầu nhả tơ cho số phận, cho cuộc đời, tình yêu và âm nhạc! Mới 7 tuổi, anh đã biết thế nào là khói lửa chiến tranh và phải đi chạy loạn từ thôn này qua làng nọ. 10 tuổi đã phải xa gia đình lên tỉnh ở trọ, 16 tuổi đã biết yêu và đã biết cầu mong “một mái tranh yêu, một mối tình chung thủy không hề phai”. Năm 17 tuổi, anh đã thấm được nỗi đau của kẻ ly hương khi những người cùng dòng máu phải di cư từ Bắc vào Nam lánh nạn Cộng Sản, và cũng vì thế mà trong kho tàng âm nhạc VN của chúng ta mới có các nhạc phẩm như “Chuyến Đò Vĩ Tuyến”, “Kiếp Tha Hương”, “Tình Cố Đô” hoặc “Tiễn Người Đi” v..v…
Lớn lên trong thời chinh chiến, anh đã làm tròn bổn phận của một người trai thời loạn, nếu không muốn nói rằng anh còn đóng góp nhiều lần hơn thế nữa qua gần 50 nhạc phẩm ngợi ca đời lính như “Chiều Hành Quân”, “Đêm Dài Chiến Tuyến”, “Bức Tâm Thư”, hay “Tình Anh Lính Chiến” v..v…
 

Trong tình trường, tuy khổ đau nhưng anh không là người phản bội, anh đã dùng âm nhạc để tự an ủi và chia sẻ nỗi lòng mình với những người dù không hay cùng hoàn cảnh, phải chăng đó là lý do mà các nhạc phẩm với tựa đề một chữ như Lầm, Tiếc, Buồn, Say, Thương, Mất …, đã được người yêu nhạc đón nhận một cách nồng nhiệt?  
Đối với những đồng hương cùng chí hướng, anh là người luôn luôn trung thành với lý tưởng của mình, một người yêu tự do, dân chủ, công bằng và nhân ái. Nhạc phẩm anh viết tặng anh hùng Trần Văn Bá cùng những người đã dấn thân về nước đấu tranh mang tựa đề “Còn Anh Em Tôi Đây”, sẽ không bao giờ nhạt phai trong lòng của những đứa con yêu tổ quốc.
Còn với quê hương, đất nước, Lam Phương là một nhạc sĩ rất nặng lòng, anh đã mơ ngày trở về ngay từ khi vừa bước xuống tầu để ra đi: “tầu mang ta đi, tầu sẽ đón ta hồi hương”! Nhưng hơn 40 năm qua anh vẫn một lòng kiên trì, không hề đặt chân trở lại Việt Nam dù hàng triệu khán giả trong nước mong ước được gặp lại người nhạc sĩ đáng mến này. Gần đây nhất, tôi được biết là dự trù sẽ có một buổi đại nhạc hội gồm toàn dòng nhạc của Lam Phương có tên là “Thao Thức Vì Em” được diễn ra ngay tại Nhà Hát Lớn ở Hà Nội, đặc biệt là sẽ có sự tham dự của nữ ca sĩ Bảo Yến sau hơn 10 năm vắng bóng. Tôi sẽ không viết những dòng “quảng cáo miễn phí” cho đêm nhạc hội này nếu người hát không phải là cô Bảo Yến, một nữ ca sĩ mà anh em chúng tôi đã từng đứng ra để xin cho cô được “tỵ nạn chính trị” ở Hoa Kỳ cách đây hơn 10 năm về trước, vì bị kỳ thị và ngược đãi tại VN. Bảo Yến đã được cấp tình trạng thường trú ở Mỹ, tuy nhiên vì quá thương nhớ con cho nên cô đã lén về thăm nhà qua ngã Bangkok, nhưng khi nhà nước CSVN khám phá rằng cô đang có mặt ở Sài Gòn, họ đã tịch thu hết giấy tờ và cấm cô được xuất ngoại trở lại. Và chính sự việc này khiến cô từ chối xuất hiện ở bất cứ một buổi nhạc hội nào từ suốt 10 năm qua dù đã nhận được bao nhiêu lời mời. Vâng, ở VN hiện nay, khó ai có thể trình bầy trọn vẹn dòng nhạc Lam Phương bằng nữ ca sĩ Bảo Yến, bởi vì cô không chỉ hát bằng giọng ca thiên phú mà còn hát bằng trái tim đầy lý tưởng của mình.



Riêng đối với tôi, sự “hoàn hảo” của anh được thể hiện qua hình ảnh của một người nhạc sĩ hiền hòa, không thích chính trị và không làm chính trị, nhưng anh Lam Phương đã có những “hành động chính trị” còn hơn hẳn biết bao nhiêu “chính trị gia nổi tiếng” của chúng ta. Tôi còn nhớ cách đây vài năm, khi được một tờ báo ở trong nước phỏng vấn rằng: “Thưa nhạc sĩ, chúng tôi được biết là Bến Thành Audio-Video đang dự định mời ông về làm live show đầu tiên tại Việt Nam vào cuối năm nay. Vậy ông có quyết định trở về hay không?”
Nhạc sĩ Lam Phương đã trả lời: “Tháng 12 vừa qua, tôi có đi Úc trình diễn, nhưng đó là chuyện về trước. Giờ, tôi đã lớn tuổi rồi, không bao lâu nữa đã bát thập niên, lại thêm đi đứng khó khăn, nói năng chậm chạp, có lẽ sẽ khó tham dự được live show do Bến Thành Audio-Video tổ chức. Tuy nhiên dù về hay không về thì lòng tôi lúc nào cũng không nguôi nghĩ về quê cha đất tổ, đến những người thân thương, những khán thính giả, bạn bè bằng hữu quý mến mình. Tôi cầu mong an lành và hạnh phúc thường trực ở với mọi người”.
Thật ra thì nhạc sĩ Lam Phương đâu cần phải nói câu “Tháng 12 vừa qua, tôi có đi Úc trình diễn…”! Những người thông minh có thể hiểu ngay thông điệp kín đáo của ông là, từ Úc về VN chỉ có vài tiếng đồng hồ, vậy tại sao tôi đã đến Úc được mà lại không về VN? Có lẽ người ký giả của tờ báo Thanh Niên cũng thông minh không kém cho nên ông ta đã qua mặt được bọn Công An kiểm duyệt tin tức từ nước ngoài!
Giọng hát Bảo Yến, tình khúc Lam Phương, một kết hợp tuyệt vời: “Lậy Trời Con Được Bình Yên”!  
Nam Lộc

California, cuối Thu, 2015

Sunday, December 13, 2015

Lam sơn 719 góc nhìn trong cuộc của một sĩ quan VNCH

Với bản thân mình là Đại úy Đại đội trưởng của một đơn vị tổng trừ bị tham dự trong cuộc hành quân nầy. Tôi xin ghi lại một cách trung thực những gì tôi biết, tôi nghe, tôi thấy trong khả năng hiểu biết của mình .Tôi muốn nói lên sự thực, một sự thật

Phạm Văn Tiền

Lời tác giả:
Từ lâu đã có quá nhiều bài viết về cuộc hành quân Lam-sơn 719 tại Hạ Lào. Có nhiều người quá lạc quan cho rằng QLVNCH đã chiến thắng lớn trong cuộc hành quân nầy vì quân ta đã phá hủy được phần lớn căn cứ hậu cần địch dọc theo hệ-thống đuờng mòn Hồ chí minh tại cứ điểm Tchépone. Lại có vài bài viết khác lại nói rằng đây là cuộc hành quân thảm bại nhất, hao tốn nhiều xương máu của anh em binh sĩ mà chẳng có kết quả cụ thể nào. Bao nhiêu quân trang quân dụng cùng vũ khí đủ loại kể cả pháo binh và thiết giáp đem vào khi xung trận, lại phải hủy diệt tại chổ hay biếu không cho địch. Điều tai hại nhất là làm suy sụp nghiêm trọng đến tinh thần chiến đấu của nguời lính QLVNCH, vì chẳng có đơn vị nào còn nguyên vẹn trong cuộc lui binh rầm rộ, hỗn độn, hấp tấp vô cùng mất trật tự chưa từng xảy ra trong quân sử của bất cứ quân đội thiện chiến nào. Hình ảnh oai hùng của người lính lâm trận cùng đủ loại yểm trợ và các vũ khí vô cùng tối tân đã bị phai nhạt khi người lính trở về trong thất vọng, mất mát, thiểu não như vừa thoát về từ địa ngục trần gian. Với bản thân mình là Đại úy Đại đội trưởng của một đơn vị tổng trừ bị tham dự trong cuộc hành quân nầy. Tôi xin ghi lại một cách trung thực những gì tôi biết, tôi nghe, tôi thấy trong khả năng hiểu biết của mình .Tôi muốn nói lên sự thực, một sự thật vô cùng khổ đau mà người lính QLVNCH phải đương đầu với tất cả sức lực còn lại của mình để tồn tại trong cái chết là điều chắc chắn.

Vừa mãn khóa 4/70 Đại đội trưởng tại trường Bộ Binh Thủ Đức, hết phép cũng là lúc tiểu đoàn đang nghỉ dưỡng quân sau cuôc hành quân dài 3 tháng tại Đức Dục - Quảng Nam. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm đơn vị được ăn Tết tại hậu cứ. Lệnh chuẩn bị hành quân được ban ra trong lúc đa số các anh em binh sĩ còn trể phép chưa về trình diện đầy đủ. Tiểu đoàn cấm trại 100% và lệnh cho các ĐĐT bằng mọi cách, gom con cái của mình lại càng nhanh càng tốt. Một số lớn binh sĩ ở trại gia binh được gọi vào để trang bị vũ khí đạn dượt sẵn sàng cho môt cuộc hành quân xa. Đại đội tôi cố gắng lắm cũng đử gần được 100 anh em, số còn lại sẽ được chuyển ra trong chuyến liên lạc gần nhất. Đoàn GMC của đại đội vận tải sư đoàn mang chúng tôi từ hậu cứ Tam Hà - Thủ Đức đến phi trường quân sự Biên Hòa, để từ đây không vận bằng C130 ra Huế. Đến phi trường Phú Bài vào lúc nhá nhem tối, vì là đơn vị di chuyển sau cùng của tiểu đoàn nên chúng tôi được lệnh đóng quân qua đêm tại công viên bên bờ sông Hương, trước mặt cửa Thượng Tứ; để rồi sáng sớm ngày hôm sau sẽ vào vùng hành quân. Xe qua An Lỗ, cầu Phổ Trạch quận Phong Điền nơi vết tích của cuộc phản kích tuyệt vời thuộc đơn vị tôi vào sáng ngày 29/6/1966. Vị tiểu đoàn trưỡng đã anh dũng hy sinh cùng hàng chục người khác. Rồi Mỹ Chánh, Quảng Trị, Ái Tử, Đông Hà...một thị trấn nhỏ bé nằm cực Bắc đất nước nơi tuyến đầu lửa đạn, vẫn còn đây với bao kỷ niệm ôm ấp từ những ngày mới ra trường, thành phố của đủ mọi sắc lính vẫn đi và về trong hối hả vội vàng. Qua Cam Lộ bắt đầu rẽ trái về quốc lộ 9 đường đi Savanakhet Hạ Lào để từ đây vào thẳng vùng đồi núi Khe Sanh, nơi đặt trung tâm hành quân của Quân Đoàn I cho cuộc hành quân sắp tới.
Khe Sanh là một cái tên khá quen thuộc, một vùng đất mầu mỡ nhiều đồn điền càfé thời Pháp thuộc nay đã biến thành một cứ điểm chiến lược vô cùng quan trọng trong cuộc chiến tranh nầy, nơi nổi danh với nhiều trận đánh lẫy lừng đẫm máu nhất giữa quân CSBV và lực lượng đồng minh Hoa Kỳ vào cuối năm 1967 và những tháng đầu năm 1968. Lực lượng địch đã vây hãm Khe Sanh trong vòng 77 ngày với ý đồ biến nơi đây thành mồ chôn quân Mỹ của một Điện Biên Phủ thứ 2, nhưng rồi đã bị thảm bại tan tác dưới các cơn mưa bom đạn của một quân lực hùng mạnh nhất thế giới, trung bình mỗi ngày hơn 45 phi vụ B52 và 300 phi vụ oanh tạc khác yểm trợ chiến thuật. Số bom đạn được ném xuống ở đây còn nhiều hơn tổng số mà quân đồng minh đã xử dụng trong trận đại chiến thế giới lần 2 khi đánh bại Đức Quốc Xã.

Lần nầy để yểm trợ cho cuộc hành quân sang lãnh thổ bạn, quân lực Hoa Kỳ chịu trách nhiệm khai quang các trục lộ và bảo đảm an ninh từ 2 tháng trước từ Đông Hà đến tận miền biên giới Việt Lào, đường xá và một số cầu cống được tu sửa lại thật hoàn chỉnh, phi trường quân sự Khe Sanh bị hoang phế nhiều năm nay cũng được tu bổ lại sẵn sàng cho các vận tải cơ đáp xuống tiếp tế tản thương theo nhu cầu chiến trường; một số bệnh xá dã chiến cũng được thiết lập để có thể chữa trị thương binh tại chổ. Đây là cuộc hành quân được chuẩn bị một cách khẩn trương, nhộn nhịp đại quy mô gồm nhiều đơn vị tham dự mà chẳng có yếu tố bảo mật chút nào. Xe cộ lui tới thường xuyên, tiếng rú của động cơ máy bay cùng các xe ủi đất vang rền lên xuống ngày đêm, có lẽ từ ngày khởi sự chiến tranh ở miền Nam cho đến lúc nầy chưa có cuộc hành quân nào được chuẩn bị ồn ào như vậy. Các lực lượng tham chiến gồm các trung đoàn của sư đoàn 1BB, các lữ đoàn của sư đoàn Nhảy Dù và TQLC, liên đoàn I/BĐQ và lữ đoàn I/Thiết Giáp. Ngoài các thành phần tham dự kể trên còn có các cố vấn Hoa Kỳ bên cạnh các đơn vị, các sĩ quan đại diện Không lực Mỹ về không trợ và không vận.
Kể từ năm 1970, sau kế hoạch Việt Nam hoá chiến tranh, quân đội Hoa Kỳ bắt đầu giảm bớt quân số tại chiến trường Việt Nam, không còn những cuộc hành quân của lực lượng tác chiến mà chỉ xử dụng không quân yểm trợ phối hợp cùng không quân của QLVNCH. Hệ thống cố vấn Mỹ tại các đơn vị tác chiến cũng từ đó giảm bớt và đặc biệt họ không còn phải tháp tùng trên bộ cùng chúng ta trong các cuộc hành quân ngoại biên. Sư Đoàn TQLC-VN tham dự cuộc hành quân Lam sơn 719 nầy gồm toàn bộ 3 lữ đoàn. Với nhiệm vụ trừ bị cho quân đoàn I, chỉ nhảy vào vùng chiến ở những giai đoạn quyết định mà thôi. Giai đoạn đầu của cuộc hành quân là dùng trực thăng đổ quân xuống các cao điểm Bắc và Nam quốc lộ 9, giới hạn bởi Bản Đông nằm giữa trục tấn công từ biên giới đến Tchépone, thiết lập các căn cứ hoả lực, yểm trợ cho các cuộc hành quân phân tán lục soát trong tương lai. Xử dụng tối đa không trợ, đặc biệt các pháo đài B52 cầy nát mục tiêu trước khi dùng bộ binh đổ xuống Tchépone.
Cuộc hành quân chính thức bắt đầu lúc 8 giờ sáng ngày 8, tháng 2 năm 1971 qua lời tuyên bố của TT Nguyễn văn Thiệu trên đài phát thanh Sàigòn: " Cuộc hành quân có giới hạn trong thời gian và không gian với mục tiêu duy nhất là phá vỡ hệ thống tiếp liệu và xâm nhập của CSBV trên phần đất Ai-Lao mà chúng chiếm đóng và xử dụng trong nhiều năm nay để tấn công vào QLVNCH. Ngoài ra QLVNCH không có tham vọng đất đai nào tại Ai-Lao vì VNCH luôn luôn tôn trọng nền độc lập và sự an toàn lãnh thổ của Vương Quốc Ai-Lao ". Lữ Đoàn I/ND gồm các tiểu đoàn 1 và 8 cùng Lữ Đoàn I/Thiết Giáp đi tiên phong tiến dọc quốc lộ 9 và hướng Bản Đông để thiết lập căn cứ A-Lưới. Đây là căn cứ lớn nhất của cuộc hành quân và cũng là nơi đặt bộ chỉ huy Lữ Đoàn I/ND. Trên mặt Bắc tiểu đoàn 2/ND và các pháo đội cơ hữu đến điểm cao 500m nằm cách quốc lộ 9 và biên giới Việt Lào hơn 8 Km để thiết lập căn cứ 30. Tiểu đoàn 3/ND cũng nhảy trực thăng vào cao điểm 456m lập căn cứ 31 và cũng là nơi đặt BCH Lữ đoàn 3/ND. Xa hơn nữa về mặt Bắc, Liên Đoàn 21/BĐQ gồm 2 tiểu đoàn 21 và 37 được trực thăng vận đến bãi đáp Ranger South cách căn cứ hỏa lực 30 khoảng 5 km về phiá Tây Bắc. Ba ngày sau tiểu đoàn 39/BĐQ được nhảy vào căn cứ Ranger North. Hai căn cứ nầy được thiết lập với mục đích quan sát sự chuyển quân của CS đồng thời làm trì hoãn các cuộc tấn công địch vào trục tiến quân chính.Trung Đoàn 3/SĐI/BB cũng được nhảy vào vùng tận cùng phiá Nam tại căn cứ Blue và Hotel, trong khi đó Trung Đoàn I/SĐI/BB vào hoạt động xung quanh căn cứ Delta. Mục tiêu 604 tại thị trấn Tchépone đã bị ta oanh tạc thật khủng khiếp và nhờ vậy các cuộc đổ quân của ta vào vùng nầy được hoàn tất mà không gặp được sự kháng cự nào. Địch hầu như biết trước ý định của ta nên đã phân tán mỏng ra xa để tránh thiệt hại, để rồi liền sau đó tập trung nhiều Sư Đoàn thiện chiến nhất để tấn công ta.
Chiến dịch tổng phản công của địch được mở màn ngày 18/2 khi tăng cường áp lực bao vây và tấn công căn cứ Ranger North, trung đoàn 102 thuộc sư đoàn 308/CSBV đã áp đảo được căn cứ nầy. Thời tiết xấu và cường độ phòng không quá mạnh của CS khiến không quân không thể can thiệp hữu hiệu, đến chiều 19/2 căn cứ Ranger North bị tràn ngập, vị tiểu đoàn trưởng Vũ Đình Khang TĐ39/BĐQ đã bị bắt sống, bộ phận còn lại do tiểu đoàn phó chỉ huy di tản về Ranger South. Căn cứ Ranger North thất thủ, quân CS tiếp tục đánh chiếm căn cứ Ranger South, tìểu đoàn 21/BĐQ chỉ đủ sức cầm cự được 2 ngày với sự thiệt hại thật nghiêm trọng, sau đó được trực thăng vận bốc về Phú Lộc qua chuyển tiếp căn cứ 30 của Nhảy Dù. Thừa thắng xông lên vào ngày 23/2 địch bắt đầu tấn công thăm dò căn cứ 31, để rồi sau đó tung toàn bộ chiến xa tiến chiếm căn cứ nầy. Đại tá Nguyễn Văn Thọ lữ đoàn trưởng cùng một số sĩ quan tham mưu đã bị bắt sống, trong đó có những cái chết thật hào hùng của Thiếu Tá Hiền Tham Mưu Trưởng và Đại Úy Đương pháo đội trưởng đã tự kết liễu đời mình. Đúng 6 giờ 30 sáng ngày 25/2/71, căn cứ hỏa lực 31 Hạ Lào đã hoàn toàn lọt vào tay giặc. Ngày 26/2, CS dùng 2 trung đoàn thuộc SĐ304 tiếp tục tấn công căn cứ 30 cuối cùng căn cứ nầy cũng phải di tản chiến thuật và toàn thể các khẩu pháo cơ hữu của ta bị hư hại hoàn toàn.


Trong khi địch tấn công ồ ạt ở mặt Bắc, thì tại khu vực Đông Nam các đơn vị của trung đoàn 3/BB cũng đã bị bao vây uy hiếp. Mặc dầu cũng đã được yểm trợ bởi không quân và pháo binh đầy đủ nhưng vẫn cầm cự không nổi, sau cùng cũng phải tìm nơi an toàn để được trực thăng bốc về Khe Sanh. Trước tình hình diễn biến ác liệt của chiến trường, hết đơn vị nầy đến đơn vị khác của ta chịu trận, không sao tiếp cứu lẫn nhau, dù đã có lần khi đồn 31 bị tấn công, SĐ Dù đã đổ bộ thêm vào trận địa một tiểu đoàn để tiếp sức nhưng không sao đáp xuống bải đáp được vì hỏa lực vô cùng mãnh liệt của địch.

Về phương diện thông tin báo chí, khi các phóng viên đã thổi phồng tin tức biến những cuộc lui binh cuả chúng ta thành thảm kịch trên chiến trường, điều tệ hại nhất là đài BBC đã phóng đại việc quân ta tiến vào Tchépone trong khi cuộc hành quân mới nửa đường tới mục tiêu; chính việc nầy đã gây một sự bất lợi thật quan trọng cho việc hành quân vì địch quân đã nắm rỏ được ý định của ta nên đã sẵn sàng chuẩn bị nghênh chiến.
Sư đoàn I/BB với trung đoàn 2 còn lại bằng mọi gía phải đánh chiếm Tchépone; dù chỉ là một tiểu đoàn được trực thăng vận vào trận địa cũng được, sau khi hoàn tất hoạt động trong thời gian ngắn rồi sẻ rút ra ngay. Trung đoàn I. SĐI/BB được điều quân lên mặt Bắc phía Nam sông Tchépone để tiếp ứng. Địch đã đoán được ý định của ta nên đã bố trí các đơn vị ra xa vùng sát hại dưới những trận mưa bom khủng khiếp của ta. Ngày 6/3, 120 trực thăng chuyên chở hai tiểu đoàn 2 và 4 của trung đoàn 2/SĐI/BB từ Khe Sanh đến bải đáp HOPE, cách Tchépone khoảng 4 km về phía Bắc. Hoả lực khá nặng của CS chỉ bắn rơi một trực thăng trong cuộc trực thăng vận đại qui mô nầy, ngày hôm sau quân đội VNCH tiến vào Tchépone mà không gặp một sự kháng cự nào của địch. Tình hình yên tỉnh cho tới khuya thì pháo địch bắt đầu tập trung bắn phá và điều động cả sư đoàn dùng chiến thuật biển người tấn công ta, trực thăng ta chỉ đến bốc được vài toán đầu, sau đó đành phải bó tay trước hỏa lực phòng không dầy đặc của địch, số còn lại phải mở đường máu di tản về hướng Nhảy Dù. Căn cứ Lolo tại cao điểm 723 nơi bộ chỉ huy trung đoàn I/BB cũng chịu chung số phận phải di tản sau 10 ngày đêm chiến đấu ròng rã. Tiểu đoàn 4 trung đoàn I/SĐI/BB là đơn vị ở lại sau cùng để bảo vệ cuộc lui binh, lúc về đến Khe Sanh chỉ còn 63 người trong tổng số 432 người, tất cả đều bị tử trận, mất tích hay bị thương. Trung tá Lê Huấn, K18 Đà Lạt, người hùng của trung đoàn I/SĐI/BB đã anh dũng hy sinh trong cuộc lui binh nầy.
Mãi cho đến giờ phút nầy cũng chưa có ai có thể giải thích một cách rõ ràng tại sao các nhà lãnh đạo quân sự miền Nam đã ném quân sĩ thiện chiến của họ vào mặt trận Hạ Lào, một cuộc hành quân mạo hiểm có tính cách phô trương hơn là mang về một chiến thắng thật sự. Không cần bảo mật mà chẳng có kế hoạch phối hợp rõ ràng, hệ thống chỉ huy điều hành bị bối rối không được thống nhất. Các vị tư lệnh của 2 sư đoàn tổng trừ bị của quân lực VNCH là Trung Tướng Lê Nguyên Khang và Trung Tướng Dư Quốc Đống đã không hiện diện cùng binh sĩ tại mặt trận, mặc dầu đơn vị của họ là những nổ lực chính yếu của chiến trường. Sự thảm hại toàn bộ của các lực lượng tham chiến ở giai đoạn đầu thì việc đổ thêm quân tiếp vào giai đoạn kế tiếp quả là một điều chẳng nên, chỉ làm hao tốn thêm xương máu của binh sĩ mà thôi. Điều quan trọng nhất là còn tinh thần đâu nữa mà chiến đấu. Sư đoàn TQLC cuối cùng rồi cũng phải nhảy vào vòng chiến và cũng không sao tránh khỏi số phận "tan hàng" đang dành sẵn cho mình. Vào trận với một tâm lý không ổn định chuyện thất bại là điều chắc chắn sẽ xảy ra, chúng tôi như những con thiêu thân đang lao mình vào lửa đỏ.

Mọi chuyện bắt đầu vào những ngày đầu tháng 3 năm 1971. Lữ đoàn 147/TQLC do Đại Tá Hoàng Tích Thông chỉ huy gồm các tiểu đoàn 2, 4 và 7 được nhảy vào căn cứ Delta. Đây là một dãy đồi có thế hình yên ngựa ở độ cao 550m gồm 2 mỏn nhỏ, mặt Bắc đặt BCH/LĐ, còn phía Nam chỉ có khả năng đủ chổ cho một pháo đội hỗn hợp gồm 2 khẩu 155ly và 4 khẩu 105 ly thuộc tiểu đoàn 2/PB/TQLC. Mặt Tây là một triền dốc đá thẳng đứng dựng, còn phía Đông là những rẫy hoang cùng nhiều đường mòn chi chít.


Lữ Đoàn 258/TQLC được trực thăng vận vào đỉnh KOROC, căn cứ Đông Hà nằm trên ranh giới Lào Việt từ Lao Bảo trải dài xuống phía Nam với các tiểu đoàn 1, 3 và 8 cùng pháo đội của tiểu đoàn 3/PB/TQLC. Nhưng mặt trận chính vẫn là xung quanh vùng hoạt động của Lữ Đoàn 147. Tiểu đoàn 4/TQLC được thả xuống và bung rộng về hướng Đông Bắc, tiểu đoàn 2/TQLC chịu trách nhiệm về mặt Tây Bắc, trong khi đó tiểu đoàn 7/TQLC bảo vệ pháo binh và BCH/LĐ. Đại úy Nguyễn Hoa khoá 20 Đàlạt, trưởng ban 3/TĐ7/TQLC đã bị tử thương cùng nhiều binh sĩ khác trong cuộc pháo kích đầu tiên vào căn cứ hỏa lực. Tiểu đoàn 2/TQLC có 4 ĐĐT thì 2 đã bị thương loại khỏi vòng chiến đấu trong tuần lễ ra quân đầu tiên . Trung úy Kiều Công Cự ĐĐT/ĐĐ4, Đ/u Nguyễn Kim Thân ĐĐT/ĐĐ2, Tr/úy Bùi Ngọc Dũng ĐĐP/ĐĐ2, cũng đã bị thương rất nặng cùng Th/úy Trần Văn Loan. Tất cả đã được tải thương kịp thời nhưng Dũng bị chết dọc đường và sau nầy được ghi nhận là mất tích. Tr/úy Nguyễn Dũng Trí ĐĐP/ĐĐ5 được lệnh sang làm ĐĐT/ĐĐ2. Như cục đường bỏ vào hang kiến lửa, địch cứ thế mà bu vào. Sau khi đã rảnh tay ở mặt trận phía Bắc, địch tập trung đủ mọi nổ lực kể cả hệ thống phòng không pháo binh hầu uy hiếp cô lập căn cứ. Hai trực thăng của QLVNCH đã bị bắn hạ nhưng vẫn cố gắng đáp xuống được ngay bãi đáp tại BCH/LĐ, phi hành đoàn an toàn. Đó là phi vụ cố gắng cuối cùng trong chuyến liên lạc với BCH/LĐ.

Sau đó việc tiếp tế, tản thương coi như hoàn toàn bế tắc. Chỉ mới vỏn vẹn có một tuần mà bao nhiêu điều bế tắc đã xảy ra, binh sĩ bị thương mỗi ngày một nhiều không được tải thương, đạn dược lương thực bị hao hụt dần, đa số binh sĩ hoang mang giao động không còn tinh thần chiến đấu. Pháo binh cơ hữu của ta bị kiệt quệ hoàn toàn, mọi sự yểm trợ nhờ vào LĐ/258 tại KOROC và các phi vụ oanh tạc của không quân Hoa Kỳ. Tiểu đoàn 2/TQLC bị địch chận đánh khi hoạt động cách căn cứ khoảng 4-5 km, trong một phi vụ yểm trợ một quả bom đã lạc và nổ ngay vị trí của ĐĐ5 làm tổn thương thêm một số binh sĩ, tiểu đoàn được nhận lệnh dừng ngay tại chổ chờ lệnh. Về phiá TĐ4/TQLC cũng không có gì sáng sủa hơn, vẫn bị địch cầm chân và quân số mỗi ngày thêm hao hụt. Chẳng có một kho tàng nào của địch bị ta phá hủy trong giai đoạn nầy, trước tình thế đó, BCH/LĐ điều động TĐ2 và TĐ4 về hoạt động chung quanh căn cứ để sẳn sàng cho một cuộc rút quân trong tương lai. Biết được ý định đó nên địch càng bám theo ta rất sát, ĐĐ5/TĐ2/TQLC là ĐĐ tiền đồn ở mặt Bắc căn cứ hầu như ngày nào cũng bị địch tấn công, trong khi tất cả lực lượng của TĐ4/TQLC đã rút qua mặt về phía trong BCH/LĐ. Th/tá Nguyễn Xuân Phúc tiểu đoàn trưởng cùng Đ/úy Trần Văn Hợp tiểu đoàn phó TĐ2/TQLC cũng được điều động về nằm chung với BCH/LĐ. Một biến cố đã xảy ra thật quan trọng là một trung đội đặc công VC đã xâm nhập và chiếm được một số vị trí của đơn vị phòng thủ, với ý địch cắt đứt mọi tiếp viện từ ngoài vào để tung quân tràn ngập BCH/LĐ. Tuy nhiên, địch cũng đã bị chận lại và sau đó một đại đội TĐ7/TQLC tới giải tỏa, địch tử thương một số, phần còn lại đầu hàng. Tất cả chúng thuộc SĐ/324B có nhiệm vụ tiến đánh LĐ147. Lữ Đoàn đã có lệnh di tản chiến thuật từ quân đoàn nhưng lệnh nầy chỉ phổ biến đến cấp tiểu đoàn trưởng mà thôi. Lý do thật giản dị là cố gắng duy trì tinh thần chiến đấu của các đơn vị hầu đủ thời gian sắp xếp cho một kế hoạch rút lui. Đại đội A Viễn Thám của Đ/úy Hiền đã được lệnh lên đường tìm hiểu tình hình địch nhưng tất cả lọt vào vòng vây địch, một số bị bắt trong đó có ĐĐT nên Lữ Đoàn không nhận được một tin tức nào cả. Theo kế hoạch B52 sẽ thả bom trước ở 2 mặt phía Nam Bắc và Lữ Đoàn sẽ bắt đầu di chuyển ra khỏi căn cứ lúc 08 giờ tối, theo thứ tự TĐ4, TĐ7, BCH/LĐ và pháo binh, TĐ2 đi đoạn hậu. Tất cả khẩu pháo binh cùng đạn dược và lương thực dự trử bỏ tại chổ. Trong đó có gần 60 thương bệnh binh cùng nhiều tử thi đã bị thối rữa trong nhiều ngày. Một số tù binh CS cũng bị ta còng tay nhốt trong các hầm trú ẩn gần đó. Trước giờ ấn định tình hình đã biến đổi khác thường một cách thật nhanh chóng. ĐĐ5/TĐ2/TQLC do tôi chỉ huy đã bị cô lập tại chổ trong mấy ngày liền không được tải thương và tiếp tế. Tất cả điểm có nước dưới chân đồi đều bị bao vây chế ngự. Trời tháng 3 với những cơn gió nắng rát miền Hạ lào cùng những đợt tấn công pháo kích liên tiếp của địch đã không làm nản đi ý chí quyết sống của chúng tôi, vì chẳng ai còn cách nào chọn lựa khác hơn là "PHẢI SỐNG" để được trở về bằng chính sức lực của mình. Đó là vào những ngày cuối của cuộc hành quân 21, 22/3/1971. Chúng tôi được lệnh lui binh về gần BCH hơn ...để tránh thiệt hại. Th/úy Kim trung đội trưởng vũ khí nặng cùng hạ sỉ Nghạch đã bị tử thương sau một loạt pháo kích bằng súng cối 82 ly của địch vào vị trí. Trong khi có tiếng chiến xa địch từ xa, bắt đầu mon men vào tuyến. Đó là lúc 5 giờ chiều ngày 22/3/71 và BCH/LĐ đã rút lui trước sớm hơn dự định. Đại đội tôi được lệnh di tản sau đó một tiếng đồng hồ khi chiếc T54 đầu tiên của CS bị hạ bằng khẩu SKZ 57 ly từ tay Tr/sĩ I Nguyễn Tế. Giọng Th/tá Phúc vang lên trong máy ra lệnh cho tôi '"anh phải cho con cái move down south gấp ".
Bật chạy ra khỏi hầm trú ẩn. Tôi hô to "Đ/úy Tiền ĐĐT/ĐĐ5/TĐ2/TQLC đây, các anh hãy theo tôi", vẫn cứ thế tôi mãi lải nhải vào tận phía trong. BCH/LĐ trống vắng, mùi thúi rữa của tử thi nơi những chiếc poncho bọc kín không được tải thương trong nhiều ngày, vài chục người trong toán lính bị thương còn lại đang hờn trách cấp chỉ huy, tôi vẫn hô to "Đ/úy Tiền đây, các anh hảy theo tôi" giọng Hạ sĩ Báu người lính gan dạ của đại đội tôi bị thương vào chân hôm qua khóc to nhất "chân em bị gãy làm sao chạy được ông thầy". Nước mắt tôi tuông chảy, miệng lẩm bẩm "đành chịu vậy thôi! chứ biết làm sao bây giờ" trong khi đèn chiến xa địch bắt đầu soi sáng và bắn nả theo lên đồi căn cứ.

Không thể chần chờ được nữa, có tiếng hô to của giặc phía sau "Hàng sống chống chết", tôi và 2 hiệu thính viên: Đặng Phước Thành và Nguyễn Văn Chúc cùng nắm giây leo trên đỉnh dốc đá thẳng đứng "một, hai, ba, ò e con ve đánh đu, tarzan nhảy dù", chiếc dây qúa tải bị đứt nửa chừng thầy trò rớt chồng lên nhau trên mặt đất.Tay mò mẫm khắp nơi trên cơ thể, đứng lên ngồi xuống, mới yên tâm là mình còn đủ sức để mưu sinh thoát hiểm.Chúc nhe hàm răng vàng óng ánh "Có ông bà độ đó ông thầy". Tôi tập hợp tại chổ được vài ba chục mạng người, gồm nhiều đơn vị khác nhau. Tôi ra lệnh là muốn sống phải theo tôi và tuyệt đối giữ kỷ luật khi di chuyển. Th/tá Phúc (TĐT) và Đ/úy Hợp (TĐP) vẫn lên máy điều động và hướng dẫn chúng tôi theo nhiều trái sáng liên tiếp được bắn lên từ KOROC. Không cần xử dụng bản đồ và địa bàn, chúng tôi cứ nhắm hướng có trái sáng mà đi tới. Khoảng hơn nửa đêm về sáng, chúng tôi lọt ngay vào vòng địch có tiếng hô to của người lính gác: "các đồng chí đi đâu về khuya thế.?". Toán đi đầu hốt hoảng dội ra, nhanh ý tôi điều động anh em đi hướng khác. Sáng hôm sau, trời nắng đẹp bầu trời xanh thẫm, ra khỏi khu rừng rậm là những dãy đồi tranh đầy cỏ dại loang lỗ nhiều hố bom chạy dài xa tít. Hạ sĩ Thất vẫn còn mang chiếc máy truyền tin trên lưng chạy đến tìm tôi khóc mếu máo: "Đại bàng ơi.! Th/úy em chết rồi ". Đinh Hồng Lạc là sĩ quan trẻ thâm niên nhất trong đại đội tôi, đẹp trai với làn da trắng mịn như con gái, người Cần Thơ và rất mùi với 6 câu vọng cổ.Chính mắt tôi thấy anh ngã gục khi có lệnh của tôi, vừa vọt ra khỏi miệng hầm, một viên đạn thượng liên trên pháo tháp xe địch đã xuyên qua màng tang. Xác anh nằm vắt ngang bên vệ đường. Chiếc đầm già L19 xuất hiện quan sát bao vùng cùng vài chiếc trực thăng võ trang của Mỹ đã làm chúng tôi an tâm hơn. Trái khói vẫn tiếp tục bắn chỉ điểm nơi điểm hẹn. TĐ3/TQLC Sói biển được điều động từ KOROC tới để cứu nguy cho chúng tôi. Địch tốc tới, tiếp tục tấn công vào bải bốc tại điểm tập trung nầy, phi cơ Mỹ chỉ có thể tản thương được một vài đợt đầu tiên, sau đó với sự chiến đấu gan dạ của TĐ3 chúng tôi tiếp tục di chuyển tiếp đến một địa điểm an toàn khác.

Tập họp lại khi về đến Khe Sanh đại đội tôi chỉ vỏn vẹn còn vài chục chục thầy trò, phải mất gần 1 tuần lễ sau, những toán thất lạc lần lượt được các trực thăng Mỹ chở về. Đại đội tôi mất đi gần phân nửa, một hao hụt qúa lớn lao. Bộ tư lệnh QUÂN ĐOÀN I đã vinh danh chiến thắng HẠ LÀO bằng một cuộc diễn binh rầm rộ tại PHÚ VĂN LÂU, nhiều huy chương và thăng cấp cho các quân nhân tham dự. Trong đó có các đơn vị trưởng tại chiến trường. Th/tá Phúc và Đ/úy Hợp của TĐ2/TQLC cũng không ra ngoài ngoại lệ đó. Còn tôi và Đ/úy Lâm Tài Thạnh ĐĐT/ĐĐI mỗi người một Đệ Ngũ Bảo Quốc Quân Chương với nhành dương liễu.

Ngày nay khi ngồi hồi tưởng lại mặt trận Hạ Lào, bao hình ảnh thân thương của những người lính trong đơn vị như còn lảng vảng đâu đây. Th/úy Nguyễn Kim đã chết bất ngờ trong giờ phút cuối khi chỉ mơ ước về đúng lúc ngày đứa con đầu lòng được chào đời. Th/úy Đinh Hồng Lạc không còn nữa để nàng con gái Kim Oanh bên dòng sông Kiên Long mòn mỏi chờ đợi. Chuẩn úy Lê Văn Quế và Tr/sĩ I Tế đã lạc lỏng đâu đó trong rừng Hạ Lào không có mặt khi về lại Khe Sanh. Hạ sỉ Báo, Tr/sĩ Được, binh nhì Ngô Văn Lẹ và bao nhiêu người thương binh khác đã ra sao.? Khi những trận bom liên tiếp dội xuống căn cứ Delta sau khi đoàn quân ta đã di tản. Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã chiến thắng tại các chiến trường Kampuchia, An Lộc, Quảng Trị nhưng rõ ràng chúng ta không thắng tại Hạ Lào.

Ai chiến thắng mà không hề chiến bại,
Ai nên khôn mà chẳng dại một... đôi lần


Đã đến lúc chúng ta hảy trả lại SỰ THỰC cho LỊCH SỬ, mặc dầu đó là một sự thực đau lòng. Tôi xin ghi lại câu nói "để đời" của Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, người chịu trách nhiệm chỉ huy tổng quát của cuộc hành quân nầy với Đại Tá Hoàng Tích Thông LĐT/LĐ147/TQLC:
"Sao Thủy Quân Lục Chiến, nó về được nhiều thế nhỉ.!."

ARLINGTON, tháng 10-2003
MX Phạm văn Tiền.

Chuyến Tàu Cuộc Đời / Chào Tạm Biệt Phi Đoàn 219 Bingo !!! Toán Triệt Xuát



                     Namo Sakya Muni Buddha
                                           
Cuc đi ging như mt chuyến du hành trên xe la: người này lên tàu người kia xung ga, có nhng tai nn, có nhng chuyn ngc nhiên nhng trm này,  ri chuyn bun tt bc nhng trm khác.

Lúc ta chào đ
i cũng như khi ta bước lên xe la, ta gp nhng người, ta đã tưởng rng h s li vi ta sut chuyến đi: đó là cha m ta! Tht không may, s tht li khác hn. Song thân đã xung mt ga n, b mc chúng ta thiếu tình yêu thương và s trìu mến, thiếu tình âu yếm và s đng hành ca các đng sinh thành.

Dù sao, l
i có nhng người khác lên tàu, h tr nên rt quan trng đi vi chúng ta: Đó là anh ch em ta, các bn bè và nhng người tuyt vi mà ta thương yêu. Có nhng người xem cuc hành trình như mt bui do chơi. Có nhng người khác li ch thy bun ru trong sut chuyến đi. Có nhng người luôn luôn hin din và sn sàng giúp đ nhng ai cn. Có nhng người, khi xung tàu, đã đ li mt ni nhung nh trin miên… Có nhng người va lên đã xung ngay, chúng ta ch va kp thy h thôi… Chúng ta ng ngàng vì mt vài hành khách mà chúng ta yêu mến li ngi mt toa khác, b mc chúng ta trong hành trình đơn đc. Dĩ nhiên, không ai có th cm cn chúng ta đi tìm h khp nơi trên xe la. Đôi khi, tht không may, chúng ta không th ngi bên h bi vì ch đã có người. Không can chi… hành trình là như thế: đy thách đ, lm gic mơ, nhiu hy vng… vi nhng ln t bit mà không biết bao gi tr li.

Hãy c
gng thc hin chuyến đi cho tt đp. Hãy c gng hiu nhng người ngi bên mình và tìm ra điu tt nht nơi mi người.

Hãy nh rng vào mi khonh khc ca chuyến đi, mt người đng hành nào đó có th chao đo và cn được chúng ta thông cm. Chúng ta cũng thế, chúng ta có th chao đo và s luôn có ai đó có th hiu chúng ta. Mu nhim ln lao ca cuc hành trình là ta không biết được khi nào ta s xung tàu mãi mãi. Chúng ta cũng chng biết được khi nào các bn đng hành chúng ta cũng xung tàu như vy. Ngay c người ngi ngay bên cnh chúng ta cũng thế. Tôi nghĩ là tôi s bun khi ri con tàu... Chc chn như vy! Chia tay vi tt c bn bè đã gp trên chuyến tàu s đau đn đy; đ li nhng người thân yêu trong cô đơn thì tht là bun. Nhưng tôi chc chn rng mt ngày nào đó tôi s đến ga trung tâm và tôi li được thy h đu đến vi mt hành trang h không h có khi bước lên tàu. Ngược li, tôi s sung sướng vì được góp phn làm cho hành trang ca h tăng thêm và phong phú hơn.

Các b
n mến! Tt c chúng ta, hãy c gng thc hin mt cuc hành trình đp và hãy đ li nhng k nim đp v chúng ta khi chúng ta xung tàu. Vi nhng ai đang cùng tôi du hành trên chuyến xe la cuc đi này.

Xin cu chúc quý v Thượng L Bình An!


 Mời xem Chuyến Tàu Hoàng Hôn NKT

  Chào Tạm Biệt Phi Đoàn 219